Trang

Nhãn

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Con Chuột Vải, Quý Thể (saigonecho.com-truyệnngắn)


01 chuotbangvai

Thứ Tư, 25 tháng Chín năm 2013 22:17
Tác Giả: Quý Thể

Một trong các thú vui của thời kì mới yêu nhau là buổi sáng đưa người yêu đi chợ. Tôi còn nhớ thời đó Hương thường nhờ tôi lấy xe máy chở nàng đi chợ. Về sau, khi đã thành vợ chồng, mấy năm đầu chúng tôi vẫn giữ được thói quen đáng yêu này. Mỗi khi đến chợ tôi thường tìm chỗ vắng chờ Hương. Khi mái tóc cắt ngắn trẻ trung, cổ cao như cổ thiên nga, tà áo hoa của nàng khuất vào đám đông, tôi mới quay ra nhìn thiên hạ. Một vài bóng hồng lướt qua cũng chỉ để cho tôi so sánh với vợ mình. Người xưa nói thực đúng “ Trai khôn tìm vợ chợ đông” trong chợ không thiếu gì người đẹp, người đảm đang.

Tôi còn nhớ hôm đó chúng tôi đi chợ sớm hơn thường lệ, chợ còn thưa người. Hương vào chợ rồi, tôi tìm chỗ dựng xe đợi nàng. Tôi để ý tới một người đàn ông trạc tuổi tôi, trên dưới ba mươi. Hắn gầy, đen, áo quần tuy cũ nhưng được giặt ủi tươm tất. Vì sao tôi để ý đến hắn ta, tôi cũng không biết, hắn nhanh nhẹn và còn có cái gì khác thường . Hắn tìm một khỏang đất trống gần chợ, ngồi xuống, đặt cái thùng các-tông trước mặt. Hắn móc túi lấy cái khăn tay trải trên mặt thùng, tôi chẳng biết hắn làm gì ? Hắn chậm chạp và rất cẩn thận xếp cái khăn thành hình một con chuột. Con chuột có cái đầu nhỏ, hai tai nhọn, mình cuộn tròn. không có chân nhưng lại có cái đuôi dài là chéo khăn nhỏ ló ra. Hình như hắn ta cố ý xếp con chuột càng lâu càng tốt. Hắn chẳng nhìn chung quanh, nhưng tôi đã biết dụng ý của hắn. Một vài thằng bé đi ngang qua, tò mò nhìn, đứng lại xem. Nhiều thằng bé khác làm theo, chúng tự động xếp thành một vòng tròn. Rồi tới lượt những người lớn cũng làm như thế. Họ ngồi thành vòng tròn chung quanh hắn.

Khi đám đông đã nhiều, con chuột vải bắt đầu chuyển động, nó từ tay này nhảy sang tay kia, bò lên người hắn. Con chuột vải trông rất linh họat , nhanh nhẹn không thua chuột thực. Sau khi con chuột vải tung tăng đủ kiểu, hắn bắt đầu quảng cáo cho thứ thuốc gói trong giấy kính xanh đỏ như kẹo mà hắn gọi là thuốc giun thần kì.

Hôm đó nhà Hương có khách, nàng vào chợ rất lâu. May quá, nếu không nhờ con chuột vải chắc tôi phải khổ sở về chờ đợi nàng . Có lẽ trong số khán giả, tôi là người đứng xa nhưng chăm chú nhất. Đọan sau tôi sẽ nói vì sao tôi chú ý đến cái trò chơi trẻ con nầy. Trong đầu tôi vừa nẫy nở một sự so sánh, giữa hắn và tôi .

Số người vây quanh hắn ngày càng đông. Miệng hắn nói, tay trao thuốc, tay điều khiển con chuột, thế mà chú chuột vải vẫn linh họat nhảy nhót và không lần nào rơi xuống đất. Con chuột vải nhảy nhót liên miên chỉ khi con chuột nhảy gọn vào tay áo hắn mới là lúc nó được nghỉ ngơi và người chủ của nó cầm li nước mía giải khát trong cái nóng nung người. Lũ trẻ con chăm chú nhìn, không hẹn mà có lúc cùng cười ồ lên. Còn người lớn phần nhiều là người nhà quê đã bắt đầu bị mê hoặc bởi những lời nói khoa trương của hắn và sự linh họat của con chuột vải. Họ móc tiền ra mua những viên thuốc ghẻ, thuốc ho, thuốc nhức mỏi, thuốc điều kinh, bổ thận ...Hắn nói không ngừng, lưu lóat như nước chảy. Lúc này tôi trông thấy hắn mất đi cái vẻ trầm ngâm câm lặng lúc sáng . Nghề nghiệp có thể giúp con người thóat khỏi cái vỏ ốc thường ngày.

Hắn quảng cáo liên miên từ lọai thuốc này sang lọai thuốc khác, từ bệnh này chuyển sang bệnh kia. Hắn dạy người ta cách ăn ở hợp vệ sinh tránh bệnh tật. Hắn bày cách thở để được trường sinh bất lão, hắn làm như từ trước đến nay người ta chưa từng thở. Hắn dạy người ta cách đi đứng ăn uống, làm như người ta chưa biết ăn uống đi đứng. Rồi hắn nói về cái gọi là “tà khí” mà hắn nói đó là quan niệm về vi trùng của nền y học đông phương. Y học cổ truyền ngày xưa không có kính hiển vi, không thấy vi trùng nhưng người ta cũng đã quan niệm có những tác nhân gây bệnh, ấy là những con vật rất nhỏ, gọi là tà khí. Hắn nói về căn nguyên của mọi thứ bệnh trên đời là mất quân bình âm dương. Cuối cùng hắn nói phong thấp là bệnh của mọi thứ bệnh. Theo hắn thì phong thấp là thứ bệnh chạy lung tung. Nó chạy vào xương sống sinh ra chứng đau lưng và thế là con chuột vải đang từ bàn tay, nhảy lên cái lưng cong như lưng tôm của hắn. Bệnh phong thấp theo tà khí chui vô mũi làm cho sổ mũi, hắt hơi. Bệnh phong thấp chạy lên đầu sinh đau đầu như búa bổ. Con chuột vải từ lưng nhảy lên đỉnh đầu hắn. Bệnh phong thấp theo gió độc bay vào phổi sinh ho, ho lâu không chữa thành lao. Hắn giả vờ đấm ngực ho lên mấy tiếng, con chuột từ từ bò lên ngực. Con chuột vải bò xuống bụng theo dấu chân của bệnh no hơi, ợ chua. Con chuột vải nhảy lên vai theo chân bệnh nhức mỏi hai vai. Con chuột thực là một trợ thủ đắc lực cho chủ nó. Cặp nghệ sĩ người chuột ngày diễn với nhau thực ăn ý tài tình. Tôi nghĩ hắn cũng đang có cuộc sống sung túc dễ chịu.

Tôi bắt đầu chiêm nghiệm về cuộc đời. Cuộc sống đâu có khó khăn như người ta tưởng. Chỉ với một con chuột vải người ta vẫn sống được cuộc sống ung dung. Đứng với hắn một lúc tôi thấy số iền hắn làm ra không ít. Không cần biết thuốc hắn bán ra có công hiêu như hắn quảng cáo hay không? Nội việc hắn gây được những nụ cười của mấy đứa bé con, và niềm tin nơi những người nhà quê là những đóng góp của hắn cho đời cũng đủ rồi.

Còn tôi được chuẩn bị để vào đời thật kĩ lưỡng tốn kém. Cha mẹ tôi đã bán hơn hai mươi mẫu ruộng cho tôi ăn học trong hai mươi năm ở trong nuớc và ngòai nước để lấy cái bằng bác sĩ. Tôi còn thừa hưởng được bao nhiêu thuận lợi từ gia đình tôi, một gia đình nổi tiếng trong giới thượng lưu trí thức, quen thân nhiều người có vai vế trong xã hội. Còn gia đình vợ tôi, một gia đình giàu có mà phần hồi môn cho nàng là cả một ngôi biệt thự. Thế mà khi vào đời tôi còn phân vân không biết mình có thành công hay không ? Hôm nay thấy người kia vào đời chỉ với một con chuột vải mà anh ta vẫn tự tin, sống được và sống rất ung dung, thực là tấm gương sáng cho tôi. Tôi kết luận, cuộc đời này dễ dàng hào phóng biết bao ! Cuộc đời dang rộng cánh tay chào đón tất cả mọi người đến với nó.

Nắng lên cao, đám đông đã tản đi. Tôi thấy hắn tỏ vẻ mệt nhọc . Chỉ còn vài đứa bé bụng õng ngồi lại xem hắn đếm tiền. Con chuột vải đang ngon giấc giữa đám chai lọ ngổn ngang. Từ xa, một cô gái trẻ đẹp đi lại. Thấy cô gái mắt hắn sáng lên, vẻ mệt nhọc của cả một buổi mai hò hét trong nắng biến đi. Cô gái đi tới, cô đứng nhìn hắn với cái vẻ lạnh lùng đợi chờ. Hắn trao cho cô gái tất cả số tiền kiếm được. Cô gái đưa cái ví nhỏ thêu kim tuyến, hắn cho tiền vào, mấy đồng lẻ cô đưa trả lại hắn. Nàng nhìn chung quanh, làm như người bàng quan, trông cho nhanh rời khỏi nơi đây. Hắn nhìn cô, nói một câu, cô gái nhíu mày, bỏ đi vào chợ. Hắn nhìn theo với ánh mắt vô cùng trìu mến. Tôi chắc cô gái là vợ, cái vẻ của cô giống vợ, hơn là người tình, còn hắn rất giống anh chồng chiều cô vợ trẻ cưng của mình .

Nhờ chở Hương đi chợ mà tôi gặp hắn quanh năm. Lần nào cũng thế, sau buổi diễn có cô gái đến, hắn trao tiền, nàng bỏ đi. Cặp vợ chồng này hình như chưa có con. Tôi thấy cô gái không có cái vẻ gì là đã làm mẹ.

Quả thực cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng với hắn. Như tôi tưởng. Tôi chứng kiến có lần hắn mới đặt cái thùng xuống, trải chiếc khăn tay toan thắt con chuột thì có tên cảnh sát bụng to đến . Hắn năn nỉ, tên cảnh sát tung chân đá cái thùng . Bao nhiêu chai lọ thuốc men tung tóe. Hắn lồm cồm lượm lên, nhẫn nhục chịu đựng. Ngày hôm đó quả là một ngày xấu đối với hắn. Cô gái đến, hắn phân trần, cô không nghe , vùng vằng bỏ đi. Hắn đứng yên nhìn theo cái lưng của người yêu biểu lộ sự bất bình. Hắn ngồi trầm ngâm một lúc rồi thu dọn về.

Tiếp theo là những ngày mưa. Hắn co ro ngồi dưới mái hiên, ôm khư khư cái thùng trước ngực. Con chuột vải chắc cũng ngủ vùi giữa đống thuốc men. Ngày mưa thì làm sao diễn trò, làm sao có tiền để bỏ vào cái ví của cô gái? Năm đó mùa mưa kéo dài lê thê, cả khu chợ hóa thành vũng bùn lầy. Hết mưa lại rét, thực là một năm khó khăn cho người làm nghề như hắn. Gần tết trời mới chịu sáng ra, khô và ấm, người đi chợ nhiều dần lên. Con chuột vải được dịp tung tăng sau một mùa đông khắc nghiệt. Hắn tiều tụy hơn trước, mùa xuân đến hắn có tươi ra phần nào. Hắn lại ngồi giữa cái vòng tròn trẻ con và những người nhà quê vây quanh, miệng không ngớt :“ Ông Hai bên này mua một chai. Chị Ba bên kía hai gói...” Sự thật vào đúng giây phút đó chẳng có ông Hai bà Ba nào. Cuối buổi cô gái đẹp lại xuất hiện, hắn trao tất cả, nhìn theo, tận hưởng niềm vui không để sót giọt nào.

Ngày vui chóng qua. Một hôm có gánh hát Sơn Đông mãi võ đến biểu diễn, bán thuốc. Đây là một gánh hát lớn với nhiều trò hấp dẫn. Chúng chiếm một khỏang đất rộng để thi số tài năng. Chúng biểu diễn võ thuật, đập gạch lên đầu, đâm giáo vào cổ, rồi dùng thuốc của họ bôi lên. Lối quảng cáo đầy ấn tượng, hơn hẳn con chuột vải. Hắn ngồi một mình, không có ai đến xem, trẻ con cũng đã bị bọn kia thu hút cả rồi. Lần đó cô gái đến, cô đứng xa nhìn dáng thiểu não của hắn rồi bỏ đi.

Tôi chứng kiến từ đầu vở bi kịch này. Tôi thầm lo sợ điều khác tệ hại hơn cho hắn. Quả không sai, mấy ngày sau không thấy hắn ra chợ, nghe nói cô gái đẹp đã bỏ hắn đi theo một thằng trong bọn mãi võ kia rồi. Một tuần sau hắn mới trở lại, lần này cặp người và chuột đều ủ rũ nặng nề. Cuối buổi diễn, như thói quen hắn lượm lặt những đồng bạc cũ vuốt ve cho thẳng lại, xếp lại một chồng, dáo dát nhìn quanh, đợi chờ...Cuối cùng hắn đứng lên thất thểu như kẻ không hồn , cô đơn giữa chốn đông người.

Mấy năm sau tôi không còn sống ở Nha Trang nữa. Câu chuyện người và chuột này không còn làm bận tâm tôi nữa.Trong thời gian đó đời tôi biến chuyển cũng nhiều. Mặc dù tôi được trang bị đủ thứ để vào đời mà còn gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy hắn thực tội nghiệp, chỉ với một con chuột thắt bằng cái khăn mù-soa mà hắn vẫn phấn đấu để tồn tại với đời thực là tài.

Gần tết năm đó tôi có dịp trở lại Nha Trang. Lúc này vợ chồng tôi đã có bốn con. Chúng tôi được dịp sống lại với kỉ niệm xưa thời kì mới yêu nhau. Tôi rủ Hương đi chợ. Chúng tôi thấy lại hắn, tôi vô cùng kinh ngạc và xót xa, hắn đã già đi rất nhiều . Tóc bạc ra, những ngón tay không còn lanh lẹ nữa . Cái thùng các-tông năm xưa mòn vẹt đi, con chuột vải bẩn thỉu, chậm chạp. Cảnh cũ tái diễn nhưng buồn bã hơn xưa nhiều lắm, cũng chỉ mấy đứa trẻ vời những người nhà quê. Tôi không hiểu vì sao hắn chẳng chịu đổi nghề? Chỉ với con chuột vải và những trò thô sơ làm sao cạnh tranh nổi với cuộc đời thay đổi từng ngày này. Cái gì khiến hắn không bỏ nghề ? nghiệp chướng hay tình yêu ? Cuộc hội ngộ khiến cho lần trở lại Nha Trang không vui.

Mấy năm sau tôi đổi về làm việc tại bệnh viện Banmêthuột. Thành phố này vào thời kì đó còn rất hoang sơ. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy con đường.Còn rừng bạt ngàn chực tràn vào thành phố. Buổi sáng sương như mây bay vào tận phòng ngủ. Trong làn sương trắng đục như nước vò gạo đó từng đòan người Thượng nối đuôi nhau xuống phố. Những người phụ nữ ngực trần gùi rau quả, những đứa bé và những con chó chạy theo. Gia đình tôi sống trong ngôi biệt thự rất đẹp nằm trên đồi cao, chung quanh hoa không trồng mà vẫn nở rộ. Mấy củ thược dược mùa trước nằm trong đất chờ mưa xuống đội đất trồi lên nở ra những hoa đại đóa đủ màu. Hoa bướm, hoa phấn thi nhau khoe sắc . Vườn nhà tôi là cả một rừng hoa. Con đường vào nhà phải vạch hoa ra mà đi. Gia đình tôi trong thời kì này là hạnh phúc hơn cả.

Mùa giáng sinh năm đó rét như cắt. Chiều lại cả nhà đi dự lễ ở nhà thờ lớn. Vợ chồng con cái ai cũng mặc hai ba lớp áo ấm, ngồi trong ô tô quay kính lên mà vẫn còn rét. Khi trở về phải đốt lò sưởi. Vợ tôi và Bội Hòan lo bữa ăn nửa đêm. Phước Hải, Phước Cường lo trang hòang nhà cửa. Duệ Hài ngồi trước dương cầm đánh bài “ Đêm thánh vô cùng”. Chuông điện thọai reo, con tôi nghe, quay lại nói :

- Bệnh viện mời ba đến gấp, có người bị nạn.

Tôi tới nơi thì nạn nhân đã được đưa vào phòng cấp cứu. Hắn bị cóng . Tôi rọi ngọn đèn sáng cho hắn ấm lên. Mạch nơi cổ tay hắn mong manh như tiếng gõ cửa của tử thần. Tôi truyền dịch cho hắn nhưng không làm sao tìm được mạch máu. Tôi lấy dao mổ rạch một đường dài nơi cổ chân. Lưỡi dao tới đâu hai thớ thịt nhợt nhạt tách ra tới đó, không một giọt máu.Tỉnh mạch hắn chạy ngoằn ngòeo như sợi chỉ màu tím . Tôi châm kim vào cũng chẳng rút ra được tí máu nào. Như thế nửa thân hình bên dưới của hắn máu đã dông, nghĩa là đã chết, thế mà miệng vẫn mê sảng không ngớt la lên“Ông Hai bên nầy một chai. Bà Ba bên kia hai gói…” Tôi nhớ đã nghe câu nầy ở đâu…

Lúc này tôi mới quan sát nạn nhân . Đó là người đàn ông trạc năm mươi, tồi tàn rách rưới như đồ ăn xin.. Tôi không còn cách gì cứu hắn. Trước khi chết bọt từ miệng hắn trào ra. Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho tôi biết, không cần giải phẩu tử thi cũng biết cái dạ dày hắn trống trơn. Hắn chết đói ! Cái đói và cái rét kinh khủng đã giết chết hắn. Tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó rét như thế nào. Cả nhà tôi áo quần ấm ngồi trong xe còn chịu không nổi, còn hắn thì với mớ giẻ rách trên người và cái bụng không một hột cơm. Tôi thở dài, buông dao mổ, rửa tay trở về cho kịp đón lễ nửa đêm .

Hôm sau và hôm sau nữa tôi quên mất con người bất hạnh kia. Tới ngày thứ ba tôi đi một vòng chung quanh bệnh viện thấy người lao công ngồi trước nhà xác. Tôi dừng lại, anh ta đứng lên kính cẩn chào. Tôi hỏi :

- Canh gác gì nơi đây ?

- Thưa có cái xác của người chết trong đêm giáng sinh.
Tôi bảo mở cửa nhà xác. Khi hai cánh cửa lớn mới hé ra thì chuột túa ra chạy tứ tung. Cái xác nằm co quắp trên nền xi măng. Mùa này trời rét lắm nên ba ngày qua xác người vẫn không hư.

Người lao công than :

- Bệnh viện mình lúc này chuột nhiều quá. Hôm trước có người đàn bà Thượng sinh khó chết, mới cho vào nhà xác, quay đi quay lại chuột đã khóet hai con mắt. Mà cũng lạ thực .

- Cái gì lạ ?

- Người đàn ông chết đêm giáng sinh . Lũ chuột dữ như tinh ở đây lại không dám đả động tới cái xác. Tôi ngồi nhìn qua khe cửa thấy chuột kéo tới từng bầy, chúng bò lên xác, bò qua lại, quấn qúit một hồi mới chịu bỏ đi. Chắc lão ta là “vua chuột” !

Tôi hỏi :

- Thân nhân của lão ta đâu ?

- Thưa ba ngày rồi không thấy ai

- Lão ta có giấy tờ gì không ?

- Không

- Trong người hắn có cất dấu cái gì không ? - Thưa không, à mà quên , dạ có ...

- Cái gì ?

- Một con chuột thắt bằng cái khăn tay !

Tôi lạnh cả người. Phải rồi hèn gì lại có câu:” Ông Hai bà Ba…” Tôi lật lão lên nhìn kĩ , đúng là hắn. Người lao công khép cửa . Tôi dặn anh ta:

- Thôi, không chờ đợi thân nhân nữa, lấy vải với hòm của bệnh viện khâm liệm cho tử tế rồi đem chôn .

Tôi tính bỏ đi, chợt nhớ , quay lại nói :

- Nhớ bỏ con chuột vải vào áo quan cho lão ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét