Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô (vietcatholic.net)


















Vũ Văn An9/20/2013

Tháng Tám vừa qua, Linh Mục Antonio Sparado, Dòng Tên, chủ bút tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng này tại Ý, đã tiến hành cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Casa Santa Marta, nơi cư ngụ hiện nay ngài.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện nhân danh tờ La Civiltá Cattolica, tờ America và một số tập san của Dòng Tên khắp thế giới. Ban biên tập của mỗi tạp chí này gửi tới Cha Sparado các câu hỏi của họ. Cha Sparado tổng hợp và sắp xếp các câu hỏi này và tiến hành cuộc phỏng vấn bằng tiếng Ý. Sau khi được chính thức chấp thuận, văn bản cuộc phỏng vấn đã được tạp chí America chuyển qua tiếng Anh. Nội dung bài viết của Vietcatholic dựa trên bản tiếng Anh này.

Cha Sparado khởi đầu bài tường trình cuộc phỏng vấn của ngài bằng cách mô tả nơi Đức Giáo Hoàng hiện đang cư ngụ. Khung cảnh hoàn toàn đơn giản và khắc khổ. Chỗ làm việc của ngài khá nhỏ, chung quanh chiếc bàn giấy. Cha Sparado có ấn tượng mạnh không chỉ vì nét đơn giản của bàn ghế mà cả các vật dụng khác trong căn phòng nữa: chúng rất ít. Bao gồm ảnh Thánh Phanxicô, tượng Đức Mẹ Luján, quan thầy Á Căn Đình, tượng chịu nạn và tượng Thánh Giuse đang an giấc. Nền linh đạo của Jorge Mario Bergoglio không được tạo nên bằng “các năng lực hoà hợp” như ngài quen nói, mà bằng những khuôn mặt người: Chúa Kitô, Thánh Phanxicô, Thánh Giuse, và Đức Mẹ.

Đức Giáo Hoàng nói tới chuyến tông du Ba Tây. Ngài coi đó là một hồng ân thực sự, Ngày Giới Trẻ Thế Giới đối với ngài là một “huyền nhiệm”. Ngài cho hay ngài không quen nói chuyện với nhiều người đến thế: “Tôi có thể nhìn những con người cá thể, từng người một, để tiếp xúc một cách bản vị với người ở trước mặt tôi. Tôi không quen với đám đông”. Đức Giáo Hoàng nói thế. Ngài cũng nói tới thời điểm trong cơ mật viện bầu giáo hoàng khi ngài bỗng hiểu ra ngài có thể được bầu làm giáo hoàng. Giờ ăn trưa vào thứ Tư, 13 tháng Ba, ngài cảm thấy một niềm thanh thản và an ủi nội tâm sâu xa và khó giải thích tràn ngập tâm hồn ngài, nhưng đồng thời cũng là một bóng tối trùm phủ. Các cảm nhận này cứ theo đuổi ngài hoài cho tận lúc ngài được bầu vào chiều hôm đó.

Trước đó, ngài cho biết khó khăn lớn của ngài trong việc chấp nhận phỏng vấn. Ngài nói rằng ngài thích suy nghĩ hơn là đưa ra câu trả lời tại chỗ ngay trong các cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, nhiều lần Đức Giáo Hoàng tạm ngưng điều ngài đang trả lời một câu hỏi để thêm một điều gì đó vào câu trả lời trước đó. Việc ghi chép lời của ngài, vì thế, mang lại cho Cha Sparado cảm giác khó chịu vì cứ phải cố gắng hãm dẹp nguồn cảm hứng đối thoại.

Jorge Mario Bergoglio là ai?

“Tôi là kẻ tội lỗi. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Không phải là văn vẻ hoa mỹ, văn chương. Tôi là kẻ tội lỗi”. 

Cha Sparado đặt câu hỏi huỵch toẹt với Đức Phanxicô: “Jorge Mario Bergoglio là ai?” Ngài im lặng nhìn trừng trừng vào cha. Cha hỏi ngài xem cha có thể hỏi câu hỏi đó hay không. Ngài gật đầu và trả lời: “Tôi không biết đâu mới là câu mô tả xứng hợp nhất... Tôi là kẻ tội lỗi. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Không phải là văn vẻ hoa mỹ, văn chương. Tôi là kẻ tội lỗi”.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục suy nghĩ và tập trung, như thể ngài không chờ câu hỏi này, như thể ngài buộc phải suy nghĩ thêm. “Đúng, có lẽ tôi có thể nói thế này tôi có hơi lanh trí một chút, tôi có thể thích ứng với hoàn cảnh, nhưng cũng đúng là tôi có hơi ngây thơ. Đúng, nhưng điều tóm tắt hay hơn cả, điều phát xuất từ bên trong hơn cả, và là điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: tôi là kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”. Rồi ngài nhắc lại: “Tôi là kẻ được Chúa đoái nhìn. Tôi luôn cảm nhận khẩu hiệu của tôi Miserando atque Eligendo [xót thương và tuyển chọn], thật chân thực đối với tôi”.

Khẩu hiệu này lấy từ Các Bài Giảng của Thánh Bede Đáng Kính, người đã viết như thế trong bài chú giải câu truyện Chúa chọn Mátthêu trong Tin Mừng: “Chúa Giêsu thấy người thu thuế, và vì Người nhìn ông với những tâm tình yêu thương và quyết định chọn ông, nên Người nói với ông, ‘hãy theo Ta’”. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “tôi nghĩ thể danh động từ (gerund) miserando của La Tinh khó có thể dịch qua cả tiếng Ý lẫn tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch chữ này bằng một danh động từ khác vốn không có là misericordiando [“tỏ dạ xót thương”].

"Việc Kêu Gọi Thánh Mátthêu" của Caravaggio

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục các suy nghĩ của ngài rồi nói bằng cách nhẩy qua chủ đề khác: “tôi không biết Rôma bao nhiêu. Tôi biết ít điều lắm. Trong những điều này có Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả; tôi thường luôn tới đó. Hiện nay, tôi biết Nhà Thờ Đức Bà Cả, Nhà Thờ Thánh Phêrô... nhưng trước đây, khi phải tới Rôma, tôi luôn cư ngụ ở [khu] Via della Scrof. Từ khu đó, tôi thường đi viếng Nhà Thờ Thánh Louis Vua Nước Pháp, và tôi tới đó để chiêm ngưỡng bức tranh ‘Việc Kêu Gọi Thánh Mátthêu’ của Caravaggio.

“Ngón tay Chúa Giêsu đó chỉ thẳng vào Mátthêu. Chính là tôi. Tôi cảm thấy giống ngài. Giống Mátthêu”. Lúc này, Đức Giáo Hoàng trở nên cương quyết hẳn ra, như thể cuối cùng ngài đã tìm được hình ảnh hằng mong chờ: “Chính cử chỉ của Mátthêu làm tôi chú ý: ngài giữ chặt lấy túi tiền, như thể muốn nói: ‘Không, không phải con! Không, tiền này mới là của con’. Đó, tôi đó, một kẻ tội lỗi mà Chúa đã ghé mắt trông đến. Và đó là điều tôi đã nói ra khi người ta hỏi xem tôi có chấp nhận việc bầu tôi làm giáo hoàng hay không”. Rồi Đức Giáo Hoàng thủ thỉ bằng tiếng La Tinh: “tôi là kẻ có tội, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và nhẫn nại vô hạn của Chúa Giêsu Kitô, và tôi chấp nhận trong tinh thần sám hối”.

Tại sao trở thành tu sĩ Dòng Tên? 

Cha Sparado tiếp tục: “Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài quyết định gia nhập Dòng Chúa Giêsu? Điều gì khiến ngài chú ý tới Dòng Tên?”.

“Tôi muốn một điều gì đó hơn nữa. Nhưng không biết nó là điều gì. Tôi nhập chủng viện của giáo phận. Tôi thích Dòng Đa Minh và có khá nhiều bạn bè Đa Minh. Nhưng rồi, tôi chọn Dòng Chúa Giêsu, mà tôi biết khá rõ vì chủng viện vốn được trao phó cho Dòng Tên. Có ba điều đặc biệt khiến tôi lưu ý tới Dòng này: tinh thần truyền giáo, cộng đoàn và kỷ luật. Và điều đó thật lạ, bởi vì tôi thực sự, vâng, thực sự là một người vô kỷ luật. Nhưng kỷ luật của họ, cách họ xử lý thời gian, những điều này làm tôi lưu ý rất nhiều.

“Và rồi điều này mới thực sự quan trọng đối với tôi: cộng đoàn. Tôi luôn luôn tìm kiếm một cộng đoàn. Tôi không coi tôi như một linh mục ‘tự mình ên’. Tôi cần một cộng đoàn. Và cha có thể biết điều này do sự kiện tôi ở đây, ở Santa Marta này. Trong thời gian cơ mật viện bầu giáo hoàng, tôi ở Phòng 207. (Các phòng được bốc thăm). Căn phòng hiện chúng ta đang ngồi vốn là phòng dành cho khách. Tôi chọn sống ở đây, ở Phòng 201, vì khi tôi nhận căn hộ vốn dành cho giáo hoàng, tôi nghe mồn một tiếng “không” phát lên tự trong mình. Căn hộ dành cho giáo hoàng trong Tông Điện không sang trọng gì. Nó rất cũ, tuy trang trí đẹp đẽ và rộng rãi, nhưng không xa xỉ chi. Nhưng xét cho cùng, nó giống như chiếc phễu lộn ngược. Tuy rộng và khoảng khoát, nhưng lối vào lại hết sức hẹp. Người ta chỉ có thể vào đó một cách nhỏ giọt, mà tôi thì lại không thể sống thiếu người ta. Tôi cần sống cuộc sống của mình với người khác.

Có ý nghĩa gì khi một tu sĩ Dòng Tên làm Giám Mục Rôma? 

Cha Sparado hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự kiện ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giám Mục Rôma: “Đức Thánh Cha hiểu như thế nào về vai trò phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, mà ngài được mời gọi thủ diễn, dưới ánh sáng linh đạo Inhã? Có ý nghĩa gì khi một tu sĩ Dòng Tên được bầu làm giáo hoàng? Yếu tố nào trong linh đạo Inhã giúp ngài chu toàn thừa tác vụ của mình?”

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Biện phân. Biện phân là một trong những điều thành công của Thánh Inhã. Đối với ngài, nó là khí cụ chiến đấu để nhận biết Chúa và theo chân Người sát nút. Tôi luôn thán phục câu nói vốn mô tả được viễn kiến của Thánh Inhã: non coerceri a maximo, sed contineri a minimo divinum est (“không bị giới hạn bởi điều lớn nhất, nhưng lại bị nén lại trong điều nhỏ nhất, đó là thần linh”). Tôi suy nghĩ nhiều về câu nói này liên quan tới vấn đề các vai trò khác nhau trong việc cai quản Giáo Hội, liên quan tới việc trở thành bề trên của người khác: điều quan trọng là không bị hạn chế bởi không gian lớn hơn, và quan trọng là có khả năng sống trong các không gian nhỏ hẹp. Nhân đức lớn nhỏ này chính là lòng hào hiệp (magnanimity). Nhờ lòng hào hiệp, ta luôn thấy được chân trời từ chỗ mình đứng. Nghĩa là có khả năng làm những điều nhỏ bé hằng ngày với một trái tim to lớn mở sẵn cho Thiên Chúa và người khác. Nghĩa là có khả năng quí chuộng những điều nhỏ nhặt ngay bên trong những chân trời bao la, những chân trời của Nước Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp “Khẩu hiệu này giúp ta các thông số để chọn được một chủ trương đúng cho biện phân, hòng nghe được những điều thuộc về Chúa từ chính ‘quan điểm” của Người. Theo Thánh Inhã, các nguyên tắc lớn phải được hội nhập vào hoàn cảnh không gian, thời gian và con người. Đức Gioan XXIII, theo cung cách riêng, đã thích ứng thái độ của ngài đối với việc cai quản Giáo Hội, khi nhắc lại khẩu hiệu, ‘Nhìn mọi sự; phớt lờ phần lớn; sửa sai chút đỉnh’. Đức Gioan XXIII đã thấy đủ điều, đó là chiều kích tối đa, nhưng ngài quyết định sửa sai chú đỉnh, đây là chiều kích tối thiểu. Cha có thể có những dự án lớn lao và thi hành các dự án này nhờ dùng một ít những điều bé nhỏ nhất. Hoặc cha có thể dùng những phương tiện yếu nhưng lại hữu hiệu hơn những phương tiện mạnh, như chính Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô.

“Tôi tin rằng ta luôn cần thời gian để đặt nền cho một thay đổi có thực chất, có hiệu quả”

“Việc biện phân này cần thời gian. Thí dụ, nhiều người nghĩ rằng thay đổi và cải tổ có thể diễn ra trong đoản kỳ. Tôi tin rằng ta luôn cần thời gian để đặt nền cho một thay đổi có thực chất, có hiệu qua. Và đây là thời gian để biện phân. Đôi khi biện phân lại thúc đẩy ta làm điều mà thoạt đầu cha nghĩ mình sẽ làm sau này. Và đó là điều đã xẩy ra với tôi trong những tháng vừa qua. Biện phân luôn được thực hiện trước mặt Chúa, bằng cách nhìn các dấu chỉ, lắng nghe những điều xẩy tới, cảm nhận của người ta, nhất là người nghèo. Các quyết định của tôi, trong đó, có các quyết định liên quan tới các khía cạnh thường nhật của cuộc sống, như việc sử dụng chiếc xe khiêm tốn, đều liên quan tới việc biện phân thiêng liêng nhằm đáp ứng một nhu cầu phát sinh từ việc quan sát sự việc, quan sát người và từ việc đọc các dấu chỉ thời đại. Biện phân trong Chúa hướng dẫn tôi trong cách thế cai quản.

“Nhưng tôi luôn lo lắng trước các quyết định vội vàng. Tôi luôn lo lắng trước các quyết định lần đầu, nghĩa là những việc đầu tiên xuất hiện trong trí óc tôi khi tôi phải đưa ra quyết định. Thông thường điều ấy hay sai lầm lắm. Tôi phải chờ đợi và lượng giá, nhìn sâu vào mình hơn, phải có thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của biện phân luôn cứu vớt ta trong cảnh hàm hồ tất yếu của cuộc sống và giúp ta tìm được phương thế thích đáng nhất, là những phương thế không luôn trùng hợp với những chuyện xem ra lớn lao và mạnh mẽ”.

Dòng Chúa Giêsu

Bởi thế, biện phân là cột trụ trong linh đạo của Đức Phanxicô. Nó đặc biệt nói lên bản sắc Inhã của ngài. Cha Sparado, sau đó, hỏi ngài xem Dòng Chúa Giêsu có thể phục vụ Giáo Hội ngày nay cách nào, đâu là các đặc điểm, nhưng cũng là các thách thức có thể có đối với Dòng Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha trả lời: “Dòng Chúa Giêsu là một định chế đang gặp căng thẳng, xét về căn bản, luôn luôn căng thẳng. Tu sĩ Dòng Tên là người không tập chú vào chính mình. Dòng luôn tìm tâm điểm ở bên ngoài mình; tâm điểm của Dòng là Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Do đó, nếu Dòng lấy Chúa Kitô và Giáo Hội Người làm trung tâm, thì nó có hai điểm qui chiếu nền tảng để giữ được cân bằng và có khả năng sống ở bên lề, ở tuyến đầu. Nếu nó quá lưu ý tới chính mình, tự đặt mình vào trung tâm như một cơ cấu kiên cố, ‘trang bị’ cùng mình, thì nguy cơ là nó sẽ cảm thấy an ổn và tự mãn. Lúc nào, Dòng cũng phải nhớ câu này Deus semper maior, Thiên Chúa luôn cao cả hơn, phải mưu tìm vinh quang mỗi ngày mỗi cao cả hơn của Thiên Chúa, phải coi Giáo Hội như hiền thê đích thực của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, phải coi Người là vua, Đấng đã chinh phục ta và là Đấng ta hiến trọn con người ta và trọn lao công của ta, dù ta chỉ là bình đất, bất xứng. Sức căng này liên tục đẩy ta ra khỏi mình. Như thế, khí cụ làm cho Dòng Chúa Giêsu không lấy mình làm trung tâm, thực sự mạnh mẽ, chính là việc trình bày lương tâm, một việc vừa có tính phụ thân vừa có tính huynh đệ, vì nó giúp Dòng chu toàn được sứ mệnh của mình cách tốt đẹp hơn”.

Đức Phanxicô có ý nhắc tới đòi hỏi trong Hiến Pháp Dòng Tên buộc tu sĩ Dòng phải “bộc bạch lương tâm”, nghĩa là, tình trạng thiêng liêng bên trong của mình, để bề trên ý thức và hiểu biết nhiều hơn khi gửi một người đi thi hành sứ mệnh.

Ngài nói tiếp: “Nhưng khó có thể nói về Dòng. Nói nhiều quá, cha sẽ liều mình bị hiểu sai. Chỉ có thể mô tả Dòng Chúa Giêsu bằng hình thức thuật truyệt. Chỉ bằng hình thức kể truyện này, cha mới có thể biện phân, chứ không phải qua lối giải thích triết lý hay thần học, một lối giúp cha thảo luận thì đúng hơn. Phong cách Dòng Tên không được lên khuôn nhờ thảo luận, mà nhờ biện phân, dĩ nhiên biện phân này giả thiết trước đó phải có thảo luận như một phần của diễn trình. Chiều kích huyền nhiệm của biện phân không bao giờ định ra góc cạnh cho nó và không kết thúc tư duy. Tu sĩ Dòng Tên phải là một người mà tư duy luôn luôn chưa hoàn tất, theo nghĩa một tư duy vẫn mở cửa. Trong Dòng, đã từng có những thời kỳ trong đó tu sĩ Dòng Tên sống trong một môi trường tư duy khép kín và cứng ngắc, nặng về khổ tu dạy dỗ hơn là huyền nhiệm: việc bóp méo cuộc sống Dòng Tên như thế đã phát sinh ra Epitome Instituti”.

Đức Giáo Hoàng có ý nói tới cuốn tóm lược, viết ra vì các mục đích thực tiễn, có lúc được coi như để thay thế Hiến Pháp của Dòng. Trong một thời gian, việc huấn luyện các tu sĩ Dòng Tên đã được hướng dẫn bởi bản văn này, đến độ, một số tu sĩ không bao giờ đọc chính Hiến Pháp của Dòng. Theo Đức Giáo Hoàng, trong thời kỳ này, các qui luật có nguy cơ trấn áp tinh thần, và Dòng Tên rơi vào cơn cám dỗ muốn giải thích và định tính đặc sủng của mình một cách quá hẹp hòi.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Không, tu sĩ Dòng Tên luôn luôn suy nghĩ, suy nghĩ đi suy nghĩ lại, nhìn vào chân trời họ phải đi tới, lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Đó mới là sức mạnh thực sự của họ. Và điều này thúc đẩy Dòng tìm kiếm, có óc sáng tạo và đại lượng. Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, Dòng Chúa Giêsu phải chiêm niệm ngay trong hành động, phải sống thật gần gũi sâu sắc với toàn thể Giáo Hội, hiểu cả như ‘dân Chúa’ lẫn như ‘mẹ thánh Giáo Hội phẩm trật’. Điều này đòi hỏi nhiều khiêm nhường, hy sinh và can đảm, nhất là khi cha bị hiểu lầm hay khi cha là nạn nhân của hiểu lầm và vu khống, nhưng đó là thái độ sinh nhiều kết quả nhất. Ta hãy nghĩ tới các căng thẳng trong lịch sử quá khứ, trong các thế kỷ trước, về cuộc tranh chấp nghi lễ Trung Hoa, nghi lễ Malabar và phong trào Reductions tại Paraguay.

“Tôi là nhân chứng của nhiều hiểu lầm và nan đề mà Dòng phải trải nghiệm gần đây. Trong số đó, có những thời điểm gay cấn, nhất là đụng tới vấn đề thêm lời khấn thứ tư cho mọi tu sĩ Dòng Tên liên quan tới việc vâng lời Đức Giáo Hoàng.Thời Cha Arrupe (bề trên cả Dòng Tên trong các năm từ 1965 tới 1983), điều làm tôi tin tưởng là sự kiện ngài là người của cầu nguyện, một người dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện. Tôi nhớ lúc cầu nguyện, ngài hay ngồi trên đất theo kiểu Nhật Bản. Nhờ thế, ngài có được thái độ đúng đắn và đã đưa ra được các quyết định đúng đắn”.

Còn 2 kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét