Published on December 13, 2013
Mỗi công dân Việt Nam luôn phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chả lẽ một ông giám đốc sở lại ngồi xổm trên luật khi nhân viên dưới quyền ông phạm tội rõ ràng từ kết luận của cơ quan điều tra, mà ông lại đề nghị không được xử lý theo pháp luật?
Vụ việc “ăn bớt” tiền hỗ trợ trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang – đơn vị chủ quản của Trung tâm này – đã có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm và chuyển hồ sơ để sở này xử lý cán bộ theo thẩm quyền.
Ông Lý Quang Thái – Giám đốc sở – giải thích lý do của công văn trên là do “Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa”. Đồng thời ông cũng nói việc không khởi tố hình sự vụ án là để “góp phần ổn định chính trị tại địa phương” và “vì… đại cục, vì cái to lớn hơn”.
Việc “ăn bớt” tiền hỗ trợ của trẻ khuyết tật chắc chắn là một hành vi tham ô, cho dù nguồn tiền này từ ngân sách nhà nước hay các nguồn tài trợ xã hội.
So với các vụ tham nhũng “khủng” hàng chục, hàng trăm tỉ đồng như các vụ việc của Vinashin hay Vinalines thì hơn 181 triệu đồng là rất nhỏ. Tuy nhiên, nhỏ cũng là tham ô tham nhũng, nhỏ cũng là phạm tội. Và dĩ nhiên, đã phạm tội thì phải bị xử lý theo luật pháp.
Bên cạnh việc xử lý của luật pháp, những kẻ này sẽ còn phải đối diện với tòa án lương tâm khi nhẫn tâm “ăn bẩn” những đồng tiền hỗ trợ ít ỏi cho trẻ khuyết tật – nhóm người được nhà nước và xã hội bảo trợ. Câu nói của bà Phó chủ tịch nước: “Người ta ăn của dân không chừa cái gì” có lẽ nên bổ sung thêm “Kể cả ăn của người khuyết tật”.
Quay lại những câu nói của ông giám đốc sở, không hiểu tại sao một người đứng đầu một cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, chịu trách nhiệm quản lý về các vấn đề xã hội, trong đó có nhóm đối tượng khuyết tật, lại có thể phát ngôn những câu nói thiếu trách nhiệm và vi luật đến như vậy.
Mỗi công dân Việt Nam luôn phải tâm niệm câu: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chả lẽ một ông giám đốc sở lại ngồi xổm trên luật khi nhân viên dưới quyền ông phạm tội rõ ràng từ kết luận của cơ quan điều tra, mà ông lại đề nghị không được xử lý theo pháp luật? Có phải ông ta xem thường pháp luật, hay ông ta sống ngoài vòng pháp luật?
Đáng ra vụ việc này cần được ông giám đốc sở đề nghị xử lý nghiêm túc, vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa ngăn chặn sự suy thoái đến tột cùng đạo đức và nhân cách của những “công bộc” đã nhẫn tâm “ăn bớt” cả tiền tài trợ đối với trẻ em khuyết tật. Đồng thời thể hiện một môi trường trong sạch và lành mạnh để các tổ chức, cá nhân hảo tâm không cảm thấy bị xúc phạm khi những đồng tiền tài trợ nhân đạo của họ bị “ăn bẩn”.
Cũng không biết cái “đại cục” mà ông giám đốc sở này nói nó to lớn như thế nào? Nó giúp việc ổn định chính trị địa phương ra sao? Và cũng không biết ông này có thực sự công tâm khi phát biểu những điều đó, hay có những mờ ám gì trong vụ việc trên?
Mới đây, phát biểu trước cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức”. Rõ ràng những vụ việc tham ô, tham nhũng trong các cơ quan công quyền, không chỉ có những cá nhân “bị lộ” mới là những kẻ tham nhũng, mà chắc chắn còn liên quan đến nhiều người khác.
Chỉ nói riêng trong nội bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang do ông Thái làm giám đốc, nếu các bộ phận Thanh tra, Tài chính thực hiện thanh kiểm tra một cách đầy đủ và nghiêm túc, thì sẽ không có chuyện đến khi có đơn tố cáo và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện ra vụ việc tham ô nói trên.
Những đồng tiền tham ô “bẩn thỉu” này, có phải ông giám đốc Trung tâm tâm cứu trợ trẻ em tàn tật và những kẻ đồng phạm tự chia cho nhau? Hay còn phải “chia chác” và phong bì cho các người quản lý họ, thanh kiểm tra các hoạt động tài chính của họ như câu nói của Tổng bí thư trích ở trên? Và ông giám đốc sở có thực sự “sạch sẽ” trong vụ việc này?
Tham nhũng hiện nay đã và đang trở thành quốc nạn, là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ công chức, biểu hiện rõ nhất là lạm dụng chức quyền để tham ô, vơ vét tài sản công. “Bầy sâu” tham nhũng như câu ví von của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang gây suy thoái đạo đức xã hội, đảo ngược các giá trị chân thiện mỹ, làm mất lòng tin của người dân với chính quyền, gây khiếu kiện kéo dài và mất ổn định xã hội.
Vì vậy, việc không xử lý nghiêm minh vụ việc trên theo pháp luật không những gây bất bình cho nhân dân, làm giảm lòng tin của các cá nhân và tổ chức tài trợ từ thiện, mà còn gây mất ổn định trong xã hội.
Và việc những kẻ có chức quyền nhẫn tâm “ăn bẩn” trên cơ thể khiếm khuyết của những trẻ em khuyết tật, sẽ không thể vì “đại cục”, mà chỉ là một nỗi “đại nhục” trong mắt của những người Việt Nam lương thiện và nhân ái.
THEO THANH NIÊN
Lam sao xh lai co loai can bo khon nan khong con luong tam nhu vay thang giam doc nay cung dop roi bon dang vien bay gio o dau cung vay den mo ma liet si no con hoc huong ho la tien loai khac hoi thang dan toc nong duc manh no ngheo nhu the nao thi biet chi co csan moi sang suot san sinh ra nhieu can bo vi dan nhu vay dcs lanh dao la vet nho den toi trong lich su dan toc moi nguoi viet phai co trach nhiem lam cho no bien nhanh khoi dat nuoc ta cam on nha bao dao thong tin su that den nguoi dan chung toi
Trả lờiXóa