- Thứ Bảy, 21 tháng Mười Hai năm 2013 10:29
- Tác Giả: Nguyễn Tấn Cứ
- SÀI GÒN (NV) - Một sớm mai nào đó hơi lạnh bỗng dưng êm ái nhẹ nhàng xộc thẳng vào trong phòng. Bạn trở mình để tìm một hơi ấm, một cái ôm thân quen hay một tấm chăn đơn mềm mại... Tháng Mười Hai đã về với giấc ngủ sâu hơn hạnh phúc hơn và, bạn đã có thể chạm vào mùa Ðông Sài Gòn.
Cuối năm Sài Gòn với những vạt nắng vàng rười rượi xao động lòng người - báo hiệu cho một mùa đoàn tụ sau những ngày tháng chia ly. Nó dự báo cho những nỗi buồn niềm vui hạnh phúc hân hoan đang bắt đầu chớm nụ.
Ðường phố Sài Gòn bắt đầu chăng đèn chuẩn bị đón Giáng Sinh. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Tháng Mười Hai dương lịch chạy dài cho đến Tết Âm lịch, những ngôi nhà ở Sài Gòn bỗng như đầy thanh xuân màu sắc. Phố xá có nhiều tiếng cười lẫn vào trong tiếng nhạc mừng Giáng Sinh và Năm Mới.
Người Sài Gòn có một thói quen lãng quên đáng yêu vào những ngày năm cùng tháng tận. Nó như một chỉ dấu cho thấy họ đã “can qua” bước qua được một năm khói bụi dày đặc của những hy vọng về một nền kinh tế đang trên đà đi xuống.
Với họ không cần thiết so với mùa Xuân đang về... không việc gì phải lo, vui chơi cái đã rồi tính sau. Trước mắt phải kiếm cái gì đó để có thể ăn Tết cho tươm tất với gia đình, ông bà, cha mẹ, mới là điều quan trọng.
Tháng Mười Hai của những tiếng chuông giáo đường rộn rã dồn dập với những cuộc lễ tăng dần... Trước cổng của những nhà thờ hay hóc hẻm xóm đạo khắp nơi đang chuẩn bị hang đá cho một mùa Noel đèn hoa rực rỡ. Những hàng thiệp Merry Chrismax, Happy New Year từng bừng lung lay trong gió.
Thú chơi thiệp Giáng Sinh, gởi thiệp chúc mừng năm mới dường như vẫn là một tập tục đẹp lãng mạn mà thanh niên nam nữ Sai Gòn vẫn không thay đổi.
Cứ đến cuối năm khu vực bưu điện trung tâm lại nhộn nhịp xôn xao người người dán tem mua thiệp để chúc mừng gởi tặng cho nhau.
Ở đó vẫn còn thấy những người viết thư thuê thay cho những ông đồ già xưa đã đi về thiên đường năm trước... Những tấm thiệp thư lại chuyển tiếp bay đi khắp bốn phương mặc cho cuồng phong của Internet đang tấn công vào chính thói quen “nắn nót” của con người.
Ðến nhà thờ Ðức Bà bây giờ bạn sẽ không còn thấy chợ thiệp đáng yêu trên đường Hàn Thuyên nữa, thay vào đó là những cửa hàng “bán thiệp chạy” nghĩa là người bán thiệp vừa đi vừa bán vừa chạy công an.
Một gian hàng bán thiệp Giáng Sinh và năm mới gần nhà thờ Ðức Bà. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Họ chạy vòng vòng quanh công viên - nơi những bạn bạn trẻ cũng đang uống café “bệt” tức là ngồi “bệt xuống đất” với một tờ giấy báo để dưới thảm cỏ - café là những ly nhựa xài xong rồi vứt. Ðây cũng là một loại café “chạy” đặc biệt của dân Sài Gòn để chống lại sự “rượt” đuổi của nhà nước khi mà “phúc lợi” cuối cùng của nhân dân cũng bị canh gác chiếm hữu.
Vậy thì ai là người phục vụ? Xin thưa nó là một chiếc xe hơi cỡ nhỏ được “ngụy trang” như một phương tiện vãng lai đậu ngay hè đường lẫn lộn vào với những chiếc xe hơi khác - trên ấy là đầy đủ thức uống café đã pha chế sẵn. Người phục sẽ đi rảo một vòng quanh công viên xem ai cần gì là có ngay trên từng mét vuông cỏ “bệt.”
Người ta nói vui đây là khu vực “cấm dừng đậu “ của trung tâm Sài Gòn. Ai dừng lâu một chút sẽ bị một toán mang băng “trật tự” vung dùi cui xua đi ngay. Hình như chính quyền sợ những sự “dừng” lại lâu nơi “nhạy cảm” này. Vì nó chính là điểm nóng nhất của những ngày “xuống đường biểu tình” chống Tàu xâm lược Hoàng Sa...
Nơi đây lúc nào cũng có sẵn dây kẽm gai, hàng rào sắt với dày đặc dân phòng cảnh sát công an đủ loại. Ðặc biệt vào những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, để phòng chống những kẻ đang ngồi kia bỗng nhiên “đứng dậy”...
Không biết lúc nào Sài Gòn sẽ nóng hơn nhưng chắc một điều tháng Mười Hai cuối năm vẫn là những ngày yên tĩnh bình an lặng lẽ nhất. Người Sài Gòn lúc này chỉ thích sắm sửa ăn nhậu, làm mới nhà cửa, tân trang lại nhan sắc, để chuẩn bị đón người thân từ phương xa trở về hơn là mặt nhăn mày nhó với những hầm hè bất công đang thường trực.
Sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu nhộn nhịp những người đưa kẻ đón. Một người từ bên Mỹ về có đến một tá người chờ đón. Những ngày này cho đến Tết, sân bay vẫn là nơi vui nhất cho những gia đình có người thân trở về sau những năm tháng “cày” để có chút tiền rủng rỉnh quay trở về.
Các bạn trẻ và cà phê ngồi 'bệt' trong công viên đối diện Dinh Ðộc Lập. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Việt Kiều mà. Về quê mà không có tiền thì chắc chắn không phải Việt kiều. Ai cũng nghĩ cứ hễ đi làm ở Mỹ là thế nào cũng “giàu” nứt vách hết. Không ai biết rằng để có cặp vé máy bay khứ hồi cho một cuộc về thăm quê. Ðể có vài nghìn dollar xanh xanh kia thì họ đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt như thế nào ở trên xứ người.
Mùa Ðông của Sài Gòn bắt đầu bằng những con đường rực rỡ đèn hoa ở khu vực trung tâm của các con đường Lê Lợi-Tự Do (Ðồng Khởi bây giờ) đêm đêm từng bừng sắc màu. Ðường Nguyễn Huệ đang chuẩn bị cho “Ðường Hoa” vào dịp Tết Âm lịch. Trước đó nó đã được trang hoàng để đón Giáng Sinh và Tết Tây. Phố phường chật cứng như nêm với những màn ánh sáng laze quét lên cao rực rỡ mời gọi.
Nhiều người cứ tưởng đây là sự chăm lo của chính quyền, thực ra đây là màn kinh doanh xã hội hóa vui chơi lấy tiền từ chính nguồn “tài trợ quảng cáo” của những thương hiệu lớn như Pepsi, Coca Cola hay bột giặt OMo... và gần đầy là Pizza Kings của Mỹ.
Một năm họ làm một hai lần trên những trục đường chính nơi các logo chắc chắn sẽ đập vào mắt công chúng, để thu hút những con thiêu thân buồn đang đổ xô lao thẳng vào vùng ánh sáng chói lóa ấy.
Dân Sài Gòn có một đặc điểm kỳ quái nữa sau những năm 1975 là rất ưa tuôn ra đường hứng gió để tránh bị hầm chín vì “cúp điện.” Nhất là vào những dịp lễ tết khi mà những cuộc sum họp gia đình cũng bị sự “thiếu thốn nghèo khó” xua ra khỏi nhà để tìm sống - để kiếm môt chút gì đó trong niềm vui chung với mọi người. Vì vậy tài trợ cho những cuộc vui “tiền tỉ” nhưng không tốn tiền mua vé vào xem này hẳn không phải là vô ích, khi hằng triệu người cùng một lúc từ trong bóng tối cùng nhào ra đường để tìm chút lãng quên trong nguồn ánh sáng ma mị của Sài Gòn đêm lấp lánh...
Tháng Mười Hai của Sài Gòn sẽ kéo dài cho đến ra Giêng... như một liều thuốc an thần đủ để quên đi những dối lừa đang mọc nhánh trên cây của tự do hạnh phúc - cho những ai vẫn đang còn âm ỉ đau dài trong quá khứ... thôi hãy tạm quên đi.
Những con chiên của Chúa sẽ có dịp để chứng tỏ mình vẫn tồn tại trong cái thế giới vô thần này, những Kyto hữu sẽ cho họ nhận biết được rằng họ vẫn nhìn thấy sự khải huyền của Chúa cho do dù xã hôi nầy đang bị bọn quỉ satan thống trị.
Không gì có thể làm những ngọn tháp kia thôi rung chuông để báo rằng Chúa đang Giáng Sinh. Không ai có thể ngăn càn mùa xuân đến. Giáo đường vẫn rầm rì chật cứng đức tin. Chùa chiền vẫn mở ra khói hương cho đến khi mùa màng đơm hoa kết trái.
Thế giới vẫn rộng ra trên từng đường băng cho những chuyến bay đi về lên xuống không ngớt. Ðể những chờ mong không còn là chờ mong nữa. Những cánh tay vẫy vẫy, những vòng ôm, những giọt nước mắt tủi hờn vì chia cắt, những hạnh phúc vì đã được trở về rồi lại quay quắt ra đi.
Không ai biết ngày mai sẽ ra sao khi tình hình kinh tế của đất nước như vẫn đang trong những cơn mê, khi những cuộc đưa tiễn vẫn đồng hành nhau một câu hỏi đang cần một câu trả lời là khi nào mùa Ðông sẽ quay về và lúc nào mùa Xuân sẽ lại đến.
Thằng bạn tôi hôm qua email nói rằng, “Tết này tao sẽ về thăm quê... Tao nhớ nhà quá, bây giờ mới có đủ tiền về. Mầy chờ tao về dẫn đi nhậu nhé.” Thương bạn quá nghe mà hổng biết muốn khóc hay... cười!
Blog thử nghiệm từ ngày 13/9/2013, nhằm trích đăng một số tin Công giáo, tin Việt Nam và tin thế giới... Các tin này không thể hiện quan điểm của tác giả blog.
Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013
Chạm vào mùa Ðông Sài Gòn (saigonecho.com/news) (tùy bút)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét