Trang

Nhãn

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Học Để Làm Gì? (diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/12/08)

Nguyễn Cường
Hiện nay vấn đề cải cách giáo dục (CCGD) toàn diện lại được mang ra thảo luận một cách quy mô trên các phương tiện truyền thông. Khắp nơi cả nước, chương trình học từ sơ cấp tiểu học cho đến cao đẳng đại học đều được các chuyên gia giáo dục mang ra nghiên cứu xét duyệt lại, đề nghị thay đổi nội dung ít nhiều cho phù hợp với trào lưu hiện đại, cũng như nhu cầu thực tế của các công ty tuyển dụng.
Một số chuyên gia còn đi xa hơn trong việc tìm kiếm sưu tầm lại chương trình giáo dục của các nước tiên tiến, với mục đích là để so sánh và làm chuẩn mực cho những đề nghị thay đổi hay ý kiến mới về CCGD. Thế nhưng cho đến thời điểm này, tất cả vẫn chỉ là những thảo luận hay đề xuất nói chung một cách tổng quát, mà chưa thấy có hành động thực tế hay văn bản chỉ đạo chính thức nào từ các cơ quan lãnh đạo về giáo dục.

Cũng trong thời gian thăm dò dư luận về CCGD nói trên, có rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong hay ngoài nước đã đưa ra khá nhiều đề tài để thảo luận. Trong đó, gồm một số các ý kiến đề nghị nên cho các trường đại học tự quản hay tự trị, thay thế các sách giáo khoa cũ và kêu gọi phân ban chương trình THPT khá ấn tượng, nhưng vẫn còn chưa thấy có nhiều triển vọng thay đổi nào mang tính đột phá hay có tư duy gì mới lạ trong lãnh vực giáo dục. Còn lại đa số các bài đóng góp ý kiến hay phê bình đều dùng tham khảo từ một chương trình giáo dục tiêu biểu cho sự thành công nào đó tại các quốc gia khác, để so sánh và kêu gọi nên lấy làm kiểu mẫu cho chương trình CCGD nước nhà.
Dù sao, trong số rất hiếm các bài viết cho những ấn tượng đặc biệt nói trên, cũng có một số bài  khá thú vị cả về nội dung lẫn hình thức. Cụ thể như chủ đề của bài dưới đây đã làm cho người viết phải “bức xúc” để viết ra những tư duy sau, với hy vọng có thể đóng góp thêm một vài ý tưởng về CCGD, coi như gián tiếp cảm ơn tác giả của bài báo đã đưa ra câu hỏi rất thú vị, không những dành cho SVHS Việt mà còn có thể cho cả thế giới.           
Học để làm gì?
Đó là chủ đề chính trong bài viết mới đây của TS PGS Giáp Văn Dương  đăng trên báo Tuổi Trẻ trong tháng 11 vừa qua. Thật sự, câu hỏi đó đã từng được nhiều sinh viên học sinh (SVHS) tự hỏi lấy chính mình trong thời gian còn đi học, đã được đưa ra thảo luận trước đây, nên cũng không có gì là mới lạ. Nhưng thời điểm đặt ra câu hỏi nói trên và sáng kiến nhắm vào nhiều đối tượng gồm đủ mọi thành phần, kèm theo cuộc thăm dò dư luận nhỏ, lấy thêm ý kiến của phụ huynh và các tầng lớp SVHS, đã làm cho bài viết trở thành khá ấn tượng và lôi cuốn người đọc.   
Điều ngạc nhiên và chắc làm cho không ít độc giả bức xúc là kết quả thăm dò cho thấy, có đến gần 50% (phần trăm) sinh viên không biết học để làm gì! Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn hết, chính là sự kiện có đến gần hơn 95% số người được hỏi, chưa từng được nghe qua câu hỏi đó. Ở đây, xin được nói thêm, dù sao số người được thăm dò ý kiến có lẽ đa số là cư dân thành thị, đã có đôi chút ít nhiều kiến thức phổ thông. Nếu tác giả chọn thêm những đối tượng thăm dò gồm luôn cả những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thì dám chắc con số nói trên có thể tăng cao lên ít nhất 98 hay 99% (?)   
Vấn đề chính nêu ra đây là nội dung của những câu trả lời từ những người còn trẻ, học sinh hay sinh viên. Học để kiếm ăn, học để trở thành bác sĩ, kỹ sư, hay học để chỉ đi thi cho đậu, làm vui lòng mẹ cha, v.v, hoàn toàn là hợp lý và không sai trái gì cả. Bởi chính đó là một trong những “mục tiêu thực tế” hay phần thưởng khuyến học đầu tiên trong cuộc đời mà những người trẻ tuổi và gia quyến của họ đã bỏ biết bao nhiêu công lao sức lực để nhắm tới. Khách quan mà suy xét, những câu trả lời như trên có thể là chưa đầy đủ hay còn thiếu sót, chứ không hẳn là sai. Lý do, đây là một câu hỏi nặng về phần triết lý và được hiểu theo nghĩa rộng của tác giả (GVD). Chữ “Học” trong câu hỏi không được hiểu theo nghĩa hẹp thông thường của SVHS hay phụ huynh học sinh. Đúng hơn, nếu muốn biết câu trả lời trực tiếp từ đối tượng và hiểu theo nghĩa hẹp của SVHS, thì câu hỏi nên dùng phải là: “Tại sao (tôi) đi học?”.
Cụ thể cho những câu hỏi tương tự có tính triết lý cao và ý nghĩa quá rộng như :“ Sống (trên đời) để làm gì?”. Nếu giả dụ bây giờ mà hỏi tất cả các sinh viên của trường Đại Học QG Hà Nội câu hỏi trên, thì dám chắc rằng sẽ có hơn 50 % không biết trả lời như thế nào cho đầy đủ và hợp lý, và chắc sẽ có hơn 90% nói chưa bao giờ được nghe ai hỏi mình câu đó (!?)
Ngay cả tổ chức UNESCO của Liên-Hiệp-Quốc gồm các nhà lãnh đạo về giáo dục của thế giới, khi đưa ra câu trả lời cho thắc mắc “Học để làm gì?” vẫn còn dài dòng và chi tiết hoá một cách không cần thiết, gồm 4 tiêu chí khác nhau như tác giả bài viết đã dẫn: “Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).”  Bởi vì chỉ cần “Học để Biết” là đủ bao gồm hết những tiêu chí còn lại rồi. Học để “Biết” cách làm; “Biết” xác lập mình là ai; “Biết” cách để sống chung với người khác, và ngay cả để “Biết” những gì chưa biết, v.v . “Hiểu Biết” ở đây thật sự là quyền năng hay sức mạnh của tinh thần.
Nhưng dù là câu trả lời cuả UNESCO hay tất cả các câu trả lời của bài viết được tham khảo nói trên, nếu xét cho cùng, vẫn còn thiếu sót và chưa hẳn là đầy đủ. Thí dụ như câu hỏi và những câu trả lời sau đây để biết lý do: Tại sao đa số các loài thú vật khi mới sinh ra đã tự biết đứng dậy để đi tìm vú mẹ, dù chưa học hay chưa được ai chỉ dạy? Tại sao các sinh vật thú hay con người khi đến tuổi trưởng thành thì nhu cầu tình dục và cơ thể phát triển lớn mạnh theo giới tính mà không cần ai chỉ dạy? Câu trả lời chính là nhờ bản năng sinh tồn đã được ghi chép lại in sâu trong bộ nhớ DNA của các tế bào hay còn gọi là sự di truyền, khiến cho các sinh vật mới sinh ra đều hành động theo bản năng, tự động biết tìm ngay bầu sữa mẹ để thoả mãn cái bao tử và sự sống còn.
Do đó, nói là học để mở mang kiến thức hay học cho “biết” cũng chỉ thoả mản “điều kiện ắt có”, nhưng chưa được “đầy đủ”, vì kiến thức hay “biết” mới chỉ là những bước đầu cuả trí tuệ, mới thu thập các thông tin và dữ kiện chưa được xử lý triệt để, nhất là chưa được ghi nhớ, in sâu vào các chủng tử của bộ nhớ DNA, nên chưa so sánh với trí tuệ hay sự thông minh được. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao hai em bé sinh đôi khi mới ra đời giống hệt như nhau, nhưng khi lớn lên lại thay đổi khác nhau xa, dù cả hai đều được sống chung trong cùng một môi trường xã hội và gia đình.                           
Học để mở mang Trí Tuệ.
Câu trả lời thích đáng và đầy đủ nhất phải là: “Học để mở mang Trí Tuệ”. Bởi vì có trí tuệ thì sẽ biết cách mang lại kiến thức và sự hiểu biết. Có thể ví kiến thức như bộ máy nhớ chỉ chứa đựng thông tin hay dữ kiện, trong khi hiểu biết là những kết quả ứng dụng có được từ công việc xử lý các thông tin nói trên, nhưng sau cùng chính trí tuệ mới là phần mềm điều hành, quyết định chọn lọc hay loại bỏ những ứng dụng tốt hay xấu, lợi hay hại, v.v. Cụ thể thí dụ: Kiến thức khoa học cho biết cơ cấu nguyên tử và phản ứng hạch tâm hay phóng xạ trờn lý thuyết, trong khi hiểu biết chuyên sâu về kỹ thuật cho biết cách làm bom nguyên tử, nhưng sau cùng chính trí tuệ con người mới giúp điều hành công việc chế tạo và cho quyết định là có nên xử dụng nó hay không, trong trường hợp nào?
Đúng là “Học để làm Người” như một số chuyên gia về giáo dục đã nói theo nghĩa rộng rải nhất. Nhưng muốn làm “Người như thế nào” thì cần phải có trí tuệ để quyết định. Do đó, trí tuệ hay sự thông minh toàn diện là mục tiêu cao nhất cuối cùng cuả sự hiểu biết hay còn gọi là tinh hoa của kiến thức, là đích nhắm tới tột đỉnh của con người trong thế giới ngày nay. Cụ thể minh chứng cho thấy là lịch sử tiến hoá hơn mấy tỷ năm của các sinh vật và con người, dù có trải qua nhiều kỷ nguyên hay thời đại, cũng đều được kết thúc dưới sự thống trị hay cai trị của một chủng loại hay sinh vật nào có trí tuệ cao lớn nhất, nếu so với các giống khác đã và đang bị đào thải hay biến mất dần theo luật tự nhiên. 
Có trí tuệ cao lớn thì sẽ có tương lai tươi sáng. Một quốc gia hay dân tộc nào mà đa số người dân được mở mang trí tuệ nhiều hơn so với thiên hạ, thì dân nước đó sẽ giàu có và đất nước đó chắc chắn sẽ trở thành cường quốc hùng mạnh. Nhưng không phải bất cứ xã hội hay quốc gia nào muốn là làm được. Phải có tư duy chiến lược và tầm nhìn xa, phải hiểu rõ được những quy luật lịch sử tiến hoá chung của con người, và sau cùng quan trọng nhất là phải có những nhà lãnh đạo tài năng, sẳn sàng và chấp nhận hy sinh, dấn thân hành động vì tương lai của quốc gia dân tộc.       
Muốn mở mang hay phát triển trí tuệ của cả một dân tộc thì không phải chỉ có học không mà thôi, dù là ý nghĩa “Học” ở đây được hiểu rộng rãi, theo cả hai nghĩa đen hay bóng. Thực tế cho thấy ảnh hưởng văn hóa của xã hội đang sinh sống cũng có phần đóng góp không nhỏ trong việc mở mang trí tuệ cho người dân. Cụ thể thí dụ như âm nhạc. Ai dám phủ nhận, không tin là những dòng nhạc kích động “Rock&Roll” với những ban nhạc tài danh như “Beattles” v.v. đã có công góp phần cho sự vùng dậy của tri thức sáng tạo vào cuối thế kỷ 20, mở đầu cho cuộc cách mạng tri thức tin học (?). Thế nhưng trong giai đoạn đầu thì đa số các bậc cha mẹ và chính quyền địa phương tại các nước bảo thủ (Á-Phi), hay ngay cả một số tiểu bang ở Mỹ, lại cho là “đồi truỵ và quỷ quái”. Đúng là những làn sóng nhạc kích động trong các thập niên 60-70, tuy đã tạo ra sự cuồng loạn quá khích, “yêu cuồng sống vội” ở một thiểu số rất ít các người còn trẻ tuổi, nhưng cũng đồng thời làm cho não bộ của đa số nhiều thế hệ thanh thiếu niên khác được phấn khích và phát triển mạnh hơn bình thường.
Nhưng chủ động chính vẫn là sự học, vì đó là động cơ chính mạnh nhất, lâu bền và hiệu quả nhất, để mở mang và phát triển trí tuệ cho con người.
Học là Hỏi?
Một tình cờ không giải thích được là tại sao, trong văn hóa hay ngôn ngữ tiếng Việt đã có chứa một “Bí kíp của tổ tiên”, hay cái “Chìa khóa vàng” để mở rộng cánh cửa sự học và trí tuệ cho toàn dân tộc mà trong hơn một thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo giáo dục lại không để ý hay chưa từng nghĩ tới(!?) Phải chăng các nhà cai trị người Pháp khôn ngoan và thâm sâu, đã hóa giải và ám ảnh dân Việt bằng cách dùng câu châm ngôn “Im lặng là Vàng” được trang trọng treo trên đầu bảng đen trong các lớp học(?) Thật vậy, từ “Học” trong tiếng Việt thường đi liền với từ “Hỏi”, và đó chính là phương pháp hay cách làm công việc “tư duy” cuả não bộ mọi sinh vật. Nhờ hiểu rõ và áp dụng nguyên tắc đó nên các nhà khoa học máy tính mới có thể viết ra những chương trình “Thông minh nhân tạo” (AI- Artificial Intelligence) để điều khiển các máy móc chạy tự động, hay cho người máy Rôbô làm việc, vv. Cụ thể như lúc tư duy bình thường, não bộ của chúng ta phải tự trả lời hàng chục các câu hỏi trong vòng chỉ vài giây đồng hồ, hay khi viết các “phần mềm” để chạy máy hay chương trình tự động hóa, các lập trình viên bao giờ cũng phải đặt ra một chuỗi những câu hỏi bao gồm: “If…, Yes or No”?
Kinh nghiệm về giáo dục còn cho thấy, những đứa trẻ mới lớn mà luôn thắc mắc hay hỏi, thường có trí thông minh nhiều hơn là những trẻ ít hay không dám hỏi. Tương tự như vậy và vẫn còn có thể áp dụng luôn cho cả người lớn hay các ngành nghề khác, nhất là về mặt khoa học Kỹ thuật. Các sáng chế hay phát minh lớn làm thay đổi cả thế giới, đã không thể xảy ra, nếu các nhà khoa học đã không miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm bằng được câu trả lời cho những thắc mắc hay câu hỏi về khoa học đã ám ảnh họ một thời gian lâu dài trước đó.  
Do đó, phương pháp “Dạy-Học” được đề nghị là sau mỗi tiết học, thay vì cho bài tập mang về nhà làm, thầy cô sẽ cho học sinh tự đặt ra 1, 2 hay 3 câu hỏi hay thắc mắc có liên quan đến bài giảng, dù có biết hay chưa biết câu trả lời. Sau đó, những câu hỏi sẽ được hoán chuyển cho các HS khác trong lớp, mang về nhà để suy nghĩ và tự tìm ra câu trả lời. Thầy cô hay một nhóm HS khác sẽ xem xét lại các câu hỏi và câu trả lời để cho điểm, hay đi xa hơn là cho HS tự thảo luận và phê bình, làm phản biện lại các câu trả lời trước đó, dưới sự giám sát của thầy cô.
Phương pháp “Dạy-Học” nói trên nhằm vào các mục tiêu chính sau: Khuyến khích tinh thần tự học; giúp làm quen hay tập luyện khả năng đối thoại và đàm thoại, và sau cùng là khơi dậy bản tính tự nhiên của sự “tò mò trí tuệ” cho HS. Ngoài ra, phương pháp trên còn có thể khuyến khích các bậc cha mẹ có cơ hội để tự giúp chuyện học tập, nếu phải tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của con em mình. Chưa nói đến chuyện thầy cô cũng nhân dịp đó để “trau dồi nghề nghiệp” khi phải quyết định hay kiếm những câu trả lời nào thích hợp nhất cho HS. Kết quả là có thể nhờ vậy mà đưa đến một xã hội gồm toàn những công dân có tinh thần học hỏi cao và cầu tiến.
Đối tượng chính để áp dụng phương pháp “Học-Hỏi” này là các HS trung học, nhất là dành cho các HS ở cấp THCS, do vùng não bộ của các HS bắt đầu phát triển rất mau trong tuổi sắp dậy thì hay tuổi mới lớn. Cũng có thể áp dụng phần thảo luận và thêm phần phản biện dành riêng cho HS cấp (3)THPT. 
Nếu tất cả các nhà giáo hay ít nhất có khoảng 1/3 số thầy cô tại các trường chuyên, chịu khó thay đổi hay điều chỉnh lại phương pháp “Dạy-Học” như đã đề nghị trên, dám chắc là trong vòng một hay hai thế hệ nữa, trí tuệ cuả toàn dân Việt sẽ không thua kém bất cứ ai trong vùng châu Á, với thêm một điều kiện đòi hỏi duy nhất là phải có một chương trình “Dinh Dưỡng cho chất xám” thích hợp với công việc phát triển não bộ dành riêng cho thanh thiếu niên ở tại mỗi vùng miền địa phương.
Nguyễn Cường
Sacto, 12/2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét