Trang

Nhãn

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Bộ Giáo Lý Đức Tin lên tiếng về việc rước lễ của người ly dị tái hôn (vietcatholic.net)

Vũ Văn An10/27/2013

Ngày 24 Tháng Mười vừa qua, Đức TGM Gerhard Ludwig Muller, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cho phổ biến một bài viết của ngài trên tờ L'Osservatore Romano về việc rước lễ của các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự. Sau đây là nguyên văn bài báo đó dựa vào bản tiếng Anh do Đài Phát Thanh Vatican phổ biến. 

Chứng từ sức mạnh ơn thánh

Vấn đề liên quan tới các tín hữu đã bước vào cuộc kết hợp dân sự mới sau khi ly dị là vấn đề không mới lạ gì. Giáo Hội luôn nghiêm túc xem sét vấn đề này với quan điểm muốn giúp đỡ những người thấy mình rơi vào trạng huống này. Hôn nhân là một bí tích ảnh hưởng hết sức sâu xa tới con người trong các hoàn cảnh bản thân, xã hội và lịch sử của họ. Vì con số những người bị ảnh hưởng trong các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo cổ xưa càng ngày càng gia tăng, nên vấn đề mục vụ này đã mang lấy nhiều chiều kích có ý nghĩa. Hiện nay, cả các tín hữu vững chắc cũng nghiêm túc tự hỏi: há Giáo Hội lại không thể cho phép người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích dưới một số điều kiện nào đó hay sao? Bàn tay Giáo Hội bị trói cứng vĩnh viễn hay sao trong vấn đề này? Các thần học gia có chịu thực sự thăm dò mọi hệ luận và hậu quả chăng?



Các câu hỏi trên cần được khảo sát một cách nhất quán với tín lý Công Giáo về hôn nhân. Một phương thức mục vụ có trách nhiệm luôn tiền giả định một nền thần học biết dâng “lý trí và ý chí hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa mạc khải, tự do chấp nhận chân lý do Người mạc khải” (Dei Verbum, 5). Muốn làm cho tín lý chân chính của Giáo Hội được khả niệm, ta phải bắt đầu với lời Chúa trong Sách Thánh, được trình bày trong Truyền Thống Giáo Hội và được giải thích một cách trói buộc bởi huấn quyền.

Chứng từ Sách Thánh

Trực tiếp tìm nơi Cựu Ước các câu trả lời cho vấn nạn của ta không phải là không có khó khăn, vì vào thời đó, hôn nhân chưa được coi là một bí tích. Ấy thế nhưng lời Chúa trong Cựu Ước cũng quan trọng đối với ta vì Chúa Giêsu vốn thuộc truyền thống này và từng dựa vào nó để biện luận. Trong Mười Giới Răn, ta thấy giới răn này “ngươi không được phạm tội ngoại tình” (Xh 20:14), nhưng ở chỗ khác, ly dị lại được trình bày như một khả hữu. Theo Đệ Nhị Luật 24:1-4, Môsê dạy rằng người đàn ông có thể trao cho vợ mình một giấy ly hôn và đuổi nàng ra khỏi nhà mình, nếu nàng không được chàng sủng ái nữa. Sau đó, cả vợ lẫn chồng có thể tái hôn. Song song với việc chấp nhận ly dị này, Cựu Ước cũng đã nói lên một số dè dặt về phương diện này. Việc so sánh của các tiên tri giữa giao ước Thiên Chúa với Israel và sợi dây hôn phối bao hàm không những lý tưởng đơn hôn, mà còn cả lý tưởng bất khả tiêu nữa. Tiên tri Malaki nói về điều này rất rõ: “Đừng bất trung với người vợ tuổi thanh xuân của ngươi... là người ngươi vốn ký giao ước với” (Mk 2:14-15).

Trước hết, chính cuộc tranh luận với người Biệt Phái đã giúp Chúa Giêsu cơ hội bàn về chủ đề này. Người minh nhiên tách mình ra khỏi thói quen ly dị của Cựu Ước, một thói quen mà Môsê đã cho phép chỉ vì con người “có tâm hồn chai đá”, còn Người, Người nhấn mạnh tới ý chí nguyên thủy của Thiên Chúa: “từ nguyên thủy tạo thành, Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam có nữ. Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình và. .. cả hai sẽ nên một thân xác. Cho nên, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mc 10:5-9; xem Mt 19:4-9; Lc 16:18). Giáo Hội Công Giáo luôn đặt tín lý và thực hành của mình trên căn bản các lời vừa kể của Chúa Giêsu liên quan đến tính bất khả tiêu của hôn nhân. Sợi dây nội tại liên kết hai người phối ngẫu lại với nhau do chính Thiên Chúa bện nên. Nó chỉ một thực tại phát xuất từ Thiên Chúa và do đó không còn tùy thuộc xử lý của con người nữa.

Ngày nay, một số nhà chú giải chấp nhận quan điểm cho rằng vào thời đại các Tông Đồ, những lời của Chúa Giêsu trên đây đã được áp dụng một cách mềm dẻo nào đó: nổi tiếng nhất là trường hợp porneia/dâm bôn (unchastity) (xem Mt 5:32; 19:9) và trường hợp phân ly giữa một người phối ngẫu Kitô Giáo và một người phối ngẫu không Kitô Giáo (xem 1Cor 7:12-15). Câu dâm bôn này từng là đầu đề cho một cuộc tranh luận gắt gao giữa các nhà chú giải ngay từ buổi đầu. Nhiều người cho rằng nó không chỉ bất cứ trường hợp ngoại lệ nào đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, mà chỉ có ý nói tới những kết hợp hôn nhân bất thành. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Giáo Hội không thể xây dựng tín lý và thực hành của mình trên các giả thuyết vẫn còn bị khoa chú giải tranh cãi. Giáo Hội phải bám lấy giáo huấn rõ ràng của Chúa Kitô.

Thánh Phaolô trình bày việc cấm ly dị như là ý muốn minh nhiên của Chúa Kitô: “Với người đã kết hôn, tôi truyền, không phải tôi mà là Chúa, rằng người vợ không được lìa khỏi chồng (mà nếu lìa khỏi chồng, thì phải ở độc thân hoặc nếu không phải hòa giải với chồng) và người chồng cũng không được ly dị vợ” (1Cor 7:10-11). Đồng thời, ngài lại cho phép, bằng chính thẩm quyền của ngài, rằng một người không phải là Kitô hữu được phép phân ly với người phối ngẫu đã trở lại Kitô hữu. Trong trường hợp này, người Kitô hữu “không bị trói buộc” phải ở độc thân (1Cor 7:12-16). Dựa trên đoạn văn này, Giáo Hội đã hiểu ra rằng chỉ cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông đã rửa tội và một người đàn bà đã rửa tội mới là một bí tích đúng nghĩa, và chỉ trong trường hợp này, tính bất khả tiêu vô điều kiện mới được áp dụng. Hôn nhân của những người không rửa tội quả cũng có định hướng bất khả tiêu, nhưng dưới một số hoàn cảnh, như vì một lợi ích cao hơn chẳng hạn, nó có thể bị hủy tiêu (đặc ân Thánh Phaolô). Như thế, ở đây, ta không xử lý với một ngoại lệ đối với giáo huấn của Chúa. Tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, nghĩa là cuộc hôn nhân diễn ra bên trong mầu nhiệm Chúa Kitô, vẫn luôn được bảo đảm.

Đối với cái nhìn bí tích về hôn nhân, căn bản Thánh Kinh có tầm quan trọng hơn chính là Thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó, ta đọc rằng “Các ông chồng, các ông hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25). Và ngay sau đó, Thánh Tông Đồ viết thêm: “chính vì lý do này, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và gắn bó với vợ và cả hai sẽ nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật sâu xa, và tôi nói thế để ám chỉ Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph 5:31-32). Hôn nhân Kitô Giáo là dấu chỉ hữu hiệu giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì nó chỉ và thông truyền ơn thánh của giao ước này, nên hôn nhân giữa những ngưởi đã chịu phép rửa là một bí tích.

Chứng từ Thánh Truyền

Các Giáo Phụ và các Công Đồng cho ta nhiều chứng từ quan trọng liên quan tới cung cách diễn biến của chủ trương Giáo Hội. Đối với các Giáo Phụ, các huấn chỉ của Thánh Kinh về chủ đề này đều có tính trói buộc. Chúng bác bỏ luật ly dị của nhà nước, coi như không đi đôi với giáo huấn của Chúa Kitô. Giáo Hội thời các Giáo Phụ bác bỏ ly dị và tái hôn, và Giáo Hội làm thế vì vâng phục Tin Mừng. Về vấn đề này, các Giáo Phụ đều đồng thanh nhất trí.

Thời các Giáo Phụ, các phần tử ly dị trong cộng đồng Kitô Giáo nếu tái hôn dân sự sẽ không được chịu các bí tích nữa dù đã đền tội một thời gian. Tuy nhiên, một số bản văn giáo phụ dường như muốn ngụ ý rằng các lạm dụng không luôn luôn bị sửa trị cách nghiêm ngặt vì đôi khi vẫn có những giải pháp mục vụ cho các trường hợp tranh tối tranh sáng rất hiếm hoi.

Sau này, tại nhiều vùng, còn có những thoả hiệp lớn hơn, nhất là vì có sự liên lập mỗi ngày mỗi gia tăng giữa Giáo Hội và nhà nước. Ở Phương Đông, sự khai triển này tiếp tục xẩy ra, và đặc biệt từ lúc có sự phân ly với Tòa Phêrô, khai triển này càng ngày càng tiến tới một thực hành cởi mở hơn. Trong các Giáo Hội Chính Thống ngày nay, có rất nhiều cơ sở để ly dị, mà phần lớn được biện minh bởi nguyên tắc nhiệm cục (oikonomia), hay khoan dung mục vụ đối với các vụ khó khăn cá thể; các cơ sở này mở đường cho những cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba sau một việc đền tội nào đó. Người ta không thể hòa giải tập tục này với thánh ý Thiên Chúa, nếu dựa vào lời minh nhiên của Chúa Giêsu nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng nó đại biểu cho một vấn nạn đại kết mà ta không nên coi thường.

Ở Phương Tây, cuộc cải tổ của Đức GH Grêgôriô chống lại các khuynh hướng lỏng lẻo này và đưa ra một thúc đẩy mới mẻ nhằm hướng ta trở về với lối hiểu nguyên thủy của Thánh Kinh và của các Giáo Phụ. Giáo Hội Công Giáo bảo vệ tính bất khả tiêu tuyệt đối của hôn nhân dù với hy sinh và đau khổ lớn lao. Cuộc ly giáo của “Giáo Hội Nước Anh” đối với Người Kế Vị Thánh Phêrô đã diễn ra không phải vì khác biệt tín lý, mà do Đức Giáo Hoàng, vì vâng nghe lời dạy của Chúa Giêsu, đã không thể chấp nhận lời yêu cầu của Vua Henry VIII xin tiêu hủy cuộc hôn nhân của ông ta.

Công Đồng Trent củng cố tín lý bất khả tiêu của hôn nhân bí tích và đưa ra giải thích sau: tính bất khả tiêu này phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng (xem DH 1807). Đôi khi có người cho rằng trên thực tế Giáo Hội khoan dung đối với tập tục của Phương Đông. Nhưng nghĩ như vậy là sai. Các nhà giáo luật học luôn luôn nhắc đến nó như một lạm dụng. Và có đủ bằng chứng cho thấy các nhóm Kitô hữu Chính Thống khi trở thành người Công Giáo luôn phải minh nhiên nhìn nhận sự bất khả hữu của các cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba.

Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes về “Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay” đã trình bày một tín lý thần học và linh đạo rất sâu sắc về hôn nhân. Nó đề cao tính bất khả tiêu của hôn nhân, một cách rõ ràng và tách biệt. Hôn nhân được hiểu là một hiệp thông toàn diện sự sống và tình yêu, thân xác và tinh thần, giữa một người đàn ông và một người đàn bà tự hiến mình cho nhau và tiếp nhận nhau như những con người. Qua hành vi đích thân tự ý ưng thuận hỗ tương, một định chế lâu bền, do Thiên Chúa xếp đặt đã được tạo ra, nhằm thiện ích của các người phối ngẫu và con cái họ, chứ không còn tùy thuộc ý muốn thất thường có tính nhân bản nữa: “Là một trao hiến hỗ tương giữa hai con người, sự kết hợp thân mật này và thiện ích của con cái đặt để một lòng trung thành toàn diện lên các người phối ngẫu và biện hộ cho sự nên một không thể nào phá vỡ giữa họ với nhau” (số 48). Qua bí tích, Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho các người phối ngẫu: “Vì như Thiên Chúa thuở xưa tự làm cho mình hiện diện với dân Người qua một giao ước yêu thương và trung thành thế nào, thì nay Đấng Cứu Rỗi con người và Phu Quân của Giáo Hội cũng đi vào cuộc sống vợ chồng Kitô hữu qua bí tích hôn phối như thế. Người ở với họ mãi mãi sau đó để như Người yêu thương Giáo Hội và phó mình vì Giáo Hội thế nào, vợ chồng cũng yêu thương nhau với một lòng trung thành vĩnh viễn qua việc hiến mình cho nhau như vậy”. Qua bí tích hôn phối, tính bất khả tiêu của hôn nhân nhận được ý nghĩa mới và sâu sắc hơn: nó trở thành hình ảnh tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho dân Người và lòng trung thành bất phản hồi của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người.



Chỉ có thể hiểu và sống hôn nhân trong bối cảnh mầu nhiệm Chúa Kitô. Nếu hôn nhân bị thế tục hóa hay bị coi như một thực tại chỉ có tính tự nhiên, đặc tính bí tích của nó sẽ bị che mờ. Hôn nhân bí tích thuộc trật tự ơn thánh, nó được sát nhập vào hiệp thông yêu thương dứt khoát giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Các Kitô hữu được mời gọi sống hôn nhân của họ trong chân trời cánh chung, chờ mong nước Thiên Chúa đến nơi Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa.

Chứng từ huấn quyền hiện nay

Tông Huấn Familiaris Consortio, do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng Mười Một năm 1981 sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay, và có tầm quan trọng rất căn để từ ngày đó, đã củng cố giáo huấn tín lý của Giáo Hội về hôn nhân một cách đầy nhấn mạnh. Nhưng nó cũng tỏ nhiều quan tâm mục vụ đối với các tín hữu ly dị và tái hôn dân sự là những người vẫn còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng biểu lộ một quan tâm và thông cảm cao độ. Đoạn 84 về “những người ly dị đã tái hôn” có những qui định chủ yếu như sau: 1. Vì lòng yêu sự thật, các mục tử buộc “phải thực thi một biện phân cẩn trọng về hoàn cảnh”. Không phải điều gì và ai ai cũng phải được lượng giá cùng một cách như nhau. 2. Các mục tử và các cộng đồng giáo xứ buộc phải hỗ trợ các tín hữu bị vướng vào các hoàn cảnh này, bằng một “tình yêu chăm chú”. Họ vẫn thuộc về Giáo Hội, họ vẫn có quyền được chăm sóc mục vụ và họ nên tham dự vào đời sống của Giáo Hội. 3. Ấy thế nhưng, họ không thể được tiếp nhận Thánh Thể. Có hai lý do cho việc này: a) “tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan đối với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một kết hợp vốn được Thánh Thể biểu hiệu và làm cho hữu hiệu” b) “nếu những người này được tiếp nhận Thánh Thể, các tín hữu sẽ bị hướng dẫn sai lầm và lẫn lộn về giáo huấn của Giáo Hội đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân”. Việc hòa giải qua bí tích xưng tội, một việc mở đường cho việc tiếp nhận Thánh Thể, chỉ có thể ban cấp trong trường hợp có sự ăn năn hối tiếc việc đã xẩy ra và sự “sẵn sàng tiếp nhận một lối sống không còn mâu thuẫn với tính bất khả tiêu của hôn nhân nữa”. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa: nếu vì các lý do nghiêm túc, như để dưỡng dục con cái, mà cuộc kết hợp mới không thể nào tiêu hủy được, thì hai người kết ước này phải “cam kết sống tiết dục hoàn toàn”. 4. Vì các lý do bí tích và thần học nội tại chứ không do các áp lực luật lệ, các giáo sĩ minh nhiên bị cấm không được “cử hành các nghi lễ bất cứ thuộc loại nào” cho người ly dị tái hôn dân sự, bao lâu cuộc hôn nhân thứ nhất thành sự theo bí tích vẫn tồn tại.

Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 14 tháng Chín năm 1994 về việc rước lễ của các tín hữu ly dị và tái hôn nhấn mạnh rằng thực hành của Giáo Hội trong vấn đề này “không thể bị thay đổi vì các tình thế khác nhau” (số 5). Tuyên bố cũng minh xác rằng các tín hữu liên hệ không thể tự ý lên rước lễ dựa trên chính lương tâm họ: “Nếu họ phán đoán họ có thể làm như thế, thì các mục tử và các cha giải tội... có nhiệm vụ nghiêm trọng phải khuyên nhủ họ rằng một phán đoán lương tâm như thế mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội một cách công khai” (số 6). Nếu vẫn còn hoài nghi về tính thành sự của cuộc hôn nhân thất bại, thì các hoài nghi này phải được các tòa án hôn phối có năng quyền xem sét (xem số 9). Điều hết sức quan trọng vẫn là “vì đức ái phải làm mọi sự có thể làm được để củng cố trong tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội các tín hữu trong các hoàn cảnh hôn nhân bất bình thường. Chỉ có thế họ mới có khả năng tiếp nhận được trọn vẹn sứ điệp của hôn nhân Kitô Giáo và với đức tin, chịu đựng được các khốn khó do hoàn cảnh họ gây ra. Trong hành động mục vụ, ta phải làm mọi sự có thể làm được để bảo đảm rằng điều này được hiểu không phải là vấn đề kỳ thị mà chỉ là vấn đề tuyệt đối trung thành với ý muốn của Chúa Kitô, Đấng đã tái lập và ủy thác cho ta một lần nữa tính bất khả tiêu của hôn nhân như là một tặng phẩm của Đấng Hóa Công” (số 10).

Trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng, tựa là Sacramentum Caritatis, ban hành ngày 22 tháng Hai năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI tóm lược công trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề Thánh Thể và sau đó khai triển thêm. Ở số 29, ngài nói tới tình thế của các tín hữu ly dị và tái hôn. Đối với cả Đức Bênêđíctô XVI, đây là một “vấn đề mục vụ phức tạp và làm người ta bối rối”. Ngài xác nhận rằng “Dựa trên Thánh Kinh (xem Mc 10:2-12), tập tục của Giáo Hội là không cho người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích”, tuy nhiên, cùng một lúc, ngài thúc giục các mục tử dành “quan tâm đặc biệt” cho những người liên hệ: với uớc mong họ được “sống cuộc sống Kitô hữu càng trọn vẹn bao nhiêu càng hay, qua việc thường xuyên tham dự Thánh Lễ, dù không được rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, thờ lạy Mình Thánh Chúa, cầu nguyện, tham dự sinh hoạt cộng đoàn, làm việc đền tội, và cam kết giáo dục con cái”. Nếu vẫn còn hoài nghi tính thành sự của cuộc hôn nhân thất bại, thì những hoài nghi này cần được các tòa án có năng quyền xem sét. Não trạng thời nay phần đông chống lại cái hiểu Kitô Giáo về hôn nhân, về tính bất khả tiêu và việc sẵn sàng đón nhận con cái. Vì nhiều Kitô hữu bị ảnh hưởng bởi não trạng này, nên các cuộc hôn nhân hiện nay rất có thể bất thành nhiều hơn trước đây, vì thiếu ý muốn kết hôn theo giáo huấn Công Giáo, và vì ít được xã hội hóa trong môi trường đức tin. Bởi thế, việc lượng định tính thành sự của hôn nhân là điều quan trọng và có khả năng giúp giải quyết nhiều vấn nạn. Khi việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu không thể chứng minh được, thì, theo tập tục đã có và đã được chấp thuận trong Giáo Hội, điều kiện để được giải tội và rước lễ là cặp này phải sống với nhau như “bạn bè, như anh chị em”. Cần phải tránh việc chúc lành cho các cuộc kết hợp bất bình thường, “kẻo lẫn lộn sẽ phát sinh nơi các tín hữu liên quan tới giá trị của hôn nhân”. Chúc lành cho một liên hệ vốn mâu thuẫn với thánh ý Thiên Chúa tự nó đã là một mâu thuẫn ngay trong ngôn từ rồi (bene-dictio có nghĩa được Chúa thừa nhận).

Trong bài giảng lễ tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Trên Thế Giới Lần Thứ Bẩy ở Milan ngày 3 tháng Sáu năm 2012, một lần nữa, Đức Bênêđíctô XVI lại có dịp nói tới vấn đề đau lòng này: “Tôi cũng muốn ngỏ mấy lời với các tín hữu, dù nhất trí với các giáo huấn của Giáo Hội về gia đình, nhưng từng đau đớn phải trải nghiệm sự tan vỡ và phân ly. Tôi muốn anh chị em biết rằng Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hỗ trợ anh chị em trong cuộc chiến đấu của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục hợp nhất với cộng đoàn của anh chị em, và tôi tha thiết hy vọng rằng các giáo phận của anh chị em sẽ khai triển nhiều sáng kiến thích đáng để chào đón và đồng hành với anh chị em”.

Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây nhất về chủ đề “Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô Giáo” (7-28 tháng Mười, 2012) một lần nữa cũng đã đề cập tới hoàn cảnh các tín hữu sau một thất bại trong mối liên hệ hôn nhân (không phải hôn nhân thất bại, vì như một bí tích, hôn nhân vẫn còn đấy) đã bước vào một kết hợp mới và sống với nhau không có sợi dây hôn phối bí tích. Trong thông điệp kết thúc, các nghị phụ ngỏ lời với những người này như sau: “Với mọi người họ, chúng tôi muốn nói rằng tình yêu Thiên Chúa không bỏ rơi bất cứ ai, Giáo Hội cũng vẫn yêu thương họ, Giáo Hội là căn nhà chào đón mọi người, họ vẫn là các chi thể của Giáo Hội cho dù họ không thể lãnh nhận bí tích giải tội và Thánh Thể. Ước mong các cộng đoàn Công Giáo chào đón mọi người hiện đang sống trong các hoàn cảnh như thế và hỗ trợ những người hiện đang trên đường hồi tâm và hoà giải”.

Các quan sát dựa trên nhân học và thần học bí tích

Tín lý bất khả tiêu hôn nhân thường bị môi trường thế tục hóa tỏ ra không hiểu. Nơi nào mất đi những tầm nhìn thông suốt của đức tin Kitô Giáo, nơi ấy việc chỉ làm con cái Giáo Hội cho có lệ theo qui ước sẽ không đủ để nâng đỡ các quyết định chính yếu trong đời sống nữa; nó cũng không thể cung cấp cho ta một thế đứng vững chắc lúc gặp khủng hoảng hôn nhân, cũng như lúc gặp khủng hoảng linh mục và tu dòng. Nhiều người đặt câu hỏi: làm thế nào tôi có thể gắn bó với một người đàn bà hay một người đàn ông suốt cả đời được? Ai có thể nói cho hay trong mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm sau, cuộc hôn nhân của tôi sẽ ra sao không? Liệu có thể có một sợi dây vĩnh viễn cột tôi với một người nào khác chăng? Rất nhiều liên hệ hôn nhân đang lung lay hiện nay càng tăng cường não trạng hoài nghi của giới trẻ liên quan tới các chọn lựa dứt khoát trong đời.

Mặt khác, lý tưởng trung thành giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn xây dựng trên trật tự tạo thế, chưa hề mất đi tính hấp dẫn của nó chút nào, như thấy rõ qua các cuộc thăm dò ý kiến giới trẻ gần đây. Phần lớn những người trẻ này mong muốn một liên hệ ổn định và bền vững, phù hợp với bản chất thiêng liêng và luân lý của con người nhân bản. Hơn nữa, ta đừng quên giá trị nhân học của hôn nhân bất khả tiêu: nó kéo các người phối ngẫu ra khỏi tính tùy hứng và ách bạo chúa của xúc cảm và tính khí thất thường. Nó giúp họ sống thoát các khó khăn bản thân và vượt qua các trải nghiệm đau đớn. Trên hết, nó bảo vệ con cái, là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong các tan vỡ hôn nhân.

Tình yêu không phải chỉ là xúc cảm hay bản năng. Tự bản chất, nó là tự hiến. Trong tình yêu phu phụ, hai con người nói với nhau một cách đầy ý thức và cố ý rằng: chỉ có anh hay chỉ có em mãi mãi mà thôi. Lời của Chúa Giêsu: “Điều Thiên Chúa đã kết hợp” tương xứng với lời hai người phối ngẫu đoan hứa: “Em nhận anh làm chồng... Anh nhận em làm vợ... Em (anh) sẽ yêu thương, quí mến và tôn trọng anh (em) bao lâu em (anh) còn sống, cho tới lúc cái chết phân rẽ chúng ta”.

Linh mục chúc lành cho giao ước mà hai người phối ngẫu vừa đóng ấn với nhau trước mặt Thiên Chúa. Nếu ai đó hoài nghi không biết dây hôn phối có tính hữu thể (ontological) hay không, họ hãy học biết từ lời Thiên Chúa sau đây: “Người là Đấng, từ khởi thủy, đã dựng nên họ có nam có nữ, rồi phán: vì lý do này, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình mà kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một thân xác. Do đó, họ không còn là hai mà là một thân xác” (Mt 19:4-6).

Đối với các Kitô hữu, hôn nhân của những người đã rửa tội, nghĩa là được sáp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, đều có đặc điểm bí tích và do đó tượng trưng cho một thực tại siêu nhiên. Một vấn nạn mục vụ trầm trọng đang phát sinh từ sự kiện này: nhiều người ngày nay phán đoán hôn nhân Kitô Giáo hoàn toàn bằng tiêu chuẩn trần thế và thực dụng. Những người suy nghĩ theo “tinh thần thế gian” (1Cor 2:12) không thể nào hiểu nổi tính bí tích của hôn nhân. Giáo Hội không thể đáp ứng việc người ta càng ngày càng không hiểu tính thánh thiện của hôn nhân bằng cách thay đổi một cách thực dụng điều giả thiết vốn không thể nào tránh được, mà chỉ bằng cách tín thác nơi “Thần Khí vốn phát xuất từ Thiên Chúa để có thể hiểu được những ơn phúc do Thiên Chúa ban cho ta” (1 Cor 2:12). Hôn nhân bí tích là một chứng từ về sức mạnh của ơn thánh; nó biến đổi con người và chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội bước vào thành thánh, thành Giêrusalem mới, một Giáo Hội được chuẩn bị “như nàng dâu được trang điểm cho phu quân” (Kh 21:2). Tin Mừng về sự thánh thiện của hôn nhân phải được công bố với một sự trung thực có tính tiên tri. Khi đã thích ứng với tinh thần thời đại, vị tiên tri rã rời sẽ chỉ đi tìm sự cứu rỗi cho riêng mình chứ không phải sự cứu rỗi cho thế giới nơi Chúa Giêsu Kitô. Trung thành với lời ưng thuận khi kết hôn là dấu chỉ tiên tri của ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn ban cho thế giới. “Ai có khả năng lãnh hội điều này, hãy lãnh hội nó” (Mt 19:12). Qua ơn thánh bí tích, tình yêu phu phụ được thanh tẩy, tăng cường và thăng hoa. “Được đóng ấn bằng lòng trung thành hỗ tương và được thánh hóa trước hết bằng bí tích của Chúa Kitô, tình yêu này sẽ mãi mãi chân thực một cách bền bỉ trong thân xác và trong tâm trí, trong những ngày sáng sủa và trong những ngày đen tối. Nó sẽ không bao giờ bị xúc phạm bởi ngoại tình hay ly dị” (Gaudium et Spes, 49). Nhờ sức mạnh của bí tích hôn nhân, hai người phối ngẫu dự phần vào tình yêu dứt khoát và bất phản hồi của Thiên Chúa. Do đó, họ có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu trung thành của Thiên Chúa, nhưng họ phải không ngừng nuôi dưỡng tình yêu của họ qua việc sống cuộc sống của mình bằng đức tin và bằng tình yêu.

Như mọi mục tử đều biết, ai cũng nhìn nhận rằng sẽ có những tình thế trong đó việc chung sống của vợ chồng, trên thực tế, không còn khả hữu nữa vì nhiều lý do thôi thúc, như bạo lực thể lý hay tâm lý. Trong những trường hợp khó khăn như thế, Giáo Hội luôn cho phép các người phối ngẫu được ly thân và không còn phải sống với nhau nữa. Tuy nhiên, điều cần phải nhớ là: dây hôn phối của một cuộc hôn nhân thành sự vẫn nguyên vẹn trước mặt Thiên Chúa, và các bên cá thể không được tự do kết ước một hôn nhân mới, bao lâu người phối ngẫu kia còn sống. Do đó, các mục tử và các cộng đoàn phải cố gắng cổ vũ con đường hòa giải cả trong các trường hợp này nữa hay nếu không thể làm được điều này, thì giúp các người liên hệ đối diện với tình thế khó khăn của họ bằng đức tin.

Các quan sát dựa trên thần học luân lý

Người ta thường gợi ý cho rằng những người ly dị tái hôn nên được phép quyết định cho chính họ, theo lương tâm họ, liệu có nên bước lên rước lễ hay không. Luận điểm này, đặt căn bản trên ý niệm còn đang tranh cãi về “lương tâm”, đã bị văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994 bác bỏ. Lẽ dĩ nhiên, mỗi lần tham dự Thánh Lễ, các tín hữu đều phải xét xem liệu mình có thể rước lễ được không, hay một tội trọng chưa xưng có thể gây trở ngại. Đồng thời, họ có bổn phận phải huấn luyện lương tâm và giúp nó phù hợp với chân lý. Khi làm như thế, họ cũng lắng nghe Huấn Quyền Giáo Hội, là thẩm quyền giúp họ “khỏi đi chệch ra ngoài sự thật về thiện ích của con người, nhưng thay vào đó, nhất là trong các vấn đề khó khăn hơn, giúp họ biết đạt tới sự thật một cách chắc chắn và sống trong sự thật ấy” (Veritatis Splendor, 64). Nếu người ly dị tái hôn xác tín một cách chủ quan trong lương tâm họ rằng cuộc hôn nhân trước bất thành, thì điều này phải được chứng minh một cách khách quan bởi các tòa án hôn phối có năng quyền. Hôn nhân không phải chỉ là mối liên hệ của hai người với Thiên Chúa, nó còn là một thực tại của Giáo Hội nữa, một bí tích, và các cá nhân liên hệ không có quyền quyết định tính thành sự của nó, mà đúng hơn quyền ấy dành cho Giáo Hội, định chế mà các cá nhân được sáp nhập vào nhờ đức tin và phép rửa. “Nếu cuộc hôn nhân trước của hai tín hữu ly dị và tái hôn đã thành sự, thì cuộc kết hợp mới của họ, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể được coi là hợp pháp, và do đó, việc lãnh nhận các bí tích là bất khả hữu một cách nội tại. Lương tâm cá nhân bị trói buộc vào qui định này không có ngoại lệ nào cả” (Đức HY Joseph Ratzinger, “The Pastoral approach to marriage must be founded on truth” L’Osservatore Romano, Bản Tiếng Anh, 7 tháng Mười Một năm 2011, p. 4).

Giáo huấn về epikeia, theo đó, một luật lệ rất có thể có giá trị phổ quát, nhưng không luôn luôn được áp dụng vào một số tình huống cụ thể nào đó của con người, cũng không thể được nại tới ở đây vì trong trường hợp bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, ta đương đầu với thiên luật là luật nằm ngoài quyền xử lý của Giáo Hội. Tuy nhiên, như đã thấy trong trường hợp đặc ân Thánh Phaolô, Giáo Hội quả có thẩm quyền minh xác các điều kiện cần được thỏa mãn để một hôn nhân bất khả tiêu có thể xẩy ra, như Chúa Giêsu truyền dạy. Dựa trên căn bản này, Giáo Hội đã thiết lập ra các ngăn trở đối với hôn nhân, nhìn nhận các cơ sở để tuyên bố vô hiệu và khai triển ra diễn trình chi tiết để xem sét các cơ sở này.

Một lý lẽ nữa đã được đưa ta để biện hộ việc cho phép các người ly dị tái hôn được chịu các bí tích là lòng thương xót. Xét vì chính Chúa Giêsu từng tỏ tình liên đới với những người đau khổ và từng tuôn tràn tình yêu thương xót trên họ, nên lòng thương xót được kể là một phẩm tính biệt loại của người môn đệ đích thực. Điều này đúng, nhưng trệch đích nhắm khi được sử dụng như một luận chứng trong lãnh vực thần học bí tích. Trọn nhiệm cục bí tích là công trình của lòng thương xót Chúa; nó không thể giản đơn bị gạt qua một bên bằng một việc nại tới chính lòng thương xót ấy. Việc nại tới lòng thương xót nào lầm lẫn một cách khách quan cũng đều có nguy cơ tầm thường hóa hình ảnh Thiên Chúa, qua việc ngụ ý cho rằng Thiên Chúa không thể làm gì khác ngoài việc tha thứ. Mầu nhiệm Thiên Chúa bao gồm không những lòng thương xót của Người mà còn cả sự thánh thiện và công lý của Người nữa. Nếu ta dám dẹp bỏ các đặc điểm vừa kể của Thiên Chúa và từ khước không coi tội là việc nghiêm trọng, thì nhiên hậu ngay cả việc đem lòng thương xót của Chúa tới con người cũng là điều không thể có. Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thương vô bờ đối với người đàn bà ngoại tình, nhưng Người vẫn nói với chị: “Con hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Lòng thương xót của Thiên Chúa không miễn chước ta khỏi tuân theo các giới răn của Người hay các giới luật của Giáo Hội. Đúng hơn, nó ban cho ta ơn thánh và sức mạnh cần thiết để chu toàn các giới răn và các giới luật này, để ta vực ta dậy sau mỗi lần té ngã, và để ta sống cuộc sống viên mãn theo đúng hình ảnh Cha ta ở trên trời.

Chăm sóc mục vụ

Cho dù không thể cho phép các người ly dị tái hôn được chịu các bí tích, vì bản chất nội tại của họ, nhưng chính vì thế ta càng có nhiệm vụ phải tỏ quan tâm mục vụ đối với các thành viên tín hữu này, để hướng dẫn họ cách rõ ràng tới những điều dạy bảo của thần học mặc khải và huấn quyền. Con đường được Giáo Hội chỉ vẽ không dễ dàng chút nào đối với những người liên hệ. Ấy thế nhưng họ nên biết và cảm nhận điều này: như một cộng đồng cứu rỗi, Giáo Hội luôn sánh bước với họ trong hành trình của họ. Bao lâu các bên cố gắng hiểu biết tập tục của Giáo Hội và hạn chế không rước lễ, họ đã làm chứng cách riêng cho tính bất khả tiêu của hôn nhân vậy.

Điều rõ ràng là không nên rút gọn việc chăm sóc các người ly dị tái hôn vào việc rước lễ mà thôi. Nó bao hàm một phương thức mục vụ có phạm vi bao quát hơn nhiều; phương thức này cố gắng đánh giá đúng các tình huống khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu ra rằng ngoài việc chịu lễ ra, còn có những phương cách khác để hiệp thông với Chúa. Người ta có thể tiến gần Thiên Chúa bằng cách hướng về Người bằng đức tin, đức cậy và đức mến, bằng việc thống hối và cầu nguyện. Thiên Chúa có thể ban sự gần gũi và ơn cứu rỗi cho những người đang đi trên những nẻo đường khác, thậm chí cả lúc họ rơi vào những tình huống sống mâu thuẫn nữa. Như các văn kiện gần đây của huấn quyền vốn nhấn mạnh, các mục tử và các cộng đoàn Kitô Giáo được kêu gọi chào đón một cách cởi mở và thành thực những người đang sống trong các tình huống bất bình thường, hỗ trợ họ một cách thiện cảm và đầy giúp đỡ, và giúp họ ý thức được tình yêu của Đấng Chăn Chiên Lành. Nếu chăm sóc mục vụ bắt nguồn từ sự thật và tình yêu, chắc chắn nó sẽ khám phá được nhiều nẻo đường và phương thức đúng đắn một cách không ngừng mới mẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét