Trang

Nhãn

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Thư gửi các đại biểu Quốc hội: Chống tham nhũng, chống tận gốc (21/10/2013) (daidoanket.vn/)

Thưa quý vị đại biểu!

Ngày 6-1-2005, hội nghị toàn quốc về nâng cao hiệu quả đầu tư họp tại Hà Nội. Trao đổi với một số nhà báo về chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã nói:


Tập đoàn Vinaline thua lỗ, nợ nần nghiêm trọng nhưng 
chỉ có những kẻ như Dương Chí Dũng phải chị trách nhiệm là chưa đủ
Ảnh: Minh Hiền

"Chính phủ đã thấy rất rõ việc chấm dứt tình trạng "khép kín”, trong đầu tư xây dựng cơ bản là vấn đề cấp bách, cần làm ngay vì nó gây tác hại rất lớn. Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là một kinh nghiệm đau đớn của chúng ta khi những sai phạm có một phần quan trọng là do tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các đơn vị thi công gần như có cùng một gốc. Hay ví dụ như các công trình của Bộ Giao thông - Vận tải, hiện tại gần như khép kín hoàn toàn từ khâu khảo sát thiết kế cho đến đấu thầu, thi công, giám sát. Chủ đầu tư cũng là Bộ Giao thông - Vận tải và những gì bên trong có ai biết đâu. Kể cả chuyện đấu thầu, tuy nói là đấu thầu rộng rãi nhưng có nhà thầu nào bên ngoài "chen” vào được, tập trung chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải”.

Không phải chỉ có Bộ Giao thông - Vận tải, hầu hết các bộ cùng UBND  các tỉnh, thành phố, có nơi kể cả huyện đều có tình trạng "khép kín”, vì vừa quản lý nhà nước lại vừa quản lý hàng trăm doanh nghiệp nhà nước dưới quyền còn được gọi là "cái sân sau” của lãnh đạo bộ và UBND các cấp. "Khép kín” nào cũng từ A đến Z, từ quy hoạch, quyết định đầu tư đến đấu thầu, thi công, tư vấn, giám sát… đều nằm trong vòng tròn một bộ, một ngành không ai giám sát được, một thứ siêu quyền lực đặc quyền, đặc lợi hết sức tệ hại, sản sinh ra những tỷ phú có chức có quyền. Ai cũng biết nơi nào "khép kín” đều là hang ổ của tham nhũng, tổn thất chúng gây ra hết sức nặng nề. Vừa đá bóng vừa thổi còi, không tham nhũng mới lạ, nhiều trường hợp người vay ngân hàng còn được gợi ý nên vay thêm vì ngân hàng cho vay càng nhiều thì nơi ký giấy, nơi vay tiền và nơi cho vay càng có nhiều "phần trăm” trích từ số tiền cho vay để chia nhau. Tham nhũng quá dễ dàng, lại phổ biến, năm này qua năm khác đều chót lọt vì không có trách nhiệm cá nhân. Việc Chính phủ công khai trên báo chí, đòi hỏi phải xóa bỏ "khép kín” càng sớm càng tốt, đã được đông đảo nhân dân rất đồng tình nhưng các bộ, ngành và cấp hành chính địa phương không chấp hành. "Khép kín” vẫn tồn tại vững chắc hơn bao giờ hết mặc dù Chính phủ rất muốn xóa bỏ, như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã nói với báo chí về "khép kín”: "Những gì bên trong có ai biết đâu”.

Tám năm sau, ngày 23-9-2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư lúc này là ông Bùi Quang Vinh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Đầu tư công nhằm hạn chế những tổn thất rất lớn do đầu tư dàn trải, tràn lan suốt hàng chục năm qua, đặc biệt Dự án Luật Đầu tư đề cao trách nhiệm cá nhân, quy định xử  lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, quyết định đầu tư kém hiệu quả. Ông nêu ví dụ, có địa phương làm dự án thủy lợi lúc đầu vẽ ra là tưới tiêu cho 1.000 hecta, mỗi hecta đầu tư hai tỷ đồng, tổng vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng, thế nhưng khi hoàn thành thì chỉ tưới tiêu được có 500 hecta, tổng vốn đầu tư vẫn là 2.000 tỷ đồng, vậy là mất 1.000 tỷ đồng vào đâu? Ngân sách nhà nước mất lớn như thế nhưng không có một lãnh đạo nào ở trung ương và địa phương chịu trách nhiệm cá nhân, tất cả chỉ vì nguyên nhân rất chung chung "tại thiết kế sai”. Ông Bùi Quang Vinh còn nói đến đường ven biển miền Trung xây dựng rất tốn kém không có người sử dụng, Thủ tướng cũng rất bức xúc về những con đường miền núi rộng 60, 70 mét vô cùng lãng phí, lãnh đạo tỉnh thích làm cho hoành tráng, thiếu tiền xin Trung ương, lãnh đạo gây ra lãng phí, không có cá nhân nào chịu trách nhiệm. Lại còn chợ dân sinh làm xong không có người đến buôn bán, trung tâm thương mại cửa khẩu làm xong bỏ hoang nhưng lãng phí hàng trăm tỷ đồng kèm theo tham nhũng không có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm cá nhân. Nghe ông Bùi Quang Vinh nói đến nguồn vốn đầu tư mới đáng sợ, có dự án vốn đầu tư phải mấy chục ngàn tỷ đồng, một khoản tiền ngân sách cực lớn, chưa rõ sẽ lấy đâu ra tiền nhưng một số lãnh đạo, như ông Bùi Quang Vinh nói "quyết định một phát xong ngay”. Rồi sau đó đi vào xây dựng thiếu tiền phải lao theo, vẽ đường ra để "chạy” và mỗi khi cạn tiền, chưa xin được Trung ương, lại "treo” dự án, 10, 15 năm dự án vẫn chưa làm xong, tốn tiền ngân sách không sao kể xiết, thế nhưng mấy lãnh đạo đã "quyết định một phát xong ngay” chẳng có ai chịu trách nhiệm cá nhân, họ vẫn an toàn tại chức, vẫn lên lương, lên chức để tiếp tục phá hoại đất nước.

Thưa quý vị đại biểu

Xin được trình bày với quý vị phát biểu của hai Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, cách nhau 8 năm để thấy ta chống tham nhũng liên tục, kiên trì nhưng vẫn chỉ chống trên ngọn. Chống tham nhũng không có trách nhiệm cá nhân thì chống ai, không có con người cụ thể và chức vụ rõ ràng thì tất nhiên ta càng chống nhưng tham nhũng càng mạnh vì những người chịu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng lại vẫn an toàn tại chức, chỗ dựa của tham nhũng lại không ai dám đụng chạm quyền lực dần dần lặng lẽ vào tay tham nhũng, cái mất này mới thực sự đáng sợ khi thế lực của tham nhũng được củng cố từ bên trên. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương đã nói: "Giá trị căn nhà 10 tỷ đồng lại nâng lên thành 70 tỷ, 80 tỷ rồi nâng lên đến 100 tỷ,ông vay cũng tranh thủ kiếm chác rồi cho lại ông cho vay, hai bên đều có lợi, chỉ chết dân và nhà nước. Ở các nước không có chuyện dễ dãi thế được, đi tù ngay”.

Một số nước giàu có hơn ta, trình độ mọi mặt bỏ xa ta, đều giống nhau ở một điểm: Kỷ cương phép nước rất nghiêm gắn liền với trách nhiệm cá nhân, bất cứ tiêu cực lớn nào xảy ra tức khắc có từ chức hoặc bị cách chức vì tội thuộc lãnh đạo nào rất minh bạch, chi li, không thể dựa dẫm vào nhau để trách nhiệm chia cho mỗi lãnh đạo một ít, cuối cùng là "hòa cả làng” như xảy ra đã thành nếp quen ở Nhà nước ta hàng chục năm qua. Quốc hội nước họ có thực quyền, dân được làm chủ thực sự. Các quan chức giữ bất cứ chức vụ gì gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khoảng 5.000 USD là phải từ chức hoặc bị cách chức, nếu không Quốc hội sẽ có ý kiến, còn ở nước ta nhiều lãnh đạo gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước vài vạn USD, có nơi vài chục vạn USD cũng vẫn đường hoàng tại chức. Gây tổn thất cho ngân sách "phá kỷ lục” như Vinashin, thua lỗ, nợ nần đến 4 tỷ USD, tiếp theo là Vinaline, chỉ có những người đứng đầu hai tập đoàn này chịu trách nhiệm cá nhân là cực kỳ phi lý. Chỉ riêng họ không thể gây thua lỗ, nợ nần khủng khiếp đến như thế. Nguồn gốc của thua lỗ nợ nần còn từ sự quản lý kém cỏi của cấp bộ và còn cao hơn, từ cơ quan chủ quản, chưa nói thiếu hẳn sự sâu sát cần thiết của bên trên, tạo nên những sơ hở để tham nhũng sinh sôi nảy nở. Dương Chí Dũng đứng đầu Tập đoàn Vinaline chỉ tham nhũng trong một vụ mua ụ nổi 83M đã lấy của ngân sách nhà nước 1 triệu 666 nghìn USD để mua nhà cho "bạn gái” và con riêng. Người lãnh đạo Vinaline từ bên trên, trực tiếp quản lý Dương Chí Dũng có chịu trách nhiệm gì không khi nguồn vốn khổng lồ của cả một Tập đoàn lại giao cho một tên trùm tham nhũng làm chủ. Không thể không đặt câu hỏi: Hiện còn bao nhiêu Dương Chí Dũng chưa lộ mặt, đang được giao cho hàng trăm nghìn tỷ đồng với hy vọng biến doanh nghiệp nhà nước thành "quả đấm thép”?

Đông đảo cử tri cả nước đều kỳ vọng vào Quốc hội, rất mong quý vị chống tham nhũng mạnh hơn, trúng hơn, chống tận gốc, đòi hỏi những người đứng đầu, những người lãnh đạo bộ, ngành và địa phương để xảy ra tham nhũng phải chịu trách nhiệm cá nhân, phải biết tự xử, biết từ chức. Nhiều lãnh đạo vô tình hay cố ý không thấy mình mắc tội nặng lại cho là không hề dính líu đến một đồng tham nhũng nên tưởng mình trong sạch. Những lãnh đạo quan liêu này nếu sâu sát cơ sở, theo dõi thường xuyên mọi hoạt động của đơn vị, tổ chức dưới quyền thì nếu có xảy ra tham nhũng cũng không thể trầm trọng, gây tổn thất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Sự quan tâm đặc biệt của quý vị đến trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo bộ, ngành và địa phương để xảy ra tham nhũng chắc chắn sẽ góp phần quyết định đẩy lùi tham nhũng vì chống tận gốc, chống quan liêu vốn là chỗ dựa "lý tưởng” của tham nhũng. Hồ Chủ tịch coi quan liêu nguy hiểm như tham nhũng, quan liêu và tham nhũng đều là "nội xâm”, là "giặc ở trong lòng”. Người đã căn dặn "Quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”- Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 6 – Trang 484. Mấy chục năm qua ta rất coi nhẹ chống quan liêu, biểu hiện cụ thể ở trách nhiệm cá nhân không có. Trong dân từ lâu vẫn bàn tán "chống tham nhũng càng lên trên càng không có trách nhiệm cá nhân thì chẳng khác gì đấm vào không khí”. Cắt đứt mọi quan hệ của tham nhũng với quan liêu, tham nhũng bị cô lập, hiện nguyên hình ngay. Muốn chống tham nhũng có kết quả như mong muốn, trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Đến bao giờ chúng ta mới thực hiện nghiêm chỉnh lời căn dặn vô cùng quan trọng này của Hồ Chủ tịch.

Chỉ có sức mạnh của nhân dân, thông qua Quốc hội, thông qua các đại biểu dân bầu mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ lãnh đạo trung ương rời bỏ tháp ngà, sát cánh cùng quần chúng nhân dân, cán bộ trong cuộc đấu tranh một mất, một còn chống tham nhũng. Trách nhiệm của quý vị vô cùng nặng nề trước vận mệnh của dân tộc vì mọi quyền lực nhân dân đã trao cho quý vị, chẳng lẽ chịu lùi mãi trước bè lũ tham nhũng và nếu còn chậm trễ sẽ không còn chỗ để lùi.

Xin gửi quý vị lời chào trân trọng.

Thái Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét