Trang

Nhãn

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Thời bình của Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo (diendanxahoidansu.wordpress.com/)


… năm 2007, ông đề nghị không được phá hội trường Ba Đình để xây nhà Quốc Hội 
… năm 2008 ông can ngăn việc mở rộng Hà Nội 
…  năm 2009 ông viết liên tiếp ba bản kiến nghị can ngăn việc khai thác bô-xit ở Tây Nguyên 
…  ông đã có ý tưởng nên lấy lại tên thủ đô là Thăng Long nhân dịp kỷ niệm 1000 năm
Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo)
Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (tháng 8 năm 2011), Hội Lịch sử Việt Nam (Chủ tịch là Giáo sư Phan Huy Lê) đã tôn vinh ông là một anh hùng dân tộc. Trong dịp sinh nhật năm nay (25/8/2013) của Đại tướng, cũng Hội Lịch sử Việt Nam đã xếp ông là một trong bốn vị danh tướng tiêu biểu nhất của lịch sử nước nhà (cùng với Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ). Với tầm vóc và ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với sự ngưỡng mộ của các tầng lớp dân chúng, có lẽ nhiều người đồng tình với đánh giá của Hội Lịch sử Việt Nam.

  Trong 4 vị tướng kiệt xuất ấy, hai người sống lâu trong thời bình là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Trần Hưng Đạo sinh năm 1228 (?) mất năm 1300. Sống 72 tuổi vào thời đó được xem là rất thọ, có thể nói tương đượng với 102 tuổi tròn của Võ Nguyên Giáp thời nay. Trong những ngày nhân dân đang để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tự nhiên tôi nghĩ đến những ý kiến của ông đối với đất nước trong thời bình, nhất là những năm cuối đời, và liên tưởng đến những ngày cuối đời của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Cả ba lần dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc Nguyên Mông đều do Trần Hưng Đạo chỉ huy. Sau lần thứ ba (1288), quân Nguyên đã chấm dứt dã tâm thôn tính nước ta. Việt Nam bước vào giai đoạn hòa bình, lại được sống dưới thời của các bậc anh quân Trần Nhân Tông (trị vì từ 1278 đến 1293) và Trần Anh Tông (trị vì từ 1293 đến 1314). Trong hoàn cảnh thuận lợi đó, Trần Hưng Đạo đã yên tâm vui thú điền viên, ngao du sơn thủy. Nhưng vào những ngày cuối đời của ông, một câu chuyện gây xúc động và trở thành một điểm son chói lọi trong lịch sử Việt Nam là sự kiện vua Trần Anh Tông đến nhà thăm và hỏi ý kiến về kế sách giữ nước nếu quân Tầu sang xâm lăng lần nữa. Câu trả lời của Trần Hưng Đạo có giá trị muôn đời: “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Và hình ảnh vị vua trẻ đến gặp lão quốc công để thổ lộ những lo âu về vận nước và mong được chỉ bảo thật đẹp làm sao!
Thời bình của Võ Nguyên Giáp bắt đầu từ năm nào? Tùy theo cách nhìn mà có câu trả lời khác nhau nhưng điểm này không quan trọng. Quan trọng là trong thời gian cuối đời ông đã sống như thế nào. Ai cũng biết là ông đã luôn quan tâm, lo lắng đến vấn đề bảo vệ và phát triển đất nước. Những vấn đề ông thấy rõ thì viết thư trực tiếp đến các cấp lãnh đạo. Chẳng hạn, năm 2009 ông viết liên tiếp ba bản kiến nghị can ngăn việc khai thác bô-xit ở Tây Nguyên vì thấy sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến môi trường; năm 2008 ông can ngăn việc mở rộng Hà Nội vì thấy việc sáp nhập cả tỉnh Hà Tây và mấy xã thuộc tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội là khiên cưỡng và khả năng hiện nay chưa thể quản lý, phát triển một đô thị quá lớn; năm 2007, ông đề nghị không được phá hội trường Ba Đình để xây nhà Quốc Hội vì muốn giữ lại những di tích đã để lại dấu ấn trọng lịch sử. Ông cũng bức xúc về giáo dục nên đã gợi ý (năm 2004) cho Giáo sư Hoàng Tụy tổ chức seminar lấy ý kiến các chuyên gia nhằm đưa ra đề án cải cách. Những vấn đề ông quan tâm nhưng chưa hiểu thấu đáo thì ông yêu cầu các chuyên gia có thẩm quyền nghiên cứu. Chẳng hạn khi chính phủ bắt đầu bàn luận kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ông đã đề nghị gặp Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng đã chủ động đến nhà ông trao đổi ý kiến với sự tham dự của nhà vật lý hàng đầu về hạt nhân. Tôi cũng được biết ông đã có ý tưởng nên lấy lại tên thủ đô là Thăng Long nhân dịp kỷ niệm 1000 năm vì Thăng Long nói lên khí thế vươn lên của đất nước, nhưng ông không nắm chắc những vấn đề liên hệ khi thay đổi tên thủ đô nên năm 2008 đã có thư gửi Hội Lịch sử Việt Nam đề nghị nghiên cứu vấn đề này.
Rất tiếc nhiều ý kiến tâm huyết vì sự trường tồn và phát triển đất nước của ông đã không được lắng nghe. Trong những năm cuối đời, vào dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lãnh đạo tối cao của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đều đến thăm ông, biểu lộ sự kính trọng đối với ông. Nhưng tôi không biết trong đó có những vị nào, ngoài lòng kính trọng vị đại công thần của đất nước, đã thổ lộ với lão tướng những băn khoăn về đất nước và mong được chỉ dẫn, như Trần Anh Tông đã làm đối với Trần Hưng Đạo?
 Từ xưa các vị tướng tài am hiểu lịch sử đều biết rằng võ công chiếm được thành trì là khó nhưng không khó bằng giữ được thành. Muốn giữ thành lâu dài thì phải an dân, phải đức trị, và luôn nâng cao đời sống của dân trong thành mới thu phục lòng dân. Ngày nay cũng vậy, thời bình phải lo xây dựng đất nước, phải khoan thư sức dân, phải trọng dụng nhân tài mới giữ được nước. Nhất là trong thời đại dân chủ tiến bộ ngày nay, những phương châm giữ nước của người xưa đã được hiện đại hóa thành sứ mệnh “của dân, do dân và vì dân”. Sứ mệnh này phải được thực thi triệt để thì mới có thể bảo vệ độc lập và phát triển đất nước, xứng đáng với những lời nhắn gửi và lòng mong đợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đi vào cõi vĩnh hằng./.
Tokyo, 8/10/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét