Trang

Nhãn

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Đề nghị kê biên phát mại trụ sở Agribank (laodong.com.vn)

Đề nghị kê biên phát mại trụ sở Agribank
Agribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng - nơi cấp thư bảo lãnh. Ảnh: P.B

VỤ AGRIBANK TRỐN TRÁNH NỢ HÀNG TRĂM TỈ ĐỒNG:

(LĐ) - Số 228 - Thứ năm 03/10/2013 07:06
    Các tín thư trị giá hàng trăm tỉ đồng được 2 chi nhánh Agribank Phú Mỹ Hưng và An Sương (TPHCM) phát hành bảo lãnh cho doanh nghiệp vay Ngân hàng Vietbank, nhưng kéo dài 2 năm qua, với 2 bản án đã tuyên, Agribank vẫn không thi hành án. Phía Vietbank đã kiến nghị cần phải thi hành 2 bản án ngay và có thể kê biên trụ sở Agribank khi cần thiết.
    Cần thiết sẽ đề nghị kê biên phát mại trụ sở Agribank 

    Nguồn tin từ lãnh đạo NHTMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), sáng 2.10, Tổng cục Thi hành án- Bộ Tư pháp đã có cuộc làm việc với Vietbank để nghe chính kiến trong vụ khiếu nại của ngân hàng này về 2 bản án đã được TAND Tối cao tuyên, mặc dù án đã có hiệu lực từ lâu, thế nhưng phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank vẫn cố tình né tránh trách nhiệm trả nợ hàng trăm tỉ đồng cho Vietbank.

     Bà Kiều Vũ Thụy Uyên - Trưởng ban Pháp chế Vietbank - cho biết: “Chúng tôi đã nêu quan điểm rõ ràng của Vietbank với Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp, đó là đề nghị thực hiện ngay thi hành án 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật từ rất lâu. Nếu Agribank không trả nợ theo các bản án đã tuyên là khấu trừ tài khoản được thì Vietbank đề nghị kê biên phát mại trụ sở Ngân hàng Agribank khi cần thiết. Không thể không thực hiện vì tất cả phải tôn trọng luật pháp”.

    Việc Agribank cố tình trốn tránh nợ với Vietbank, trong trường hợp này cho thấy việc cấp thư bảo lãnh, thì ngân hàng phải bảo đảm tài sản và khả năng trả nợ, thế nhưng Agribank lại cố tình không trả nợ, cho thấy ngân hàng này cấp thư bảo lãnh có vấn đề. Về tình trạng trốn tránh trả nợ của Agribank, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan xử lý ngay vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật. 

    Bà Kiều Vũ Thụy Uyên cũng cho biết thêm, tại cuộc họp với Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp, có ý kiến cho rằng Agribank muốn thanh toán một nửa khoản nợ trước, còn lại chờ xử lý tải sản đảm bảo. Bà Uyên cho rằng: “Vietbank kiên quyết không chấp nhận kiểu giải quyết này, vì số nợ rất lớn; buộc Agribank trả nợ cho chúng tôi theo đúng các bản án đã tuyên”.

    Vì sao Agribank có dấu hiệu vi phạm hình sự?  

    Trao đổi xung quanh các bản án mà TAND Tối cao đã tuyên, đối với việc Agribank phải trả nợ cho Vietbank hàng trăm tỉ đồng, nhưng bị kéo dài thời gian quá lâu, luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn luật sư TPHCM - cho biết, thời gian qua, nhiều trường hợp liên quan đến việc bảo lãnh xảy ra tại hệ thống Agribank và ngân hàng này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên bảo lãnh khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng.

    Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng..., bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận.

    Như vậy, khi Agribank cấp tín thư bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân nào đó mà khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính mà tổ chức, cá nhân được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với đối tác (bên thụ hưởng) thì Agribank phải thực hiện nghĩa vụ thay cho tổ chức, cá nhân mà Agribank đã bảo lãnh.

    Trong thời hạn bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh xuất trình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và các hồ sơ, tài liệu, chứng từ kèm theo hợp pháp, hợp lệ (nếu có) thỏa mãn đầy đủ các điều kiện đã quy định trong cam kết bảo lãnh hoặc cam kết xác nhận bảo lãnh.

    Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối (khoản 1, điều 20 thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 3.10.2012).          

    Một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự là: “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án”. Theo đó, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án hoặc người liên quan có hành vi cản trở; không chấp hành án thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “không chấp hành án” hoặc tội “chống người thi hành công vụ”... đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét