Trang

Nhãn

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Khởi động chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 2 (2013-2015) (dangcongsan.vn/)


17:18 | 11/10/2013
(ĐCSVN) – Ngày 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khởi động chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Chương trình UN-REDD là chương trình hợp tác Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển.
Hội thảo diễn ra sau khi Tuyên bố chung về giảm khí thải do nạn phá rừng và suy thoái rừng đang diễn ra tại các nước đang phát triển (REDD+) được ký giữa Na Uy và Việt Nam vào cuối 2012. Theo Tuyên bố này, Chính phủ Na Uy đã viện trợ 180 triệu NOK (tương đương 30 triệu USD) nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình UN-REDD giai đoạn 2 (2013-2015). Sự hỗ trợ này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước chuyển chương trình REDD+ sang tầm cao hơn, từ giai đoạn “Chuẩn bị sẵn sàng” sang thực hiện các hoạt động cụ thể.


 
 Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự. (Ảnh: HNV)
Hội thảo được chủ trì bởi: ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Stale Torstein Risa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đối với Việt Nam, REDD+ được xem là giải pháp quan trọng tăng độ che phủ của rừng và giảm lượng khí phát thải nhà kính. Giai đoạn 1 của chương trình UN-REDD đã được thực hiện thành công tạo tiền đề hiệu quả triển khai REDD+. Trong giai đoạn 2 (2013-2015) tới đây, Chính phủ Na Uy đã cam kết sẽ tiếp tục tài trợ cho chương trình để giúp Việt Nam tiếp tục phát huy các thành quả đạt được của giai đoạn 1, góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Thực tế, giai đoạn 1 (2009-2013) của dự án do Bộ NN&PTNT, FAO, UNDP và UNEP thực hiện đã xây dựng thành công Chương trình hành động REDD+ quốc gia và xây dựng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho các bên liên quan. 3 năm tiếp theo của giai đoạn 2 (2013-2015), chương trình được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rừng và sử dụng đất tại 6 tỉnh thí điểm gồm: Bắc Kạn, Bình Thuận, Cà Mau, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Lào Cai. Song song với mục đích giảm thiểu khí thải nhà kính, giai đoạn 2 này cũng hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích môi trường và xã hội khác. Để đạt mục tiêu này, dự án đã bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị cho việc lập kế hoạch REDD+ ở cấp địa phương có sự tham gia của người dân tại Lâm Đồng. Tới đây, đại diện cơ quan nhà nước, chủ rừng và cộng đồng địa phương sẽ cùng thảo luận để thống nhất các biện pháp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, thúc đẩy bảo tồn quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng cac bon rừng. Đồng thời thảo luận những khuyến khích vật chất hoặc lợi ích đối với người sử dụng đất, đối tượng chủ chốt có thể mang lại những thay đổi cần thiết tại địa phương.

Cũng tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và bài học quan trọng nhất rút ra được chính là sự cần thiết phải có các bên liên quan tham gia tích cực hơn và có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn. Mặc dù Liên hợp quốc và Chính phủ cùng có trách nhiệm thực hiện giai đoạn 2 nhưng thành công của chương trình phụ thuộc vào nhiều bên khác bao gồm cả các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và khu vực tư nhân.

Chương trình UN-REDD là chương trình hợp tác Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển. Chương trình đã chính thức khởi động năm 2008 và dựa trên kinh nghiệm chuyên môn của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). REDD+ là nỗ lực để tạo ra giá trị tài chính cho các bon được lưu trữ trong rừng, cung cấp hỗ trợ ưu đãi cho các nước đang phát triển giảm phát thải từ đất lâm nghiệp và đầu tư theo hướng các bon thấp để phát triển bền vững. REDD+ vượt xa giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, hơn thế nữa, bao gồm vai trò của bảo tồn, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng cac bon rừng. 
Các từ khóa theo tin:
Việt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét