- Sáng nay (26/12), phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các luật sư bảo vệ cho Ngân hàng Vietinbank.
“Vietinbank không có lỗi”
Mở đầu buổi làm việc, luật sư Nguyễn Văn Trung – Đoàn luật sư TP.HCM được HĐXX mời lên trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank.
Luật sư Trương Thị Hòa đang tham gia tranh luận |
Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Trung cho biết tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vietinbank tại phiên tòa phúc thẩm lần này có 5 luật sư.
Tương tự như quan điểm của vị luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền Như, luật sư Trung cho rằng đề nghị của VKS về việc tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty để điều tra về tội tham ô, buộc Vietinbank bồi thường là vi phạm quy định tố tụng.
Theo luật sư Trung, sau phiên tòa không có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến nội dung trên. Các nguyên đơn dân sự chỉ được quyền kháng cáo bản án, quyết định của bản án về phần bồi thường thiệt hại. Do đó, 5 công ty này không có quyền kháng cáo về tội danh cũng như hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.
Đối với quan điểm Vietinbank phải bồi thường thiệt hại, luật sư Trung cho rằng xuyên suốt quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy có 2 vấn đề mấu chốt để VKS và luật sư đồng nghiệp cho rằng Vietinbank phải bồi thường đó là: tài khoản mở tại Vietinbank là hợp pháp và tiền vào tài khoản Vietinbank rồi là thuộc quyền quản lý của Vietinbank nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo vị luật sư đây chỉ là 2 dấu hiệu hình thức, cần phải làm rõ mục đích, động cơ, hành vi của bị cáo Huyền Như cũng như các công ty trước khi mở tài khoản tiền gửi tại Vietinbank. Từ đó, luật sư Trung đề nghị bác kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên.
Mở đầu bài bảo vệ cho Vietinbank liên quan đến hành vi Huyền Như chiếm đoạt 125 tỷ đồng của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng vụ án liên quan đến loại hình ngành nghề rất đặc thù là hoạt động ngân hàng, trong hệ thống kinh tế có thể coi là một lĩnh vực “trái tim của xã hội”.
Luật sư Hòa đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị của VKS cho rằng buộc Vietinbank phải bồi thường 125 tỷ đồng cho Toàn Cầu. Xem xét phạm vi kháng cáo vì bảo hiểm Toàn Cầu chỉ kháng cáo yêu cầu Vietinbank và các bị cáo liên đới bồi thường.
Việc VKS đề nghị buộc Vietinbank hoàn trả toàn bộ 125 tỷ đồng cho Bảo hiểm Toàn Cầu là không phù hợp, vượt quá phạm vi kháng cáo. Sau khi viện dẫn và phân tích các quy định pháp luật về ngân hàng, bảo hiểm, luật sư Hòa cho rằng Bảo hiểm Toàn Cầu có lỗi và đã bị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt tiền, Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường.
So sánh với vụ “bầu” Kiên
Cũng trong sáng nay, luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đoàn luật sư TP.HCM bào chữa cho bị cáo Tống Nguyên Dũng (bị cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) được HĐXX mời lên trình bày.
Bị cáo Võ Anh Tuấn tại tòa |
Mở đầu bài bào chữa, luật sư Nghĩa cảm ơn VKS đã để tâm đến tình tiết giảm nhẹ mới của bị cáo Dũng và đã đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo (VKS đề nghị giảm từ 6 đến 12 tháng tù).
Tuy nhiên, luật sư Nghĩa cho rằng hành vi khách quan của bị cáo Dũng trong việc lập 59 hồ sơ tín dụng cho 16 cá nhân đứng tên vay 274,6 tỷ đồng thế chấp bằng 46 thẻ tiết kiệm mà không có mặt người vay, người có tài sản đảm bảo có thể chỉ làm vi phạm quy định nội bộ của Vietinbank, chưa hẳn là vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ 2, luật sư cho rằng đề xuất cho vay của bị cáo Dũng chỉ là 1 trong 5 công đoạn để hồ sơ vay được giải ngân. Nếu chỉ có đề xuất cho vay của bị cáo Dũng thì không thể xảy ra hậu quả Huyền Như chiếm đoạt 274,6 tỷ đồng mà phải có hành vi của các bị cáo khác ở các công đoạn khác, có lỗi của chủ sổ tiết kiệm…Hành vi của bị cáo Dũng chỉ là thứ yếu, không trực tiếp gây ra thiệt hại. Hơn nữa, về ý thức chủ quan, bị cáo Dũng hoàn toàn không có ý thức vi phạm pháp luật mà chỉ vì tin tưởng Huyền Như.
Luật sư Nghĩa cũng đề nghị tòa xem xét khi so sánh 2 bản án Đức Kiên và Huyền Như. Theo luật sư, hai tội danh (“vi phạm quy định về cho vay” và “cố ý làm trái”) trong 2 vụ án trên gây ra cùng một thiệt hại là khoản tiền 718 tỷ đồng của ACB. Từ đó, vị luật sư so sánh mức án 15 năm tù đối với bị cáo Dũng so với mức án mà dàn lãnh đạo ACB phải nhận để đề nghị HĐXX xem xét.
Cuối phần bào chữa, luật sư Nghĩa cũng trình bày khi xảy ra vụ án, bị cáo Dũng mới 23 tuổi là sinh viên mới ra trường nên đã không lường trước được rủi ro trong quá trình làm việc. Hiên nay, bị cáo Dũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mức án tù 15 năm tù với bị cáo là quá nghiêm khắc, xin tòa xem xét.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.
M.Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét