(ĐCSVN) - Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), sáng 29/3 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Uỷ ban Thường trực về Hoà bình và An ninh Quốc tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới".
Trong những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.
Ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay, đồng báo cáo viên của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế chia sẻ: “Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì thế việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng. Trong các cuộc thảo luận, chúng ta cũng nên nhớ rằng tất cả những vấn đề an ninh vẫn phải đảm bảo tôn trọng quyền con người và quyền tự do cá nhân”.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới". Ảnh: KT
|
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò nghị viện có thể hoặc nên thực hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo rằng các Chính phủ tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ hiện tại của mình hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể khác.
Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cũng nêu thực tế trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các ứng dụng hiện hành của luật pháp quốc tế không phải là một giải pháp hoàn hảo. Do đó, Luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.
Dự thảo Nghị quyết do các báo cáo viên trình bày tại phiên thảo luận khẳng định: Trong dự thảo nghị quyết, các Báo cáo viên tôn trọng tên chủ đề đã được Ủy ban thường trực thông qua là "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới". Về vấn đề này, họ định nghĩa chiến tranh mạng là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng và chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù. Họ lấy cảm hứng từ những phần trình bày của các chuyên gia và các nghị sĩ tại các cuộc thảo luận được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 tại Geneva, tháng 10/2014 và thông qua các văn bản của các Nghị viện Thành viên IPU gửi đến trong những tuần sau đó.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132.
Cũng trong sáng nay, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực về các Vấn đề Liên hợp quốc đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10/2014); Thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Phiên họp do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực về các vấn đề Liên hợp quốc, ông El Hassan Al Amin điều hành.
Phiên thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc cung cấp đánh giá tổng quan về các thành tựu và thách thức đối với Liên hợp quốc sau 70 năm thành lập với vai trò là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên của thế giới.
Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung như: Trong tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, Liên hợp quốc cần gì để thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh của mình hiệu quả hơn. Mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương, ví dụ như G20; tác động của phương tiện truyền thông xã hội trong việc khuyến khích trao đổi trực tiếp xuyên quốc gia giữa các công dân. Những vấn đề còn tồn đọng của quá trình cải cách Hội đồng Bảo an với vai trò là một cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề trên thế giới.
Tại phiên thảo luận này, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung đã có bài phát biểu, kiến nghị với Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ. Tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên. Trong thời gian đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình cải tổ phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an kể cả trong quan hệ giữa cơ quan này với Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam ủng hộ các nỗ lực cải tổ các hoạt động phát triển của Liên hợp quốc và đang tích cực thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc” nhằm đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của quốc gia, phát huy vai trò làm chủ của Chính phủ và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển của Liên hợp quốc ở các nước. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực này. Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào Cơ chế Thương lượng liên Chính phủ về cải tổ Liên hợp quốc.
Cũng trong ngày hôm nay sẽ diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường trực về Phát triển Bền vững, Tài chính và Thương mại; Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU; Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện ASGP, trong đó Quốc hội Việt Nam kỳ vọng sẽ tìm kiếm được mô hình giúp việc cho Quốc hội hiệu quả hơn và một số sự kiện quan trọng khác./.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét