Trang

Nhãn

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Rốt cuộc bộ phim mới có thúc ép Trung Quốc hành động mạnh về vấn đề ô nhiễm? (vietnam.ucanews.com)

Phim tài liệu có hơn 155 triệu lượt người xem sau khi được phát hành hồi cuối tuần
Tags: , , , ,
March 5, 2015 
Dan Long từ Bắc Kinh, Trung Quốc 
Rốt cuộc bộ phim mới có thúc ép Trung Quốc hành động mạnh về vấn đề ô nhiễm? thumbnail
Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ trong sương mù dày đặc ở Harbin, tỉnh Hắc Long Giang thuộc đông bắc Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Tại quốc gia vẫn còn kiểm duyệt khắt khe và các nhà báo thường xuyên đòi các công ty lớn hối lộ để giữ im lặng về vấn đề ô nhiễm, bộ phim mới của Chai Jing Sương mù ở Trung Quốc: Under the Dome (Dưới Mái vòm) có vẻ như là một luồng sinh khí mới thú vị.
Đến khoảng chiều 1-3, một ngày sau khi được tải lên các website trong đó có Youku, trang web giống YouTube ở Trung Quốc, bộ phim đã có hơn 155 triệu lượt người xem.
Sáng ngày 2-3, bộ phim chiếm các trang đầu của các tờ báo Trung Quốc. Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước cũng suy đoán rằng tân bộ trưởng môi trường Chen Jining sẽ bị chất vấn những câu hỏi khó chịu khi đảng Cộng sản khai mạc cuộc họp Quốc hội thường niên vào ngày 3-3. Ô nhiễm sẽ là một trong các chủ đề thảo luận chính khi các đại biểu Quốc hội từ khắp cả nước nhóm họp tại Bắc Kinh.
Sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế dữ dội nhưng phải trả giá về môi trường, rốt cuộc chính phủ Trung Quốc có bị thúc ép đưa ra những hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề ô nhiễm không?
Chai, cựu phát thanh viên 39 tuổi trên kênh CCTV của nhà nước, làm nhiều người Trung Quốc tin rằng đây là mục đích của bà.
“Tôi phải đứng lên làm một việc gì đó, và tôi sẽ làm ngay bây giờ, ngay tại đây vào chính lúc này. Tôi muốn tạo ra sự thay đổi”, bà nói khi gần cuối bộ phim dài một tiếng 43 phút.
Kết hợp tài liệu khoa học, phỏng vấn các quan chức môi trường và trải nghiệm bản thân, bộ phim tài liệu quan trọng của Chai liên hệ sự ô nhiễm được nhiều người biết đến ở Trung Quốc với sự đau khổ của chính đứa con của bà ra đời năm ngoái bị mắc khối u lành tính.
Mặc dù các nhà chỉ trích lập luận rằng không có liên quan gì giữa tình trạng ô nhiễm và căn bệnh của đứa trẻ, tuy nhiên bộ phim đã thúc ép chính phủ chống ô nhiễm một cách chưa từng có tiền lệ.
Hôm Chủ nhật, bộ phim Under the Dome là mục nằm trong tốp đầu trên Weibo, trang mạng giống Twitter của Trung Quốc, với 270 triệu lượt truy cập. Nhiều người sử dụng trang này đã kêu gọi hành động dù có ít người đề xuất những việc nên làm.
“Nếu bạn không có thời gian để làm nhiều hơn trong lúc sương mù dày đặc, ít ra bạn có thể làm một việc đó là bảo vệ bản thân và người thân yêu”, Sina Woman, người sử dụng trang Weibo, viết. “Chúng ta không còn chờ đợi nhau trong cuộc chiến chống sương mù này nữa!”.
Ở phương Tây, chính phủ Trung Quốc chủ yếu bị chỉ trích vì thiếu nhân quyền và dân chủ. Nhưng đối với người Trung Quốc, phàn nàn chủ yếu về chính quyền thường là ô nhiễm, đặc biệt là nơi các bậc phụ huynh ở Bắc Kinh và vùng lân cận và ở Đồng bằng Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, hai nơi trong những vùng lớn nhất và bị ô nhiễm nhất ở Trung Quốc.
Khảo sát đầu năm ngoái cho thấy 64% người giàu có ở Trung Quốc di cư ra nước ngoài hoặc đang chuẩn bị di cư, tăng so với 4% trong khảo sát tương tự cách đó 2 năm. Tham nhũng và an toàn thực phẩm là lý do phổ biến thứ hai sau an ninh tài chính, hay sự lo sợ chính quyền sẽ lấy tiền của người dân trong lúc diễn ra cuộc đàn áp tham nhũng.
Tại thủ đô, nhiều trường mẫu giáo giữ học sinh trong phòng vào những ngày có mức PM2.5 cao. PM2.5 là những hạt nhỏ li ti có thể thâm nhập vào phổi và gây ung thư. Đặc biệt các văn phòng tại các công ty đa quốc gia lớn thường lắp đặt máy lọc không khí ngăn chặn ô nhiễm, và các minimart ở những thành phố lớn hầu như luôn bán khẩu trang.
Mặc dù năm ngoái ở Bắc Kinh mức PM2.5 có giảm một chút, 11 triệu người trong thành phố này vẫn phải chịu 175 ngày ô nhiễm. Tại Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc nơi đặt đa số nhà máy thép trong nước này, có 264 ngày ô nhiễm trong năm 2014. Cả thảy có 71 trong 74 thành phố lớn của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí năm ngoái, trong đó có Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, quê nhà của Chai.
Cách đây một thập kỷ, vào các buổi sáng ô nhiễm nặng người dân Thái Nguyên thức dậy thường thấy tay và mặt dính muội đen, một dấu hiệu rõ ràng về những chất gây ô nhiễm do các nhà máy than đá rải rác khắp Sơn Tây thải ra.
Mặc dù chính phủ đã nỗ lực đại tu các nhà máy than đá và thay đổi nền kinh tế từ công nghiệp hướng đến phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực dịch vụ, sự phát triển trong một quốc có 1,36 tỷ dân không hề diễn ra nhanh.
Trung Quốc đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào than đá bằng cách nhập khí đốt tự nhiên từ Trung Đông và đặc biệt là Nga, nhưng nước này vẫn còn là nước tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới, than đá chiếm 70% nguồn cung cấp năng lượng. Năm ngoái, tổng số than đá được dùng ở Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong thiên niên kỷ này giữa lúc suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết suy đoán cho rằng đến thập niên sau việc sử dụng than đá mới đạt đến mức cao nhất tại Trung Quốc.
Đối với chính phủ, chống ô nhiễm tràn lan trên khắp quốc gia rộng lớn này là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Chưa thấy có những cải cách chính trị quan trọng vì đảng Cộng sản cho thấy ít có dấu hiệu giảm sút quyền lực, phát triển kinh tế là điều thể hiện tính hợp pháp chính của họ. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cung cấp hàng trăm triệu việc làm, và những người có việc làm thường ít có khả năng đảo ngược tình thế.
Đối với nhà cầm quyền độc tài Trung Quốc, có thể không có gì tệ hơn khi liều làm suy yếu nền kinh tế. Do giá nhà ở giảm mạnh hơn vào tháng trước, ngân hàng trung ương một lần nữa hạ lãi suất hôm thứ Bảy và tăng trưởng GDP được dự đoán thấp nhất trong các thập niên qua, Trung Quốc đang đối mặt tình trạng trì trệ kinh tế từ khi Đặng Tiểu Bình phát động cải cách thị trường vào giữa thập niên 1980.
Tóm lại, đảng Cộng sản đang rơi vào một tình huống rất khó khăn. Một mặt họ phải làm mọi thứ có thể để giữ cho nền kinh tế không đi xuống mới làm cho người dân yên lòng. Mặt khác, có lẽ ô nhiễm đứng thứ hai chỉ sau việc kiếm tiền trên danh sách quan tâm của thường dân Trung Quốc; và gần như rõ ràng là ô nhiễm đang nhanh chóng trở thành ưu tiên số một, đặc biệt là nơi những người giàu có.
Không có gì ngạc nhiên khi tân bộ trưởng môi trường buộc phải khen ngợi bộ phim Under the Dome trong cuộc họp báo đầu tiên từ khi nhậm chức hôm Chủ nhật.
“Tôi nghĩ bộ phim này đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề sức khỏe môi trường do đó tôi đặc biệt hài lòng về việc này”, Chen phát biểu với các phóng viên.
Một đạo luật mới về bảo vệ môi trường có hiệu lực hồi đầu năm, phạt hành chính thật nặng đối với các nhà máy gây ô nhiễm. Vấn đề là, như bộ phim của Chai cho thấy, các nhà chức trách thường xuyên làm ngơ những công ty vi phạm do tham nhũng, lo sợ, thiếu quyền hành, hay chỉ là thực trạng kinh tế.
Đối với người dân Trung Quốc và thực tế bất kỳ người nào hy vọng có sự tiến bộ về vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu, có lẽ lúc sợ hãi nhất trong bộ phim Under the Dome là khi Chai hỏi một nhân viên bảo vệ môi trường tại sao Bắc Kinh không thể đóng cửa các nhà máy thép gây ô nhiễm.
“Chị đang đùa sao?”, ông trả lời cách ngạc nhiên. “Một nhà máy thép có công suất 10 triệu tấn mỗi năm thường thuê 100.000 công nhân, không có cách nào có thể đóng cửa các nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc”.
Dan Long là bút danh của một nhà báo ở Bắc Kinh đưa tin về khu vực trong hơn một thập niên qua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét