Trang

Nhãn

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Đại biểu Quốc hội nói tiếng nói của ai? (tuoitre.vn)

Diễn đàn chủ nhật

 

20/07/2014 07:16 (GMT + 7)
TT - Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ bức xúc trước tình trạng đại biểu “phát biểu bài của người khác” và đề nghị rút kinh nghiệm.

Các đại biểu và cựu đại biểu Quốc hội đi tìm giải pháp cho vấn đề này.
* Ông LÊ VĂN CUÔNG (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):
Có thể dẫn đến tham nhũng chính sách
Ảnh: V.Dũng
Tôi hoan nghênh và hết sức đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông đã thẳng thắn chỉ ra một tình trạng rất nguy hiểm trong hoạt động của Quốc hội, đó là đại biểu bị dẫn dắt, chi phối của các nhóm lợi ích, các thế lực nào đó mà không nói lên tiếng nói của mình, không nói lên tiếng nói và nguyện vọng của cử tri mà lại “phát biểu bài của người khác”. Từng là một đại biểu Quốc hội, tôi hiểu được những mẹo mực trong phát biểu của người này người khác, những mối quan hệ chằng chịt về lợi ích rất dễ khiến người ta nói theo sự hướng dẫn, sự nhờ vả, nói để vừa lòng quan trên, thậm chí là chủ động gợi ý nịnh nọt hòng vun vén mối quan hệ của mình. Nói tóm lại, đại biểu sẽ được hưởng lợi khi “phát biểu bài của người khác”.
Tình trạng này sẽ khiến các quyết định của Quốc hội có thể bị méo mó, các nhóm lợi ích gia tăng hoạt động và nguy hiểm nhất là có thể nảy sinh tình trạng tham nhũng chính sách. Nếu để tình trạng này tiếp diễn và ngày càng phát triển xấu thì lòng tin của cử tri vào Quốc hội sẽ bị lung lay. Vì vậy tôi nghĩ cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là rất đúng lúc.
Nguyên nhân trước hết xuất phát từ đặc điểm riêng của Quốc hội nước ta, đó là nặng tính cơ cấu. Cùng là đại biểu như nhau nhưng ông (bà) này là bộ trưởng, trưởng ngành còn ông (bà) khác là giám đốc sở, trưởng ban ngành ở địa phương, là chủ tịch tỉnh hoặc bí thư tỉnh ủy, cùng trong một đoàn đại biểu nhưng người này là quan đứng đầu tỉnh còn người khác chỉ là cán bộ cấp huyện... Không nói ra thì ai cũng biết đại biểu có vị trí cấp dưới mà phát biểu trái ý đại biểu giữ vị trí cấp trên thì kết quả thế nào. Thậm chí, đại biểu có vị trí độc lập như phó đoàn chuyên trách ở địa phương, nếu nói “rát” quá, lãnh đạo tỉnh mà “quán triệt” không được thì đôi khi người ta cũng có thể “can thiệp” để nhiệm kỳ sau không được ứng cử nữa.
Tôi nghĩ muốn có một quốc hội mạnh thì mỗi đại biểu Quốc hội phải mạnh, muốn có một quốc hội “sạch” thì mỗi một đại biểu phải “sạch”. Quốc hội đang chuẩn bị sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội thì đây chính là cơ hội để ngăn ngừa tận gốc những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng trên. Trước hết phải thay đổi cơ chế lựa chọn, bầu cử đại biểu Quốc hội, nâng cao tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên để cử tri lựa chọn ra những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao. Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm tỉ lệ đại biểu kiêm nhiệm mà đặc biệt là giảm số đại biểu trong cơ quan hành pháp. Cần thiết phải ban hành luật về vận động hành lang như nghị viện nhiều nước. Nhưng hơn hết là cần có cơ chế để cử tri, báo chí tôn vinh những đại biểu Quốc hội được nhân dân yêu mến, những đại biểu có đủ bản lĩnh để nói lên tiếng nói của nhân dân giữa nghị trường, đồng thời cụ thể hóa quy định quyền của cử tri được bãi nhiệm những đại biểu Quốc hội mà nhân dân không còn tin tưởng.
* Ông VŨ MÃO (nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội):
Cần truyền đạt cảnh báo này đến từng đại biểu
Ảnh: V.Dũng
Lần này Văn phòng Quốc hội nên có công văn truyền đạt lưu ý, cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến từng đại biểu Quốc hội, đề nghị các đại biểu Quốc hội phải trong sáng, công tâm, khách quan trong phát biểu.
Còn một biểu hiện nữa tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội, cần lưu lý để giảm, tránh là các cuộc giao lưu, gặp gỡ được bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu doanh nghiệp tổ chức chiêu đãi ở nơi này nơi khác. Việc gặp gỡ, giao lưu nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau là tốt, nhưng nếu các cuộc gặp gỡ, giao lưu ấy bị lạm dụng, tiệc tùng đình đám, rồi quà cáp, bao thư... sẽ rất chướng mắt người dân.
Cuối cùng, tôi xin góp ý với Chủ tịch Quốc hội và các phó chủ tịch Quốc hội là cần linh hoạt và bản lĩnh hơn khi điều hành các phiên họp Quốc hội. Cái hay, cái sắc bén, bản lĩnh của người điều hành các phiên họp là phát hiện ngay tại “hiện trường” những biểu hiện không chuẩn mực, thiếu khách quan để chấn chỉnh kịp thời.

Ảnh: V.Dũng
"Tôi thấy ở hội trường có một nhược điểm là các đồng chí am hiểu nhất lại không nói gì cả. Có những vấn đề tại trung ương các đồng chí đã thảo luận và nhất trí cao, ở Thường vụ Quốc hội cũng nhiều đồng chí phát biểu, nhưng ra Quốc hội các đồng chí lại không phát biểu, không tranh luận với đại biểu có ý kiến khác. Có những phiên thảo luận tôi thấy ý kiến diễn ra một chiều, người phát biểu không biết là nói ý của mình hay ý của ai. Có đại biểu còn phát biểu bài của người khác, như thế là không nghiêm túc, cần rút kinh nghiệm ngay. Ra Quốc hội nói một chiều là người ta rất kỵ, làm cho tình hình Quốc hội không tốt, không thẳng thắn"
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG
Ảnh: V.Dũng

"Tôi thấy một vấn đề cũng nên nói, đó là việc biểu quyết của đại biểu Quốc hội. Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người... Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên. Bây giờ phải kiểm soát thế nào để không được biểu quyết hộ, chứ trực tiếp trên truyền hình kỳ lắm"
Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN


Đại biểu ĐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Ngại nói vì phải dòm trước ngó sau
Ảnh: V.Dũng
Thời gian qua nổi lên vấn đề số đại biểu kiêm nhiệm vì nhiều lý do khác nhau thường ít phát biểu. Có thể do bận công việc chuyên môn, ít có thời gian nghiên cứu kỹ nội dung thảo luận nên họ ngại phát biểu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tuy hoạt động kiêm nhiệm nhưng là những người có đầy đủ thông tin, hiểu rõ các vấn đề lớn được bàn ở Quốc hội. Ví dụ như các ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các địa phương. Đây rõ ràng là những người không thể nói là không am hiểu các vấn đề lớn được bàn ở Quốc hội, vì thông thường các chủ trương lớn trước khi đưa ra Quốc hội thì đã bàn ở trung ương.
Qua tìm hiểu, một số vị đại biểu này có tâm lý các chủ trương, chính sách quan trọng đã được hội nghị trung ương bàn và có ý kiến rồi, giờ ra Quốc hội mà phát biểu lặp lại ý của trung ương thì không hay. Vì như vậy sẽ được hiểu như một sự định hướng của Đảng bắt buộc Quốc hội phải theo, nên người ta không phát biểu. Ví dụ một vị đại biểu là ủy viên Bộ Chính trị phát biểu ở phiên thảo luận của Quốc hội, nêu chính kiến về một vấn đề nào đó, có thể khiến người khác nghĩ định hướng của Đảng là như vậy rồi. Cũng có thể vị đại biểu nào đó trong hội nghị trung ương có ý kiến khác, nhưng vì biểu quyết theo đa số, nếu ra Quốc hội mà nêu lên ý kiến khác của mình họ cũng rất ngại vì sẽ bị xem là nói khác với nghị quyết của trung ương. Như vậy, dù am hiểu vấn đề nhưng vẫn còn đó tâm lý nói giống nghị quyết trung ương cũng ngại mà nói khác lại càng ngại.
Hay là với các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tương tự. Ý kiến của họ thường đã được thể hiện trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ và trong các báo cáo thẩm tra đọc trước Quốc hội, nên không loại trừ ai đó suy nghĩ rằng bây giờ phát biểu lại giống hệt thì thừa mà phát biểu khác thì ngại.
Vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra rất đúng. Nó dẫn đến một tình trạng không nên là có thể có những loại ý kiến không phải đa số trong Quốc hội, nhưng những người am hiểu nhất lại không phát biểu, không phản biện, làm cho những người đã nêu ra loại ý kiến trước đó nghĩ rằng ý kiến của mình là đúng, rằng Quốc hội đã đồng thuận với ý kiến của mình. Báo chí khi tường thuật cũng chỉ tường thuật được các ý kiến một chiều, làm cho dư luận hiểu méo mó về một vấn đề Quốc hội đang thảo luận.
Theo tôi biết, đại biểu quốc hội các nước cũng sử dụng đội ngũ chuyên gia, thư ký để chuẩn bị các bài phát biểu, họ có văn phòng riêng lo chuyện này. Vấn đề suy cho cùng là trách nhiệm của đại biểu, dù “đầu vào” thế nào chăng nữa khi lên phát biểu trên nghị trường bài phát biểu đó phải trở thành bài của mình, thể hiện chính kiến của mình. Đại biểu “nói” chứ không phải “đọc”. Ở ta do viết sẵn rồi nên cứ thế đọc, cho nên nhiều khi chủ tọa gợi ý khác mà vẫn đọc, không ăn nhập vào vấn đề, mất thời gian. Vấn đề cần rút kinh nghiệm ở đây là nếu thấy bài phát biểu chuẩn bị trước của mình không phù hợp nữa tốt nhất đừng phát biểu. Ở nước ngoài cũng vậy thôi. Tăng cường truyền thông, mở cho báo chí vào dự trực tiếp nhiều hơn, truyền hình, phát thanh trực tiếp cũng là cách để đại biểu khi đã phát biểu phải vì trách nhiệm chung chứ không phải chỉ đăng ký phát biểu cho có.
Để tăng cường thảo luận, tranh luận trong Quốc hội trước mắt cần nâng cao chất lượng tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban Quốc hội. Trong báo cáo thẩm tra nêu rõ những vấn đề ở tầm chính sách còn ý kiến khác nhau, qua đó hướng đại biểu thảo luận vào trọng tâm. Khi điều hành thảo luận chủ tọa cần nêu những nội dung chính, sao cho đại biểu không phụ thuộc vào bài chuẩn bị sẵn mà nói luôn chính kiến của mình đối với những nội dung chính đó. Khi cần thiết chủ tọa có thể chỉ định những đại biểu được cho là am hiểu vấn đề phát biểu, thậm chí là phát biểu nhiều lần để làm sáng tỏ vấn đề, qua đó không khí tranh luận, thảo luận trong Quốc hội được tăng cường hơn.


LÊ KIÊN - V.V.THÀNH ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét