Các nhóm ủng hộ dân chủ cho biết có 510.000 người tham gia các cuộc tập trung hôm thứ Ba, trong khi cảnh sát nói có 92.000 người
Chính quyền Trung Quốc tỏ ý sẽ không lắng nghe những lời kêu gọi đẩy mạnh dân chủ ở Hồng Kông sau khi khoảng nửa triệu người phản đối tham gia cuộc tập trung lớn nhất trong lãnh thổ này trong 10 năm qua.
Theo thông cáo của Bắc Kinh, họ chắc chắn sẽ không chấp nhận hệ thống cho phép công dân Hồng Kông đề cử và bầu chọn lãnh đạo Hồng
Kông khi quá trình cải cách bắt đầu vào năm 2017, yêu sách chính của các nhóm ủng hộ dân chủ.
“Hãy tạo sự đồng thuận cách có lý và thực tế”, thông cáo thêm lời kêu gọi trực tiếp dành cho người biểu tình.
Hơn 500 người bị bắt hôm thứ Ba, nhân ngày kỷ niệm 17 năm Anh quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Cảnh sát rốt cuộc đã giải tán các cuộc biểu tình vào lúc 3 giờ sáng.
Khoảng 1.200 người tiếp tục biểu tình ngồi qua đêm bên ngoài văn phòng trưởng đặc khu, họ gọi đây là “cuộc diễn tập Chiếm khu Trung tâm”, ám chỉ các cuộc biểu tình lớn được các nhóm ủng hộ dân chủ dọa tổ chức vào cuối tháng này nếu Bắc Kinh không tiến hành cải cách thêm.
Các tổ chức ủng hộ dân chủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý không chính thức kết thúc hôm Chủ nhật, trong đó 88% trong số gần 800.000 cử tri ủng hộ đề xuất cho phép công dân Hồng Kông đề cử ứng cử viên.
Chính quyền Trung Quốc gọi cuộc trưng cầu dân ý không chính thức hồi tuần trước là “trò hề”, và “phi pháp và không có giá trị”. Họ đồng ý cho phép cử tri Hồng Kông bỏ phiếu bầu ứng viên mình chọn từ năm 2017, hiện nay do một ủy ban thân Bắc Kinh gồm 1.200 đại diện cử tri quyết định, nhưng khẳng định chính quyền chỉ định ứng cử viên.
Hôm thứ Tư các báo nhà nước ở Trung Quốc bảo vệ lập trường của Bắc Kinh. Tờ nhật báo tiếng Anh Global Times lưu ý trong bài xã luận rằng cuộc biểu tình vào ngày 1-7 kỷ niệm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 đã trở thành truyền thống, nhưng thêm rằng chiến lược của Bắc Kinh sẽ không “xem nó quá nghiêm túc và xử lý các hành động phi pháp theo pháp luật”.
Một tờ báo tiếng Anh chính của nhà nước Trung Quốc nữa là tờ China Daily nói các cuộc biểu tình này là bằng chứng cho thấy “công dân tiếp tục hưởng quyền lợi và tự do từ khi Hồng Kông trao trả cho Trung Quốc”. Nhưng các nhà bất đồng chính kiến đang “cố kiểm soát quá trình cải cách chính trị liên quan đến quá trình bầu chọn trưởng đặc khu” và “tổ chức các hoạt động phi pháp” để theo đuổi mục đích của họ, tờ báo nói hôm thứ Tư, ám chỉ cuộc trưng cầu dân ý không chính thức gần đây.
Cảnh sát vẫn còn giam giữ 511 người bị bắt hôm thứ Ba, chỉ mới thả 30 người, trong đó có ba thành viên của Ủy ban Công lý hòa bình Công giáo thuộc giáo phận Hồng Kông.
Cuộc trưng cầu dân ý và các cuộc biểu tình gần đây nổ ra do Sách Trắng được Bắc Kinh công bố hôm 10-6, khẳng định quyền kiểm soát toàn bộ Hồng Kông. Các nhóm ủng hộ dân chủ buộc tội đảng Cộng sản không giữ lời hứa cho Hồng Kông có quyền tự trị trong 50 năm sau khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
“Xã hội Hồng Kông và Bắc Kinh hiện đang đến bước ngoặc mang tính quyết định. Người dân không chỉ đang đấu tranh đòi một hệ thống chính trị dân chủ, họ còn lo sợ các giá trị phổ thông chính mà họ coi trọng đang bị xóa bỏ”, Joseph Cheng Yu-shek, giáo sư khoa chính trị tại đại học Thành phố Hồng Kông, phát biểu. “Nếu Bắc Kinh không đáp ứng nguyện vọng của người dân, chúng ta sẽ thấy xã hội Hồng Kông ngày càng bị chia rẽ và xung đột nhiều hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét