Trang

Nhãn

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Mâu thuẫn lợi ích khiến quy hoạch Hà Nội khó thực hiện (vnexpress.net)

"Làm một km đường nội thành mất khoảng 10 năm do vướng mắc lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhưng nếu không làm thì thủ đô không thể phát triển",  ông Lê Vinh, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội phân tích.

- Nhiều lần tham gia lập quy hoạch thành phố, dưới góc nhìn của ông, Hà Nội chuyển biến ra sao 60 năm qua?
- 60 năm, Hà Nội đã phát triển bằng hàng trăm năm của thời đại trước, chúng ta đang hướng đến thành phố xanh, văn hiến, văn minh.
Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã trải qua 7 lần thay đổi quy hoạch. Liên Xô đã từng giúp chúng ta lập quy hoạch năm 1981 song thời điểm đó mới xây dựng được một số khu nhà cao tầng lắp ghép như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Thanh Xuân..., còn lại Hà Nội không xây dựng được gì mới do tình hình thời chiến cũng như khó khăn về kinh tế.
Năm 1998, quy hoạch của Hà Nội được điều chỉnh lần thứ 6, tạo tiền đề cho một loạt khu đô thị mới ra đời như Mỹ Đình, Pháp Vân, Việt Hưng cùng vành đai 3, cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy... Đến năm 2008, Hà Nội sáp nhập thêm Hà Tây với diện tích, dân số tăng gấp 3 lần, quy hoạch chung thay đổi lần nữa với quy mô dân số đến 10 triệu người vào năm 2030.
Sau mở rộng địa giới, Hà Nội thay đổi rất căn bản, đô thị phát triển sang phía tây. Đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, đường sá được cải thiện, Hà Nội đã có 3 vành đai và chúng tôi đã vẽ xong vành đai 4, vành đai 5. Trong 5 năm tới, 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động sẽ giảm phương tiện cá nhân và giảm ách tắc giao thông. Tôi khẳng định, bộ mặt đô thị Hà Nội đang đổi thay từng ngày.
ong-Vinh-6909-1412143012-2647-1412581548
Ông Lê Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Ảnh: Đ.Loan.
- Cùng với những chuyển biến tích cực, Hà Nội còn vấn đề gì chưa đạt được?
- Đó là nhiều tuyến đường chậm triển khai; sau thời gian dài chúng ta buông lỏng phát triển giao thông công cộng thì xe cá nhân phát triển quá ồ ạt. Bây giờ chúng ta mới phát triển giao thông công cộng, dù là muộn song đúng trong hệ thống thủ đô. Hà Nội còn ngập úng cho thấy việc xử lý thoát nước đô thị hạn chế, các con sông bị ô nhiễm do hệ thống thoát nước thải chung với thoát nước mưa.
Mặt nước hồ được quy hoạch chiếm 5-7% diện tích thành phố song các nhà đầu tư không hào hứng vì ít lợi nhuận, trong khi ngân sách nhà nước khó khăn. Mấy chục năm qua Hà Nội mới xây dựng được công viên Hòa Bình và Yên Sở.
Năm 1996, Hà Nội dự kiến giãn dân đô thị lõi xuống 800.000 người với thực tế là 1,2 triệu người, song qua 15 năm không đạt mong muốn. Một phần do việc xây dựng khu di dân chậm và công tác tư tưởng cho người dân chưa được quan tâm, người dân cũng không ủng hộ di chuyển. Thành phố hiện có dự án giãn dân phố cổ sang Long Biên, song tiến độ thực hiện rất chậm.
- Lý do nào khiến nhiều công trình không đúng như quy hoạch đã đề ra?
- Đó là mâu thuẫn giữa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp nên thực thi quy hoạch khó khăn. Nhà nước muốn mở đường song người dân đòi giá cao, chính sách bồi thường lại không cho phép. Chúng ta rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng, để làm một km đường nội thành thường phải mất tầm 10 năm. Đó là những cái khó trong triển khai quy hoạch, song vẫn phải làm vì nếu không làm thì không phát triển được. Ví dụ đường Trần Phú (Ba Đình) kéo dài, dự án có từ năm 1992, nhưng đến 2014 mới thấy giải phóng mặt bằng do vướng mắc thỏa thuận đền bù với người dân.
Nguồn lực đầu tư hạ tầng rất hạn chế. Khi rà soát, chúng tôi thấy quỹ đất của Hà Nội đã phủ kín các dự án nên thành phố khó tận dụng nguồn lực từ đất đai. Do vậy, việc triển khai các dự án cần theo từng giai đoạn khi nhiều dự án vẫn phải trông chờ nguồn lực của nhà nước. Cùng với đó, cần thay đổi cơ chế chính sách cũng như nâng cao nhận thức của người dân.
Một nguyên nhân quan trọng là vấn đề dân số. Hà Nội hiện có hơn 8 triệu dân kể cả người nhập cư. Bộ mặt thành phố thay đổi rất nhiều, song cũng còn nhiều vấn đề chưa kiểm soát được như ách tắc giao thông, môi trường, dân số cơ học gia tăng vượt quá quy hoạch. Trên địa bàn có cả trăm trường đại học, hàng năm tuyển hàng vạn sinh viên đã làm tăng dân số cơ học rất lớn.
Nếu chúng ta không kiểm soát được tăng dân số thì dù làm đường rộng 100 m hay mở bao nhiêu con đường vẫn tắc.
nhattan1-8250-1412654201.jpg
Nhật Tân, cây cầu mới nhất của Hà Nội dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 10 này. Ảnh: Xuân Hoa.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng Hà Nội thiếu cái nhìn tổng quan về quy hoạch nên mới dẫn đến những bất cập trên?
- Tôi cho rằng ý kiến đó chưa thật xác đáng, Hà Nội đều có quy hoạch chung được phê duyệt, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch. Tuy nhiên, triển khai các định hướng đó, cái nào làm trước, cái nào làm sau thì có vấn đề, còn phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư.
- Diện mạo đô thị Hà Nội trong 10 năm tới sẽ như thế nào?
- Sự phát triển của Hà Nội còn phụ thuộc tình hình kinh tế của đất nước và thế giới. Những năm gần đây, Hà Nội đã được nhà nước quan tâm, tập trung phát triển hạ tầng đô thị mạnh mẽ, giao thông công cộng đã được đầu tư. Việc xây dựng trạm bơm, kè bờ, nhà máy xử lý nước thải… sẽ giải quyết úng ngập, ô nhiễm môi trường. Hà Nội sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị trong 10 năm tới nên sẽ giảm tình trạng ách tắc giao thông.
Tương lai, dân số khu vực trung tâm sẽ được giảm tải. Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh để giãn bớt một số chức năng mà trung tâm không cần, như đô thị vệ tinh Hòa Lạc là trung tâm đại học, các viện nghiên cứu, khu công nghệ cao. Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn có những chức năng mà đô thị lõi không gánh. Chúng ta cần đầu tư phát triển các khu vệ tinh để tạo sức hút người dân trong đô thị lõi ra bên ngoài. Nếu chỉ bắt buộc người dân di ra ngoài thì rất khó và không hiệu quả, mà phải bằng biện pháp đồng bộ để giảm sức ép dân cư.
Đoàn Loan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét