Phạm Chí Dũng
Hà Nội hoang mang...
Ðất Việt vẫn là một trong số hiếm hoi tờ báo nhà nước cố thủ được bản sắc riêng trong tiếng nói truyền thông. Vào cuối Tháng Chín, tờ báo này cũng thêm một lần nữa biến thành dị bản so với hệ thống báo đảng khi “dám” gắn chủ đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí với yêu cầu nhân quyền mà Hoa Kỳ không hề bỏ qua đối với Việt Nam.
Nhiều tờ báo khác, và sau cùng là báo đảng, cũng lục tục được “cởi trói” khi bắt đầu đưa bài về tin tức sốt dẻo “cuối năm Mỹ bỏ cấm vận vũ khí.” Ðiều đó cũng đồng nghĩa với hình ảnh tái lập bang giao Việt-Mỹ được “nâng lên một tầm cao mới,” nói theo cụm từ mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới chức ngoại giao rất ưa dùng.
Tuy vậy, còn chậm lụt hơn cả báo chí, Bộ Ngoại Giao của ông Phạm Bình Minh lại có vẻ khá lắng chìm trước tín hiệu bán lại vũ khí được phát ra từ Washington. Cả Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng vậy. Rõ ràng là giữa năm nay, hàng loạt cú chao người trong thế đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến nhiều quan chức chính trị Hà Nội không còn đủ tự tin để biết họ cần phải làm gì, thậm chí muốn gì.
Ðặc biệt, hình ảnh hoặc bị thất sủng, bị truy xét hoặc phải lui vào tình thế “hoạt động bí mật” của lớp quan chức thân Bắc Kinh sau vụ việc giàn khoan HD981 ở Biển Ðông có thể đã khiến đảo lộn kế hoạch thâu tóm quyền lực chóng vánh của những kẻ này.
Ngược lại, sự xuất hiện ngay tại thủ đô cựu thù của những người Mỹ như John McCain và Martin Dempsey lại mang đến niềm hy vọng sống sót cho chủ nghĩa lợi ích không còn đường chạy theo Trung Quốc.
Thậm chí, khi ngay cả người đại diện ưu tú của giới chính trị bị xem là bảo thủ - ông Phạm Quang Nghị - bất thần hiện ra ở xứ Cờ Hoa trước sự sửng sốt của không ít nhà quan sát, có thể rất nhiều quan chức Việt Nam đã cảm nhận về một không khí giao thời để chuẩn bị cho một biến động đủ lớn về quan điểm đối ngoại và kể cả đối nội trong tương lai gần.
Cảm nhận trên có thể là không sai. Sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ Martin Dempsey, mới đây chỉ huy trưởng Hải Quân Nhân Dân Việt Nam, Ðô Ðốc Nguyễn Văn Hiến, đã lẳng lặng đến Mỹ tham gia tập trận hải quân với Bộ Trưởng Hải Quân Ray Mabus.
Vớt vát cuối cùng
Tuy nhiên, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là những cú đưa đẩy con thoi về quân sự trên diễn ra trong bối cảnh Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn hầu như chưa có gì được coi là thỏa thuận giữa Việt Nam và những nước chủ chốt trong TPP như Hoa Kỳ và Nhật. Toàn bộ những gì được coi là kết quả của vòng đàm phán cấp cao ở Hà Nội trong 10 ngày đầu Tháng Chín chỉ là “đã đạt được những tiến bộ quan trọng,” theo báo chí nhà nước, hay “còn nhiều việc phải làm,” theo trưởng đoàn đàm phán Mỹ.
Thế nhưng sau đó, ngay cả Thông Tấn Xã Việt Nam cũng phải “cải chính” khi dẫn lời Giáo Sư Jeffrey Schott, thành viên cao cấp của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson có trụ sở tại thủ đô Washington, DC (Mỹ) và cũng là chuyên gia hàng đầu về TPP, dự báo hiệp định này có thể kết thúc đàm phán và ký kết vào nửa đầu năm 2015.
Tin này thật sự là một cú sốc đối với các nhà “hoạch định chiến lược” của Việt Nam. Theo hoạch định vào giữa năm 2013, tiến độ TPP “phải” được kết thúc vào cuối năm đó. Mong ước có phần viển vông này có lẽ được dựa vào một cơ sở sáng láng nhất là cam kết “cố gắng hoàn tất TPP vào cuối năm 2013” của Tổng Thống Mỹ Barak Obama.
Thế cục đã biến chuyển khác hẳn giai đoạn năm 2007-2008. Giờ đây, với quá nhiều khó khăn về kinh tế và nội trị, giới lãnh đạo Việt Nam luôn đứng trước ngã ba đường. Chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thực tế đã không mang lại kết quả như mong đợi, nếu không muốn nói là người đi dây còn có thể té lộn nhào vào bất kỳ lúc nào.
Thái độ hơi quá khoan hòa của tổng thống và giới ngoại giao Mỹ đối với nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã không còn đạt hiệu ứng thuyết phục như trước đây đối với lưỡng đảng Hoa Kỳ. Thực tế là “quyền đàm phán nhanh” về TPP đã không còn phụ thuộc vào chính phủ Mỹ, mà do Hạ Viện Hoa Kỳ quyết định. Giáo Sư Jeffrey Schott cũng vừa hé lộ thông tin vừa đáng thất vọng nhưng cũng tôn tạo đôi chút hy vọng là đến đầu năm sau, Quốc Hội Hoa Kỳ có thể thông qua loại quyền dù mang tính kỹ thuật nhưng lại quyết định phần lớn này cho chính quyền Mỹ, từ đó mới có thể kết thúc nhanh tiến trình đàm phán TPP cho Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán đang tìm cách đạt tới một “sự cân bằng chuẩn xác” giữa độ sâu của tự do hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện với tốc độ thực hiện các cam kết tự do hóa này, Giáo Sư Jeffrey Schott nhấn mạnh.
Khó có thể hiểu khác hơn, “sự cân bằng chuẩn xác” nêu trên không chỉ nhắm tới những điều kiện về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác... mà Việt Nam phải thỏa mãn, mà cả về những hình thể tự do nhạy cảm hơn nhiều như tự do lập hội, công đoàn độc lập và trả tự do cho tù nhân lương tâm. Nếu không đáp ứng được những “tiểu tiết” này, có thể còn rất lâu nữa, hoặc chẳng bao giờ, Việt Nam mới là “quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP” như Bộ Chính Trị quốc gia này tuyên truyền.
Hy vọng gần như duy nhất của phía Việt Nam chỉ còn là những cuộc đàm phán đơn phương với đại diện thương mại Hoa Kỳ. Sự hiện diện của phái đoàn Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh ở Washington, DC, ngay sau vòng đàm phán TPP tại Hà Nội là một trong những vớt vát cuối cùng cho năm nay.
“Vậy thì sao Trung Quốc phải phiền lòng?”
Rõ ràng là Hà Nội chỉ thay đổi khi ở vào thế chân tường. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chính vào khoảng thời gian được coi là khá “nhạy cảm” này, một số tin tức vốn được liệt vào độ “tuyệt mật” của Hà Nội lại bất ngờ lộ ra.
Ðầu tiên là sự kiện gây sốt trong cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm đến chính trị: một kế hoạch hợp tác thông tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) với đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV). Kế hoạch này đã không được biết đến cho tới khi có một bản tin tiết lộ trên báo mạng điện tử WND (World Net Daily) ngày 31 Tháng Tám về sự thương lượng của Hội Ðồng Quản Trị Truyền Thanh Hoa Kỳ (US Broadcasting Board of Governors-BBG) với phía nhà cầm quyền Việt Nam.
Sau đó, vào ngày 16 Tháng Chín, lại xuất hiện thông tin nhà nước Việt Nam đã trao giấy phép cho đại diện của hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ, chính thức nối lại hoạt động cho nhận con nuôi giữa hai nước sau sáu năm đình trệ.
Ðiểm trùng lắp đáng lưu ý là cũng như tin tức về mối quan hệ khiên cưỡng VOA-VOV, những tiết lộ mới mẻ và bất ngờ về chương trình “tái thiết con nuôi” lại xuất phát từ Mỹ chứ không phải từ giới lãnh đạo Hà Nội.
Còn ngay trước mắt là chuyến đi Hoa Kỳ vào đầu Tháng Mười của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh để “tham khảo ý kiến với Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry,” như lời dẫn của VOA.
Nhưng thêm một lần, điều trớ trêu là tin tức trên được tiết lộ từ một hãng truyền thông bị ghép tội “vu khống và xuyên tạc” như VOA Việt ngữ, chứ không phải là Thông Tấn Xã Việt Nam hay báo Nhân Dân.
Chỉ mới đây, chính phủ Việt Nam mới thông tin quá trễ về chuyến công du nêu trên, sau khi báo chí nước ngoài “ấn định” thời điểm xuất hiện của ông Phạm Bình Minh ở Hoa Kỳ là hai ngày đầu Tháng Mười.
Cũng có thể, chuyến “thị sát” của ông Dempsey đến Việt Nam vừa qua và cuộc “tham khảo” của ông Phạm Bình Minh ở Hoa Kỳ sắp đến sẽ mở đường cho một chuyến công du khác, đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel sẽ tới Việt Nam trước cuối năm nay, từ đó dẫn đến cơ chế dỡ bỏ cấm vận vũ khí.
Không có được quyền “đàm phán nhanh” đối với TPP, hẳn chính phủ Mỹ có phần bức bối, trong khi họ cần phải tự thân quyết định một số vấn đề ngay trước mắt và có lợi cho họ. Việc buôn bán vũ khí sát thương là một trong những mối lợi cấp tốc như thế.
Còn Hà Nội, tất nhiên trong mọi tất nhiên, họ vẫn tiếp diễn trạng thái đu dây và chỉ mong muốn mọi chuyện đừng đảo ngược theo hướng gây bất lợi cho mình.
“Vậy thì sao Trung Quốc phải phiền lòng?” Khẩu khí và vẻ mặt ngạc nhiên hệt kịch sĩ của ông Phạm Bình Minh hôm 24 Tháng Chín tại Asia Society (Hội Á Châu) ở New York, khi đề cập đến việc Việt Nam mua vũ khí sát thương từ Mỹ, chắc hẳn toát lên tư thế rất đặc trưng cho “bản lĩnh” của chính thể Hà Nội.
P.C.D.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét