Trang

Nhãn

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Bến truân chuyên (truyện ngắn/saigonecho.com)

Thứ Năm, 14 tháng Mười Một năm 2013 20:02

015-bentruanchuyenquythe
Mùa hè, đầu con sông Cái nắng chiều chưa tắt, cuối sông, về hướng biển mặt trăng đã mọc. Trăng nhô lên, tròn to, lặng lẽ, nhợt nhạt như cắt ra từ một tấm lá úa. Ở cửa sông, mấy hòn đá khổng lồ chồng lên nhau, trông xa như ổ trứng lòai thủy quái. Truyền thuyết, đá là những con cờ của tiên ông ngồi chơi Thạch Bàn núi Sạn lăn xuống từ thuở hồng hoang. Thuở mà tiên, thần, người, chim ,thú, còn sinh sống chung đụng trong cõi bình yên. Ghe thuyền ra khơi vào lộng mỏi mê về neo dưới chân đá nhờ che chở. Những chiếc thuyền lớn, thuyền con, từ xa trông như củi mục nhấp nhô trên sóng cửa biển. Trăng đậu ngay trên hàng cột buồm đâm thẳng lên trời trông như đóa hoa vàng nở trên cành khô.

Thọ, một người đàn ông bốn mươi lăm tuổi, dáng cao gầy, đầy nét tiểu tư sản trí thức, kính cận dày cộm, lại ăn mặc theo kiểu dân chài, lầm lũi đi trên con đường làng dưới vòm tre đầy bóng tối, trên ngọn cao còn vương vấn chút nắng chiều. Thọ chẳng nghĩ ngợi, không buồn vui, không hy vọng, chỉ chờ mong cho qua ngày đọan tháng thóat khỏi mảnh đất buồn thiu chán chường này. Hai tay anh ôm một mớ đồ nghề soi bắt tôm cá trên dòng sông Cái, một mái chèo, cây vợt, bình điện và cây đèn soi đội đầu như người săn bắn ban đêm. Tới bến Cát anh đặt đồ nghề xuống, lơ đảng nhìn hai ngọn núi cao bên kia sông, Hòn Sạn, Hòn Thơm, hiện trên nền trời nhàn nhạt màu
chiều. Thọ tháo sợi dây neo kéo con thuyền vô sát bờ. Thuyền của dân làm nghề soi tôm cá nhỏ và nhẹ, đáy bằng có thể vào vùng nước ven bờ sâu cỡ gang tay. Thọ leo vào đẩy thuyền ra giữa dòng, không cần chèo, thuyền trôi dọc ven bờ bên này hướng ra cửa sông. Phía tây nơi cây cầu Sắt Vĩnh Ngọc sơn đen gác qua hai bờ sông, mặt trời vừa xuống núi, hồi quang héo hắt nhuộm tím đám mây thẩn thơ đỉnh núi. Thọ nằm xuống, đặt lưng trên tấm sạp làm bằng mấy ống tre đập dập bện mây, nghe tiếng nước róc rách dưới lưng, ngửi mùi cá ươn, mùi dầu rái trét ghe phảng phất trong ngọn gió chiều tha thướt trên sông, mơ màng nhìn hàng tre mọc ven bờ chạy ngược, trong một chiều giữa tháng nước ròng chảy siết. Anh tính ngồi dậy lái con thuyền, kềm hãm bớt sức nước chảy, song rồi thôi, nghĩ, mặc kệ trôi dạt đến đâu cũng được, đời mình trong mấy năm vừa qua cũng đã thả trôi theo số phận, huống chi là con thuyền này.

Đất nước thống nhất, hết bom đạn chiến tranh, hòa bình còn lạ lẫm khó khăn và mong manh lắm. Mấy năm đầu cuộc sống bấp bênh kham khổ quá, ai cũng than van. Tuy anh chỉ là một trí thức, một nhà khoa học bình thường, không cấu kết với các chế độ chính trị trước đây song vẫn cứ lo sợ. Anh tìm cách đưa gia đình vượt biên. Vợ và mấy con đi thóat còn anh đi chuyến chót bị tóm lại, ở tù ba mươi sáu tháng. Ra tù thì nhà cửa không, vợ con không, không tiền và chẳng có công ăn việc làm. Đang là một người có đủ cả, bỗng dưng hóa tay không, ăn đường ngủ chợ, ngày lang thang đi tìm việc một cách tạm bợ, ai sai gì làm nấy. Tìm một cách vu vơ khi có khi không. Tới đâu thường thường bị xua đuổi, nhất là những con chó. Thọ nghe người ta nói, lũ chó có thể đánh hơi nhận ra thằng tù. Mỗi lần đi xin việc anh tắm rửa thật sạch để cho bay hết “mùi tù”ø, cái mùi tượng trưng cho sự bất lương, anh cố đi đứng thẳng thớm tự nhiên, thế nhưng đến đâu cũng bị lũ chó xúm vào xua đuổi. Chó còn thế huống gì là người…Cuối cùng cũng đã tới thời kì chuyển đổi. Dòng sông đời đưa dẩy con thuyền số mệnh anh tấp vào một dải đất cỏn con nằm kẹp giữa hai nhánh sông. Ấy là cái bến bình yên sau nhiều năm lang bạt.

Con sông Cái đổ ra biển bằng năm nhánh. Từ trên cao nhìn xuống thấy giống như bàn tay năm ngón xòe ra chỉ về hướng đại dương. Giữa những nhánh sông ấy có bốn cái cồn đất màu mỡ, quanh năm xanh ngát bóng dừa. Cồn đất nhỏ nhất gọi là Cồn Dê, tên chữ là Ngọc Thảo. Có lẽ trước đây cồn là một bãi cỏ rộng có nhiều dê, bây giờ không còn cỏ và cũng chẳng còn dê. Lại có thuyết cho rằng, vùng này gần biển, chỉ mọc một thứ cỏ dê không ăn được, vậy trên cồn không có thời kì nào nuôi dê. Cồn hình củ khoai rộng cỡ bốn năm cái sân bóng đá, lúc này chỉ có khỏang trăm gia đình. Thế nhưng cái cồn đất này không phải mới xuất hiện, nó đã có từ rất lâu. Nhiều mảnh đất có văn tự đề”…Bảo Đại nhị niên…” Trên Cồn còn sót lại mấy cây dừa lửa lọai dừa lão cao chót vót, trên ngọn có nhiều chùm quả đỏ như cam chín. Những cây dừa lửa cao cỡ đó ít nữa cũng trăm năm.

Dân Cồn Dê Ngọc Thảo hầu hết làm nghề soi tôm cá trên sông Cái. Ban đêm tôm cá tấp vào hai ven bờ, người ta dùng vợt bắt. Mùa hè đáy sông mọc một lớp rong tóc tiên êm như nhưng, nước trong vắt, mắt cá tôm sáng lên dưới ngọn đèn soi, rất dễ thấy. Con sông Cái hào phóng nuôi dân chúng hai bên bờ qua bao nhiêu đời nay, không giàu sang, đủ sống, sống vừa phải, sống lương thiện.

Tới Ngọc Thảo Thọ cũng học nghề đi soi, anh mượn được chiếc thuyền và bộ đồ nghề. Anh mới học nghề nên số tôm cá bắt được ít lắm.Có lần anh vô tình quét ánh đèn lên hàng bụi cây rậm rạp ven bờ thấy có con chim lưng đen bụng trắng chân dài, đó là con quốc, một lọai chim nước. Chim chóc ban ngày sống trên núi Sạn, núi Thơm, chiều lại xuống sông uống nước rồi ngủ luôn trong hàng cây ven bờ. Lúc đầu anh tưởng con chim nhác, không ngờ đưa vợt đến gần nó vẫn không bay. Anh dùng vợt bắt chim. Con chim vùng vẫy dữ lắm , không biết làm sao anh đành bẻ cánh bẻ chân. Chèo đi một đọan nữa anh bắt thêm được con vạc, giống cò lông màu gỉ sét, con vạc đang kiếm ăn trong vùng cỏ ngập nước, thấy ánh đèn soi đứng lại nhìn, bị tóm. Thọ còn bắt thêm được mấy con bìm bịp, cò trắng, cu gáy…Sáng hôm sau anh đem ra chợ Hà Phước, lúc đầu tưởng khó bán, không ngờ mới đặt xuống đã có người mua. Từ đó dân Cồn Dê bắt tôm cá còn anh bắt chim.

Cứ chiều đến đòan thuyền soi gồm mấy chục chiếc nối đuôi nhau chạy dọc sông Cái trong ánh hòang hôn. Cảnh tượng giống như đòan chiến thuyền xuất quân. Thọ gọi đùa là “Hạm đội Cồn Dê” Sáng hôm sau hạm đội no cá kéo về tập kết nghỉ ngơi trong bóng mát bờ tre, những chiến sĩ trở về đánh một giấc tới chiều cơm nước xong lại lên đường.

Cuối Cồn Dê dòng nước lấn sâu vào tạo thành cái mũi nhọn và cong rất giống mũi Cà Mâu trong bản đồ Việt Nam . Vùng này đầy lau lách hoang vu, dân làng ít ai bén mảng tới. Những người chèo thuyền dưới sông nhìn lên thấy có cái nhà nhỏ bằng gỗ, có dây phơi treo nhiều quần áo xanh đỏ và một người đàn bà ra vào. Người này cũng thường xuống bến tắm giặt. Đó là chiï Liễu. Không hiểu tại sao chị lại chọn nơi hoang vắng cất nhà ở. Dân Cồn Dê sống nghề sông nước, thức đêm ngủ ngày. Chị Liễu làm công việc ở bên phố, cũng làm đêm ngủ ngày. Liễu sống đơn độc, không thấy chồng con họ hàng. Ai có việc đi ngang qua thường nhìn vào với ánh mắt tò mò, ái ngại. Liễu khỏang bốn mươi, còn đẹp, tóc dài uốn dợn sóng rất hợp với khuôn mặt cô và rất đẹp. Đặc biệt hơn cả là đôi mắt đen như than, ướt rượt, có cái nhìn sâu thẳm và êm như nhung, một cái nhìn buồn bã ánh lên số phận. Có lần Thọ gặp Liễu khi qua cầu gỗ Ngọc Thảo, hai người xa lạ, chỉ nhìn thóang qua, không chào hỏi, nhưng khi bắt gặp cặp mắt ấy anh sững sờ, chốn này sao lại lạc lòai cặp mắt và cái nhìn não nùng thế này? Sách tướng nói người có cặp mắt và cái nhìn nầy rất đa tình, lao tâm khổ tứ suốt một đời. Không rõ hòan cảnh nào đưa đẩy người đàn bà tấp vào cồn Dê tìm đất sống như anh?

Hôm đó sau một đêm đi soi Thọ muốn gặp Liễu, anh cho thuyền cặp vào cái bến nhà Liễu. Buổi sáng sau khi từ phồ về Liẽu thường ra bến tắm giặt. Thấy thuyền lạ ghé vào, Liễu hỏi:” Tấp vào đây làm gì?” Câu hỏi nghe đầy vẻ lạnh lùng song ánh mắt thì lại rất thân thiện. Thọ nói thuyền bị vô nước, muợn chị cái gàu tát nước. Liễu nhìn vô lòng thuyền, không thấy cá lại thấy chim, ngạc nhiên một cách thích thú, cười như trẻ con :” Đi soi tôm cá cũng bắt được cả chim hả ?”Thọ nói mình là người mới vô nghề bắt cá không được nhiều, phải bắt chim. Liễu hỏi bán có ai mua không? Thọ nói có nhưng tôi ngại việc ra chợ bán hàng lắm. Liễu vui vẻ nhận lời bán chim giùm. Thọ nhận lời ngay. Thọ đưa lồng chim. Liễu nhìn vào trong hỏi tên từng con chim. Thọ ngạc nhiên. Người vùng này ai lại không biết mấy lọai chim quen thuộc? Vậy nàng là ai ở đâu mà không biết ? Nàng thương mấy con chim chen chúc trong chiếc lồng chật, nói lần sau đan cái lồng rộng hơn cho chim thỏai mái. Thấy Thọ tần ngần chưa chịu xuống thuyền, Liễu sực nhớ, nói:” À quên, chờ tôi một chút” Rồi nàng chạy vội vô nhà bưng ra thúng gạo, nói :” Tạm ứng” Thọ nói cảm ơn và nói thêm , có gì phải vội vàng đến thế. Liễu nói, đừng khách sáo, cùng dân nghèo với nhau cả mà nên thông cảm. Thọ bưng gạo xuống thuyền, dùng mái chèo chống vào bờ sông đầy rể tre, hang còng hang cua chống mạnh. Chiếc thùyên từ từ rời bến. Anh nhìn lên thấy người đàn bà còn cầm lồng chim đứng trông theo. Nước sông loang lóang nắng. Anh thấy đời mình cũng bắt đầu le lói chút ánh sáng…

Từ đó Thọ bắt chim, Liễu bán. Liễu lo cho anh mọi việc như một người vợ, có khi nàng đưa tiền. Những đồng tiền sạch sẽ, mới, thơm lừng mùi nước hoa. Thọ lấy làm lạ, những con mụ buôn bán ở chợ sao lại có đồng tiền sạch sẽ sang trọng như thế này ? Liễu nói không bán ở chợ, đem đến mấy quán nhậu được giá hơn và mình cũng đã lấy phần công lao rồi. Thọ tạm tin như thế. Có lần anh dùng mái chèo đập chết một con chim bói cá có bộ lông ánh lên màu kim lọai rất đẹp. Thấy chim chết Liễu buồn lắm, nàng trách:”Lần sau đừng làm chim chết, người ta không mua” Thọ nói chim trời cá nước, rồi trước hay sau gì người ta cũng cho chúng vào nồi . Liễu không chịu , nói :” Ai làm ác kệ họ, mình đừng có sát sinh”

Mỗi buổi sáng hai người gặp nhau tại cái bến sau nhà Liễu. Suốt ngày bến vắng chỉ có lá tre khô rơi trên vũng nước tù dưới bóng tre xanh xỏa ra như mái tóc ôm trong lòng khối nước đứng yên đông đặc như khối ngọc. Mùa đông bến càng buồn hơn. Hai người lặng lẽ bên nhau, cùng nhìn bến nước, ngậm ngùi. Thọ thở dài, thốt” Bến truân chuyên”… Liễu cười, giọng buì ngùi, thực đúng là bến truân chuyên. Không hiểu tại sao người ta ví đời người con gái như cái bến nước, có mười hai bến trong nhờ, đục chịu…Thọ hỏi việc chồng con. Liễu làm bộ không nghe, không trả lời. Hỏi gặng mãi, Liễu nói liều, chồng chết, con lớn rồi, ở xa. Hỏi tuổi, Liễu nói già rồi. Thọ nói :” Tôi cũng già, trẻ trung gì nữa?” Liễu nói, đàn ông khác. Đàn ông không già mà dù có già cũng chẳng sao, miển có tiền, có địa vị. Đàn bà già hết duyên khổ sở lắm. Thọ thấy Liễu buồn đem chuyện đời mình ra kể, anh là người có học, học cao, có địa vị, có vợ đẹp con khôn, có đủ cả, thế rồi giờ đây hóa trắng tay, đến nỗi cái tài sản tinh thần là bằng cấp cũng thành giấy lộn đi xin việc trưng ra người ta thêm cười cho. Liễu nói :” Anh không kể tôi cũng biết. Người như anh đâu phải ở chốn này làm nghề này”

Hai người đứng cạnh nhau trên bến vắng, không dám nhìn nhau, cùng nhìn những chiếc lá tre khô rơi như chong chóng cắm vào mặt nước sông buồn. Liễu thở dài, thốt :” Tội nghiệp” Rồi nàng an ủi:” Thôi tai qua nạn khỏi rồi, sung sướng thì chưa nhưng đời anh chắc cũng đã ổn định. Cồn Dê là đất nghèo nhưng là đất lành, ở lại đây, yên tâm làm ăn”. Thọ nói :” Yên tâm sao được, cái nghề xốc nổi này biết có bền không ? Chim chóc bắt mãi rồi cũng hết, lấy gì mà sống? “Liễu hỏi:” Mà anh có thấy chim bớt đi không ?” Hỏi xong nàng tò mò nhìn chàng, cặp mắt lộ ánh tinh nghịch. Thọ không chú ý , thành thật nói :” Tôi thấy cũng chừng ấy, không thêm lên, không bớt đi”. Nghe thế Liễu cười, một nụ cười bí mật, nói:” Chim trời cá nước, có sinh có diệt, không hết đâu mà sợï” Thọ nói vùng này trước hoang vu nay đã có nhiều người bên phố qua chặt phá cây cối cất nhà sát bờ sông. Trên núi Sạn cũng thế, người ta chặt cây phá đá, lấy nơi nào cho chim sống ? Liễu nói, lo xa làm gì, người như anh đâu phải sinh ra để làm việc này. Cồn Dê là cái bến nhỏ cho con tàu lớn của anh ghé vào chốc lát rồi dong buồm ra khơi, đã đi thì biền biệt chẳng trở về. Liễu buồn lắm, nàng cố nín nhưng làn da trên cặp lông mày và hai cánh mũi đỏ dần lên, mắt mọng nước. Người đàn bà cố không để anh thấy mình sắp khóc. Thọ ngạc nhiên, người phụ nữ già dặn cứng cỏi này sao lại mau nước mắt đến thế ? Thọ cúi đầu nói nho nhỏ:” Quên làm sao được?…” Liễu cười, nụ cười mếu máo, gần khóc, nói, thôi đừng nhắc chuyện đó nữa.

Ngày hôm sau anh viết cho Liễu bức thư dài bốn trang giấy học trò. Sáng mai anh trao thư, Liễu nhận, không tỏ ra bối rối hay xúc động gì cả. Nàng vén áo, để lộ làn da bụng rất trắng, có mấy nếp nhăn của người đã sinh nở, lận bức thư không phong bì vào lưng quần, tủm tỉm cười, nói một mình :”Để tối nay yên tĩnh thắp đèn lên đọc xem anh chàng tiến sĩ bắt chim này viết cái giống gì. Đúng với điều mình nghĩ không ?” Thọ hối nàng đọc rồi trả lời. Liễu cười, nói:” Cần gì phải đọc. Thư từ lén lút làm gì , giống như trẻ con quá. Mình già rồi, có gì nói bằng miệng, viết làm sao hết ý được?” Thọ nói, không đọc làm sao biết ý tôi ? Liễu nói, biết chớ, biết từ lúc mới gặp nhau lần đầu, trên cầu gỗ Ngọc Thảo nhìn người ta chầm chầm và sáng hôm giả vờ ghé thuyền vô bến mượn gàu tát nước, nhìn vô trong thuyền thấy không một giọt nước. Thọ đổi lối xưng hô:” Liễu thông cảm cho anh, trước em anh lúng túng quá” Liễu:” Có gì đâu mà lúng túng, mình đây già rồi, trai không vợ gái không chồng, sống kiểu này, khổ sở với nhau đủ kiểu như thế này, tránh sao khỏi cái vụ đó?”

Anh cầm tay, Liễu để yên. Một bàn tay mềm và đẹp, không phải tay người làm lao động nặng nhọc. Mười ngón tay nàng chăm chút rất kỹ, sơn màu mận chín, lấm tấm nhũ bạc rất đẹp. Thọ phân vân, không hiểu Liễu làm nghề gì lại có bàn tay đẹp như thế này? Nàng để yên cho anh muốn làm gì thì làm. Anh dìu Liễu đến chỗ khuất dưới bờ tre. Hai người ngồi trên bãi cỏ mọc trong bóng mát có phủ lớp lá tre khô. Liễu để yên cho người đàn ông mặc sức, cặp mắt lạnh lùng nhìn làn nước song quả tim và đầu óc xôn xao sóng trào. Tự nhủ: Con đàn bà khốn khổ tội nghiệp ơi ! Mầy lại sắp sửa lao vào chuyện điên khùng cứt đái một lần nữa hay sao? Thôi, thôi đi Liễu ơi !... Thọ trỗ hết tài năng của một gã đàn ông có thời ăn chơi trác táng đã lâu thiếu vắng đàn bà. Thế nhưng người phụ nữ vẫn không mềm ra, nóng lên. Liễu nhìn Thọ thương hại, cười :” Bọn đàn ông các anh giống hệt nhau. Khổ sở thì thôi, khá lên thì đòi hỏi nọ kia” Liễu tự nhủ: Tội nghiệp quá, đành buông trôi, đầu hàng số phận, nàng quay lại ôm Thọ, hôn chàng. Một kiểu hôn bất ngờ và thành thạo. Và rồi một lần nữa sự khôn ngoan thức dậy, nàng giật mình tự hỏi : Ta đang làm gì đây? Ôi lại cái cơn động cỡn điên rồ của con cái khiến cuộc đời không ngớt lao đao, trở về quấy phá đây sao? Chưa sợ sao con bé tội nghiệp Liễu ơi! Và thêm một lần nữa nàng không cưỡng lại dòng chảy định mệnh xô dạt, cũng đành, liều ! Liễu say đắm nhìn Thọ, anh ta đáng thương quá, nàng gạt nước mắt nói :” Ngồi dậy, nghe em dặn đây. Thế nào rồi cũng xảy ra cái vụ đó. Muốn làm gì cũng được nhưng em cấm anh đụng vô chỗ ấy, không tốt cho anh, không được đâu…” Thọ:

- Sợ có bầu hả?

- Không.

- Vậy sợ gì?

- Em hết tuổi sinh nở, già rồi, tắt rồi, em lo sợ vì cái nguy hiểm hơn. Chắc anh biết bây giờ có thứ bệnh không thuốc chữa…

Thọ ngồi yên tiu nghỉu, thấy thương, Liễu nói:” Em nói cấm là cấm chung đụng theo lối thường tình, không tốt cho anh đâu. Song em và anh đều là người đã già giặn chuyện đời không cần phải e thẹn rụt rè gì nữa, phải chấp nhận cái mới. Thôi anh đứng lên đi, tựa vào gốc cây này, nhắm mắt lại , em làm gì mặc” Anh làm theo, không ngớt tò mò, hé mắt nhìn thấy Liễu quì phía trước, mái tóc nâu mật ong ngát hương, đầy bóng nắng lá tre gục gặt liên hồi như kẻ say đồng, phút chốc anh thấy mình trương lên, vỡ òa ra, chất ngất cảm giác, tê tái sóng trào. Liễu ngước lên nhìn, đôi mắt như thầm hỏi, anh có yêu thương em nhiều như em đang yêu anh không? Em đang sung sướng đây. Buổi trưa vắng ngắt, nắng rất to, lá xao động, tre kẽo kẹt hòa với tiếng gà eo óc trong thôn vọng về. Thọ cảm thấy một đám mây khổng lồ tròn như chiếc mũ con sứa mang đầy ánh sáng, lấp lánh như xà cừ bay qua. Bóng của nó lướt qua cái đuôi cồn Dê che rợp chỗ hai người đang yêu nhau. Mây bay qua tan mất, trời sáng lên giống như mây chưa hề tụ rồi tan nơi đây. Thế nhưng cả đời Thọ không làm sao quên được đám mây chứa đầy sự huyền hoặc giữa sắc và không, giữa hữu và vô, bất thần xuất hiện trong buổi trưa vô thường hôm ấy.

Liễu đánh thức mộng mơ, thôi về cơm nước, tối lại đi làm. Thọ lên thuyền, bơi ra mấy chèo quay lại còn thấy Liễu đứng trên bến đưa tay vẫy. Nàng cười rất to, và cũng mắng rất to : ” Đồ…” Thọ hỏi :” Đồ gì ?” Nàng cười thét lên chạy chân trần trên bến vắng như con điên, hướng ra mặt sông trống trải đầy sóng và nắng hét thực lớn :” Đồ chó!”

*****

Đêm ấy Thọ xuống thuyền chèo ra, mở cây đèn soi đội trên đầu, nhìn xuống nước, nhìn lên bờ, nhìn lên trời, nơi nào cũng thấy cái mái tóc gục gặt như người lên đồng, cặp mắt dại khờ long lanh thứ hạnh phúc của mình của người. Suốt đêm anh chẳng bắt được con chim nào. Anh định sáng hôm sau gặp Liễu sẽ xin lỗi và thế nào cũng bị nàng mắng :” Được yêu, hư rồi đó, đồ chó!” Tửng bưng sáng thuyền quay về. Từ xa nhìn lại “bến truân chuyên” nước lặng như tờ, không có những ngấn nước vòng tròn chạy từ tâm ra xa tan vào sóng giữa dòng của người đàn bà tắm sông. Anh cặp bến, lên bờ, vào nhà. Có con chó Nhật màu trắng hóa hồng màu đất đỏ chạy ra mừng. Cửa đóng nhưng không khóa. Anh đẩy cửa đi vào không có Liễu. Anh đi luôn vào phòng ngủ.

Tuy quen biết nhau đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên anh bước vô chốn này. Anh vô cùng ngạc nhiên, bên ngòai đồ đạc tồi tàn thô sơ nhưng nơi đây lại sang trọng. Có cái bàn phấn với tấm gương rất sáng và lớn, trên bàn nhiều son phấn nước hoa. Có cái giường đôi chăn nệm trắng tinh, không thua gì phòng ngủ của hạng nhà giàu. Thực đáng ngờ cho cách sống này, anh quay ra, trở về đêm ấy anh không xuống thuyền đi soi, về nhà ngủ sớm, suốt đêm chỉ thấy tòan ác mộng, hai người chia lìa, không phải do nàng phụ bạc, nàng chết, một cái chết bi thương tàn nhẫn, thức dậy, mãi mà sự kinh khiếp và phi lý vẫn chưa chịu tan.

Sáng hôm sau anh chèo thuyền ghé “bến truân chuyên”, lên bờ vô nhà chờ đợi, có tiếng chó sủa , một cô gái rất trẻ ăn diện son phấn lòe lọet, ngát nước hoa, kiểu mấy cô gái tiếp viên nhà hàng đi vào, cô gái nhìn anh, và nói chuyện với anh thân như người đã từng quen biết:”Trời ơi nhà cửa ở chốn heo hút thế này ai tìm cho ra? Tìm cả ngày, hỏi bao nhiêu người, chốn khỉ ho cò gáy này không ai biết Ana là ai họ tưởng tây đầm. Hóa ra người ta chỉ biết chị “Liễu Cồn Dê” không biết cái biệt danh này tìm tới tết cũng không ra. Cô ta nói là bạn thân của Liễu, bạn thân nhưng ở hàng em út của chị Liễu. Hỏi Liễu, cô gái ấp úng hồi lâu, nói đừng chờ nữa Liễu không về đâu. Hỏi mãi cô gái mới chịu kể:

- Gần đây công an và nhiều các cơ quan khác như sở lao động xã hội, đội phòng chống tệ nạn xã hội, công an, du kích… lùng sục các nhà hàng có tiếp viên nữ, vũ trường, các chốn cà phê, bia, mát xa… Nhiều người hung hản trang bị đầy đủ súng ống làm như đánh trận, vây bắt tất cả tiếp viên, vũ nữ chở xe bít bùng, thứ xe dùng để chở tội phạm. Họ đem tất cả về bệnh viện tỉnh nói để thử máu xem có nhiểm HIV chưa. Nếu bị nhiểm thì lọai ra khỏi cuộc chơi trầm luân một đời người, tống vào các trại gọi là tình thương, cùng bọn ma túy cho đến khi phát bệnh thì chết. Còn không thì thả ra cho đi tiếp con đường trần ai cơ khổ. Chị Liễu khổ nhục quá đã quẩn trí dùng mảnh gương cắt mạch máu tự tử chết rồi…

Thọ đứng không vững, ngã ngồi xuống ghế. Cô gái nhìn anh đau đớn quằn quại, biết không phải là người xa lại với Liễu, hỏi:” Anh có phải là Thọ không ?” Thọ gật đầu, cô gái nói Liễu nói rất nhiều về anh. Chị nói có một người chồng, đã đổ tiến sĩ ở nước ngòai. Sau 75 bị kẹt lại phải làm nghề bắt chim đểsống. Anh nói :” Vô lý, vì sao giữa thanh thiên bạch nhật mà người ta lại nhẫn tâm để một người tự sát bằng cách cắt đứt động mạch được?” Cô gái nói:

- Chị Liễu tỉnh táo và khôn khéo lắm, qua mặt được mọi người. Chính em ngồi sát một bên còn không biết, huống gì người khác. Lúc đó khỏang bốn giờ chiều, đang mùa mưa, ngày đã ngắn lại. Không biết bên ngòai ra sao, trong phòng đã tràn ngập bóng tối. Căn phòng khá rộng, cở lớp học lại chỉ có một cánh cửa ra vào bị đóng và khóa bên ngòai. Mọi cửa sổ cũng đều đóng và khóa. Người ta coi bọn chúng em là tù. Trong phòng có nhiều đèn nhưng không mở, bọn này chẳng ai dám mở. Những đứa con gái bị nhốt nơi đây bị tước mất nhân phẩm, đèn của bệnh viện, không ai dám động. Vả lại cũng không ai muốn mở đèn làm chi. Có ánh sáng để thấy cái gì ? Thấy một lũ đàn bà con gái nhếch nhác bẩn thỉu, thấy mảnh đời tăm tối này hay sao? Chị ấy ngồi bên em, bình thản, như ngườøi chẳng liên quan, không buồn vui, không lo lắng hay tỏ thái độ bực bội trong hòan cảnh khốn cùng này. Chị ta lay hoay tìm vật gì trong cái ví nhỏ. Em tưởng chị tìm tiền gởi mua thức ăn vì từ sáng đến giờ chưa có gì trong bụng. Chị tìm khá lâu, chứng tỏ không có tiền. Nghề này tiền bạc khi nhiều khi ít, là sự thường. Cuối cùng chị lấy ra cái gương soi mặt, thứ tròn, nhỏ chỉ bằng miệng chén, đưa lên soi. Ngồi cạnh Liễu em nghĩ, trong hòan cảnh như bầy thú bị nhốt trong củi sắt sắp bị đưa ra lò sát sinh này còn gì mà ngắm nhan sắc ? Tấm gương rơi. Chị Liễu cúi xuống nhặt, em nghe một tiếng tách, và tiếng than, “thôi rồi!” Liễu cầm gương lên, em lo sợ cho chị và cho cả bọn, người ta tin gương soi vỡ là điềm xấu, không hao tài cũng tán mạng. Rồi trong số những con đàn bà ngồi đây, thế nào cũng có đứa bị nhiểm căn bệnh chết người không thuốc chữa ấy, trước khi chết còn phải bị đày đọa chen chúc trong cái trại súc vật gọi là tình thương ấy những năm tháng cuối đời. Tấm gương vỡ theo kiểu mạng nhện, nhiều mảnh vỡ còn nằm trong cái khung nhựa không rơi ra ngòai. Chị Liễu liếc qua khuôn mặt trong gương, không tỏ thái độ và cũng chẳng sửa sang mái tóc hay môi son gì cả, em rất ngạc nhiên. Thế chị ta lấy gương làm gì ? Hay vì gương vỡ không nhìn được? Chị cất gương vào ví, em lại nghĩ , sao không ném nó đi? Chị mở ngăn khác lấy ra một tờ giấy học trò bốn trang kín cả chữ. Hình như ấy là một bức thư. Bức thư ai viết cho chị, chắc không phải thư tình. Thư tình không khi nào người ta viết trên lọai giấy dày và xấu như thế này. Với lại đàn ông hơi sức đâu viết thư tình cho những cô gái như chúng em ? Thư từ làm gì, có tiền bỏ ra là xong. Có thể là thư của gia đình từ nhà quê gởi lên và giờ đây trong khi chờ đợi nghe bản án chung thẩm về số phận chị ta lấy ra xem để qua được cái thời gian thử thách vô cùng khốn khổ này. Trong làn ánh sáng mờ mờ của căn phòng đóng kín cửa vào một buổi chiều nặng nề như được đúc bằng chì này, chị đọc bức thư. Đọc đi đọc lại, đến đây em mới hiểu vì sao tờ giấy nhàu nhò đến thế. Trong hòan cảnh này mà chị tập trung đầu óc đọc được thực hiếm có. Một lúc sau cánh tay cầm thư buông thõng. Những ngón tay khô héo xanh xao không còn đủ sức cầm tờ giấy, nó rời ra rơi xuống, trớ trêu thay nó lại rơi trên cái biểu tượng đẹp, ấy mảnh gạch hoa hình bông hướng dương trên nền nhà dơ bẩn của bệnh viện. Cô ấy đổ về hướng ngược lại, ngã nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi, chỉ có cái ghế sắt ngã theo là gây tiếng động khiến mọi người chú ý. Nhiều người chạy đến . Một vũng máu lớn đọng trên nền nhà. Đem đi cứu chữa, huyết áp mất cả, thân nhiệt da thịt lạnh tanh, không kịp nữa rồi. Ban đầu không thấy vết cắt. Sau khám kĩ mới thấy vết thương cắt bằng mảnh thủy tinh nơi động mạch chân. Động mạch này nổi lên rất cạn ở háng. Chính cái váy đen xòe rộng ra che vũng máu cho nên đến khi chị ngã xuống , nghĩa là đã cạn máu trong người, không còn cứu chữa rồi mới biết.

Thọ hỏi :” Kết qủa việc thử máu ra sao ?” Cô gái nói, hành động của chị Liễu tưởng như hi sinh vô ích đã cứu tất cả mọi người. Ngay buổi chiều xảy ra chuyện ấy họ sợ báo chí làm lớn nên thả chúng em ra hết. Nghe nói cũng đã có kết quả thử máu song ngươi ta không phổ biến. Riêng về phần chị Liễu thì đã rõ. Kết quả thực vô cùng oan trái, phải chi ấy là dòng máu bệnh họan cho cam. Một lúc sau có hai người lao công đem khăn và sô nước vào phòng làm vệ sinh. Họ lấy khăn lau vũng máu. Người trẻ nói với người già:” Ghê quá ! Cẩn thận đó, đáng lí ra bệnh viện phải phát găng tay cao su bảo hộ cho mình, máu của mấy con nầy…” Người già nói:” Yên tâm đi chú em, đã có kết quả thử máu, đây là một dòng máu sạch…” Cô gái kể tiếp:

- Anh có biết số phận những con chim anh bắt được không? Không phải chị Liễu đem bán cho người ta ăn thịt. Nghe nói ngày trước Liễu là một tiểu ni tu ở chùa Hang bên kia sông Cái, đã được sư bà truyền cho môn chung pháp (thuật đánh chuông), sáng chiều công phu tịnh độ mười mấy năm. Tiếng chuông ngân vang thánh thót, hai bờ con sông Cái dân cư đã quen. Sau này vướng vào tình duyên oan nghiệt, chị rời chùa và ma đưa lối quỉ dẫn đường chị lạc vào chốn trần ai làm nghề phấn hươngï. Thế nhưng căn tu vẫn còn, chị không bao giờ sát sinh. Chị đem chim đến cho một nhà điểu học người nước ngòai. Aáy là một nhà khoa học độc thân, cũng có tâm trạng đau buồn chuyện vợ con , ông hiến thân cho khoa học. Ông ấy rất mê chị, muốn làm giấy cho chị về nước sống với mình, song chị nói còn người chồng bên này. Oâng ta là một người đứng đắng, không được yêu ông ta vẫn khâm phục chị, ông ta cần người phụ nữ xinh đẹp và cả những con chim nước miền nhiệt đới. Ông đem chim về nghiên cứu, đánh dấu, đeo vòng xong trả lại, đưa tiền cho chị. Chị Liễu lại thả chúng ra ở bờ sông Cái.

Đến lúc này anh mới ngờ ngợ rồi nhớ lại tất cả. Có lần anh tóm được con sếu có mang chiếc vòng nhôm nơi chân, trên vòng có ghi số hiệu, anh lại tưởng ấy là chim các nước miền hàn đới bay về phương nam tìm nắng ấm. Mình ngốc quá, một khúc sông ngắn như thế , chim đâu để mình đêm nào cũng băùt cả giỏ? Anh nhớ lại chuyện con quốc biï anh vồ cụt đuôi, đem về đưa cho Liễu bán. Mấy ngày sau anh lại tóm được cũng anh chàng quốc cụt đuôi ấy gần nơi cũ. Ôi như thế đã rõ rồi. Cô ấy đã đưa mình vào trò chơi: Mình đêm đêm bắt chim sáng ra giao cô ấy, cô ấy thả, để cho mình có công ăn việc làm. Nàng là Phật bà của chim , là nàng tiên của mình. Thế nhưng còn tiền đâu cô ấy hàng ngày đưa cho mình ? Anh xót xa tự trả lời câu hỏi: Nàng đã bán thân để có tiền chớ ở đâu !

Mấy ngày sau Thọ được tin gia đình đã dịnh cự xứ Hoa Kì và anh cũng được nhà nước cho đòan tụ. Tin vui rơi đúng vào lúc cõi lòng tan nát. Anh ra “ Bến truân chuyên” Con sông Cái lạnh lùng chảy qua, gió tan trên mặt nước. Anh mở cửa lồng nhốt chim rồi tháo dây neo đẩy con thuyền ra giữa dòng, gọi với theo:” Sông ơi chảy đi ! Thuyền ơi trôi đi ! Chim ơi bay đi ! …” Bên kia sông chuông chùa Hang nhả từng giọt trầm buồn lan tỏa thấm đẫm trong mây chiều đưa tiển anh, đưa tiển tiểu ni cô về miền cực lạc./.
---------------
(LT): Đọc xong lại muốn nghe bài hát: Chảy đi sông ơi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét