22/11/2013 06:00
Chính thức nghỉ hưu ở tuổi 75 sau hai nhiệm kỳ giữ cương vị Phó chủ tịch nước (1992-2002) nhưng từ hơn 10 năm qua bà Nguyễn Thị Bình vẫn chưa hoàn toàn “nghỉ việc”. Bà cho rằng, hiện tại bộn bề khó khăn của VN chính là lúc càng cần những người trẻ có khát vọng phát triển đất nước.
Ảnh: Ngọc Thắng |
Đều đặn từ 2003 đến nay, nguyên Phó chủ tịch nước vẫn hằng ngày điều hành công việc của Quỹ hòa bình và phát triển VN, nơi bà giữ vị trí chủ tịch. Những người được gặp vẫn thấy bà tỏ ra minh mẫn, sắc sảo trong từng bài nói chuyện hay phỏng vấn cũng như những kiến nghị, góp ý về các vấn đề nóng của đất nước. Đó còn chưa kể đến hàng loạt chuyến đi thực tế tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc diễn ra thường xuyên.
|
Khát vọng phải gắn với mục tiêu của dân tộc
Qua những hoạt động rộng khắp của bà, điều có thể nhận thấy là tuy không còn ở cương vị lãnh đạo, nhưng tình hình đất nước luôn được bà quan tâm đặc biệt.
Theo bà, hiện tại bộn bề khó khăn của VN chính là lúc càng cần những người trẻ có khát vọng phát triển đất nước. Khát vọng của tuổi trẻ phải gắn với tình hình, mục tiêu phấu đấu của dân tộc, đó mới là khát vọng tốt đẹp. Bà nói trước đây trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, được tham gia chiến đấu là khát vọng của tất cả thanh niên, không được tuyển chọn thì coi như thua kém bạn bè. Nay chúng ta ở một giai đoạn khác, khát vọng của dân tộc giờ là phát triển đất nước làm sao thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, sánh ngang với các quốc gia tiên tiến khác, đem lại một cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. “Như vậy nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là giữ nước mà phát triển đất nước. Phát triển nhanh và vững đó chính là cách giữ nước tốt nhất”, bà khẳng định. Đề cao lý tưởng, song bà cũng rất thực tế khi khẳng định rằng vấn đề lợi ích cá nhân là hoàn toàn chính đáng, có điều lợi ích cá nhân ấy cần phải được đặt trong lợi ích chung. “Có lợi ích chung mới đảm bảo cho lợi ích cá nhân”.
Theo bà, VN hiện trong giai đoạn đòi hỏi xây dựng, phát triển đất nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, nhưng nền tảng vẫn là kinh tế. Bà nhấn mạnh: “Không có một nền kinh tế phát triển, bền vững thì rất khó để làm những việc khác”. Để có thể tồn tại và cạnh tranh trong hoàn cảnh nhiều áp lực như hiện nay thì cần có trình độ và ý chí, những yếu tố theo bà phải được xây dựng từ gốc rễ là giáo dục.
Không nên nghĩ “cái gì cũng phải nhà nước”
|
Con người là yếu tố quyết định. Chân lý ấy, theo bà đòi hỏi một sự quan tâm thỏa đáng vào giáo dục nếu không sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng. “Sẽ lấy đâu ra những con người lao động tốt, kinh doanh giỏi, có trình độ chuyên môn cao nếu như trí tuệ của họ không nhận được sự giáo dục đúng đắn để phát huy hết khả năng? Đương nhiên phải có một ý chí. Có trình độ rồi nhưng cũng phải có một tinh thần tự cường để xây dựng phát triển đất nước vì sẽ có rất nhiều khó khăn phía trước”, nguyên Phó chủ tịch nước phân tích.
Bà cho rằng, điều có thể nhận thấy bây giờ là ở thanh niên nhìn chung tinh thần tự chủ chưa mạnh. “Ở thời trước có lẽ không rõ lắm nhưng bây giờ thì khác. Tôi nghĩ thanh niên VN cần phải lấy và lấy tinh thần tự chủ như một yêu cầu bắt buộc với bản thân mình. Tôi có nhiều lần trao đổi với các bạn trẻ, các bạn sinh viên, được các bạn bày tỏ tâm tư về những khó khăn sau khi ra trường, không kiếm được việc làm, muốn vào cơ quan này, cơ quan kia mà nhiều trở ngại. Tôi rất chia sẻ những điều ấy. Nhưng mặt khác cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng tại sao lại cứ chăm chăm phải vào cơ quan nào đấy, phải có chỗ trong nhà nước? Tất nhiên vào được nhà nước có đóng góp là tốt nhưng tại sao không tìm hiểu xã hội đang cần gì, mình có năng lực gì để tìm những con đường đi khác.
Bà cho rằng: “Con đường đi lên để xây dựng một xã hội tốt đẹp là cả một quá trình, đòi hỏi phải vượt qua những giáo điều. Tìm cho mình con đường đi phù hợp với điều kiện của mình, con đường đi ấy đòi hỏi một sự phấn đấu mạnh mẽ và kiên trì”.
“Ta chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng yêu cầu phát triển đất nước không đợi mình để từ từ có kinh nghiệm. Chúng ta có quyền đòi hỏi một lãnh đạo đất nước tài giỏi, vững vàng nhưng mỗi người chúng ta phải tự xây dựng cho mình một bản lĩnh để góp phần mình xây dựng đất nước. Chán nản không ích gì. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Một VN độc lập, tự chủ, phát triển là mong muốn của tất cả mọi người”, bà nói.
Hành trình Vì khát vọng Việt do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức từ tháng 10.2013 đến tháng 2.2014. Với mục đích quy tụ những gương mặt sáng tạo trong nhiều lĩnh vực để truyền ngọn lửa khát vọng, khơi dậy khát khao dấn thân, sáng tạo để cạnh tranh với thế giới, năm nay, ngoài “Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm làm giàu bền vững” tại 8 tỉnh thành cả nước, 30 trường đại học, cao đẳng tại 5 khu vực trên toàn quốc sẽ cùng tranh tài ở phần thi “Sáng tạo tương lai” để chọn ra 5 đội vào vòng bán kết và chung kết (tổ chức vào ngày 21.11 và đêm 23.11 tại TP.HCM).
Cũng trong ngày 17.11, sinh viên còn được giao lưu, học được những kinh nghiệm quý báu từ diễn giả người Israel, Nimrod Bar-Levin, đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Ono Apps. Từ một công ty 25 thành viên, trong 5 năm, công ty của ông đã giới thiệu 160 phần mềm cho 110 khách hàng trên toàn cầu. Tại buổi nói chuyện, ông Nimrod Bar-Levin nhấn mạnh những yếu tố làm nên thành công: xây dựng một đội ngũ làm việc mạnh, cần có lý tưởng kinh doanh, luôn hướng đến tương lai nhưng không quay lưng với quá khứ và quan trọng nhất là phải có khát vọng lớn, đừng sợ thất bại. Có khát vọng mới có thành công.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét