Anne Kurian
ROMA, 5/11/2013 (Zenit.org) - Người Kitô hữu không phải là người chỉ lấy làm mãn nguyện vì "tên mình được ghi trên danh sách Kitô hữu" nhưng là người trả lời "xin vâng" trước lời mời của Thiên Chúa và chia sẻ khả năng mình có cho "mọi người", không "chọn lọc", trong "một Giáo Hội dành cho mọi người".
Đó là điều ĐTC đã tuyên bố trong bài giảng thánh lễ ngài cử hành trong nhà nguyện Nhà Thánh Mácta, sáng nay, 5/11/2013.
ĐTC đã bình luận những bài đọc trong ngày (Rm 12,5-16b và Lc 14,15-24), những bài đọc này "cho thấy thẻ căn cước của người Kitô hữu": "bản chất Kitô giáo trước hết là một lời mời nhưng không từ phía Thiên Chúa".
Giáo Hội dành cho mọi người, không chọn lọc
Người Kitô hữu được mời "không phải để đi chợ" hay "đi dạo", nhưng để "đi dự lễ, đi vào niềm vui được cứu chuộc, đi vào niềm vui được thông phần vào sự sống của Chúa Giêsu".
ĐTC lưu ý: "Một buổi lễ thường qui tụ những người nói cười, ăn mừng, hạnh phúc. Người ta không đến dự lễ một mình, như thế sẽ chán lắm. Buổi lễ được tổ chức với người khác, trong gia đình, với bạn bè...".
Ai là những người được mời? "Mọi người đều được mời, người lành cũng như kẻ dữ. Kẻ tội lỗi, tất cả chúng ta đều là kẻ tội lỗi, nên đã được mời".
ĐTC nhấn mạnh: cũng như Giáo Hội là "Giáo Hội dành cho mọi người", người Kitô hữu không thể "chọn lọc": người ta không thể nói "tôi đến dự lễ, nhưng tôi chỉ dừng lại ở phòng tiếp khách nhỏ bé xinh xắn, vì tôi phải ở lại với 3 hoặc 4 người mà tôi quen biết". Giáo Hội là để cho mọi người, bắt đầu là những người bị gạt ra ngoài lề nhiều nhất... hoặc bạn vào với mọi người, hoặc bạn ở ngoài".
Đem các nhân đức của mình phục vụ người khác
Buổi lễ của Chúa là một "buổi lễ hiệp nhất" vì Giáo Hội qui tụ "một cộng đoàn với những đặc sủng khác nhau: "người có ơn làm ngôn sứ, người có ơn phục vụ, người có ơn dạy bảo... Mỗi người đều có đức tính, nhân đức riêng".
Nhưng các Kitô hữu gộp chung ơn của mình để "thông phần vào buổi lễ": "cuộc đời người Kitô hữu mà không có sự thông phần này thì không thể hiểu được... Vào trong Giáo Hội là gia nhập vào cộng đồng Giáo hội; vào trong Giáo Hội là thông phần vào tất cả những đức tính, nhân đức Chúa ban cho và phải đem ra phục vụ lẫn nhau".
"Vào trong Giáo Hội nghĩa là sẵn sàng làm những gì Chúa yêu cầu... là vào trong dân Chúa, một dân đang tiến bước vào cõi đời đời". "Không ai là người chủ chốt trong Giáo Hội", chỉ có "Chúa là người chủ chốt". Các Kitô hữu "ở sau Người và ai không ở sau Người là một trong những khách mời xin kiếu".
Làm theo ý riêng của mình hay làm theo ý Chúa
Quả thật dụ ngôn ngày hôm nay minh họa thái độ của những người thích làm người chủ chốt: những khách mời "không nhận lời mời: họ nói "có" nhưng lại làm "không". Đó là những Kitô hữu lấy làm mãn nguyện vì mình có tên trên danh sách khách mời: những người Kitô hữu trên danh sách". Như thế không đủ: họ có "tên trên danh sách", nhưng điều này "không giúp họ có được ơn cứu độ".
"Chúa rất rộng lượng. Chúa mở tất cả các cánh cửa. Chúa hiểu người nào nói: 'Không, lạy Chúa, con không muốn đến với Chúa!' Chúa hiểu và chờ họ, vì Chúa giàu lòng thương xót. Nhưng Chúa không thích người nói 'có' mà lại làm 'không'; người giả bộ tạ ơn Chúa vì nhiều điều tốt lành nhưng thật ra lại cứ đi theo con đường của mình; người tỏ ra tốt, nhưng lại làm theo ý riêng mình chứ không phải ý Chúa".
ĐTC kết luận: người không "ý thức" mình "được mời" thì không "hiểu được thật sự thế nào là người Kitô hữu", và ngài khuyến khích chúng ta xin "ơn để hiểu được rằng thật cao đẹp vì chúng ta được mời dự lễ, thật cao đẹp vì chúng ta được ở cùng với mọi người và được chia sẻ cùng mọi người những đức tính của mình, thật cao đẹp vì chúng ta được ở lại với Chúa, và chúng ta cũng xin cả ơn hiểu được rằng thật tai hại nếu chúng ta chòng chành giữa 'có' và 'không', thật tại hại nếu chúng ta nói 'có' nhưng lại cho rằng có tên mình trên danh sách người Kitô hữu là đủ rồi".
Đặc sủng là vì ơn ích của mọi người
Lời ĐTC trong buổi giáo lý
Anne Kurian
ROMA, 6/11/2013 (Zenit.org) - Tại buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 6/11/2013, ĐTC Phanxicô tuyên bố: Đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban cho "để phục vụ người khác... để sinh ơn ích cho dân Chúa".
Sau khi suy niệm về sự thông công của các thánh tuần qua, trong bài giáo lý sáng thư tư, ĐTC đã đặt trọng tâm vào "sự thông công của những của cải tinh thần", đó là "bí tích, đặc sủng và đức ái".
ĐTC giải thích: "Đặc sủng là quà do Chúa Thánh Thần ban cho", "không phải để đem giấu đi nhưng để phục vụ người khác... để sinh ơn ích cho dân Chúa". Đó là "những ơn đặc biệt, được ban cho ít người để sinh ơn ích cho nhiều người khác", để "giúp mọi người lớn lên trong đức ái". Đặc sủng được ban "nhằm xây dựng, thánh hoá Giáo Hội và giúp Giáo Hội thi hành sứ vụ".
ĐTC nói thêm: "Đó là những thái độ, linh ứng và thúc đẩy nội tâm xuất phát từ lương tâm và kinh nghiệm của những con người cụ thể, họ được kêu gọi dùng chúng để phục vụ cho cộng đoàn", ĐTC cũng đưa ra một tiêu chuẩn để nhận định: "nếu một đặc sủng được dùng để khẳng định chính mình, thì người ta có thể nghi ngờ đây không phải là một đặc sủng đích thật hoặc người được đặc sủng đã không trung thành sống đặc sủng đó".
ĐTC Phanxicô kêu gọi "phải tôn trọng"đặc sủng "nơi mình và nơi người khác", và "đón nhận đặc sủng như yếu tố thúc đẩy cần thiết để sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nên phong phú": "Chúng ta đừng dập tắt Thần Khí, Đấng ban cho chúng ta những món quà, năng khiếu, nhân đức thật cao đẹp và làm Giáo Hội lớn lên".
ĐTC nói tiếp: "Tuy nhiên, đặc sủng thôi chưa đủ: "đặc sủng là quan trọng trong đời sống của cộng đồng Kitô hữu, nhưng chúng luôn luôn là phương tiện làm lớn lên trong đức ái, trong tình yêu".
ĐTC cảnh giác: "Quả thật, không tình yêu, ngay cả những ơn phi thường nhất cũng trở nên vô ích... Không tình yêu, tất cả các ơn và đặc sủng này không sinh ơn ích gì cho Giáo Hội, vì ở đâu không có tình yêu, ở đó có một khoảng trống được tính kiêu ngạo làm đầy": tính kiêu ngạo không cho phép "sống hiệp thông và bình an".
ĐTC nhấn mạnh: Sống hiệp thông trong đức ái, không phải chỉ là "ban tặng cho nhau những hành vi đức ái nhỏ bé", sâu xa hơn nhiều: "đó là sự hiệp thông làm cho chúng ta có thể đi vào trong niềm vui và nỗi khổ của người khác để biến chúng thành của mình, với lòng chân thành.
ĐTC mời gọi "đừng tìm kiếm quyền lợi của riêng mình, nhưng chia sẻ những nỗi khổ và niềm vui của anh em mình, sẵn sàng mang gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo khổ nhất" hầu trở nên trong thế giới "dấu chỉ, 'bí tích' của tình yêu Chúa".
ĐTC nhấn mạnh thêm: Giáo Hội "chỉ lớn lên với tình yêu đến từ Chúa Thánh Thần", chứ không phải "với tính cáu gắt, lãnh đạm, ích kỷ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét