Trang

Nhãn

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Học Viện Phan-xi-cô: Hội thảo Thần Học (vietcatholic.net)

Fx. Phan Dương, a.a.11/18/2013

Vào lúc 8h00 ngày 16 tháng 11 năm 2013, tại hội trường học viện Phan-xi-cô, đã diễn ra buổi hội thảo thần học với chủ đề “Hành trình của đức khôn ngoan”.

Tham dự buổi hội thảo có Cha giám đốc, Cha phó chưởng ấn, Cha giám học cùng các Giáo sư và gần 200 Tu sĩ sinh viên của Học viện. Bên cạnh đó, trong buổi hội thảo, còn có sự hiện diện của quý Cha bề trên, quý Cha giám học và một số tham dự viên đến từ các Hội Dòng và giáo xứ khác.

Thuyết trình cho buổi hội thảo là cha Kevin Schindler-Mcgraw, OFM Conv., chuyên viên Kinh thánh Cựu ước. 

Trước bài thuyết trình, cha giám đốc học viện Giu-se Vũ Liên Minh đã có lời chào đón vị thuyết trình viên và tất cả các tham sự viên. Cha giám đốc đã biểu lộ niềm vui mừng vì sự kiện đặc biệt này. Tiếp đến, cha phó chưởng ấn Phao-lô Nguyễn Đình Vịnh cũng đã có một vài tâm tình liên quan đến chủ đề của ngày hội thảo đồng thời nói lên tâm tình của ngài dành cho vị thuyết trình viên.

Với sự uyên bác và dày dặn kinh nghiệm về giảng thuyết, cùng với sự năng động và có chút hài hước, vị thuyết trình đã giúp các tham dự viên đi vào trong “hành trình của đức khôn ngoan”, ngang qua sự khôn ngoan Kinh Thánh và hành trình của chiêm niệm. Nhờ vậy, con người được mời gọi tiến vào cung lòng Thiên Chúa của đức khôn ngoan... Theo đó, đời sống chiêm niệm như là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung của bài thuyết trình.

Để làm rõ vấn đề trên, vị giảng thuyết đã triển khai những đề mục nhỏ như: Thiên Chúa đến với chúng ta trước; chân ngã sâu thẳm của chúng ta hằng luôn ở trong Thiên Chúa; chú tâm với lòng mến – hiện diện với Đấng Hiện Hữu trong giây phút hiện tại; chiêm niệm đích thức phải được thực hiện giữa lòng thế giới, trong các mối tương quan; và cuối cùng là vấn đề đau khổ, sự dữ - Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện nơi đó.

Sau gần 90 phút, vị giảng thuyết đã giúp mọi người tham dự hiểu rõ hơn giá trị của việc đáp lại lời mời gọi tiến vào cung lòng của Thiên Chúa và ở lại với Ngài bằng việc sống đời chiêm niệm. Mà chiêm niệm, theo vị giảng thuyết là việc “ở lại trong thế giới”, “đảm nhận toàn thể thế giới cùng với sự than khóc” để nhờ đó con người biết rằng “dấu chỉ quan trọng về tính chân thực trong lời cầu nguyện của đời sống chiêm niệm là nó được biến đổi thành những suy nghĩ và hành động bác ái với những người khác”. Theo đó, vị giảng thuyết cho biết thêm: “Chiêm niệm đích thực không cần thiết đối với những ai rảo quanh với đôi tay khoanh tròn và cái đầu cúi thấp trong cầu nguyện, nhưng đúng hơn, với những kẻ leo lên bàn tiệc và nhảy múa trong hân hoan”…

Vẫn là cách trính bày dễ hiểu và thu hút, cha Kevin Schindler-Mcgraw tiếp tục dẫn đưa các tham dự viên vào trong sự hứng thú bởi được đón nhận và cảm thấu những giá trị của đời sống chiêm niệm trong đời sống của con người, đặc biệt là trong đời tu.

Sau bài bài thuyết trình và những giây phút nghỉ giải lao, mọi người trở lại hội trường để đưa ra những chia sẻ và thắc mắc. Bằng những câu hỏi thiết thực từ các tham dự viên cùng với sự nhạy bén và có chút dí dõm của vị giảng thuyết, đã làm cho hội trường thêm sôi động và buổi hội thảo thêm ý nghĩa.

Buổi hội thảo kết thúc sau lời cám ơn của Cha giám đốc Học viện và một đại diện tu sĩ sinh viên. 

Tưởng cũng cần nói thêm: đây là lần thứ 5 Học viện Phan-xi-cô tổ chức hội thảo. Ngang qua các cuộc hội thảo này, Ban giám đốc muốn cổ võ việc nghiên cứu và nâng cao trình độ học thuật cho các tu sĩ sinh viên đang theo học tại Học viện và những ai quan tâm đến việc đào sâu tri thức.

Với cuộc hội thảo lần này, ngoài việc tiếp nhận được những kiến thức quý giá, Học viện như thêm một lần nữa nhắc nhở các tu sĩ sinh viên rằng đời sống chiêm niệm là một trong những căn tính trong truyền thống học thuật của Dòng Phan-xi-cô, như lời thánh An-tôn Padova đã căn dặn: “[…] trong việc học hành, Anh đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sốt mến” (trích lại từ Sổ tay 2013-2014, tr.3).

Ước gì trong hành trình tìm kiếm câu trả lời cho các đòi hỏi nội tại của con người nói chung và của chính mình nói riêng, con người cảm nếm được giá trị của sự thinh lặng nơi đời sống chiêm niệm, đồng thời nhận ra rằng những đòi hỏi nội tại không đến từ sự ồn ào của bão táp, nhưng qua sự thinh lặng như những tiếng thì thầm của gió... 

Nguyện xin triều đại Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta!

Fx. Phan Dương, a.a.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét