Giới thiệu: Chiều 16-11-2013,
trong một sinh hoạt hàng tháng của CLB Giáo dục Cánh Buồm do Nhà giáo Phạm Toàn
khởi xướng và điều hành, một số vị nhân sĩ, trí thức, nhà giáo trong nhóm Diễn
đàn Xã hội Dân sự đã tới dự và phát biểu ý kiến của mình về giáo dục VN. Dưới
đây là ý kiến của GS Hoàng Tụy và một số vị.
---
Thưa các bạn, tôi rất
phấn khởi được đến dự buổi họp hôm nay.
Đối với nhóm Cánh
Buồm xưa nay tôi vẫn có một lòng ngưỡng mộ và luôn luôn ủng hộ. Điều đó không
có nghĩa là tất cả những điều gì mà trong cái nhóm Cánh Buồm này đưa ra thì tôi
đều là hoàn toàn đồng ý cả. Tất nhiên là nhiều vấn đề chúng ta phải thảo luận nhiều,
nhưng mà cái tinh thần, cái cách làm thì tôi thấy rằng là hết sức cần thiết
trong tình hình này, trong cái xã hội này.
Còn bây giờ nói về giáo dục tôi phải nói rằng là có lẽ cái
giáo dục của chúng ta, có lẽ nói một vài từ thì khó đặc trưng, phải nói là nó,
nó… không giống ai cả (mọi người cười). Và chính từ cái
chỗ đấy đẻ ra tất cả những cái khó khăn lâu nay.
Tôi là một người gắn
bó với giáo dục có thể nói là gần như suốt đời, từ năm 19 – 20 tuổi tôi đã vào
giáo dục rồi. Và trong khoảng vài chục năm nay thì tôi cũng hết sức cố gắng góp
ý kiến, kiến nghị để thay đổi cái giáo dục này. Nhưng mà cũng phải nói thật là
nhiều lúc tôi cũng rất là nản và cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng mà cuối cùng thấy trẻ
em của chúng ta, thanh thiếu niên của chúng ta khổ quá, khổ quá so với các
nước, cho nên tôi đành tiếp tục cố gắng góp ý kiến trong phạm vi có thể được.
Năm 2004, do gợi ý
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã đứng ra lập một nhóm trên hai chục anh em,
kể cả trong nước và ở nước ngoài, để ngồi lại với nhau thảo luận một cách
nghiêm túc trong 5 buổi mà kéo dài 3 tháng, từ tháng 2 cho đến tháng 5 năm
2004. Cuối cùng chúng tôi đã ra được một cái bản Kiến nghị với nhan đề “Cải
cách giáo dục – mệnh lệnh cuộc sống”. Thì cái đề án, cái kiến nghị ấy đã được
đăng toàn văn trong một số báo, chẳng hạn báo Tuổi trẻ. Phải nói ban đầu thì
được cái sự tiếp nhận tương đối là thuận lợi của chính quyền.
Nhưng mà sau đó với nhiệm kỳ mới của Thủ tướng và với ông Bộ
trưởng giáo dục mới thì chúng tôi lại gặp vô cùng nhiều, rất nhiều khó khăn. Và
có thể nói cái bản Kiến nghị đấy trở thành… nghĩa là, có thể nói là người ta
không coi nó ra cái gì nữa cả. Cả một cái thời kỳ dài, trong khi mà ý chúng tôi
nói rằng là cái nền giáo dục này nó hỏng từ gốc, cho nên không thể chỉ thay đổi
chắp vá mà phải nghiên cứu có hệ thống và phải thay đổi một cách cơ bản. Tức là phải
cải cách, chứ không phải …, mà cải cách một cách triệt để chứ không phải
chỉ là cải cách chắp vá. Trong khi chúng tôi nhận định rằng cái căn bệnh của
giáo dục là ở trong nội tạng. Nó chỉ biểu hiện ra ngoài cũng giống như là một
người ốm trong nội tạng, người ta gọi là sốt cao, đau đớn thì một thời gian
người ta chỉ dùng một số biện pháp để giảm sốt, giảm đau và hết cái phong trào
“hai không” đến “ba không”, làm rất ồn ào, cuối cùng căn bệnh nó vẫn còn đấy,
mà lại tốn kém rất là nhiều.
Trước cái tình hình
đấy, thì hồi đấy cái viện IDS của chúng tôi có họp bàn về giáo dục, chúng tôi
đã đưa ra một cái Kiến nghị năm 2008, 2009, trong đấy cũng lặp lại những ý kiến
như trước kia, tựu chung là có mấy ý kiến này:
Một là giáo dục chúng
ta lạc điệu, không phải lạc hậu mà là lạc điệu so với trên thế giới, trên con
đường khác hẳn, riêng, và như vậy không có hy vọng gì hòa nhập được với thế
giới để mà có thể tiến theo người ta được. Như vậy thì phải thay đổi từ gốc, đó
là cái thứ nhất.
Cái thứ hai những vấn
đề chính: Một là chính sách đối với thầy giáo, chính sách đối với giáo chức. Vì
người ta đối xử với giáo chức không đúng, một mặt thì nói là rất tôn vinh thầy
giáo nhưng thực sự ra thì có lẽ ít có nơi nào trên thế giới mà người thầy giáo
bị khinh miệt như ở nước ta trong cái thời gian vừa qua.
Cái thứ ba nữa là
giáo dục phổ thông, trong đấy thì có những vấn đề về giáo dục mầm non thì dưới
tất cả những các cái chuyện trong nhóm Cánh Buồm bàn rồi. Ngoài ra có một cái
chuyện hết sức quan trọng tức là cái nền…, cái giáo dục phổ thông của chúng ta
vô cùng lạc hậu, nó lạc hậu so với tất cả các nước. Vì là nó có cái tham vọng
rất ảo tưởng trong 12 năm cung cấp học vấn phổ thông cần thiết cho mọi người.
Ngay ở nước văn minh nhất, giàu có nhất người ta cũng chỉ đặt yêu cầu là 9 năm,
cùng lắm là 10 năm làm nhiệm vụ cung cấp học vấn phổ thông. Còn sau 9 hay 10
năm đấy là phải giáo dục định hướng nghề nghiệp. Và như vậy cái cách đào tạo
đấy là phải đào tạo hướng thẳng vào những cái sở thích, những cái khả năng của
từng người chứ không phải là chỉ giáo dục có tính chất đồng loạt như trung học
cơ sở. Và chính vì thế cho nên là rất nhiều cái tiêu cực xảy ra trong xã hội.
Và thứ tư, cuối cùng
là về cái giáo dục đại học, thì cái điều hết sức cơ bản để một cái nền giáo dục
đại học có thể lành mạnh, phát triển. Một là phải được tự chủ, hai là trong cái
tự chủ đấy phải được tự do học thuật. Hai cái điểm đấy mà không bảo đảm được
thì không thể nào mà giao dục đại học có thể đuổi kịp được các nước. Đấy, chỉ
mấy ý kiến chính như vậy.
Thì cái số phận của
cái bản Kiến nghị IDS này cũng khá ly kỳ, vì cái kiến nghị đấy cho nên chúng
tôi cũng lao đao một thời. Thậm chí có cái lúc, công an người ta gọi điện thoại
đến tôi bảo là gặp tôi. (Tôi) hỏi là gặp có chuyện gì? (Họ bảo) chúng tôi đến
rồi sẽ biết! (Cười) Và cũng vì những cái chuyện IDS đấy, trong đó có chuyện
giáo dục chứ không phải chỉ có chuyện giáo dục. Cho nên là tôi lại có cái cơ
hội gặp ông Trương Tấn Sang, hồi đấy là thường trực Ban bí thư, và tôi đã có
hai buổi trình bày với ông ấy về những cái ý kiến của chúng tôi trong giáo dục,
để nói rằng chúng tôi không phá hoại đâu, chúng tôi chỉ có xây dựng thôi. Cũng
may vì những cái chuyện ấy cho nên ông Bộ trưởng giáo dục lúc bấy giờ cũng có
thay đổi cái thái độ.
Và trước đó chúng tôi
muốn gặp ông Bộ trưởng để trình bày những ý kiến chính của cái Kiến nghị, để
xem ông có góp thêm ý kiến gì nữa không, hay là có ý kiến gì phản bác lại trước
khi chúng tôi trình bày, chúng tôi đưa cái kiến nghị ấy lên Trung ương, thì ông
ý một mực là từ chối, không gặp. Không gặp!
Nhưng rồi sau đấy thì ông ấy lại chủ động mời tôi đến và tôi
đến thì người ta tiếp đón tôi về hình thức thì có thể nói là … nó long
trọng một cách kỳ khôi (mọi người cười). Thế nhưng mà khi
tôi trình bày ý kiến thì không có một cái phản ứng gì cả, không có cái trao đổi
lại gì cả và coi như trình bày như thế xong rồi thì đút vào ngăn kéo thôi,
không ăn thua gì cả.
Nhưng mà cái số phận
của nền giáo dục của chúng ta nó cũng chưa phải đến cái mức tồi tệ quá. Bởi vì
sau đó, ít lâu sau đấy thì có cái sự thay đổi lãnh đạo giáo dục và tôi phải
nói, tôi phải nói một cách thành thật là lần này những người lãnh đạo ấy, cụ
thể là bên nhà nước thì là ông Bộ trưởng, bên Đảng thì ông Phó Ban tuyên huấn,
tuyên giáo phụ trách giáo dục. Hai vị này nhìn chung là những người có thiện ý
và có thiện chí muốn thay đổi cái nền giáo dục này, và họ cũng nhận thức rằng
giáo dục nó đến một mức tồi tệ quá rồi, không thể nào cứ tiếp tục như vậy được.
Và cũng nhờ đấy cho nên là tôi, bản thân tôi có cái cơ hội
để mà nói chuyện hợp tác với các vị ấy. Trong mấy năm liền có thể nói là chúng
tôi đã có năm bảy buổi gặp nhau, mỗi lần gặp như thế cả buổi chứ không phải chỉ
năm mười phút. Tôi trình bày những ý kiến của chúng tôi và để có thể có … để
thấy chúng tôi làm việc nghiêm túc. Mỗi lần như thế tôi đều viết ra cụ thể
những ý kiến. Thì cái kiến nghị lần này, cách đây … là … năm 2011, 2012 đấy thì
tôi đã đăng ở trong báo Tia Sáng. Và sau đấy trong lúc anh Ngô Bảo Châu có đăng
lại. Nói chung là các bản đấy đúng nguyên văn chỉ thiếu có một từ, một chữ thôi
đó là tôi có nói là “phi chính trị hóa cái nền giáo
dục này”. Thì trong tình hình hiện nay lúc đó thì tôi cũng dễ thông
cảm, báo Tia Sáng không dám đưa cái từ đấy ra.
Nhưng mà cũng nhân một cái dịp nào đấy, anh Nguyễn Đăng Hưng
là giáo sư ở Bỉ về, anh có ra Hà Nội, anh ghé tôi, tôi có cho anh cái bản đấy
thì anh về anh so với bản trong Tia Sáng thấy mất cái từ đấy, thì anh có thắc
mắc nhiều về chuyện đấy. Thế nhưng mà tôi thấy thế này, bỏ cái từ đấy thì không
phải là mất mát gì lớn và khi tôi làm việc với Bộ Giáo dục thì chúng tôi cũng …
quan điểm là cụ thể là như thế nào nói ra thôi, không cần những cái từ,
miễn là cái triết lý giáo dục phải là vượt ra khỏi cái vòng kim
cô ý thức hệ và phải là cái triết lý đúng đắn của nền giáo dục khai
sáng. Đào tạo con người không phải là đào tạo con người như trước đây nói là
một con người XHCN, con người để xây dựng CNXH thế này thế khác. Không phải! Mà
đào tạo mục tiêu của giáo dục là hoàn thiện con người như một chủ thể
tự do, theo những giá trị phổ quát nhân loại, chứ không
phải là đào tạo ra những con người để làm công cụ, làm phương tiện thực hiện
bất kỳ một lý tưởng nào dù là lý tưởng nào, dù là cái lý tưởng gọi là cao quý
nhất (tiếng vỗ tay). Chỉ cần như thế thôi còn từ “phi
chính trị hóa” hay không thì thôi, không muốn nói “phi chính trị hóa” thì bỏ
cũng được.
Và về thầy giáo,
chính sách giáo dục, chính sách đối với giáo chức, rồi thì mô hình trường phổ
thông, rồi đại học, mấy ý kiến như tôi vừa nói thì cũng may là qua những lần
làm việc kiên trì như vậy thì có thể nói là có thiện chí, không phải về phía
tôi mà tôi nghĩ rằng là về phía những người đối thoại cũng rất có thiện chí.
Cho nên cuối cùng là cách đây tám tháng, hồi tháng 3, Bộ Giáo dục đã làm ra
được một cái đề án, Bộ giáo dục và Ban tuyên giáo đã làm ra được một cái đề án,
trong cái đề án đấy tôi cũng đã thấy rõ ràng về triết lý giáo dục là khác hẳn
những cái đề án trước đây, có những tiến bộ rõ. Tuy rằng vẫn còn những hạt sạn,
và những hạt sạn đấy, vì sao, do đâu, thì chúng ta cũng thấy dễ hiểu thôi.
Nhưng nói chung cơ bản là tốt. Nhưng mà lại chưa giải đáp được những cái thắc
mắc hiện nay, những ưu tư hiện nay của xã hội đối với giáo dục.
Và như vậy nói về
triết lý, nói nguyên tắc, nguyên lý thì cơ bản là đồng ý. Nhưng mà thực hiện
cái nguyên lý ấy như thế nào, thực hiện triết lý đó như thế nào trong một số
vấn đề cụ thể thì không thấy. Cho nên sau đó là ta tiếp tục làm chuyện đấy và
cuối cùng thì có một cái đề án, hội nghị TW8 vừa rồi đã thông qua. Tôi nghĩ
rằng cái đề án đấy, trong cơ bản khá phù hợp với lại những ý kiến đóng góp của
chúng tôi. Nhưng tôi vừa nói thêm là khi cái đề án đó đưa lên cấp trên, trên
của Bộ giáo dục, trên của Ban tuyên huấn để mà thông qua thì mỗi lần như thế
thì lại có những cái điều, những cái hạt sạn mà chúng ta không mong muốn.
Cho đến khi hội nghị
TW thông qua cái đề án rồi thì đáng lý ra cái nghị quyết của TW là thông qua
cái đề án đấy, và nếu có sửa đổi gì thì nói ngay, thì lại không nói như vậy mà
chỉ nói thông qua đề án rồi thì một tháng sau mới ra cái nghị quyết TW về giáo
dục, thì cái nghị quyết này tôi thấy nó không hay bằng, không tốt bằng cái đề
án. Và như vậy tôi cũng thấy, tôi cũng thắc mắc cách làm của TW như vậy thì tôi
thấy là không đúng, vì như vậy cái mà gọi là nghị quyết ấy đâu có phải là nghị
quyết. Có những cái vị nào đấy chuẩn bị nghị quyết rồi ra rồi … mà đáng lẽ cái
nghị quyết TW chỉ là cái đề án đã trình bày trong hội nghị, hội nghị TW thông
qua cái đề án đấy và kèm theo là cái đề án đấy. Đúng ra phải là như vậy.
Nhưng mà thôi, cơ bản
không đến nỗi gì, tôi nghĩ như vậy cũng tạm được. Nhưng mà tôi phải nói thật,
đấy mới chỉ là một bước mà có lẽ cũng còn gian nan lắm chứ không phải…, gian
nan lắm bởi vì trước đây chúng ta cũng đã có nghị quyết TW2 khóa 8 nói là giáo dục,
khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng cuối cùng thì nhiều người nói đấy là
“quốc sách đầu hàng” chứ có phải là quốc sách hàng đầu đâu.
Bây giờ có một cái đề
án đổi mới giáo dục tương đối là phù hợp, cũng chưa phải là cái bảo đảm là sẽ
thực hiện được. Và … cái vấn đề phấn đấu để thực hiện cái nghị quyết ấy, cái đề
án đấy, những ý kiến trong cái đề án đấy, còn lâu dài. Lâu dài! Và vì cũng vì
vậy cho nên những cái nhóm như là nhóm Cánh Buồm, tôi nghĩ là có vai trò hết
sức quan trọng. Ít ra thì các anh, các chị đánh động được những vấn đề gì để
cho người ta thấy rằng không thể yên chí với cái tình hình hiện nay. Và phải
thay đổi, còn thay đổi như thế nào thì … như các anh ban nãy phát biểu, về
chuyện “đồng thuận” đấy. Thì, không phải dễ mà đồng thuận đâu. Mà có lẽ rồi
cũng phải chấp nhận những cái sự khác biệt, nhưng mà chỉ có thể đồng thuận trên
những nguyên lý cơ bản thôi, còn thực hiện như thế nào thì phải chấp nhận là đa
dạng. Vì thế cho nên bây giờ, tôi xin nói thêm nữa, là trong cái đề án ấy chỉ
nói lên những nguyên lý thôi, trong kiến nghị chúng tôi cũng chỉ nói nguyên lý
thôi, còn cụ thể nhiều vấn đề thì phải để chuyên gia người ta làm việc. Chứ
không thể mấy ông chính trị ngồi bàn được, phải để chuyên gia làm việc những
vấn đề cụ thể.
Ví dụ vấn đề chương trình, vấn đề sách giáo khoa. Tôi nói
vừa rồi như vậy Bộ giáo dục tổ chức một cái hội thảo về sách giáo khoa, nhưng
mà tôi thấy theo hướng đấy là không ổn. Trong đấy phát biểu là viết SGK nên như
thế nào, nên viết thế này thế khác, tôi thấy những ý kiến đấy để sau. Vấn đề
ngay bây giờ phải xác định là không – có – chuyện – độc – quyền – viết
SGK. Và cái cơ chế để có thể có được SGK có chất lượng là như thế nào, thì
cái đấy phải thống nhất với nhau. Sau đó rồi khi mà đã chấp nhận rằng là Bộ
giáo dục không độc quyền viết SGK thì rồi sẽ có nhiều nhóm người ta viết SGK và
mỗi nhóm người ta viết như thế nào thì người ta phải tự thảo luận với nhau
người ta làm. Và cái cuối cùng, cái chất lượng phải được kiểm tra qua các thực
tiễn, cạnh tranh giữa các SGK khác nhau. Chỉ có như thế mới có thể có được SGK
tốt được. Ví dụ như thế, tức là không phải … Còn rất nhiều vấn đề!
Hay là một vấn đề cũng rất quan trọng nữa, là công lập với
ngoài công lập, thì hiện nay thực sự ra mỗi trường công lập đều có kèm theo một
trường ngoài công lập, nhưng mà lại dùng cơ sở của nhà nước, là bởi vì trong
mỗi trường công lập thì lại có hệ thống gọi là ngoài ngân sách. Mà hệ thống đấy
thì lại (có) số lượng, quy mô cũng ngang như các trường tư, chỉ có là học sinh,
sinh viên phải nộp tiền, nộp học phí nhiều. Và nhờ học phí đấy mà có tiền để mà
bồi dưỡng, cấp lương cho các thầy giáo trường công lập, đường hoàng hơn một
chút. Tôi thấy cái cách giải quyết như thế không ổn! Bởi vì một là nó làm cho
thầy giáo ở đại học vẫn rất là tốn nhiều công sức, phải dạy gấp đôi và như vậy
ảnh hưởng đến chất lượng. Cái thứ hai nữa là như vậy các trường ngoài công lập
sẽ rất khó mà phát triển được, bởi vì dĩ nhiên học sinh giữa các trường ngoài
công lập và trường công lập gọi là ngoài hệ ngân sách đấy có nhiều sự lựa chọn,
bên công lập có những này nọ cho nên là nó… (bị mất một đoạn
ngắn).
Còn cái mà cũng có,
có khen chút ít, cái hy vọng là hiện nay giáo dục làm rất nhiều cái chuyện lãng
phí. Ví dụ như thi cử hiện nay lãng phí vô cùng, cả nước phải đi thi tốn kém có
thể nói mỗi một năm như thế tốn hàng mấy chục nghìn tỷ. Bởi vì một cái nước như
Pháp họ thi tú tài, cũng như là trung học phổ thông của chúng ta, số thí sinh
ít hơn mà họ thi cũng đơn giản hơn mà họ tính ra là tốn kém 1 tỷ rưỡi euro.
Chúng ta dù rằng năng suất lao động của chúng ta ít hơn, nhưng cái tốn kém cũng
phải nói là …
Cho nên nếu đơn giản
đi theo những cái đề án giáo dục, phương hướng ấy, còn cụ thể thì chắc là còn
phải thay đổi, nhưng theo cái phương hướng phải đơn giản, cụ thể là trong hai kỳ
thi để một kỳ thi thôi. Và như thế thì tiết kiệm được khá nhiều tiền, phải nói
như thế, và may ra nếu mà người ta sử dụng đồng tiền đấy tốt thì giáo chức cũng
sẽ có thêm chút ít, đồng lương cũng tăng thêm chút ít.
Nhưng mà dầu sao đi nữa, phải nói rằng muốn giáo dục tiến
lên thực sự thì có những cái điều cơ bản hơn phải thay đổi, cái điều cơ bản hơn
đó là được quy định ở trong Hiến pháp.Cho nên nếu mà Hiến pháp không
thay đổi, thể chế không thay đổi thì rõ ràng giáo dục cũng không có cái điều
kiện thuận lợi để mà phát triển được. Tôi kết thúc là thêm một lần nữa tỏ
cái lòng ngưỡng mộ đối với nhóm Cánh Buồm, hết sức ủng hộ nhóm này. Tôi cũng có
cái thắc mắc là không biết các anh các chị làm thế nào mà sống mới viết được,
làm được cái này cái kia. Cho nên nếu mà cần thiết thì có lẽ cũng phải có một
cái sự ủng hộ vật chất nào đó, nếu mà có thì riêng tôi tôi không có đóng góp
được nhiều nhưng tôi cũng hết sức cố gắng để đóng góp! (Vỗ tay).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét