Trang

Nhãn

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ “không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới” (sggp.org.vn/chinhtri)

Thứ năm, 14/11/2013, 18:11 (GMT+7)
(SGGPO).- Chiều nay, 14-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi và Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.
Về Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình), ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) và nhiều ĐB khác đều thống nhất quy định về độ tuổi kết hôn của nam nữ là đủ 18 tuổi trở lên.
Về vấn đề mang thai hộ, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng ý cho mang thai hộ, nhưng đề nghị luật cần quy định chặt chẽ về người nhờ và người mang thai hộ, tránh xung đột giữa 2 bên xảy ra sau này.
ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng dẫn chứng, hiện có khoảng 700.000 cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, trong đó 10% không rõ nguyên nhân. Vì thế, quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cần thiết. Tuy nhiên, Luật cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người mang thai hộ, cũng như quy định thật chặt chẽ để tránh tính chất thương mại của việc mang thai hộ.

Về vấn đề kết hôn đồng giới, Luật lần này nêu rõ Nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của những người đồng giới. ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) hoan nghênh việc sửa Luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay. Bởi thực tiễn đã diễn ra, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, vì đó là nhu cầu của con người. “Bởi vậy đưa những vấn đề này vào sửa luật là rất văn minh, tiến bộ. Thế nhưng, nếu đưa vào Luật vấn đề hôn nhân đồng giới mà nói là không cấm nhưng cũng không thừa nhận là rất khó hiểu”, ông Kiêm đặt vấn đề.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích, quốc gia nào cũng đi 3 bước: từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận. “Chúngta bước nhanh hơn một bước để bảo vệ những người bị đồng tính, tránh sự kỳ thị và cũng phù hợp với nhân văn của Việt Nam. Đây đều là những vấn đề rất mới, Quốc hội sẽ còn bàn thảo nhiều”, bà Mai cho biết.
Về Luật BHYT sửa đổi, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) quan điểm, Luật quy định BHYT là bắt buộc đối với mọi đối tượng không thả thi. Hiện nay BHYT chủ yếu thông qua con đường vận động tuyên truyền đối tượng tự nguyện và do Nhà nước hỗ trợ. Bởi vậy, không nên quy định BHYT là bắt buộc.
Một số ĐB cũng đề nghị quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vì qua thực tế giám sát về  tình trạng quá tải ở bệnh viện hiện nay, cho thấy nhiều người dân có mong muốn được đăng ký khám BHYT ban đầu tại cơ sở y tế tư nhân. Luật cần quy định điều này. Ngoài ra, quy định cùng chi trả  20% chi phí khám chữa bệnh của người nghèo, người cận nghèo là chưa phù hợp. Đề nghị các  đối tượng này chỉ phải cùng chi trả 5% như đối tượng người có công.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, về mức đóng BHYT chưa nên tăng lên 6% mà nên giữ 4,5% như hiện nay vì đời sống của công chức vẫn còn khó khăn.  Còn theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đối với đối tượng học sinh-sinh viên mức đóng BHYT còn cao, ví  dụ một gia đình 3-4 đứa con đi học thì tiền đóng đóng là rất lớn. Trong khi đối tượng này thường là ít ốm đau nhất, kết dư quỹ là lớn nhất, vì vậy đề nghị hạ mức đóng của đối tượng này…

PHAN THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét