Các nhà chỉ trích nói vụ xử tập thể vi phạm các tiêu chuẩn pháp lý
Phóng viên ucanews.com từ Dhaka, Bangladesh
Tòa án Bangladesh tuyên án tử hình 152 lính biên phòng vì tội tra tấn và sát hạt các sĩ quan chỉ huy của họ trong cuộc binh biến năm 2009 tại trụ sở chính ở Dhaka.
Hôm thứ Ba tòa án dân sự đặc biệt ở Dhaka còn tuyên án tù chung thân đối với 161 bị cáo, trong đó có một cựu nhân viên thuộc đảng đối lập Chủ nghĩa dân tộc Bangladesh và một lãnh đạo địa phương thuộc Liên minh cầm quyền Awami, trong khi 271 binh lính được xử trắng án. Các bị cáo còn lại bị tuyên bố từ 3-10 năm tù giam kèm theo phạt hành chánh.
Hôm 25-2-2009, những người nổi loạn đột nhập vào phòng họp của các sĩ quan chỉ huy cấp cao và nã súng thẳng vào các sĩ quan này. Cuộc nổi loạn kéo dài 33 giờ khiến 74 người thiệt mạng. Sau đó thi thể của các nạn nhân bị vứt xuống cống rãnh và chôn qua loa.
Công tố viên Mosharraf Hossain Kajol hài lòng về các bản án này.
“Các bản án dành cho những vụ giết hại các sĩ quan quân đội cấp cao cách cực kỳ tàn ác này là thích đáng”, ông nói và thêm rằng nhà nước sẽ kháng án trường hợp tuyên bố trắng án cho 271 binh lính.
Thân nhân của các sĩ quan quân đội bị thiệt mạng nói họ muốn nhìn thấy công lý được thực hiện.
“Chúng tôi muốn bản án này có hiệu lực và trừng phạt những kẻ phạm tội ngay”, Nehrin Ferdousi, vợ của đại tá bị sát hại Mujibul Haque, nói.
Trong khi đó, luật sư biện hộ Aminul Islam phát biểu đây là một phán quyết “khó hiểu”.
“Đây là vụ xét xử tập thể, phán quyết của tòa án không thể thực thi công lý. Tòa phán tội tử hình đối với những người mà lẽ ra đáng được xử trắng án, nhưng lại tha bổng cho những người đáng bị tử hình hoặc tù chung thân”, Islam nói.
Gần 6.000 binh lính bị hàng chục tòa án quân sự đặc biệt tuyên bố bỏ tù. Trong đó 823 quân nhân bị khởi tố tại một tòa án dân sự đặc biệt.
Các nhà chỉ trích nói việc Bangladesh xử lý vụ xét xử này vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York nói rằng các bị cáo bị ép cung bằng hình thức tra tấn và các hình thức ngược đãi khác. Chính phủ đã phủ nhận những lời cáo buộc này.
Lịch sử chính trị của Bangladesh đầy các vụ can thiệp của quân đội. Từ khi giành độc lập khỏi Pakistan vào năm 1971, đất nước này đã trải qua 19 vụ đảo chính quân sự và 15 năm dưới sự thống trị của quân đội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét