Diễn ngôn
29-10-2013
Đặng Hoàng Giang
Trong một thời gian dài, Việt Nam tin rằng nhà nước có thể làm được mọi việc. Cho tới tận giữa những năm 1990, người ta đi theo theo cơ chế kinh tế kế hoạch. Điều đó có nghĩa là hàng năm, người ta phải lên kế hoạch năm đó Việt Nam sẽ phải sản xuất bao nhiêu mét vải, bao nhiêu cái kim, bao nhiêu cái cúc, sẽ phải có bao nhiêu máy khâu để bao nhiêu người thợ may sử dụng trong bao nhiêu nhà máy may mặc, rồi phải chở quần áo bằng bao nhiêu xe tải tới bao nhiêu cửa hàng và bán với giá như thế nào. Một bài toán có một độ phức tạp khổng lồ, và như chúng ta đã biết, giấc mơ vĩ đại mang tên kinh tế tập trung đã phá sản, nhưng chỉ sau khi đã kéo đất nước xuống đáy của nghèo đói.
Thay vào đó là sự thông thái và uyển chuyển của nền kinh tế thị trường. Bàn tay vô hình của thị trường, nói theo Adam Smith, sẽ khéo léo điều tiết nhịp nhàng giữa cung và cầu mà nhà nước không cần can thiệp
. Nó sẽ thiết lập mức giá cả, dịch chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu, nhân lực, và vốn đầu tư từ chỗ này qua chỗ khác, tất cả để phục vụ cho mục đích tối cao là kẻ bán và người mua gặp nhau. Điều duy nhất mà nhà nước phải bảo đảm để bàn tay của thị trường biểu diễn điệu múa vô hình là tạo ra sự yên tâm cho các bên, bên sản xuất và bên tiêu dùng: tài sản cá nhân được bảo vệ, các hợp đồng được tuân thủ dưới con mắt theo dõi của pháp luật, và thông tin được lưu thông để những người tham gia thị trường có những quyết định mua bán hợp lý.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển dịch từ kinh tế tập trung sang kinh tế thì trường đã là yếu tố quyết định cho quá trình tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Trong khi các siêu thị và shopping mall đã trở nên những đền thờ tôn vinh chiến thắng của thị trường tự do, thì những thảm hoạ của các tập đoàn nhà nước trong mấy năm gần đây là những minh chứng nhãn tiền vì sao nhà nước nên để sân chơi cho các công ty tư nhân. Một nền kinh tế bị chi phối chủ đạo bởi khu vực nhà nước là một nền kinh tế kém hiệu quả, kém cạnh tranh, kém sáng tạo, trì trệ, và là nơi ẩm thấp để tham nhũng nảy nở.
Tuy nhiên, trước khi cổ suý hết mực cho thị trường tự do, chúng ta cần ý thức được những yếu điểm của nó, những yếu điểm không hề nhỏ – thậm chí đã trở thành vấn nạn cho các quốc gia, đã đạt tới mức khủng hoảng toàn cầu. Khi nào thì điệu múa của bàn tay vô hình trở nên những chuyển động điên rồ làm ta điên đảo? Người đầu tiên viết về những bất cập của thị trường là Francis Bator, với bài “Phân tích sai lầm của thị trường” (“The anatomy of market failure”) năm 1958, và trong nửa thế kỷ qua, lĩnh vực nghiên cứu này đã trở nên hết sức hùng hậu, với các học giả nổi tiếng như Joseph E. Stiglitz, người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001. Chúng ta hãy điểm qua những cái tát của bàn tay vô hình mà chúng ta sẽ nhận được khi nhà nước không đủ khả năng điều tiết và quản lý:
Thị trường không đếm xỉa tới môi trường
Vì sao? Vì bảo vệ môi trường không đem lại lợi nhuận. Không có công ty nào muốn đứng ra quản lý một công viên quốc gia, đơn giản vì tiền vé vào cửa thu được từ người viếng thăm sẽ không bao giờ trang trải đủ cho các chi phí. Ngược lại, thị trường chui cho sừng tê giác, cao hổ, ngà voi vẫn thịnh vượng, bởi nó đi theo tiếng gọi của lợi nhuận khổng lồ. Cũng sẽ không có công ty nào tự mình đứng ra làm sạch một dòng sông. Ngược lại, lịch sử đầy những ví dụ các công ty xâm hại môi trường ở mức quốc gia, hay ở mức toàn cầu: rừng bị đốn trụi, khí carbon được phun lên khí quyển, dầu loang trên biển, ô nhiễm hạt nhân v.v… Hãy nhìn vào Trung Quốc để thấy cái giá môi trường phải trả cho phát triển kinh tế thị trường như thế nào.
Thị trường lãng quên người nghèo
Thị trường lãng quên người nghèo
Khách hàng là vua, đúng vậy, nhưng chỉ chừng nào anh ta còn là một khách hàng. Nếu anh ta không có sức mua, anh ta sẽ không tồn tại trong thị trường. Và sẽ không có thị trường cho anh ta. Người dân ở Mù Căng Chải không có ô tô, không có phim ảnh, không có sữa chua, và không có đàn dương cầm. Gần đây các tổ chức phát triển kêu gọi các công ty tư nhân sáng tạo ra những mô hình để có thể làm ăn kinh doanh với hơn một tỉ người dân toàn cầu sống với mức thu nhập dưới 2 USD ngày, những người tạo ra cái gọi là “đáy của kim tự tháp”, vốn không được thị trường đếm xỉa tới. Kết quả tương đối hạn chế. Ngay cả ở Mỹ, nơi chôn rau cắt rốn của thị trường tự do, người ta bắt đầu cảm thấy không chấp nhận được các chênh lệch giàu nghèo. Không có gì đáng ngạc nhiên, hiện nay 1% những người giàu có nhất nước Mỹ kiểm soát 38% của cải của toàn bộ quốc gia này.
Thị trường làm tha hoá truyền thông và báo chí
Thị trường làm tha hoá truyền thông và báo chí
Bản chất của thị trường là chạy theo nhu cầu của đám đông. Đám đông thích đọc, xem, nghe về đâm, giết, hiếp, truyền thông cung cấp đâm, giết, hiếp. Báo chí có chất lượng rất tốn kém, các nhà báo phải điều tra, nghiên cứu nhiều tháng để ra được những phóng sự quan trọng, những bài phân tích sâu sắc, mà lại không có đông đảo người đọc. Ai là người trả cho những chi phí đó, chắc chắn không phải thị trường! Chất lượng không “câu” được “view”. Vấn đề này cũng xảy ra trong những lĩnh vực nghệ thuật khác như mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc cổ điển, hay những hạ tầng văn hoá như thư viện, công viên. Đây là những cái được gọi là “merit goods” – những “mặt hàng” cần được nhà nước trợ giá vì chúng không đem lại lợi nhuận.
Thị trường cản trở sáng tạo
Thị trường cản trở sáng tạo
Thoạt nhìn thì đây là một nghịch lý, bởi thị trường vốn được coi là động cơ không mệt mỏi để tung ra những sản phẩm mới, những công nghệ mới, những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực chính nó là thế lực cản trở những thay đổi nền tảng có thể làm lung lay gốc rễ của cả một ngành công nghiệp. Nếu không được nhà nước hỗ trợ, năng lượng gió và mặt trời, công nghệ ô tô điện v.v… sẽ không có nguồn lực để phát triển và cạnh tranh với các công nghệ truyền thống, và sẽ bị bóp nghẹt trong trứng nước. Tương tự, y khoa sẽ không dồn nguồn lực vào để tìm ra thuốc và cách chữa những bệnh hiểm nghèo (rare disease), những bệnh mà người ta cho rằng tiền bán thuốc sẽ không đủ để trang trải cho chi phí nghiên cứu và sản xuất. Năm 1983, Mỹ đã phải thông qua đạo luật “Orphan Drug Act” để khuyến khích các công ty dược nghiên cứu và thương mại hoá thuốc trị liệu các bệnh hiểm nghèo.
Thị trường coi tất cả là hàng hoá
Thị trường coi tất cả là hàng hoá
Và cuối cùng, điều gì sẽ xẩy ra khi tất cả các lĩnh vực trong đời sống của chúng ta được quy thành hàng hoá để được điều tiết bởi thị trường. Nhiều nhà triết học và xã hội học đang lớn tiếng lo ngại là không phải chúng ta đang CÓ một nền kinh tế thị trường, mà chúng ta đang LÀ một nền kinh tế thị trường, nơi mọi thứ đều có thể được bày lên kệ để mua và bán. Trong cuốn “Những thứ tiền không thể mua được: Những hạn chế đạo đức của thị trường” (“What money cant’ buy: The moral limits of markets”), giáo sư Michael Sandel cho ta một tiếng chuông cảnh tỉnh. Liệu chúng ta có nên đi theo thị trường, và chỉ dành cho người bình dân vài mét bãi biển, còn lại dành những chỗ đẹp nhất để các resort phục vụ khách hàng của mình? Điều gì sẽ xảy ra với nhân phẩm con người khi chúng ta thiết lập một thị trường mua bán các bộ phận nội tạng, nơi mà người nghèo sẽ là nguồn cung cấp hàng hoá cho người giầu?
Liệu chúng ta có thể đo được giá trị thị trường của lòng trung thành, sự vị tha, tình yêu, và trách nhiệm?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét