Đề xuất bỏ phiếu kín vấn đề còn khác nhau về Hiến pháp
Published on November 5, 2013 · No Comments
Bắt đầu từ sáng 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…
Đề xuất bỏ phiếu kín về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi thông qua Hiến pháp là quan điểm được tập hợp tại báo cáo ý kiến thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 23/10 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo nghị trình, bắt đầu từ sáng 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cùng dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ về hai nội dung trên vào sáng 23/10 cũng sẽ được trình bày tại phiên thảo luận toàn thể.
Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, đã có 247 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại tổ. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
68 ý kiến ở 19 tổ tán thành với tên gọi, nội dung cơ bản của dự thảo và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nên đổi tên
Bản tập hợp gần 18 nghìn chữ thể hiện khá chi tiết các ý kiến từ lời nói đầu cho đến cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Theo đó có 68 ý kiến ở 19 tổ tán thành với tên gọi, nội dung cơ bản của dự thảo và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
8 ý kiến đề nghị lấy tên gọi là Hiến pháp sửa đổi 2013 vì nội dung của dự thảo sửa đổi rất nhiều so với Hiến pháp năm 1992 (chỉ giữ lại 7 điều).
Bên cạnh 10 ý kiến ở 8 tổ nhất trí với quy định của điều 4, một số vị đề nghị bổ sung mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, quy định về trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật vào điều này.
Cơ bản tán thành với chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, song cũng có ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn việc bỏ một số quyền con người, quyền công dân tại dự thảo.
Liên quan tới việc hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, báo cáo cho biết có 14 ý kiến ở 9 tổ nhất trí với khoản 1 điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tuy nhiên, 10 ý kiến ở 7 tổ còn băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì quy định như vậy mâu thuẫn với quy định “các thành phần kinh tế bình đẳng” tại khoản 2 điều này.
Hơn nữa, thực tế vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả .
Có vị đại biểu đề nghị sửa lại khoản này như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng, quản lý và điều tiết của nhà nước, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”
Băn khoăn thu hồi đất
Với điều 53, dự thảo Hiến pháp quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Kết quả thảo luận tại tổ cho thấy có 7 vị nhất trí quy định về hình thức sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Một ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc quy định có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai.
Còn nhiều băn khoăn là hiến định thu hồi đất tại điều 54. Khoản 3 điều này quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ngoài 11 ý kiến tán thành, 4 vị cho rằng việc quy định cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất cần được quy định chi tiết trong luật.
4 vị đại biểu cho rằng vấn đề thu hồi đất cho phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau và không có tính ổn định. Vì vậy, đề nghị cân nhắc không quy định trong dự thảo Hiến pháp. Và có 8 ý kiến khác đề nghị bỏ quy định “phát triển kinh tế – xã hội”.
Với khoản 3 điều 55: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia, có ý kiến phân tích quy định Nhà nước bảo đảm ổn định, giá trị đồng tiền quốc gia là không hợp lý vì vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đề nghị bỏ quy định Nhà nước bảo đảm ổn định, giá trị đồng tiền quốc gia.
Ai giới thiệu Chủ tịch nước?
Liên quan đến các nội dung về nhân sự cấp cao, có ý kiến đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội do ai giới thiệu để bầu, vì các chức danh khác đều có người giới thiệu.
Theo 6 ý kiến ở 5 tổ cần cân nhắc quy định Quốc hội phê chuẩn chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao vì đây là chức danh nghề nghiệp, chỉ nên quy định trong luật.
Về quy định bỏ phiếu tín nhiệm có 3 ý kiến ở 3 tổ tán thành, 1 vị cho rằng vấn đề này cần phải làm thận trọng, ý kiến khác đề nghị quy định Quốc hội “bỏ phiếu bất tín nhiệm”.
Không tán thành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, 12 ý kiến ở 7 tổ đề nghị quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng, các ủy ban để nâng cao vị thế của các cơ quan này. Đồng thời cần quy định vị thế độc lập của các cơ quan đó trong Hiến pháp.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, 28 vị tán thành không quy định Hội đồng Hiến pháp trong Hiến pháp nhưng cần tăng cường trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Chỉ có 2 ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập và hiệu quả hơn
Bản tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ cũng phản ánh ý kiến đề nghị Quốc hội cần dành thời gian để các đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau đó gửi lại cơ quan soạn thảo để tiếp thu và bỏ phiếu kín về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi thông qua Hiến pháp.
THEO VNECONOMY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét