12/04/2014 11:09 (GMT + 7)
TT - Trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2014 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức ngày 11-4, Phó tổng TTCP Trần Đức Lượng thừa nhận cơ quan này bổ nhiệm thừa hàng loạt cán bộ vào năm 2011.
Tại cuộc họp báo, ông Lượng cũng đưa ra những giải thích về việc kê khai tài sản của một số lãnh đạo TTCP.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì buổi họp báo ngày 11-4 - Ảnh: TTXVN |
8 tháng, bổ nhiệm 23 cán bộ lãnh đạo cấp vụ
Liên quan đến việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ vào thời điểm tám tháng đầu năm 2011, ông Lượng thừa nhận chỉ trong tám tháng đầu năm 2011 TTCP bổ nhiệm tới 23 cán bộ hàm cấp vụ. Lý giải về vấn đề này ông Lượng cho biết thứ nhất, đây là việc đáp ứng chính sách cho các cán bộ có quá trình công tác; thứ hai, trong công tác thanh tra thì đối tượng thanh tra của TTCP là bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, nên việc bổ nhiệm là xác lập một địa vị pháp lý để tạo điều kiện cho cán bộ thanh tra làm việc thuận lợi và hiệu quả công tác tốt hơn.
Ngoài 23 cán bộ hàm cấp vụ được bổ nhiệm, ông Lượng cũng cho biết để chuẩn bị nhân sự cho ba đơn vị mới (Vụ Thẩm định giám sát và xử lý sau thanh tra, Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp, Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư), TTCP bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp vụ, cấp phòng. Do đó dẫn đến việc con số bổ nhiệm đội lên khoảng 60 người.
Về vấn đề này TTCP nhận thức, so với quy định của Chính phủ thì việc bổ nhiệm này là quá số lượng, cấp vụ và cục chỉ có một cấp trưởng và không quá ba cấp phó nhưng ở đây có vụ có đến bốn vụ phó, có cục đến năm cục phó. Về điều kiện bổ nhiệm, ông Lượng nói có một vài trường hợp chưa đảm bảo điều kiện như thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị... Sau đó, TTCP cách chức một trường hợp lãnh đạo vụ do vi phạm pháp luật, miễn nhiệm ba trường hợp do không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ.
Riêng việc bổ nhiệm ông Lê Sỹ Bảy làm vụ trưởng Vụ 1, ông Trần Đức Lượng cho biết hiện nay cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra nên chưa thể kết luận đúng hay sai. Về thông tin có đơn thư của cán bộ tại TTCP gửi các cơ quan cấp trên đề nghị xem xét việc có cán bộ tại TTCP câu kết với đối tượng bị thanh tra để vu oan cán bộ đoàn thanh tra tại cuộc thanh tra Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lượng khẳng định kết luận thanh tra tại Đại học Quốc gia Hà Nội là chính xác và đang xử lý sau thanh tra. Còn việc có đối tượng câu kết hay không thì đang trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
Theo ông Lượng, việc bổ nhiệm cán bộ là trách nhiệm của Ban cán sự Đảng TTCP nhiệm kỳ trước đây (năm 2011 về trước), có trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm người đứng đầu là bí thư Ban cán sự cũng là tổng TTCP trước đây (ông Trần Văn Truyền).
Qua kiểm điểm, TTCP có kế hoạch sửa chữa, thực hiện khắc phục những tồn tại trong công tác bổ nhiệm này. Cụ thể, các trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng; những trường hợp chưa đáp ứng được công việc thì bố trí sang các vị trí công việc khác. Bản thân Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo TTCP đã có nghị quyết không bổ nhiệm hàm cấp vụ nữa để xử lý việc bổ nhiệm thừa.
Chưa thấy khai báo tài sản không minh bạch
Liên quan đến câu chuyện tài sản và kê khai tài sản của một số cán bộ tại TTCP như nguyên tổng TTCP Trần Văn Truyền, phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh, vụ trưởng Vụ 1 Lê Sỹ Bảy, ông Trần Đức Lượng đưa ra nhiều lập luận để trả lời câu hỏi “thu nhập của thanh tra tại TTCP là bao nhiêu và làm thế nào để giàu như một số cán bộ được nêu”. Ông Lượng giải thích thanh tra viên cũng là công chức, thu nhập theo thang bảng lương quy định. Ngoài ra, thanh tra viên có thêm phụ cấp gồm phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, những cán bộ làm công tác trực tiếp tiếp dân thì có thêm bồi dưỡng tiếp dân. TTCP và ngành thanh tra có một nguồn thu nữa là các khoản thu hồi qua thanh tra được trích lập một phần vào quỹ, quỹ này được sử dụng để mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động của đoàn thanh tra nhưng cũng có một phần được chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra.
Về tài sản, ông Lượng cho rằng nguồn gốc tài sản của nhiều cán bộ không chỉ có từ chính thu nhập của người đó, tài sản này còn là của các thành viên trong gia đình. “Bố làm thanh tra nhưng vợ con kinh doanh nên hoàn toàn dễ hiểu về tài sản, chúng ta không gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản mà người ta kê khai” - ông Lượng nói.
Trả lời câu hỏi về việc kê khai tài sản của số cán bộ nêu trên có minh bạch hay không, ông Lượng cho biết “chưa thấy chỗ nào chứng tỏ tài sản không minh bạch”. Ông Lượng cũng khẳng định những người này kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật, tài sản thực tế và kê khai chính xác, đầy đủ.
MINH QUANG
Cử cán bộ theo dõi vụ nắn cong đường Trường Chinh
Thông tin về một số vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch đường Trường Chinh, ông Trần Đức Lượng cho biết trước đó TTCP có nhận được đơn dưới dạng khiếu nại liên quan đến nội dung đền bù, đến quyền và lợi ích của người dân tại con đường này. Còn những khiếu nại về đường cong hay thẳng thì TTCP chưa nhận được đơn thư nào.
Ông Lượng cho biết qua các phương tiện thông tin đại chúng và giải trình của những người có trách nhiệm, tại cuộc làm việc của TTCP với Hà Nội gần đây, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh có nhắc đến chuyện này. Tuy nhiên, ông Lượng nhận định việc giải quyết đang thuộc thẩm quyền của Hà Nội và các cơ quan tham mưu liên quan nên TTCP chưa vào cuộc, mà phải thực hiện theo đúng quy định của trình tự giải quyết khiếu nại tố cáo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lượng cho biết nếu có đơn thư thuộc thẩm quyền của TTCP hoặc được Thủ tướng giao thì TTCP sẽ vào cuộc tiến hành thanh tra. Hiện TTCP chưa coi đó là vụ việc phức tạp để tiến hành thanh tra vì còn phải chờ xem giải quyết của Hà Nội. Ông Lượng cũng khẳng định TTCP sẽ cử cán bộ theo dõi việc giải quyết của Hà Nội liên quan việc điều chỉnh quy hoạch của đường Trường Chinh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét