Trang

Nhãn

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

“Cơ hội để thay đổi đang rất cận kề” (cafef.vn/)

Động lực phát triển mới từ cải cách thể chề là chủ đề được chọn cho Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 - Ảnh minh họa.
Động lực phát triển mới từ cải cách thể chề là chủ đề được chọn
cho Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 - Ảnh minh họa.

Cải cách thể chế nhanh hay chậm phụ thuộc vào Nhà nước có thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí của mình hay không...

Bàn về cải cách thể chế kinh tế - chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức diễn ra tại Hạ Long trong hai ngày 28 và 29 tháng Tư - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận định “cơ hội để thay đổi đang rất cận kề”.

Việt Nam hiện đang đứng trước một bước ngoặt lựa chọn quan trọng cũng là điều được nhấn mạnh tại tham luận của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia Võ Đại Lược.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng.

Dù diễn giải theo cách nào, có chuẩn bị tham luận bằng văn bản hay không thì không ít khách mời của diễn đàn, trong đó có nhiều nhà khoa học, quản lý và chuyên gia kinh tế đều không khó để thống nhất về cơ hội cũng như tính cấp thiết của cải cách thể chế.

Thế nhưng, làm sao để biến cơ hội thành hiện thực lại là câu hỏi không dễ trả lời. Không dễ ngay từ khi xác định cho trúng vấn đề.

Cách đây chưa lâu, trong khuôn khổ cuộc họp phạm vi hẹp về cải cách thể chế, một vị Bộ trưởng đã nói thẳng là ông rất thất vọng khi nghe một vị cấp dưới trình bày quan điểm về đột phá tư duy quan điểm phát triển theo đặt hàng của chính ông. Bởi những điều đó ông đã nghe mãi ở nhiều hội thảo rồi, văn bản, nghị quyết cũng nói nhiều.

Theo ông, phải nhìn vào thực tiễn này, phải rất thực dụng cho đất nước phát triển. Dĩ bất biến ứng vạn biến, dĩ là dân tộc cần phát triển, ứng vạn biến là chủ nghĩa xã hội cũng là con thuyền đi đến cái đó thôi, ông nói.

Điều mà vị Bộ trưởng này và nhiều chuyên gia được ông mời tham vấn cùng băn khoăn chính là vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Ở tham luận gửi đến hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay không còn phù hợp. Nhưng đổi mới vai trò của nhà nước và quan hệ giữa nhà nước và thị trường lại rất ít được bàn đến.

“Vì vậy có thể vẫn chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống, có chăng chỉ là những thay đổi đơn lẻ, ở một số thể chế cụ thể. Nguy cơ mâu thuẫn giữa các thể chế cụ thể vẫn hiện hữu”, ông Cung lo ngại.

TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, trong bối cảnh Việt Nam đang có những thảo luận về thay đổi thể chế kinh tế thì cần thiết phải có những thảo luận sâu về đổi mới chính sách tài khóa.

Thế nhưng, trong một diễn biến khác, Luật Ngân sách sửa đổi vẫn chưa thể lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào 20/5 tới đây. Dù đây là dự án luật từng được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ năm 2009, và ngay cả các vị đại biểu Quốc hội cũng khó có thể nhớ chính xác được số lần xin lùi xin hoãn của Chính phủ.

Vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Luật Đầu tư được kỳ vọng là sẽ tạo đột phá mới, một thể chế mới cho nhà đầu tư kinh doanh trong nước và quốc tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng, Ban soạn thảo dự án luật “mong muốn một điều phải dỡ bỏ gần như tất cả những rào cản mà chúng ta cứ giữ khư khư đấy, không để giải quyết cái gì, không giải quyết cái gì lợi ích cho đất nước”.

Thế nhưng, ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng phải phàn nàn là đọc xong Luật Đầu tư mà không biết cái gì cấm không được đầu tư.

Bộ trưởng Vinh giải thích rằng, theo thống kê của bộ này thì hiện có 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 30 ngành nghề cấm kinh doanh.

Dù cho hay chính ông cũng thấy lủng củng, chưa hiểu hết cấm thế có ổn không, nhưng danh sách đó đều do các bộ đưa lên và “chúng tôi phải chiến đấu với các bộ rất mệt”.

Với hàng loạt dự án luật có tác động trực tiếp tới cải cách thể chế kinh tế đã và đang được soạn thảo, sửa đổi, như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… cơ hội để thay đổi, theo các chuyên gia là không hề nhỏ.

Song, chỉ cần hai ví dụ nêu trên cũng đã đủ để chia sẻ với Viện trưởng Nguyễn Đình Cung. Khi ông nói rằng, cải cách thể chế nhanh hay chậm, ở quy mô lớn hay quy mô nhỏ, phụ thuộc vào việc liệu Nhà nước thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình hay không.

Theo Nguyên Thảo
VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét