Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Chống bức cung, nhục hình: Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người (dangcongsan.vn/cpv/)

                        
21:10 | 11/09/2014
(ĐCSVN)Tiếp tục chương trình làm việc  Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội , chiều ngày 11/9, nhiều vấn đề liên quan đến việc đánh giá chứng cứ, nguyên nhân và giải pháp chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách tiếp tục được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ”.
Khó phát hiện việc bức cung, nhục hình
Tại phiên giải trình, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu (ĐB). ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đặt câu hỏi: Có hiện tượng bức cung, dùng nhục hình trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn hay không? Sau vụ này, nhiều đơn kêu oan từ các vụ án khác như Hàn Đức Long (Bắc Giang), Lê Bá Mai (Bình Phước)… cơ quan tòa án và viện kiểm sát đã triển khai đến đâu?.
Trả lời câu hỏi của các ĐB, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định có thiếu sót cơ bản trong quá trình điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
Thứ trưởng Lê Quý Vương thông tin thêm, tội “nhục hình, bức cung” (Điều 288, 289 Bộ luật hình sự) chủ yếu xảy ra đối với các vụ án hình sự. Bộ Công an hiện đang quyết tâm giải quyết tình trạng trên. Vừa rồi Việt Nam đã tham gia Công ước chống tra tấn, vì vậy Bộ Công an nhận thức rất rõ nội dung này. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng để giải quyết căn cơ được tình trạng này là do cả một hệ thống chứ không chỉ trong phạm vi của điều tra viên.
 
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương tại phiên giải trình.(Ảnh: TH) .

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, hiện chưa xác định được việc bức cung, nhưng đã xác định được hành vi dùng nhục hình đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (bị đánh gãy tay), tuy nhiên cán bộ điều tra này đã chết nên không thể khởi tố.
Trước băn khoăn của các ĐB về việc tại sao không trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình tại trại tạm giam, tạm giữ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, đối với nhà tạm giữ trên toàn quốc chưa lắp đặt hệ thống ghi hình. Song, đối với nhà tạm giam đã đặt ra từ năm 1999, đạt tỷ lệ 20%, nhưng đến nay đã xuống cấp vì tuổi thọ các lọai máy này chỉ 5-7 năm. Trong khi, hình ảnh lưu giữ chỉ trong 2-3 tuần, nếu quá thời gian sẽ bị đầy, cần phải chiết xuất dữ liệu. Thứ trưởng cũng cho rằng việc ghi âm, ghi hình tại các trại tạm giam, tạm giữ cần nghiên cứu và nếu có phải được luật hóa .
Lý giải thời gian qua vì sao phát hiện ít trường hợp bức cung, nhục hình và thực tiễn số vụ việc bức cung, nhục hình có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng vì xảy ra trong điều kiện đặc biệt, phạm nhân không tiếp xúc với người ngoài, đánh không có thương tích; khi điều tra không tố cáo nhưng khi kết thúc điều tra chuyển VKS mới có đơn nên rất khó khăn trong việc phát hiện và giải quyết. Theo đó, Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong đề nghị cho viện kiểm sát tham gia sớm hơn từ khi phát hiện sự kiện; luật sư tham gia vào giai đoạn bắt tạm giữ.
Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người
Tại phiên giải trình, ĐB Đỗ Văn Đương ( TP Hồ Chí Minh), ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và một số ĐB khác cho rằng: Sửa luật hay trang bị thêm  các thiết bị giám sát không phải là giải pháp then chốt, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tiền tố tụng.
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn thẳng thắn chỉ ra, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bức cung, nhục hình là do năng lực, trình độ điều tra viên chưa tốt, thêm yếu tố nóng vội, chủ quan , động cơ cá nhân muốn thành tích, chứ tiêu cực thì chưa phát hiện được trường hợp nào.
Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong cũng cho rằng quan trọng là ý thức tuân thủ pháp luật về tố tụng của điều tra viên, mặt khác cần đề cao cơ chế trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan điều tra các cấp.
Thừa nhận trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc vẫn để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua , Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh: “Nếu kiểm sát chặt thì sẽ không để xảy ra tình trạng đó, một phần vẫn còn do nể nang”.
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định ngoài các nguyên nhân đã được đề cập trong báo cáo, còn có nguyên nhân về mặt nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên, kiểm sát viên. Do đó bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng điều tra viên, kiểm sát viên cần phải gắn với việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị thời gian tới Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, VKSND tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo trong việc điều tra, xử lý các vụ án hình sự, khẩn trương khắc phục ngay nhưng tồn tại, hạn chế, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điều tra các vụ án hình sự…/.
Các từ khóa theo tin:
Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét