Hơn cả sự bàng hoàng, giận dữ, nước mắt người mẹ cứ thế rơi không ngừng khi dẫn đứa con gái mới 15 tuổi vào bệnh viện để nạo phá thai. Phát hiện con mang bầu thì đã quá muộn, cái thai đã ở tuần 14, hai mẹ con đành dắt díu nhau đến bệnh viện để "giải quyết". Đây là một trong vô số những trường hợp đau lòng xảy ra ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
PGS. TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: Hiện nay, trẻ dậy thì sớm hơn, ở độ tuổi 11-12 đã dậy thì, điều kiện để tiếp xúc với phim ảnh tình dục lại quá dễ dãi, cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con cái... dẫn đến các em mang bầu khi còn quá trẻ. Bệnh viện đã phải tiếp nhận cả những trẻ mang thai khi mới 12-13 tuổi. Xót xa hơn, khi cha mẹ phát hiện ra, có những trường hợp thai đã qúa to tới 28, 30 tuần tuổi, không thể chỉ định phá thai được nữa vì rất nguy hiểm, bác sĩ phải tư vấn gia đình để thai phát triển. Gia đình đành để trẻ sinh con rồi mang con đi cho.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 6 tháng đầu năm nay đã có gần 5.000 ca đến phá thai, trong đó trẻ VTN (từ 15 - 19 tuổi) chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó có tới 60 - 70% đang là học sinh, sinh viên, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần.
Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai cũng liên tục gia tăng.
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở VTN Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của VTN về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế - chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia dân số lý giải đó là do tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân khi chưa hiểu biết đầy đủ về các biện pháp tránh thai; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là VTN, thanh niên sống ở nông thôn và miền núi.
Là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về sản phụ khoa, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: Hằng năm, bệnh viện Từ Dũ có khoảng 26.655 trường hợp phá thai, trong đó VTN chiếm 6,05%. Tỷ lệ này không biến động nhiều trong những năm qua, nhưng còn cao so với các nước trên thế giới.
Khi trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ, con mình vẫn còn quá bé bỏng, làm sao đã biết đến các chuyện người lớn, nhưng thực tế, chuyện trẻ VTN yêu sớm và quan hệ tình dục tự nguyện đang xảy ra hàng ngày. Bố mẹ thì tránh né, dọa nạt chứ ít chia sẻ với con những kiến thức cơ bản về vấn đề này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 82,1% cha mẹ chưa bao giờ trao đổi với con về tình dục.
Thêm vào đó là nền giáo dục Việt Nam còn thiếu thông tin kiến thức về sức khỏe sinh sản. Nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức cơ bản về tình dục hoặc không tin tưởng vào việc dùng bao cao su hay không yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su. Hơn nữa, sự nhìn nhận một cách tiêu cực về nạo phá thai đã gây nên tình trạng nhiều em lo sợ, xấu hổ, tiến hành nạo phá thai ở nơi bí mật và bất hợp pháp. Tại các phòng khám tư nhân, mọi thủ tục đều được thực hiện khá đơn giản, thậm chí không cần kê khai chứng minh thư hay giấy tờ cá nhân. Danh tính, năm sinh thường được các cô gái dấu kỹ và số lượng học sinh cấp 2, cấp 3 đến phá thai không phải là ít.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, khi có thai nhiều em không hay biết, số khác lại cố tình giấu bố mẹ. Nhiều trường hợp tìm đến các cơ sở y tế tư nhân phá thai chui và đã phải gánh chịu hậu quả khôn lường như: thủng tử cung, nhiễm trùng, sót thai... vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến vô sinh khi trưởng thành...
Cần luật hóa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản
Tại một Hội nghị bàn về thực hiện chính sách pháp luật trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục VTN vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Ritsu Nacken, Phó trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tốt cho thanh niên, song cần đẩy mạnh hơn nữa việc thúc đẩy thực thi chính sách, để đảm bảo thanh niên nhận được thông tin, dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục mà họ cần. Bên cạnh đó, tạo ra môi trường để họ đối thoại với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đa số đại biểu cho rằng, cần đưa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan.
PGS. TS Lê Hoài Chương cho rằng: Giáo dục giới tính cần phải được đưa vào nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Cần thống nhất độ tuổi trẻ VTN trong hệ thống văn bản pháp luật để thuận lợi trong triển khai thực hiện can thiệp phù hợp với nhóm tuổi của các em.
Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng kiến nghị: Đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên vào chương trình giảng dạy, nội dung phù hợp với cấp học và bậc học. Đồng thời, cần đổi mới công tác truyền thông, giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho VTN, thanh niên phù hợp với từng độ tuổi, từng địa bàn. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên; đảm bảo nguồn tài chính phù hợp dành cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là khuyến nghị mạnh mẽ được gửi tới Chính phủ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét