Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Thư gửi anh em linh mục (ngày 25.9.2014) (tgpsaigon.net)

  Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

Kính gởi: Anh em Linh mục
trong Gia đình Giáo Phận Tp. HCM.
Anh em thân mến,
Anh em là “là những cộng tác viên của hàng giám mục, để chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ của Chúa Kitô trao phó” (PO 2). Đây là sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15), một cách cụ thể là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
Tại các giáo xứ, anh em là đại diện giám mục, là “người rao giảng Tin mừng cho thế giới hôm nay và xây dựng Giáo Hội, trong tư cách là hiện thân của Chúa Kitô là Đầu, là Mục Tử với ba chức năng: rao giảng, thánh hoá, hướng dẫn cộng đoàn” (x. PO 2; PDV 2; PDV 12; 14; 15;82).
Từ định hướng trên, dưới ánh sáng của Lời Chúa và Giáo huấn của Hội Thánh, tôi muốn cùng với anh em nhìn lại những nhiệm vụ cụ thể của người mục tử đối với đoàn chiên.
I. HIỆP THÔNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
Mục tiêu của sứ vụ linh mục là “hiệp thông trong Giáo Hội để loan báo Tin Mừng”. Không có hiệp thông, sẽ không thể loan báo Tin Mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
a) Trước hết, cha sở giữ vai trò quan trọng như “là viên gạch nối kết để xây dựng giáo xứ thành một cộng đồng hiệp thông” (x. GL 529§2) qua việc:
- Cộng tác với Giám Mục và với linh mục đoàn của giáo phận.
- Nhìn nhận cổ võ mọi giáo dân góp phần vào sứ mệnh của Giáo Hội.
Sự hiệp thông huynh đệ giữa cha sở và cha phó sẽ là một gương sáng đặc biệt cho giáo dân trong giáo xứ và cả cho người không công giáo.
b) Riêng đối với các cha phó, anh em hãy ý thức mình là “cộng sự viên của cha sở và san sẻ mọi nỗi lo âu với cha sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của cha sở để thi hành trách nhiệm mục vụ” (GL 545§1). Như thế, trong tương quan đối với cha sở:
- Vì chức vụ, cha phó phải giúp đỡ cha sở trong toàn thể công việc mục vụ, trừ việc chỉ lễ cho giáo dân (GL 548§2).
- Khi cha sở vắng hoặc bị ngăn trở không thể thi hành nhiệm vụ, nếu Giám mục Giáo Phận không dự liệu cách khác, thì vai trò của cha phó trở nên quan trọng và buộc phải giữ mọi bổn phận của cha sở, trừ việc chỉ lễ cho giáo dân (GL 549).
- Ngoài ra, cha sở và cha phó phải cùng hợp tác với nhau để dự liệu công việc mục vụ cho xứ đạo mà cả hai đồng lãnh trách nhiệm (GL 548§3). Để thực hiện việc nầy, cha phó cần tham khảo và lãnh chỉ thị của cha sở. Nên báo cáo cho cha sở mọi chương trình mục vụ đã hoạch định hoặc đang tiến hành để cha sở biết rõ.
- Cũng cần lưu ý quý cha phó trong vấn đề cử hành bí tích hôn phối. Theo luật chung, cha phó không có quyền cử hành bí tích hôn phối nếu không có sự ủy quyền của cha sở từng lần nhất định hoặc thường xuyên tổng quát. Nếu được ủy quyền thường xuyên tổng quát thì phải bằng văn bản (GL 1111§2).
- Khi đi vắng và nhất là đi cách đêm, cha phó nên báo cho cha sở biết.
Như vậy, chính trong sự hiệp thông trong Giáo Hội 1, cụ thể với Giám mục, với anh em linh mục đoàn, với các nam nữ tu sĩ và với giáo dân, mà anh em “loan báo Chúa Kitô” cho những người chung quanh, với 3 nhiệm vụ rao giảng, thánh hóa và hướng dẫn cộng đoàn.
II. NHIỆM VỤ GIẢNG DẠY 2
Theo Giáo luật, điều 528 triệt 1 nêu lên: “Cha sở có nhiệm vụ lo liệu để Lời Chúa được loan truyền trọn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ, cả những người lơ là, hết còn giữ đạo hay không còn tuyên xưng đức tin chân thật nữa” 3. Dĩ nhiên, cha sở không thể một mình đảm nhận việc giảng dạy cho hết mọi phần tử trong giáo xứ; vì thế, ngoài những gì trực tiếp thực hiện, cha sở còn phải đôn đốc và phối hợp công tác giảng dạy với sự trợ giúp của cha phó, các giáo lý viên và các cộng tác viên của ngài.
 1. Giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng Chúa Nhật, những ngày lễ buộc (GL 767).
2. Chu toàn phận sự trong việc huấn giáo: “Do nhiệm vụ, cha sở phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em” (GL 767). Cần lưu ý đến một vài thành phần riêng biệt (GL 777) như:
+ Những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích (khai tâm Kitô giáo, hôn phối).
+ Các trẻ em chuẩn bị xưng tội lần đầu và lãnh bí tích thêm sức. Cần tiếp tục quan tâm đến giới trẻ và người trưởng thành để đức tin của họ được củng cố và triển nở.
+ Những người khuyết tật về thể lý cũng như tinh thần.
3. Cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội, như: nhân phẩm và tự do con người, sự duy nhất và bền vững của hôn nhân cùng những trách vụ của gia đình, bổn phận người công dân nơi xã hội trần thế v.v… (x. GL 768).
4. Làm mọi cách, nhờ cả giáo dân, để loan truyền Phúc Âm đến những người “đã xa lìa Hội Thánh” và cho anh chị em lương dân.
III. NHIỆM VỤ THÁNH HOÁ 4
Là những Thừa tác viên phân phát các mầu nhiệm thánh, anh em hãy:
1. Cố gắng để bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ. Cần chú ý để tinh thần của bí tích Thánh Thể thấm nhiễm tất cả đời sống của cá nhân cũng như của toàn thể cộng đoàn giáo xứ: tinh thần ngợi khen, tạ ơn, dâng hiến, yêu thương, hiệp nhất.
2. Cổ võ các tín hữu siêng năng lãnh nhận các bí tích nhất là năng đến cùng bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải, cần giúp cho các tín hữu hiểu biết ý nghĩa các nghi thức để họ tham gia sống động vào các cử hành phụng vụ.
3. Chính anh em phải là “người cầu nguyện và có bổn phận dạy cho giáo dân biết cầu nguyện” (PO 5; PDV 47), đồng thời thúc đẩy đời sống cầu nguyện của giáo dân, nhất là cầu nguyện trong gia đình.
4. Điều hành kỷ luật trong cử hành phụng vụ.
5. Trong khi thi hành nhiệm vụ thánh hóa, anh em phải ý thức về trách nhiệm đáp ứng quyền được lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích của các tín hữu (GL 213).
IV. NHIỆM VỤ HƯỚNG DẪN CỘNG ĐOÀN 5
Những công việc nổi bật và cụ thể của nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa gồm hai lãnh vực: nội bộ (điều hành cộng đoàn) và mở ra cho thế giới (từ thiện xã hội, truyền thông…)
1) Điều hành cộng đoàn:
a) Một cách tổng quát, về những liên hệ đối với các thành phần khác nhau của đoàn chiên: “Để chu toàn cách nhiệt thành chức vụ chủ chăn, anh em phải cố gắng hiểu biết các tín hữu được trao phó cho mình chăm sóc” (GL 529§1).
Vì thế, anh em nên lưu tâm:
- Thăm viếng các gia đình.
- Chia sẻ những lo lắng đau buồn của các tín hữu và nâng đỡ họ trong Chúa.
- Khôn ngoan sửa chữa những lỗi phạm; đổ tràn đức ái để giúp đỡ bệnh nhân, nhất là những người gần chết, lo lắng bí tích cho họ, phó thác linh hồn họ cho Chúa.
- Ân cần theo sát người nghèo khổ, buồn phiền, cô đơn, lưu lạc đang gặp những khó khăn khác thường.
- Nâng đỡ các vợ chồng, các cha mẹ trong việc thi hành nhiệm vụ riêng của họ, cổ võ phát triển đời sống Kitô giáo trong gia đình.
b) Về tổ chức giáo xứ:
- Hội đồng giáo xứ: cha sở phải lo thiết lập Hội đồng Giáo xứ, theo những hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục và của Giáo phận, để điều hành cộng đoàn. Cha sở và cha phó cũng phải lo cho những người tham gia vào Hội đồng Giáo xứ được đào tạo theo chương trình của Giáo phận (GL 536).
- Các đoàn thể: ngoài Hội đồng Giáo xứ, các đoàn thể là những tổ chức nhằm giúp đỡ các thành phần trong giáo xứ sống đức tin và thi hành các việc tông đồ như: Gia đình phạt tạ Thánh Tâm, các Bà mẹ Công giáo, Giới trẻ, Thiếu nhi, Legio Mariae… Cha sở cần tạo điều kiện cho cha phó chia sẻ, phụ trách các đoàn thể, để ngài có cơ hội gặp gỡ và phục vụ các giới.
- Trong việc tổ chức giáo xứ, cha sở lưu ý đặc biệt đến các sổ sách và văn khố, đến việc lưu trữ các tài liệu, các văn kiện liên quan đến việc quản trị mục vụ hoặc tới lợi ích của giáo xứ.
- Ngoài ra cần quan tâm đến việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ .
- Không đi vắng lâu khỏi giáo xứ mà không trình báo cho Đấng Bản Quyền của mình.
2) Mở ra cho thế giới: Giáo xứ không phải là một cộng đoàn khép kín, nhưng là một cộng đoàn mở ra cho thế giới và xã hội để loan báo Tin Mừng.
Vì thế, anh em nên lưu tâm đến:
- Việc tổ chức những công cuộc từ thiện xã hội với sự hỗ trợ đặc biệt của Ban Caritas của giáo phận, qua những công tác như: lớp học tình thương, phòng khám và phát thuốc, công tác xã hội lo cho người nghèo, khuyết tật…
- Công tác truyền thông: anh em cũng nên lưu ý sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội để mở rộng tầm nhìn về các vấn đề trên thế giới và để loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng hơn.
Để kết thúc, xin được mượn lời của Bộ Giáo Sĩ trong số 77 của Văn kiện “Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục”, mới ban hành ngày 11-02-2013 vừa qua, để cầu chúc cho anh em trở thành: “mục tử của cộng đoàn, theo hình ảnh của Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành dâng hiến tất cả cuộc đời cho Giáo hội, linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitô, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu hao cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, ngày càng mỹ miều và xứng đáng hơn với sự hài lòng của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Thánh Thần”.
Nguyện xin Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành đổ tràn tình yêu của Ngài trong lòng anh em. Thân ái kính chào anh em.
Toà Tổng Giám Mục ngày 25 tháng 9 năm 2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục
_________________________________________
[1] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 29-42, năm 2013.
[2] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 62-65, năm 2013.
[3] Xem thêm Giáo Luật điều 757 và 771.
[4] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 66-75, năm 2013.
[5] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 77-78, năm 2013.



Files/Poster gửi kèm: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét