Trang

Nhãn

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Chủ tịch Quốc hội VN ủng hộ nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập (rfa.org/vietnamese) + Giữa Thủ đô mà có một quyết định lạ lùng! (cpv.org.vn)

RFA 23.09.2014
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13.Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị bất kỳ chỉ đạo nào. Ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vừa nêu trong phiên họp sáng nay 23/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở Hà Nội để thảo luận về Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi.

(1Bai khac: Giữa Thủ đô mà có một quyết định lạ lùng!)

Theo Báo Tiền Phong ông Nguyễn Sinh Hùng đã phê phán quyết định số 13 của Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội là vi phạm nặng nguyên tắc xét xử độc lập của thẩm phán. Quyết định này bắt buộc tất cả thẩm phán phải báo cáo lên Chánh tòa Hà Nội.
Trong dịp này, ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, muốn bảo đảm nguyên tắc tranh tụng cần phải cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế.
Được biết Hiến pháp 2013 qui định rõ nguyên tắc độc lập của thẩm phán. Tuy vậy Đảng Cộng sản lại có chỉ đạo về điều gọi là nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong nguyên tắc xét xử. Và Tòa án các cấp ở Việt Nam phải chịu sự chi phối này.

------------------

Giữa Thủ đô mà có một quyết định lạ lùng! ( http://www.dangcongsan.vn/cpv)                               
                            
14:21 | 24/09/2014
(ĐCSVN)Một quyết định được cho là lạ lùng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử theo quy định Hiến pháp lại được một cơ quan tòa án ban hành, và càng lạ lùng hơn khi nó đã tồn tại gần 2 năm mà chưa bị xử lý.
“Nhiều quy định lạ lùng” là lời của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khi đề cập đến Quyết định ban hành Quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính với Chánh án TAND TP.Hà Nội do ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP. Hà Nội ký ban hành ngày 23/1/2013 (Quyết định 13) tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây.
Lạ lùng ở đây là theo Quyết định này, các phó chánh án, chánh tòa chuyên trách TAND TP.Hà Nội, chánh án TAND cấp huyện, thẩm phán, thẩm tra viên phải có trách nhiệm báo cáo với Chánh án TAND TP.Hà Nội nhiều loại án, trong đó có: “Các vụ án hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn hoặc cho bị cáo hưởng án treo; các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần thừa kế được tính bằng giá trị; các vụ án liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí; các vụ án mà Chánh án TAND TP. Hà Nội thấy cần thiết”…
 
Hình mang tính chất minh họa. (Nguồn: tienphong.vn).

Trước khi báo cáo nghiệp vụ với Chánh án TAND TP. Hà Nội: “các vụ án do cấp huyện thụ lý thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải báo cáo nghiệp vụ với Chánh án Tòa án nơi công tác. Sau đó, Thẩm phán, Chánh án Tòa án đã thụ lý vụ án báo cáo nghiệp vụ với Chánh tòa chuyên trách và Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố về nội dung vụ án”; “Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách, Trưởng phòng Phòng Giám đốc - Kiểm tra, Phó Chánh án TAND Thành phố phải chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn có liên quan đến việc giải quyết vụ án, ý kiến về những vướng mắc khi giải quyết vụ án và quan điểm của Thẩm phán, lãnh đạo về hướng giải quyết”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định 13 của Chánh án TAND TP. Hà Nội là trái với tinh thần của Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp 2013: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm”.
Khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND đề cao nguyên tắc thẩm phán phải được độc lập trong hoạt động nghiệp vụ xét xử, thì Quyết định 13 không rõ “vô tình” hay “hữu ý” đã đi ngược lại nguyên tắc xét xử trên, dẫn đến nhiều khả năng hoạt động xét xử của thẩm phán, không chỉ của Tòa án thành phố Hà Nội mà đến cả thẩm phán Tòa án cấp dưới khó có thể bảo đảm tính độc lập bởi phải báo cáo quan điểm của Thẩm phán, lãnh đạo về hướng giải quyết”, mà không cần quan tâm đến diễn biến tranh tụng tại phiên tòa - căn cứ chủ yếu để Tòa án ra phán quyết.
Quyết định 13 cũng đặt ra nghĩa vụ phải báo cáo án qua rất nhiều cấp, đối với nhiều loại án, bất kể thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có nhu cầu xin ý kiến về những khó khăn, vướng mắc hay không cũng như phụ thuộc vào ý chí “chủ quan”của Chánh TAND TP. Hà Nội khi có thể đòi hỏi báo cáo nghiệp vụ “nhiều lúc, nhiều nơi” đối với các vụ án xét thấy “cần thiết”.
Rõ ràng đây là một quyết định trái pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và tính độc lập hội đồng xét xử; không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Mặt khác, quyết định này cũng có khả năng ảnh hưởng đến nguyên tắc “hai cấp xét xử”, bởi một khi Tòa án cấp trên đã cho ý kiến về đường lối xét xử như hình thức “duyệt án” đối với Tòa án cấp dưới, nếu có kháng cáo, kháng nghị, khi xét xử cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại tính đúng đắn của những phán quyết cấp sơ thẩm, như vậy có khác gì “gậy ông lại đập lưng ông”?.
Trong trường hợp này, Quyết định 13 không thể hiểu đơn thuần như một vị lãnh đạo TAND tối cao nói là để tăng cường quản lý chất lượng, nghiệp vụ xét xử mà thực chất là một loại quyết định về “chỉ đạo án” trá hình.
Khi mà dư luận đang không khỏi lo ngại về tình trạng “án chỉ đạo, án bỏ túi”, hay những quyết định mang tính “lợi ích nhóm’ thì những Quyết định như Quyết định 13 và tương tự cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong hoạt động tố tụng, bảo đảm thực hiện nghiêm Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”.
Chúng tôi đề nghị TAND tối cao chỉ đạo việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định 13 của Chánh án TAND TP. Hà Nội./.
Thu Hằng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét