Trang

Nhãn

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Đằng sau các cá nhân kiệt xuất (vnexpress.net)

Năm nay có hai nhân vật cùng đoạt giải Nobel Hòa bình: Kailash Satyarthi, nhà hoạt động vì trẻ em 60 tuổi người Ấn Độ và Malala Yousafzai người Pakistan, 17 tuổi.

Malala là một nhà hoạt động xã hội đấu tranh vì quyền đi học của bé gái tại quê nhà em - Thung lũng Swat, Pakistan - nơi quân Taliban từng cấm trẻ em gái đến trường. Cuộc đấu tranh của Malala trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào toàn cầu ủng hộ tiếp cận giáo dục dành cho phụ nữ. Thế nhưng chính Malala đã phải trả giá cho sự can đảm của mình - em bị bắn vào đầu trên đường đi học hồi năm 2012. Đến nay, mạng sống của Malala vẫn bị đe dọa bởi các tín đồ Hồi giáo cực đoan.
Trong bài phát biểu sau khi biết tin đoạt giải, bằng thứ tiếng Anh chưa sõi nhưng trôi chảy và dõng dạc, Malala chia sẻ: “Thông điệp của tôi với trẻ em toàn thế giới là các bạn hãy đấu tranh vì quyền lợi của chính mình”.
Điều khiến công chúng bất ngờ, có lẽ không phải là việc Malala đoạt giải Nobel, mà chính là từ đâu em có được nguồn năng lượng và bản lĩnh để lên tiếng một cách can đảm đến thế. Hoạt động đáng chú ý đầu tiên của Malala bắt đầu năm 11 tuổi, khi em viết blog về cuộc sống dưới thời Taliban chiếm đóng và trình bày quan điểm về việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái. BBC lúc ấy đang tìm kiếm một nữ sinh có thể viết blog nặc danh về cuộc sống dưới ách Taliban. Cha của Malala là Ziauddin Yousafzai - một giáo viên địa phương - đã giới thiệu con gái mình làm việc ấy, trong khi các bậc phụ huynh khác từ chối vì lo lắng cho sự an nguy của con. Trong suốt quãng thời gian sóng gió tiếp sau, khi nguy hiểm rình rập Malala mỗi ngày, cha em vẫn tiếp tục động viên con gái hoạt động xã hội. Sự cổ vũ của ông đã tiếp thêm sức mạnh cho Malala, thúc đẩy em lên kế hoạch trở thành một chính khách, mà như em nhấn mạnh, phải là “một chính khách tốt”.
Câu chuyện của Malala đặt ra câu hỏi: Liệu Malala có trở thành một nhà hoạt động xã hội nếu thiếu đi sự khuyến khích từ người cha nhìn xa trông rộng? Tôi nghi ngờ điều đó. Sống trong một đất nước mà nhân quyền, nhất là quyền phụ nữ, thường xuyên bị xâm phạm, phần lớn trẻ em sẽ có xu hướng tránh bộc lộ bản thân.
Nếu như cha của Malala cũng giống như các bậc phụ huynh khác, có lẽ cô bé sẽ không trở thành một tiếng nói có ảnh hưởng.
Malala là một trường hợp hiếm có, nhưng không phải là duy nhất hiện nay. Joshua Wong, cậu thiếu niên người Hong Kong chỉ hơn Malala một tuổi, đã hoạt động xã hội từ năm 14 và hiện dẫn đầu Scholarism - nhóm học sinh vận động cải cách giáo dục và quyền bỏ phiếu phổ thông tại Hong Kong bằng việc bãi khóa và ký tên phản đối. Tuy không chịu ảnh hưởng rõ rệt từ phụ huynh như Malala, nhưng trong một cuộc phỏng vấn, Joshua nói rằng cha mẹ cho phép và ủng hộ cậu tự do làm những gì mình tin tưởng. Dù còn những tranh cãi xung quanh các hoạt động của Joshua, khó phủ nhận rằng cậu là một thanh niên bản lĩnh, có khả năng tạo nên sự thay đổi tích cực đối với sự phát triển xã hội của Hong Kong.
Tôi nêu ví dụ này có thể khập khiễng nhưng Việt Nam cũng là một quốc gia mà tiếng nói của trẻ em thường không được khuyến khích và coi trọng, dù chúng ta đang sống trong hòa bình. Trẻ em Việt Nam được dạy phải tránh xa những điều được cho là có thể gây nguy hiểm hoặc khác với định hướng của cha mẹ. “Không được tranh luận với cô giáo”, “Thầy nói gì phải nghe nấy”, “Không được chơi với con bé hàng xóm”, “Còn nhỏ đừng can dự chuyện người lớn”, “Còn đi học cấm yêu đương lăng nhăng”… là những lời “răn” mà nhiều bậc phụ huynh đưa ra với con mình, mà không hề cho phép sự thỏa hiệp hay tranh luận.
Ở Việt Nam không phải không có các bậc phụ huynh tiến bộ. Thực tế là chúng ta đã có, dù không nhiều. Nhờ những bậc cha mẹ như vậy mà gần đây ta mới thấy các thanh thiếu niên kiếm được học bổng sang học các trường danh giá tại Mỹ từ khi mới tốt nghiệp cấp ba. Theo dõi những bài phỏng vấn các em, dễ nhận thấy một điểm chung là các em nuôi dưỡng tham vọng từ khi còn rất nhỏ và không những học hành chăm chỉ mà còn tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, tham gia các cuộc thi quốc tế. Học bổng chỉ là kết quả xứng đáng cho quá trình nỗ lực kéo dài nhiều năm.
Nếu không có sự định hướng, hoặc ít nhất là ủng hộ và khuyến khích từ người lớn, liệu chúng ta có thể có những cá nhân trẻ kiệt xuất không?
Minh Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét