Trang

Nhãn

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Tiếc vì Thượng tá Đoàn về hưu, đời công bằng lắm (baodatviet.vn)

          (Người Việt) - Chỉ là một người công chức đến tuổi về hưu, rời nhiệm sở, nhưng tại sao khi Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn về hưu, người ta lại thấy rưng rưng?
a
Thượng tá Đoàn đang khuyên nhủ bạn trẻ có ý định tự tử trên cầu Chương Dương. 
Mấy ngày qua, báo chí và mạng xã hội có một “sự lạ”, đó là có rất nhiều bài viết liên quan đến chuyện về hưu của Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn, một chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT Hà Nội, người gắn bó với chốt trực trên cầu Chương Dương nhiều năm nay. Thậm chí có báo còn cử phóng viên làm phóng sự ảnh về ngày cuối cùng tại nhiệm sở của vị CSGT này.
Vì sao lại thế? Ông Đoàn không phải người nổi tiếng, không phải VIP (nhân vật rất quan trọng), chẳng đóng góp số tiền phạt vi phạm luật giao thông khổng lồ cho ngân sách, tại sao lại được mến yêu đến vậy?
Thứ quý giá nhất mà ông Đoàn đã cho đi trong suốt cuộc đời làm công chức của mình, chính là lòng tốt. Báo chí thống kê, trong suốt hơn 35 năm công tác, Thượng tá Đoàn đã giải cứu thành công hơn 30 vụ người dân có ý định lên cầu nhảy xuống sông Hồng tự tử.
Năm 2005, Thượng tá Đoàn cũng chính là người một mình xông vào toán cướp 10 tên có có hung khí để giúp người dân bị cướp trên đường trên địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội. Nhưng để lập chiến công này, Thượng tá Đoàn đã bị thương đến bất tỉnh. Để ghi nhận sự dũng cảm của ông trong khi làm nhiệm vụ, cuối năm 2005 ông Đoàn đã được nhà nước công nhận là thương binh hạng 3/4.
Một ngày làm việc bình thường của Thượng tá
Thượng tá Đoàn trong một ngày làm việc bình thường.
Những người dân hay qua cầu Chương Dương kể lại, gặp ông Đoàn vui lắm, ngày nào đi qua cũng chào, cánh lái xe đi qua thỉnh thoảng hạ kính dúi cho bác một bao thuốc lá, bọn trẻ con đạp xe đi học qua nhoẻn miệng cười. Ai vừa đi xe vừa nghe điện thoại, thay vì tuýt lại ghi vé phạt, Thượng tá Đoàn nhắc nhở, có cậu thanh niên chưa gài quai mũ bảo hiểm, phóng nhanh, bác bắt đứng lại, đội mũ nghiêm chỉnh, rồi bảo: “Đi đứng thế này thì chết con ơi”.
Có người còn bảo thẳng, làm việc như ông Đoàn thì Nhà nước thất thu tiền phạt.  Tưởng ông Đoàn làm được việc gì to tát, hóa ra toàn chuyện lặt nhặt, thế mà báo chí cũng um xùm.
Một đồng nghiệp của tôi cảm thán: “Thông qua câu chuyện của bác Đoàn mới thấy xã hội này đang khát thèm sự tử tế biết bao nhiêu”.
Đúng thế đấy. Chúng ta khát thèm sự tử tế, lòng tốt và tình người. Chúng ta ước ao những người CSGT tử tế không lấy dùi cui vô tình va vào mặt dân, không vác xe đuổi theo dân dồn ép họ như kẻ phạm tội hình sự, không vạch ví dân lấy “tờ rơi quảng cáo”, không lợi dụng sự sơ hở của dân khi tham gia giao thông để “làm luật” kiếm lời và một gương mặt tươi cười, thái độ hòa nhã, lối cư xử đầy tình người.
Đọc đến đây chắc thể nào cũng có bạn đọc mắng tôi: Bị thần kinh hoang tưởng à, thời nay lấy đâu ra chiến sĩ CSGT tốt thế.
Kể cũng phải thôi, đầu tháng 11 này, Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn về hưu rồi, lấy đâu ra người thứ 2 như thế?
Ngẫm mới thấy đời công bằng lắm, không ai che mắt được thế gian bao giờ. Nếu bạn là người tử tế, sống có trách nhiệm, một công chức tận tụy với công việc, hết lòng vì dân, dân sẽ mến yêu. Còn ngược lại, dù có hô hào và nói thánh nói tướng đến đâu, dân cũng khinh như cỏ rác.
Không biết các lãnh đạo ngành công an có rút ra kinh nghiệm gì từ trường hợp của Thượng tá Đoàn mà giáo dục các chiến sĩ trong lực lượng của mình hay không? “Đối với dân phải kính trọng, lễ phép”, lời dạy của Bác Hồ với lực lượng CAND vẫn còn nguyên đó, nhưng các chiến sĩ CSGT đã ứng xử với dân thế nào để cho cảm tình của dân với lực lượng này lại có vẻ bị giảm sút nhiều như vậy? Đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Một xã hội khát thèm sự tử tế, đến mức một chiến sĩ CSGT tốt bụng về hưu cũng là một sự kiện nóng thì đủ biết chúng ta đang thiếu thốn nó đến mức độ nào. Tại sao điều tốt lại trở thành sự lạ? Tại sao người tốt lại hiếm hoi và dị biệt đến như vậy? Chúng ta- thế hệ những người trưởng thành thật có lỗi khi để cho con cháu mình lớn lên trong một xã hội mà cái tốt bình thường lại trở thành khác  thường như thế.
Vì sao xã hội đối xử với nhau thiếu tình người, ai là người có lỗi? Một người bạn nước ngoài đã hỏi tôi, tại sao người Viêt Nam lại đối xử với nhau như vậy? Ông kể, tôi sang Việt Nam và đã bị sốc khi đi trên phố, một người đàn ông chở hàng hóa cồng kềnh ngã lăn trên đường, nhưng mọi người hờ hững đi qua, không một ai dừng lại giúp ông ấy gom hàng hóa, dựng lại xe?
Tôi thực sự đắng lòng trước câu hỏi này. Tôi đã trả lời ông: Vì chúng tôi đã đánh mất niềm tin vào sự tử tế, chúng tôi không còn tin rằng người tốt, việc tốt sẽ được đền đáp, trân trọng. Chúng tôi buộc phải tin rằng chỉ có đồng tiền mới là thứ vạn năng, có thể sai khiên tất cả, đổi trắng thay đen.
Ông Đoàn về hưu rồi. Lực lượng CSGT bớt đi một người tốt hiếm hoi, nhưng may mắn thay ông không biến mất, ông lại về trong dân để sống nốt cuộc đời tử tế của mình.
Xã hội này vẫn luôn khát thèm cái tốt, đó là bản tính hướng thiện tốt đẹp của con người. Chúng ta buồn vì ông Đoàn về hưu, chúng ta thấy bơ vơ vì xã hội quá thiếu người tử tế, nhưng đừng chỉ buồn không, đừng chỉ than trách chửi bới  không.
Chúng ta sẽ còn thiếu những công chức tử tế như bác  Đoàn nếu mỗi người chúng ta không cố gắng trở thành một bác Đoàn. Một xã hội không thể tốt đẹp nếu mỗi thành viên trong đó không thể cố gắng sống đẹp và làm những điều tốt đẹp.
Và như thế, cái tốt không bao giờ về hưu, không bao giờ chấm hết.
  • Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét