Trang

Nhãn

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

"Số"! (dangcongsan.vn/cpv)

08:10 | 24/11/2014
(ĐCSVN) – Lâu nay, người ta hay bàn về “số”. Có thể có “may rủi”, nhưng cứ “há miệng chờ sung rụng”, hay đi tìm “vận may” ở chốn “linh thiêng” hoặc “chạy chọt” để được danh lợi, thật nguy hại cho dân, cho nước! Có cơ chế nào loại bỏ sự “may rủi” ấy?
 
Cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau để xin ấn tại Đền Trần (Nam Định). Ảnh: Quốc Khánh.
(Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: baotintuc.vn)

Tôi với Hai Lúa tranh luận nảy lửa về chuyện con người có số hay không?

Hai Lúa cứ gân cổ khẳng định: Dứt khoát phải có “số”! Còn tôi bảo: Chỉ có thể là những may mắn nào đó. Cứ ngồi mà trông vào “số” thì có mà chết đói. Có trồng cây mới có mùa gặt hái. Ông cha ta thường dạy: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Khổ luyện thành tài”…

Nhưng Hai Lúa không chịu! Hắn lý sự: Giày dép có số, áo quần có số, báo chí cũng có số báo. Vẫn một ông Tổng biên tập mà có số báo hay số báo dở, thậm chí phải “đính chính”. Vợ chồng cũng do “duyên số”…v.v

Tôi cứ lặng thinh nghe Hai Lúa lý giải,

Hắn tiếp lời: Ông thấy đấy! Trong chiến tranh, có người vừa rời hầm trú ẩn thì quả bom rơi trúng. Có phải bom đạn “tránh” người không?. Có người ra sân bay muộn lỡ chuyến bay đi nước ngoài, nhưng chính chuyến bay ấy gặp nạn, tất cả hành khách và phi hành đoàn tử vong. Số thoát chết! Vậy không phải “số” thì là cái gì!

Quả thực, tôi cũng hơi lúng túng trước Hai Lúa.

- Lại còn chuyện duy nhất, một em bé thoát chết trong 1 vụ máy bay rơi. Nhiều người “làm chơi, ăn thật”. Trong khi đó có người loay hoay đủ nghề vẫn còn nghèo khổ.

- Cái  thằng Hai Lúa này, cũng đưa ra những lý có vẻ thuyết phục ra phết!

Hắn khoe: Có một ông bạn điển hình của sự gặp may. Bạn hắn trong một bữa ăn đám cưới làm quen được với một ông lãnh đạo “khơ khớ”, thế là... được kéo về cơ quan.

Hai Lúa bảo: Cái thằng bạn hắn “dốt lắm”, viết cái đơn xin học cho con không xong, thế mà được sự nâng đỡ của “sếp” đã lên đến cái gì đó, nghe nói “oách lắm”, bây giờ “tóc lúc nào cũng xịt gôm bóng loáng”, “con ruồi đậu lên trượt chân ngã luôn”.

Tôi cãi với Hai Lúa: Bây giờ người ta phải phấn đấu thì mới tiến bộ nhanh như thế chứ! Hoặc là người ta không giỏi chuyên môn thì phải giỏi thứ khác!?

Hai Lúa vỗ đùi đen đét: Cái này thì tôi chịu ông! Công nhận, thằng bạn tôi nó “ít chữ nghĩa”, nhưng có biệt tài “nịnh” sếp, ông ạ.

- Có thế chứ!

Hai Lúa khoe tiếp: Cái thằng ấy còn nhớ được bên nội, bên ngoại của sếp có bao nhiêu “cái giỗ”. Nó thăng tiến nhanh là đương nhiên, thì “không tài cái này, thì nó cũng phải giỏi cái kia chứ!”.

Tôi bảo với Hai Lúa: Sao ông cứ nhớ cái ông bạn “ít chữ” mà “tiến bộ” nhanh thế?

Hai Lúa bảo tôi: Không phải thế, vì nó hay mời mình ăn “cháo lòng”.

- Cái thằng cha Hai Lúa thật lắm chuyện!

Hai Lúa còn cho biết: Có ông Tổng giám đốc, có đến ba, bốn trợ lý. Trong đó, có một trợ lý chuyên lo “phần âm”.

- “Phần âm” là cái gì nhỉ? (Tôi hỏi Hai Lúa)

- Hai Lúa bảo tôi:  Mày suốt ngày “đút chân gầm bàn”, chẳng hiểu cái gì hết!

Hai Lúa giải thích: Trợ lý lo “phần âm”, là làm công việc chọn “giờ đẹp”, ngày đẹp để sếp đi ký hợp đồng, tiếp khách, cho nó “thuận”. “Ngày rằm, mùng một”, phải lo “hương khói”, đình, chùa nào thiêng, phải lo thu xếp để “sếp” đến “lễ tạ” cho chu đáo. Công việc của “trợ lý” này cũng vất vả không kém các trợ lý khác.

Hai Lúa bảo: Cứ vào những dịp “bầu bán”, một số “sếp” vợ con nào chẳng lo quýnh lên đi các đền chùa, miếu mạo “lễ tạ”, để các “đấng” phù hộ, độ trì cho!?

Hai Lúa “tóm lại”: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Đúng là có những chuyện “may rủi”, khó lý giải thấu đáo, đồng thời cũng do cơ chế của ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, khắc phục để công khai, minh bạch mọi việc của đất nước, từng địa phương, để dân giám sát, kiểm tra, nhất là công tác cán bộ, để không còn mảnh đất màu mỡ cho những vị “tài hèn, đức kém” nhưng lại “thành đạt”.

Ở Quảng Ninh và Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thi tuyển bổ nhiệm cán bộ đạt kết quả tốt. Cần tổng kết tiến tới tất cả các chức danh lãnh đạo trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể đều phải qua thi tuyển. Siết chặt và giám sát chặt chẽ các khoản chi tiêu công, bỏ cơ chế “xin-cho”; các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuyển chọn được những cán bộ có đức, có tài; sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp để không thể tham nhũng và cũng không muốn tham nhũng. Lúc đó, ắt hẳn ai cũng phải “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, xã hội sẽ lành mạnh, lòng dân yên ả, “trên dưới thuận hòa”.

Một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sẽ không còn những kẻ “há miệng chờ sung rụng”, câu chuyện về “số má” may mới có hồi kết!.

Anh Hai Lúa, chắc đồng tình chứ!
                                                                                                                                                           
Đào Ngọc Dũng 
-----------
(LT): Ong Tong BT ky nay cung biet sang tac truyen ngan nhi, tuong la ong chi biet ly luan thoi chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét