Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Tham nhũng trong các cơ quan tư pháp diễn ra nghiêm trọng, phức tạp (dangcongsan.vn/cpv)

16:13 | 01/11/2013
(ĐCSVN) – Thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp thời gian qua đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, tình hình tham nhũng trong các cơ quan tư pháp diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Cụ thể, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), trong thời gian 2, 5 năm (từ 01/10/2010 đến ngày 30/4/2013), Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố 69 vụ án với 82 bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp (chiếm khoảng 10% tổng số các vụ án tham nhũng trên toàn quốc). Trong đó, ngành kiểm sát xảy ra 4 vụ với 8 bị can, ngành Công an xảy ra 27 vụ với 36 bị can, ngành Tòa án xảy ra 17 vụ với 17 bị can, Thi hành án xảy ra 19 vụ với 18 bị can.
Riêng trong năm 2013, VKSNDTC đã khởi tố 21 vụ với 20 bị can về nhóm tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Trong khi đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp thì trong khoảng thời gian 2,5 năm trên, riêng VKSNDTC đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%). Nhiều vụ án do VKSNDTC đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 nhưng tài sản sai phạm hoặc thất thoát trên 1 tỷ đồng, có những vụ 6 đến 7 tỷ đồng, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 8/9 bị cáo đã xét xử; Tòa án quân sự Quân khu 3 áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt đối với 10/10 bị cáo...

 
 Tình hình tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: plvn.vn)

Xử lý không đúng pháp luật làm giảm lòng tin của nhân dân
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN). Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật, hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm.
Trong khi các địa phương lại cho rằng, các vụ án tham nhũng phức tạp do các cơ quan ở Trung ương điều tra, truy tố hoặc chỉ đạo xử lý, xét xử không nghiêm minh nên rất khó làm gương cho các địa phương trong việc xử lý án tham nhũng. Nhiều vụ án do Cơ quan điều tra ở trung ương tiến hành điều tra, VKSNDTC tiến hành kiểm sát, sau đó ủy quyền cho Viện Kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung còn cao, có vụ án tham nhũng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời gian xử lý; một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Nhiều vụ án tham nhũng Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo với mức án cao, nghiêm minh nhưng khi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp trên trong đó có Tòa phúc thẩm, TANDTC lại giảm hình phạt, cho các bị cáo hưởng án treo, không bảo đảm tác dụng giáo dục, phòng ngừa và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi.
Theo đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tăng cường chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra tự phát hiện tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; ban hành tiêu chí cụ thể để xác định và xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu, tránh trường hợp người đứng đầu tích cực phát hiện được nhiều tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình thì lại bị coi là nơi để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng phát sinh; tăng cường chỉ đạo công tác phân tích, thống kê thông tin, số liệu về PCTN.
Các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng có biện pháp khắc phục yếu kém trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; tập trung các giải pháp đột phá để phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng lớn.
Mặt khác, cần tập trung lực lượng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực./.

Thu Hằng 
Các từ khóa theo tin:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét