Theo kết quả khảo sát, bất bình đẳng về thông tin đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân.
LTS: Ngày mai (5/11), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Nguyên Lâm về vai trò của Hiến pháp với những tác động cụ thể đến đời sống nhân dân.
Ngay trước kỳ họp Quốc hội bàn và quyết về Hiến pháp sửa đổi, Chỉ số Công lý 2012 đã được công bố.
Theo khảo sát về Chỉ số, tuyệt đại đa số người dân không hề biết hoặc biết rất ít về Hiến pháp. Trong đó, tỷ lệ không hề biết là 2129/5045; biết ít 2778/5045, và chỉ có 136 người biết nhiều.
Con số này khẳng định lại một giả định phổ biến lâu nay cho rằng Hiến pháp là một điều gì đó rất xa lạ với người dân bình thường. Nghiên cứu về các nước khác cũng cho thấy kết quả tương tự.
Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, Hiến pháp lại phải gắn với cuộc sống của người dân, hiện diện trong mỗi phận người, cho dù ngay cả người đó cũng không nhận thấy. Ý niệm và kỳ vọng của người dân về pháp luật và công lý được đo đếm từ các trải nghiệm và tiếp xúc thực tế với cơ quan công quyền, từ thực tiễn, những vấn đề người dân va chạm, cảm nhận và chứng kiến hàng ngày. Không phải những quy phạm trên giấy.
Vậy thì Hiến pháp có thể làm gì để đáp ứng kỳ vọng của người dân về công lý? Trên phương diện này, nhiều phát hiện và kiến nghị của báo cáo về Chỉ số công lý có thể gợi ý cho ĐBQH những ý tưởng trước các vấn đề Hiến pháp từ góc nhìn của người dân.
Muốn tiếp cận công lý, người dân cần thông tin |
Mong đợi đối với sửa đổi Hiến pháp
Không có gì ngạc nhiên khi mặc dù hiểu biết ít về Hiến pháp, nhưng mong đợi của người dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp là rất lớn, làm sao mang lại những gì thiết thân cho người dân. Như một nhóm người dân chia sẻ với chuyên gia thực hiện khảo sát giữa năm 2012, họ không biết Hiến pháp là gì, nhưng lại mong đợi là qua đợt sửa đổi Hiến pháp này cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Điều này càng được phản ánh rõ qua tỷ lệ trả lời câu hỏi về mong đợi của họ đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
Trong đó, khoảng 89% số người mong đợi việc sửa đổi Hiến pháp làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn; gần 80% mong đợi để đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; khoảng 85% mong đợi để đảm bảo các quyền cơ bản của con người; hơn 80% muốn các cơ quan, cán bộ nhà nước làm đúng trách nhiệm và không lạm quyền.
Những mong đợi này trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến đảm bảo công lý trên thực tế. Có thực tế thú vị là, tuyệt đại đa số người được hỏi đã trả lời các câu hỏi về tình hình thực hiện các quyền con người và quyền công dân quy định trong Hiến pháp; đối với hầu hết các quyền, rất ít người không biết hoặc không muốn trả lời.
Như vậy, mặc dù biết ít về bản văn Hiến pháp, nhưng người dân biết và quan tâm nhiều đến các quyền của mình.
Ý kiến của người dân về công lý
Khi được hỏi mong đợi gì từ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong số hơn 150 người nêu ý kiến khác, có khá nhiều ý kiến trực tiếp thể hiện mong đợi về công lý. Người dân muốn đợt sửa đổi Hiến pháp mang lại sự công bằng, bình đẳng; mang lại ấm no hạnh phúc; giúp dân sống tốt, ấm no; dân được hưởng thụ thành quả của phát triển; mọi việc phải rõ ràng, minh bạch, công bằng; quan tâm nhiều đến vùng sâu, vùng xa; xử lý công tâm, công minh; công bằng hơn với người dân; công bằng với mọi người dân; mọi vấn đề được giải quyết công bằng, minh bạch.
|
Tránh nguy cơ "khóa" các quyền hiến định
Muốn tiếp cận công lý, người dân cần có thông tin. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát, bất bình đẳng về thông tin đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân.
Quyền tiếp cận thông tin chưa được đảm bảo tốt thể hiện từ việc đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung, tới việc công khai minh bạch các thông tin về dịch vụ công như xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay các yêu cầu hành chính tư pháp cơ bản như đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh hay hộ tịch.
Thế nhưng, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quyền tiếp cận thông tin (cùng với quyền biểu tình, hội họp, lập hội, tự do báo chí) phải "theo quy định của pháp luật", tức là theo quy định của cả các văn bản không phải do Quốc hội ban hành, thậm chí một quyết định của UBND xã.
Như vậy, quyền hiến định sẽ có nguy cơ bị "khóa" bởi vô số các "quy định pháp luật" nếu các cơ quan nhà nước các cấp muốn vậy. Không những thế, "cái khóa" này cũng sẽ vô hiệu hóa một số quy định khác về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nói chung, việc phân tích sâu hơn kết quả khảo sát cũng cho thấy đánh giá về tính khả thi trên thực tế của các quyền hiến định nhưng chưa luật định thấp hơn nhiều so với các quyền khác.
Đó là các quyền tự do lập hội, quyền biểu tình, quyền tiếp cận thông tin như đã nêu. Đồng thời, theo kết quả khảo sát, nhóm có vị thế xã hội được bảo đảm các quyền cơ bản tốt hơn nhiều so với người nghèo, học vấn thấp, phụ nữ và những người không có vị thế. Nghĩa là còn tồn tại sự bất bình đẳng trong hưởng thụ các quyền.
Như vậy, trong Hiến pháp cũng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội ban hành các luật như Luật Biểu tình, Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội...Những luật này quy định các điều kiện cụ thể để thực thi quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đảm bảo các điều kiện đó một cách bình đẳng, không thiên vị.
Tranh chấp về đất đai
Theo phản ánh của người dân qua khảo sát về Chỉ số công lý, qui định hiện hành về chế độ sở hữu và sử dụng đất đai, thiếu công khai minh bạch về qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương là các nguyên nhân chính làm cho người dân không yên tâm về việc sử dụng ổn định, lâu dài và đầu tư vào đất để sản xuất, kinh doanh.
Gần 43% người được phỏng vấn cho rằng "khiếu nại, tranh chấp về đất đai là vấn đề nóng tại địa phương" nơi họ sinh sống. Báo cáo về Chỉ số công lý nêu rõ: "Điều này một lần nữa khẳng định thực tế, các bất cập về chính sách và quản lý đất đai ở các địa phương đã dẫn tới xung đột, khiếu kiện và khiếu nại đông người".
Trong toàn bộ 513 tranh chấp đất đai ghi nhận từ khảo sát, gần 38% là tranh chấp, khiếu nại hành chính hoặc thậm chí là khiếu kiện cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan tới hỗ trợ, bồi thường di dời, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi được hỏi cụ thể về tình huống giả định về di dời và tái định cư, bất chấp khả năng phải tranh đấu với chủ đầu tư và chính quyền thì đa số người dân trả lời là họ không chấp nhận (mức đền bù chỉ bằng một phần mười giá thị trường) và tiếp tục yêu cầu mức bồi thường hợp lý hơn. Một số người thậm chí chia sẻ là họ không biết phải làm gì.
Những con số này cung cấp thêm các bằng chứng xác thực đâu là nguồn cơn của tranh chấp, bất ổn về đất đai liên quan đến mối quan hệ công - tư. Như vậy các quy định liên quan trong Hiến pháp và Luật đất đai nên được thiết kế theo hướng nào để giảm thiểu rủi ro xảy ra những tranh chấp, bất ổn.
Cũng như thế, con số 62% còn lại là các tranh chấp dân sự về đất giáp ranh với hàng xóm, thừa kế, mua bán nhà/đất, và các vấn đề khác cho thấy, dường như đất đai nhiều phần là cái gì đó thuộc về đời sống "tư", chứ không phải "công".
Cho dù Hiến pháp mà có quy định đất đai "thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu" thì trong tâm thức người dân khi giao dịch pháp lý hàng ngày với nhau, đất đai vẫn là "của tôi", "của anh", "của nó"..., chứ không phải "của toàn dân".
Vậy thì phải chăng bên cạnh những loại đất vẫn thuộc của công, cũng nên nghĩ đến một số loại đất như đất ở thuộc sở hữu tư nhân? Và nếu có dự án của tư nhân mà cần có đất, thì cũng để cho hai bên thương lượng thuận mua, vừa bán, chứ Nhà nước không cần và càng không nên can thiệp vào.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét