09/01/2015
(NCTG) Đó là quan điểm của TBT Stephane Charbonnier, thường được biết đến với tên hiệu “Charb”, nhà hí họa nổi tiếng nhất của tờ tuần báo Pháp “Charlie Hebdo”, được coi là một tượng đài của tờ báo. Cùng các đồng nghiệp hàng đầu trong thể loại biếm họa như Wolinski (Georges Wolinski), Tignous (Bernard Verlhac) và Cabu (Jean Cabut), ông đã qua đời trong cuộc thảm sát ngày hôm qua, 7-1-2015, tại trụ sở tờ báo.
TBT Stephane Charbonnier tại trụ sở của tòa báo “Charlie Hebdo” ở Paris - Ảnh: Jacky Naegelen (Reuters)
Năm nay 47 tuổi, Stephane Charbonnier có một mục riêng trên báo với tiêu đề “Charb n'aime pas les gens” (Charb không yêu con người). Ông nổi tiếng với những ý kiến và quan điểm rất quyết liệt, và luôn luôn hết mình bảo vệ tờ báo mỗi khi nó bị tấn công, cho dù là trong đề tài chỉ trích Đấng tiên tri Mohammad, Hồi giáo, hay Công giáo hoặc ngay cả cánh hữu Pháp.
“Mohammad đối với tôi không phải là Thánh. Tôi không bắt lỗi người Hồi giáo vì họ không thể bật cười khi xem những hí họa của tôi. Tôi sống theo pháp luật Pháp, chứ không phải thứ pháp luật của kinh “Qu'ran” - Chard phát biểu năm 2012, không lâu sau khi trụ sở tờ báo bị ném bom xăng vào tháng 11-2011.
Một phần vì thế mà Stephane Charbonnier đã rất nhiều lần bị dọa giết, và cho đến thời điểm vụ khủng bố ngày 7-1-2015 diễn ra, ông vẫn được cảnh sát bảo vệ. Như một điềm báo trước, trong bức biếm họa cuối cùng do ông vẽ đăng trên “Charlie Hebdo”, ông đã nhắc tới một cuộc tấn công nhằm vào nước Pháp:
Ảnh: “Charlie Hebdo”
- Vẫn chưa hề có vụ mưu sát nào ở Pháp!
- Hãy đợi đấy! (Từ giờ) tới cuối tháng 1 chúng ta còn thời gian cho điều ước đó.
Năm 2013, với sự hỗ trợ của “Charlie Hebdo” và dựa trên những nghiên cứu của một nhà xã hội học người Pháp - Tunesia, Stephane Charbonnier đã ấn hành một cuốn sách với tựa đề “Cuộc đời Mohammad” mà ông cho là có tác dụng giáo dục, làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về tự do ngôn luận ở Pháp.
Trước đó một năm, ông thổ lộ với “Le Monde”, đối với ông, “cây bút không phải là vũ khí, chí là một phương tiện biểu đạt”. Cũng trong năm ấy, trả lời phỏng vấn “Telquel”, vị TBT cho hay: “Tôi không sợ trả đũa, tôi không con, không vợ, không xe hơi, cũng không nợ nần gì. Chắc là nói thì có vẻ hơi khoa trương một chút, nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ!”.
Bức biếm họa định mệnh của Philippe Honoré - Ảnh: “Charlie Hebdo”
Phương châm, thông điệp ấy của nhà hí họa đã trở thành thương hiệu của “Charlie Hebdo”, và là cách hành xử chung của các thành viên báo, những người đã ngã xuống ngày hôm qua. Trong số đó, có họa sĩ Philippe Honoré (73 tuổi), người đã vẽ bức biếm họa mà tờ báo đưa lên trang riêng của mình trên mạng xã hội Twitter, một phần tư giờ trước khi cuộc khủng bố xảy ra...
Trần Lê, theo index.hu
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét