Trang

Nhãn

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Cử chỉ mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại bức tường ngăn cách (vietcatholic.net)

Đặng Tự Do5/26/2014
Hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô cúi đầu cầu nguyện, ép lòng bàn tay của mình chống lại bức tường bê tông, và cụng đầu như muốn xô đổ "bức tường ngăn cách" của Israel được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới như một cử chỉ phản kháng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Công Giáo trước một biểu tượng của sự chia rẽ và xung đột trong một thế giới với quá nhiều những dàn xếp lắt léo mà cuối cùng phần thiệt đè nặng trên vai những người dân nghèo vô tội.

Được xây dựng bởi Israel như một hàng rào an ninh để bảo vệ công dân của mình khỏi bị tấn công sau phong trào intifada lần thứ hai, bức tường dài 438 km này bò như một con rắn chia cách khu vực Tây Ngạn, xuyên qua những dải lãnh thổ Palestine, chia cách các cộng đồng cư dân Palestine. Bên cạnh những thiệt hại kinh tế trầm trọng, nó đã trở thành một biểu tượng của sự chiếm đóng của Israel.


Cử chỉ mạnh mẽ đã được thực hiện ít phút sau khi Đức Thánh Cha thỉnh cầu cả hai bên Palestine và Israel hãy kết thúc một cuộc xung đột mà ngài nói là "càng ngày càng gia tăng đến mức không thể chấp nhận được".

Trong một vùng đất đầy những thù hận, nơi binh sĩ Do Thái lúc nào cũng lăm le súng ống trong tay sẵn sàng bắn chết bất cứ ai có những biểu hiện đáng ngờ, nơi không thiếu những người Palestine ôm bom tự sát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối di chuyển trên xe có kính chống đạn. Trước đó vài ngày, nhà cầm quyền Do Thái đã ra lệnh quản thúc tại gia hàng chục những người Do Thái cực đoan là những người đe doạ sẽ phá hỏng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Nhà chức trách Israel đã áp đặt các biện pháp an ninh chặt chẽ trong chuyến thăm, triển khai thêm 8.000 nhân viên cảnh sát. Hạn chế di chuyển trong thành phố đã khiến một số Kitô hữu phàn nàn rằng họ hầu như không có cơ hội nhìn thấy Đức Thánh Cha. Cũng trước đó vài ngày, Đức Thượng Phụ Fouad Twal phải lên tiếng phàn nàn về những vụ ném đá của người Hồi Giáo Palestine vào những cơ sở Công Giáo.

Đức Thánh Cha đã di chuyển trên chiếc pope mobile lộ thiên, và giữa một rừng người tại quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem mà lực lượng an ninh khó lòng bảo đảm an ninh được, Đức Thánh Cha đã cho xe dừng lại và ngài bước xuống xe đứng im lặng cầu nguyện trước bức tường ngăn cách bên dưới một tháp canh của lính Do Thái, và bên cạnh một bé gái đang cầm trên tay lá cờ Palestine.

Cử chỉ này cùng với lời mời của ngài gởi đến với Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, và Tổng thống Israel , Shimon Peres, cùng tham gia với ngài trong một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Rôma được xem là một sự can thiệp chưa từng có của một vị Giáo Hoàng trong tiến trình hòa bình luôn bị đình trệ tại vùng đất này .

Mặc dù Tòa Thánh luôn khẳng định chuyến tông du này chỉ thuần túy mang tính chất tôn giáo. Trong vùng đất rất nhạy cảm này từng cử chỉ của ngài đều được soi rọi dưới những lăng kính chính trị.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Palestine qua ngã Jordan chứ không phải qua ngã Do Thái như các vị tiền nhiệm của ngài. Năm 2012, Vatican đã chọc giận Do Thái sau khi thúc đẩy Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách quốc gia của Palestine. Dưới ánh sáng của hành động này, việc Đức Thánh Cha quyết định bay thẳng từ Amman vào Bethlehem được giới quan sát coi là một biểu hiện tế nhị trong việc công nhận “quốc gia Palestine”.

Đức Thánh Cha cũng đã trìu mến ôm tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, và trong diễn văn với những từ ngữ được cẩn thận cân nhắc, Đức Thánh Cha đã dùng từ “quốc gia Palestine” và gọi ông Mahmoud Abbas là “người của hòa bình, người xây dựng hòa bình”.

Đức Thánh Cha và toàn bộ đoàn tùy tùng của ngài bao gồm Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Koch, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran .. đã bỏ thời gian thăm và lắng nghe các trẻ em đến từ các trại tị nạn Deheisheh, Aida và Beit Jibrin tại trung tâm sinh hoạt của trại tị nạn Deheisheh.

Hai em bé mặc sắc phục A rập tặng qùa cho Đức Thánh Cha trong đó có một bức tranh và một cánh tay bị cột bởi dây xích.

Ngỏ lời với các em Đức Thánh Cha nói ngài hiểu các ước vọng sâu xa của các em. Nhưng ngài chỉ xin nói với các em một điều: không được dùng bạo lực để đáp trả lại bạo lực. Trái lại cần dùng sự thiện, hòa bình và việc làm kiên trì để trả lời bạo lực.

Những cử chỉ của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa chắc chắn sẽ có những hệ quả trong tiến trình hòa bình tại Thánh Địa, và trong quan hệ giữa người Palestine Hồi Giáo và người Palestine Kitô Giáo.


 



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét