Trang

Nhãn

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Giáo sư Carl Thayer: HD-981 là “quân bài tẩy” của Trung Quốc (ttxva.org)

Published on May 13, 2014   ·   No Comments
GIANKHOAN981-BIENDONG10

Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, hành vi của Trung Quốc là bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp.
Tờ The Diplomat của Mỹ ngày 12/5 đã đăng tải một bài viết của giáo sư Carl Thayer, trong đó đưa ra nhận xét về động thái Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan HD-981 xâm phạm Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 2/5, cho rằng “đây là hành vi gây bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp”.
Nói đây là động thái gây bất ngờ vì sự việc này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc di chuyển giàn khoan vào vùng EEZ của một quốc gia khác mà không xin phép. Trong khi trước đó, quan hệ giữa Trung Quốc – Việt Nam đã đạt được những tiến triển nhất định sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Hà Nội vào tháng 10 năm ngoái.
Trong chuyến thăm, hai bên đã đi đến thống nhất sẽ tiếp tục có các buổi đàm phán xung quanh vấn đề biển đảo. Đặt trong bối cảnh Việt Nam không hề có những hành vi khiêu khích khiến Trung Quốc có lý do để phản ứng từ trước đó, giáo sư nhận định bước đi ngang ngược này của Đại lục là “rất đột ngột”.
Nói hành động của Trung Quốc có tính chất hiếu chiến, khiêu khích là vì nước này đã điều một đội 80 tàu “hộ tống” giàn khoan, trong đó có 7 tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, giáo sư Thayer chỉ rõ.
Khi Việt Nam điều tàu Hải giám tới bảo vệ vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền tài phán, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách ra lệnh cho đội tàu dùng vòi rồng và tấn công có chủ đích vào tàu Việt Nam. Các phản ứng này không chỉ vô cùng nguy hiểm, nó còn gây tổn thất về người và của cho thủy thủ đoàn Việt Nam.
Cuối cùng, ông nói hành động phi pháp của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh biện minh cho hành động của nước này bằng tuyên bố hùng hồn cho rằng giàn khoan của họ đang hoạt động trong “vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc” và không liên quan gì đến Việt Nam.
Nói cách khác, Trung Quốc đã “học tập” Nhật Bản trong tranh chấp với quần đảo Điếu Ngư/Sensaku bằng cách khẳng định nước này không hề có xung đột vào với Việt Nam.
Do vậy, giáo sư Carl Thayer đi đến kết luận Trung Quốc đã tự đặt mình vào một vị thế trước sau bất nhất.
Với Nhật Bản, Trung Quốc điều động tàu quân sự và phi cơ chiến đầu để tranh chấp quyền kiểm soát quần đảo Điếu Ngư/Sensaku, và nước này tìm mọi cách để buộc chính quyền Tokyo thừa nhận có xung đột liên quan tới vùng quần đảo.
Tuy nhiên, với Việt Nam thì Bắc Kinh lại hành xử y như Nhật Bản, phủ nhận thực tế có tranh chấp về mặt pháp lý với chính quyền Hà Nội.
Trong các thông cáo, bà Hoa Xuân Ánh luôn phát biểu một cách chung chung, không đưa ra được các lập luận pháp lý chi tiết để củng cố cho hành động của Trung Quốc, giáo sư nhận xét.
Khẳng định cho rằng giàn khoan HD-981 hoạt động trong “vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc” không hề có căn cứ pháp lý, vì trên thực tế Trung Quốc không sở hữu vùng lãnh thổ nào cách Lô 143 12 hải lý để được quyền đưa ra khẳng định trên.
Các phát ngôn mông lung của Trung Quốc đã khiến giới học giả và giới phân tích tìm kiếm cơ sở cho những bằng chứng pháp lý mà Trung Quốc đã vin vào.
Thứ nhất, vào năm 1996, Trung Quốc đã vẽ ra một đường cơ sở vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có Đảo Tri Tôn. Giới học giả cho rằng Trung Quốc vin vào đảo Tri Tôn để mở rộng thềm lục địa cũng như vùng EEZ của mình.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia có lập trường phản đối lại cho rằng đường cơ sở vẽ năm 1996 không tuân thủ Điều 8 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nên không thể đưa vào sử dụng nhằm xác định chủ quyền trên Lô 143, chưa kể Tri Tôn trên thực tế là một hòn đảo không có người ở.
Nhưng kể cả đặt trong giả thiết cái gọi là “đường cơ sở” kia được chấp nhận, thì vùng EEZ của Trung Quốc đã chồng lấn với vùng EEZ do Việt Nam xác lập, do vậy đây sẽ khu vực được công nhận là vùng xảy ra tranh chấp pháp lý.
Trong trường hợp này, luật pháp quốc tế yêu cầu hai bên cần tham gia vào các buổi đàm phán để thống nhất các điều khoản, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và không được có các hành vi làm phương hại đến hòa bình và ổn định.
Đối chiếu trên thực tế, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan và kéo theo 80 tàu hộ tống là hoàn toàn đi ngược lại các thông lệ của luật pháp quốc tế, giáo sư chỉ ra.
Với cơ sở pháp lý mơ hồ, các chuyên gia đã tìm cách xác định động cơ và mục tiêu của bước đi có tính chất xâm lược này từ phía Trung Quốc, ba khả năng đã được vạch ra.
Đầu tiên, giả thuyết cho rằng việc Trung Quốc định vị giàn khoan HD-981 trong Lô 143 thuộc thềm lục địa của Việt Nam là hành động đáp trả của Đại lục đối với bộ Luật biển được Việt Nam ban hành năm 2012.
Trước khi bộ luật này được Quốc hội Việt Nam thông qua, Trung Quốc đã nhiều lần tạo sức ép chính trị khốc liệt lên chính quyền Hà Nội để ngăn chặn sự việc nhưng không thành.
Kết quả là ngay sau khi bộ luật được đưa vào thực thi, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố một danh sách thầu gồm nhiều lô trên Biển Đông chồng lấn với các lô thuộc vùng EEZ hợp pháp của Việt Nam.
Theo giả thuyết này, tình hình hiện tại chính là hệ quả của việc CNOOC bám trụ và khai thác các lô theo kế hoạch đặt ra ban đầu.
Dưới góc nhìn phiến diện của CNOOC, Lô 143 thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Còn dưới lập trường độc đoán của Trung Quốc, các hoạt động khai thác thương mại trong Lô 143 sẽ vô hiệu hóa các tuyên bố về tài phán chủ quyền của Việt Nam.
Nhưng xét đến chi tiết Trung Quốc điều tới 80 tàu thuyền các loại ra khơi hộ tống giàn khoan, giả thiết này rất đáng nghi vấn.
Rõ ràng đây không phải là một dự án thương mại bình thường, mà là một động thái dọn đường cho âm mưu ngăn chặn Việt Nam bảo vệ vùng EEZ hợp pháp, giáo sư khẳng định.
Chính các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cũng đã dẫn lời quan chức CNOOC tiết lộ họ được lệnh đặt giàn khoan tại Lô 143, bất chấp mối lo ngại của bản thân công ty xét dưới mục đích thương mại, thể hiện bằng khoản chi phí giới lãnh đạo ước tính để duy trì giàn khoan hoạt động cho tới tháng Tám trước khi tạm dừng theo kế hoạch.
Bên cạnh chi phí đắt đỏ, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra rằng tiềm năng khai thác thăm dò thành công kho dầu khí trong khu vực này là khá thấp.
Giả thuyết thứ hai cho rằng Trung Quốc đang hành động nhằm vào hoạt động khai thác của công ty ExxonMobil trong các lô gần đó.
Nhưng giả thuyết này cũng khó xảy ra. ExxonMobil đã hoạt động trong Lô 119 từ năm 2011. Cho dù Trung Quốc từng phản ứng tiêu cực trước việc ExxonMobil giành hợp đồng khai thác khu vực dầu mỏ dồi dào trên, nước này không hề có những động thái phản đối leo thang trong các tháng gần đây.
Thêm vào đó, việc Trung Quốc chuyển giàn khoan vào Lô 143 cũng khó có khả năng làm ảnh hưởng tới hoạt động của ExxonMobil trong các khu vực lân cận.
Cuối cùng, giả thuyết thứ ba từng được công bố trong báo cáo Nelson Report của Washington công bố ngày 6/5, cho rằng hành động của Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước để bày tỏ thái độ trước chuyến công du châu Á gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới bốn nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Trong bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại Manila, để bày tỏ quan ngại trước các tranh chấp lãnh hải ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và các nước đồng minh của Washington trong khu vực, ông Obama tuyên bố: “Các quốc gia và dân tộc đều có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng… Luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, quyền tự do hàng hải phải được bảo đảm và các hoạt động thương mại không thể bị cản trở”.
Trên cơ sở đó, Tổng thống Obama khẳng định: “Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải là bằng các hành động hăm dọa hay sử dụng vũ lực”.
Trước đây, việc chính quyền Tổng thống Obama công khai chỉ trích cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông đã châm ngòi cho cơn giận của chính phủ Bắc Kinh, thêm vào đó, Mỹ còn dành sự ủng hộ hết mình cho Philippines khi nước này đâm đơn kiện Trung Quốc lên trọng tài quốc tế xung quanh các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, trong cuộc phỏng vấn với báo chí Nhật Bản, ông Obama cho biết: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: Quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, do đó nó nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật”.
Tóm lại, giả thuyết thứ ba cho rằng Trung Quốc đang chọn cách đối đầu trực diện với Mỹ để “thử thách” nền móng của chính quyền ông Obama trong việc cân bằng các mối quan hệ đối với các quốc gia châu Á.
Bằng việc phô trương thanh thế trong chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc muốn tìm cách phơi bày sự bất nhất giữa lời nói và khả năng của ông Obama.
Các chuyên gia nghiêng về giả thuyết thứ ba cho rằng Trung Quốc đã đánh trúng vào hạn chế của Tổng thống Obama, trong bối cảnh Mỹ không tạo được ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc khủng hoảng ở Syria và xung đột tại Ukraine. Chớp thời cơ, Trung Quốc bày ra một cuộc khủng hoảng giàn khoan mới để cho quốc tế thấy rằng Mỹ thực chất chỉ là một “con hổ giấy”.
Khả năng thứ ba hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên nó không giải thích cho câu hỏi tại sao Việt Nam lại là trung tâm của khủng hoảng.
Thêm vào đó, nước cờ này của Trung Quốc rất có thể dẫn đến cảnh “gậy ông đập lưng ông” khi được bố trí ngay trước thềm của Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tại Myanmar, với sự tham gia của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Vào ngày 18/3, Trung Quốc và ASEAN đã họp bàn về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) tại Singapore. Theo sau là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc và Tham vấn quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại Pattaya, Thái Lan hôm 21/4.
Mặc dù tốc độ đàm phàn còn khá chậm, có nhiều tín hiệu đáng khích lệ cho thấy niềm tin vào việc xây dựng DOC đã được cải thiện khả quan hơn. Theo lời một quan chức ASEAN nhấn mạnh: “Quá trình (thảo luận với Trung Quốc) còn quan trọng hơn đích đến (đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông COC)”.
Diễn ra trước thềm hội nghị, vụ giàn khoan của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề nóng. Hội nghị đã đưa ra tuyên bố chung lịch sử trong ngày 10/5, khẳng định “sự quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực”.
Qua đây, tuyên bố chung này ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Việt Nam và đặt nền móng cho các tuyên bố tương tự trong tương lai đến từ nhóm lãnh đạo các nước ASEAN.
Theo tuyên bố, các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Đồng thời, các bộ trưởng kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được COC.
Mặc dù tuyên bố chung không gọi tên trực tiếp Trung Quốc, nhưng nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lập trường từng nước thành viên, rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và lãnh hải xung quanh không còn chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Sự đồng thuận của các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ đặt tiền đề về mặt chính trị và ngoại giao bảo vệ Mỹ cũng như các quốc gia khác lên tiếng bày tỏ mối quan tâm của mình.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai khẳng định những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông là do Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực gây ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tung ra thông cáo miêu tả hành động của Trung Quốc là “khiêu khích”.
Quan trọng hơn, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel vừa có chuyến công du tới Việt Nam, ông sẽ là người thẩm định rõ nhất tình hình và quay trở lại Washington báo cáo, từ đó định hình các phản ứng tiếp theo từ phía chính quyền Tổng thống Obama, giáo sư Carl Thayer nhận định.
THEO BIZLIVE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét