(Bình luận) - Vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã lột tả dã tâm của Trung Quốc buộc Việt Nam phải chuẩn bị cho những tình huống không hề mong muốn...
Tình hình khu vực và thế giới đã thay đổi
Trên Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống của cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và Nhà nước Việt – Trung.
Không những Việt Nam, Philipines bị Trung Quốc gây hấn, đe dọa mà ngay cả đối với Indonesia, Malaysia, Trung Quốc cũng nhe răng múa vuốt biến 2 quốc gia này thành đối thủ.
Nga-Trung Quốc tăng cường quan hệ trong tình thế Nga bị Mỹ và phương Tây trừng phạt sau sự kiện Ukraine và Trung Quốc bị liên minh Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Philipines bao vây. Rõ ràng sự bắt tay Trung Quốc và Nga với nhau diễn ra xuất phát từ mục đích chống cùng kẻ thù chung là Mỹ.
Căng thẳng Trung Quốc-Nhật Bản trên biển Hoa Đông đã làm thay đổi Nhật Bản và Mỹ không cách nào khác là khuyến khích Nhật Bản tái vũ trang, thực hiện quyền tự vệ tập thể mà theo đó, Nhật Bản sẽ sử dụng vũ lực trong 3 trường hợp sau: Khi an ninh của Nhật Bản bị đe dọa; khi một đồng minh thân thiết của Nhật Bản bị tấn công và khi một quốc gia bị tấn công đề nghị Nhật Bản điều binh trợ giúp.
Bắt đầu từ đây, Nhật Bản không những là một cường quốc kinh tế, mà thực sự là một cường quốc quân sự hùng mạnh, có vị trí gần Việt Nam nhất trên khu vực Châu Á-TBD.
Có thể nói, thế trận và cục diện địa chính trị trên khu vực Châu Á-TBD đã thay đổi lớn và rất rõ ràng trong đó một điểm đang rất nóng nổi lên có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn trên Biển Đông là Việt Nam một mình đang đối phó với sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam cùng với 134 tàu chiến, hải cảnh, hải giám và máy bay bảo vệ cho hành vi phi pháp của họ.
Việt Nam phải làm gì khi Trung Quốc lấn tới?
Hòa bình và an ninh Việt Nam đang bị đe dọa bởi nước láng giềng Trung Quốc. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt thật của mình là bành trướng, bá quyền nước lớn, hung hăng, ngang ngược, bất chấp đạo lý và pháp lý, quyết tâm cậy mạnh để chiếm trọn Biển Đông.
Với tình hình này, Việt Nam buộc phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống không hề mong muốn, nhưng trước hết là chuẩn bị cho “sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh”. Đó là phải tạo thế và lực cho mình.
Đành rằng Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, lối ngoại giao mềm dẻo, cương nhu của ông cha ta với với anh bạn hàng xóm Trung Quốc.
Truyền thống nhân văn vị tha của tổ tiên chúng ta là đánh thắng nó nhưng vẫn cấp thuyền ngựa cho nó về nước, đánh thắng nó nhưng vẫn giao hảo đàng hoàng… vì thế giới ngày xưa một nước nhỏ ở cạnh một nước lớn có tâm địa bành trướng, luôn cậy đông, mạnh, đi cướp các quốc gia láng giềng nhỏ bé thì biết kêu ai, nhịn nó một tiếng, nhường nó một miếng cho yên cửa, yên nhà, miễn sao nó đừng đụng đến mình.
Nhưng, cả ngàn năm nay dã tâm cướp nước ta, thôn tính nước ta của nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi.
Nhưng, thế giới bây giờ đã khác xưa, đã toàn cầu hóa. Vì vậy, đường lối, đối sách với Trung Quốc của chúng ta cũng không thể vận dụng rập khuôn kiểu ngày xưa của ông cha.
Với chính sách quốc phòng “ba không”, Việt Nam đã tỏ rõ thiện chí hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc bất chấp tất cả, Trung Quốc không muốn như vậy, cái họ muốn lớn hơn nhiều: nhìn thấy cái gì của chúng ta họ cũng muốn giằng lấy rồi la lên là của họ!
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi để thoát ra khỏi cảnh ngang trái bức bách này và vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa Việt Nam-một kiểu xâm lấn mới rất thâm độc và nguy hiểm, nhưng đồng thời nó cũng là một cơ hội.
Việt Nam và Philipines kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Năm 1979, Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn bộ biên giới, Việt Nam đã xác định: Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, là đối tượng tác chiến trực tiếp. Ngày nay, tình thế khác trước rất nhiều, thuận lợi hơn rất nhiều, thì Việt Nam nên chọn bạn mà chơi, chọn “anh em” để giúp nhau khi hoạn nạn mà không ngại chuyện “tế nhị” như trước đây nữa.
Với Nga, khi mối quan hệ Nga-Trung nồng ấm sẽ có sự tác động vào mối quan hệ Việt-Nga. Tuy nhiên, do bản chất mối quan hệ Nga-Trung giống như Liên Xô với Mỹ và Anh bắt tay nhau chống phát xít Đức, cho nên, chắc chắn mối quan hệ Việt Nam-Nga sẽ trở nên tin cậy hơn.
Với Nhật Bản, đây là cường quốc kinh tế, quân sự có vị trí địa lý gần Việt Nam nhất, có cùng với Việt Nam một kẻ thù chung, có tuyến hàng hải sống còn trên Biển Đông và không có một mâu thuẫn nào với Việt Nam về quyền lợi kinh tế, quân sự, ngoại giao và chính trị.
Chỉ cần biết rằng, Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua được “lời nguyền Nhật Bản” và hết triều đại này đến triều đại khác từ cổ cho tới kim, Trung Quốc chưa bao giờ khuất phục được Việt Nam thì mới thấy sự thâm thù, cay cú của chủ nghĩa Đại Hán với 2 quốc gia Việt, Nhật.
Bởi vậy, hợp tác với Nhật Bản chống kẻ thù chung là thượng sách và may mắn là vấn đề này lại phụ thuộc chủ yếu vào Việt Nam.
Với Philippines, tuy là một quốc gia có tiềm lực quân sự yếu nhưng vị trí chiến lược của Philippines và Việt Nam đã biến tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương ngoài phải vượt qua eo biển Malacca còn buộc phải qua “eo biển” Cam Ranh-Subic.
Như vậy, hợp tác với Nhật Bản tạo ra cho Việt Nam về lực, với Philippines tạo ra cho Việt Nam về thế.
Sự thách thức ngặt nghèo, nguy hiểm luôn là điều kiện cho những quyết định táo bạo có tính lịch sử. “Thay đổi cách đánh” trong Điện Biên Phủ là minh chứng và “Thay đổi cách đánh” trong tình hình hiện nay thì có lẽ đã đến lúc Việt Nam phải quyết định.
- Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét