Trang

Nhãn

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

GS Thayer và câu chuyện Tháng Hai (vietnamnet.vn)

 

Nguyên nhân sâu xa chính là việc Việt Nam và Liên Xô ngày 3.11.1978 đã ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trong đó có điều 6 thoả thuận rằng "trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công hoặc bị đe doạ tiến công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước".

LTS: TVN xin đã gặp và phỏng vấn GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, nhân dịp ông sang Việt Nam tham gia đàm thoại trên VTV6. Câu chuyện bắt đầu từ lễ kỷ niệm bỏ cấm vận vừa được tổ chức ở Mỹ...
"Đến bù chiến tranh"?
Thưa ông, vừa rồi bên Mỹ có tổ chức rất hoành tráng ký niệm 20 năm quan hệ kinh tế Mỹ - Việt (người Mỹ không thích dùng từ gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam - 3.2.1994). Trong suốt một thập kỷ rưỡi cấm vận kinh tế, ngoài lý do  rút quân khỏi Căm-pu-chia, người Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải đạt được thành tích tốt trong kiểm điểm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam.
Mỹ đã tham gia nhiều cuộc chiến trên thế giới, chuyện chết không tìm thấy xác cũng thường tình trong chiến tranh, vậy tại sao kiểm điểm người Mỹ mất tích tại Việt Nam lại quan trọng như vậy, là điều kiện tiên quyết cho việc gỡ bỏ cấm vận kinh tế?
Bởi vì tại cuộc chiến tranh Việt Nam lần đầu tiên người Mỹ đã thua trong tủi nhục, và họ không chịu được chuyện đó. Họ dùng chuyện kiểm điểm những lính Mỹ mất tích làm một trong những cái cớ để làm khó Việt Nam, và cũng là cái cớ để xoa dịu những gia đình có người bị chết trong cuộc chiến bại này.
chiến tranh biên giới, cuộc chiến 1979, quan hệ Việt Mỹ, quan hệ Việt Trung
Bộ đội và dân quân Việt Nam sẵn sàng đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu
Trong những năm 1976 -1978, việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bằng cách đặt ra điều kiện tiên quyết cho việc này là Mỹ phải trả khoản 3,25 tỷ USD để tái thiết Việt Nam, theo tinh thần của Hiệp định Paris.Ông nghĩ về sự lỡ hẹn đó như thế nào?
Cũng là tâm lý của người thua cuộc thôi, bởi người Mỹ hiểu rằng khoản tiền này giống như tiền "đền bù chiến tranh" của nước thua cuộc. Và họ đã viện cớ chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vi phạm hiệp định hòa bình Paris để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Còn phía Việt Nam thì không hiểu vai trò Quốc Hội ở Mỹ lại lớn như vậy, khi quyết định các khoản tín dụng như vậy, chứ không phải họ thực hiện theo ý chí của đảng cầm quyền.
Thế tại sao khi Việt Nam đã xuống nước, khi Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền đã tuyên bố ở Tokyo rằng sẵn sàng đàm phán bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vô điều kiện vào tháng 7.1978, Mỹ lại từ chối?
Lúc này, Tổng thống Jimmy Carter đứng trước ba sự lựa chọn:
-       Bình thường hóa quan hệ đồng thời với cả Trung Quốc và Việt Nam.
-       Bình thường hóa với Trung Quốc trước.
-       Bình thường hóa với Việt Nam trước.
Do quyết tâm chơi với Trung Quốc để chống lại Liên Xô, Tổng thống Carter đã chọn khả năng thứ hai, và trong đó có vai trò đặc biệt của Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski. Và việc Việt Nam đưa quân sang Căm-pu-chia tháng 12.1978 và cuộc chiến ở biên giới phía Bắc sau đó 2 tháng đã làm thay đổi tất cả. Mỹ chống lại việc Việt Nam đưa quân vào Căm-pu-chia, và sự việc diễn tiến như thế nào thì anh biết rồi đó.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Carter đã ủng hộ Đặng Tiểu Bình trong sự kiện đầu năm 1979?
Đây là sự nhầm lẫn hoàn toàn. Khi Đặng Tiểu Bình, từ Mỹ về qua Tokyo, đã tuyên bố như vậy, và Washington đã rất tức giận. Mỹ không ủng hộ một nước mang quân sang một nước khác.
Khi Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á vào tháng 11.1978 đã tuyên bố quan điểm của ông ta về Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Brzezinski đã vui mừng nhắc lại với báo chí Mỹ cơ mà?
Brzezinski có quan điểm chống Việt Nam và Liên Xô rất quyết liệt. Lúc đó, Việt Nam vừa mới ký hiệp định đồng minh với Liên Xô.
Như vậy, trong sự kiện đầu năm 1979 ở biên giới phía Bắc Việt Nam, quan điểm của phía Mỹ thế nào?Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, và Việt Nam rút quân khỏi Căm-pu-chia.
Đó là trên lời nói?
Trên thực tế, cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam, với Mỹ, là chuyện của hai nước cộng sản, không mấy đáng quan tâm với Mỹ.
Còn việc Việt Nam rút quân khỏi Căm-pu-chia là đòi hỏi có thực. Bởi ngoài ý nghĩa quân đội Việt Nam có mặt trên đất Căm-pu-chia, các nước ASEAN, nhất là Thái Lan, phản đối rất dữ dội, và họ sợ Việt Nam nhân đà làm tới. Một số nước lại là đồng minh của Mỹ.
Mỹ có ủng hộ Khmer Đỏ không?
Không. Tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ khiến mọi người ghê tởm, và với chính quyền Mỹ cũng vậy.
Thế sao năm 1982, Mỹ ủng hộ Liên minh Dân chủ của Sihanouk, Son San và Khmer Đỏ giữ ghế của Căm-pu-chia trong Liên Hợp Quốc?
Liên minh này do Trung Quốc dựng lên nhằm lấy cái danh tiếng của Sihanouk và Son San để che đi cái tội ác của Khmer Đó. Nhưng Khmer Đỏ lại là lực lượng có thực lực duy nhất ở Căm-pu-chia trong cuộc chiến chống lại quân đội Việt Nam và chính quyền do Việt Nam dựng nên. Mỹ ủng hộ liên minh này vì lý do như vậy, nhưng chính quyền Mỹ đã ra lệnh cho các quan chức không được bắt tay với người của Khmer Đỏ.
Nguyên nhân sâu xa..
Theo ông, sự kiện ở biên giới phía Bắc Việt Nam đầu năm 1979 có hoàn toàn là sự trả đũa?
Việc Việt Nam bất ngờ tấn công Khmer Đỏ và 7.1.1979 giải phóng Phnom - Penh chỉ là nguyên nhân trực tiếp.
Nguyên nhân sâu xa chính là việc Việt Nam và Liên Xô ngày 3.11.1978 đã ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trong đó có điều 6 thoả thuận rằng "trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công hoặc bị đe doạ tiến công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước".
Qua điều 6 của bản hiệp ước dường như người ta hiểu liên minh này nhằm ngăn ngừa mối họa từ đâu. Trong khi đó, Trung Quốc coi Liên Xô là kẻ thù trực tiếp và số một.
chiến tranh biên giới, cuộc chiến 1979, quan hệ Việt Mỹ, quan hệ Việt Trung
GS Carl Thayer. Ảnh: Huỳnh Phan
Thế những sự kiện trước đó, như vấn đề nạn kiều, hay việc Trung Quốc cắt hết viện trợ cho Việt Nam vào giữa năm 1978, được nhìn nhận thế nào?
Đó là những sức ép lên Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm cho tình hình Việt Nam thêm khó khăn, và bắt Việt Nam phải nhượng bộ. Thế nhưng, sau khi gia nhập khối Comecon (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), do Trung Quốc cắt hoàn toàn viện trợ, Việt Nam đã ký hiệp ước liên minh với Liên Xô.
Chính vì vậy, tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức vào 12 năm 1986, Việt Nam đã quyết định đổi mới, và trong chính sách đối ngoại đã xác định "Việt Nam là bạn với tất cả", đặc biệt là không liên minh với nước nào để chống một nước nào.
Lúc đó, hiệp ước với Liên Xô vẫn còn hiệu lực?
Đúng. Nhưng Liên Xô dưới thời Gorbachev (lên từ 3.1985) có đường lối hòa hoãn với Trung Quốc, chủ yếu tập trung cải cách trong nước.
Hiệp ước này, về mặt an ninh, không còn giá trị khi một số hòn đảo tại Trường Sa bị chiếm đóng đầu năm 1988.
Xin cám ơn ông!
Huỳnh Phan (Thực hiện)

Bài liên quan:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét