Trang

Nhãn

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

'Tàn dư thực dân' thì phải phá bỏ? (vietnamnet.vn)

-Có những giai đoạn nhận thức của chúng ta ấu trĩ, chúng ta kỳ thị cả những gì cha ông để lại, cho rằng cái gì của phong kiến cũng xấu. Chúng ta kỳ thị với dĩ vãng của chính chúng ta.

LTS: Vững chãi vượt qua bom đạn, nhưng trong thời bình, cầu Long Biên đã nhiều lần chao đảo với những kế hoạch phá dỡ hay bảo tồn. Hà Nội sẽ thế nào nếu mai này không còn cầu Long Biên? Tuần Việt Nam tiếp tục chuyên đề với góc nhìn của Gs.TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.
Người Pháp làm được điều đáng kinh ngạc
Thưa kiến trúc sư, nhân chuyện bảo tồn cầu Long Biên trở thành tiêu điểm của dư luận,ông có bao giờ hình dung nếu không có cầu Long Biên, không có Nhà Hát Lớn, không có những biệt thự Pháp cổ, hay không có những hàng cây cổ thụ mà người Pháp đã trồng cách đây cả trăm năm, thì Hà Nội sẽ như thế nào?
-Người Pháp đã khởi đầu một công cuộc đô thị hóa mới. Về phương diện kiến trúc, họ đã mở rộng nhiều đô thị vốn có và xây dựng ra nhiều đô thị mới như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang. Dấu ấn đó vẫn còn đến ngày nay, để lại cho chúng ta một di sản lớn.
cầu Long Biên, bảo tồn, di sản, văn hóa, Pháp
Cầu Long Biên 1989. Ảnh: David Alan Harvey
Nói về thành phố Hà Nội mà người ta yêu mến, người ta ghi nhớ, thì chắc chắn là di sản kiến trúc đô thị thời Pháp. Nhiều người nói Hà Nội là thành phố Pháp, cách nói đó cũng không phải không có lý. Vì kiến trúc Việt là kiến trúc phố thị với nhiều phố gộp lại, không quy hoạch, điển hình là khu phố cổ.  Nhưng người Pháp đã biến Hà Nội thành một thành phố có quy hoạch  đô thị rõ ràng: có đại lộ, có quảng trường, có vườn hoa, có biệt thự, có công sở, khách sạn, nhà thương, ga tàu hỏa, có phòng hòa nhạc, thư viện, bảo tàng, hệ thống bưu điện.
Ở Hà Nội, ngay khi người Pháp đặt ách cai trị, những công trình dân sinh rất lớn đã được người Pháp xây dựng. Nhiều công trình trong đó đến giờ ta vẫn sử dụng và ta vẫn chưa thể làm được công trình nào hơn. Dĩ nhiên của cải để làm những công trình đó là cái người Pháp khai thác được từ việc đô hộ nước ta, nhưng phải công bằng nói rằng không hiểu bằng cách nào mà trong thời gian ngắn họ lại làm được nhiều công trình lớn như thế.
Hà Nội bị Pháp chiếm chính thức năm 1888, chỉ vài năm sau họ đã làm cầu Long Biên (xây dựng và hoàn thành từ năm 1889 đến 1893). Đó là công trình hiện đại cả về kỹ thuật và kiến trúc, chưa từng có ở Đông Dương. Vậy mà ngay cùng lúc đó người Pháp làm đường tàu hỏa, đường quốc lộ xuyên Việt. Cũng trong thời gian đó họ làm Nhà Hát Lớn. Chỉ riêng về thiết kế, quy hoạch, chứ chưa nói đến vấn đề đầu tư, xây dựng, thì đó đã là việc kinh ngạc. Mà ở Việt Nam hồi đó chỉ có vài kiến trúc sư người Pháp. Vậy mà người ta làm ra một Hà Nội đẹp và quy củ như thế.
Ngôi biệt thự nào cũng được thiết kế cẩn thận và đến bây giờ ta vẫn phải khen đẹp. Ngôi biệt thự nào cũng có hồ sơ thiết kế đến giờ vẫn được lưu trữ ở Pháp. Họ còn chi tiết đến mức những ngôi nhà đó được xây dựng từ những năm bao nhiêu và đến năm bao nhiêu thì nó hết hạn sử dụng. Chúng ta làm chủ ngôi nhà nó mấy chục năm nay, nhưng chúng ta cũng không biết điều đó.
Trong muôn sự rủi có cái may
Nhưng nói người ta nhớ đến Hà Nội nhờ di sản Pháp, nghe có vẻ hơi cực đoan? Chẳng lẽ ngoài các công trình thời Pháp, Hà Nội không có gì đáng tự hào?
- Trong cái nhìn hiện đại, trong cái nhìn văn hóa ngày nay, mọi tích lũy vật chất và tinh thần của các dân tộc, trừ những ngoại lệ rất là ngoại lệ, thì bao giờ cũng gồm cả sự ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp dưới nhiều dạng. Không chỉ là sự tích tụ được hình thành do nội lực quốc gia, mà sự ảnh hưởng của ngoại bang cũng góp phần đáng kể vào đó. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
cầu Long Biên, bảo tồn, di sản, văn hóa, Pháp
KTS Hoàng Đạo Kính. Ảnh: sgtt.vn
Giờ đây, chúng ta không thể tách di sản văn hóa Chăm ra và bỏ bê việc bảo tồn chỉ vì lý do đó không phải do dân tộc ta làm. Ngay cả sự áp đặt của chế độ thực dân ở nước ta trong 80 năm cũng là một dạng ảnh hưởng như thế. Chúng ta từng có thời gian chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa Trung Hoa, xa hơn nữa là ảnh hưởng của phật giáo Ấn Độ.
Ở thời hiện đại, chúng ta chịu ảnh hưởng cực lớn của văn hóa Pháp. Nước Pháp cai trị Việt Nam trong 80 năm, và cái sự đô hộ của người Pháp để lại nhiều kỷ niệm đau buồn, mất mát cho dân tộc; những tội ác của thực dân Pháp chúng ta cũng đã nói nhiều. Nhưng bên cạnh đó, những gì người Pháp mang tới đã tạo ra những tích lũy vật chất, thay đổi đáng kể đất nước ta - một đất nước phong kiến và nông nghiệp rất lâu đời.
Họ đã tạo ra những đô thị chưa từng có ở nước ta đến thời điểm đó và đưa chúng ta vào một cuộc hội nhập, một cuộc hội nhập không chủ động mà dựa trên sự áp đặt của chế độ đô hộ. Nhưng từ phương diện tích cực, chúng ta đã tiếp cận được rất nhiều ảnh hưởng tốt đẹp từ văn hóa châu Âu, giúp chúng ta hội nhập với văn hóa Âu châu và văn hóa thế giới. Đó là cuộc hội nhập thứ nhất.
Cuộc hội nhập này đạt đến đỉnh cao ở đầu thế kỷ 20, với sự bùng nổ của văn hóa tân thời Việt Nam như là văn học, âm nhạc,  sân khấu, hội họa, kiến trúc. Giai đoạn đó chúng ta đã chứng kiến những thành tựu đỉnh cao, hoàn toàn khác biệt với văn hóa nho học truyền thống. Ngày nay, khi đã độc lập, chúng ta hòa nhập với văn hóa hiện đại rất nhẹ nhàng, tự nhiên so với một số dân tộc châu Á khác như Trung Hoa, Ấn Độ.
Nếu không có giai đoạn 80 năm bị đô hộ, chúng ta sẽ không có một cuộc hội nhập mềm mại như thế. Thế nên tôi nói là, trong muôn sự không may khi chúng ta bị đô hộ, lại có những cái chúng ta được từ đó.
Có một sự thật là trong lịch sử: thời chính phủ Trần Trọng Kim, Thị trưởng Hà Nội là ông Trần Văn Lai đã ra lệnh kéo đổ phiên bản bức tượng Nữ thần Tự do, cùng với nhiều bức tượng khác của người Pháp vì cho rằng đó là một tàn dư của chế độ thực dân. Trong các ý kiến phản đối 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên của Bộ GTVT, có ý kiến cho rằng việc chúng ta chưa công nhận cầu Long Biên là một di tích lịch sử quốc gia để đưa nó vào diện phải được bảo tồn, có thể là một biểu hiện của sự kỳ thị di sản đó. Ông nghĩ sao?
- Có những giai đoạn nhận thức của chúng ta còn ấu trĩ, chúng ta kỳ thị cả những gì cha ông để lại, cho rằng cái gì của phong kiến cũng xấu. Chúng ta kỳ thị với dĩ vãng của chính chúng ta. Giống như thời Nguyễn, tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn đều là xấu.
Tôi nghĩ nó chỉ là vấn đề của thời đại, do hoàn cảnh của lịch sử, rồi nó cũng sẽ qua đi. Dĩ nhiên, với sự ấu trĩ đó, chúng ta đã đánh mất rất nhiều thứ. Chúng ta đã phá hoại rất nhiều ngôi chùa, rất nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng của dân tộc, để đến giờ chúng ta nhận ra chúng ta đang tự bổ chính những nhát cuốc, nhát dao vào chân chúng ta, như những cái cây tự chặt đứt đi một phần gốc rễ của mình.
Tôi nghĩ ngày hôm nay chúng ta không còn tư duy đó. Việc chưa công nhận cầu Long Biên là di tích cũng không phải là kỳ thị.
Xem tiếp kỳ 2: Đừng vá víu mãi chiếc áo rách
 ... Muốn hiện đại hóa ngành đường sắt, đương nhiên ta không thể dùng ga cũ nữa, đương nhiên ta cũng không thể để nó chạy mãi qua Cửa Nam, qua Phùng Hưng, qua cây cầu cũ kỹ như thế. Khi mà ta cứ phải sử dụng mãi cái áo sơ mi cũ, chúng ta chỉ có cách đưa ra những giải pháp rất vá víu nhưng vẫn vô cùng tốn kém. 
Xem bài cùng tác giả
 Chiến tranh biên giới 1979: Không thể quên lãng
Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không thể quên lãng.
Có công thì dân dựng đền thờ
Tiếng nói của người dân là thước đo quan trọng hàng đầu. Như câu của nhà thơ Nguyễn Duy: “Có công thì dân dựng đền thờ” – đó là đền thờ trong tấm lòng mỗi con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét