Phải chăng tàu sân bay Trung Quốc cũng được bảo kê nên có quyền dọa nạt, tự tung tự tác sẵn sàng tấn công các quốc gia nhỏ khác mà không sợ bị giáng trả?
Tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh quốc gia. Không có tàu sân bay, lực lượng hải quân chỉ được gọi là hải quân bờ, bởi, thiếu không quân tham gia, hỗ trợ, thì tàu mặt nước không thể tác chiến xa bờ. Với Trung Quốc, hơn nữa, nó còn là công cụ để thực hiện giấc mơ “cường quốc biển”…Chính vì thế, tàu sân bay là lực lượng luôn luôn mang tính chiến lược, có tính răn đe mạnh của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó.
Tàu sân bay Trung Quốc ra đời trong bối cảnh ngặt nghèo, không thuận lợi.
Về tương quan lực lượng. Đó là khi các hạm đội tàu sân bay Mỹ vượt trội về số lượng và chất lượng, đương nhiên, vượt trội cả bề dày về kinh nghiệm tác chiến, vận hành...đang hoành hoành chiếm thế thượng phong trên Thái Bình Dương.
Về thách thức. Nếu như Liên Xô ngày xưa và Trung Quốc ngày nay tìm trăm phương ngàn kế để tiêu diệt hạm đội tàu sân bay Mỹ vẫn chưa có kết quả, thì tàu sân bay Trung Quốc phải hoạt động trong một khu vực “ao nhà Biển Đông” mà có rất nhiều loại vũ khí tiên tiến, lợi dụng vào địa thế, có khả năng sẽ bị tiêu diệt là rất cao.
Cho nên, nói rằng, Trung Quốc đóng tàu sân bay để cùng với thực lực hiện có, đối đầu với Mỹ và liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản, đánh bật dược Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất là duy ý chí bởi đây là mục tiêu không thể đạt được trong một tương lai gần và khó đoán định trong một tương lai xa.
Thế nhưng, Trung Quốc vẫn đang gấp rút huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh, đóng thêm tàu sân bay mới…phải chăng các nhà quân sự Trung Quốc đang chạy đua tàu sân bay với Mỹ?
Dĩ nhiên họ chẳng dại dột như vậy. Trung Quốc cần phải có tàu sân bay để nhằm vào mục tiêu khác: Các nước nhỏ , yếu, ven Biển Đông.
Khu nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông
Nhật Bản tung tin Trung Quốc đang chuẩn bị tuyên bố khu ADIZ trên Biển Đông. Mỹ hứng tin và cảnh cáo “nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông, Mỹ sẽ thay đổi tư thế quân sự”. Trung Quốc thì tuyên bố mập mờ rằng “ Lập ADIZ trên Biển Đông là quyền của Trung Quốc, nhưng hiện tại thì chưa vì chưa có dấu hiệu an ninh Trung Quốc bị thách thức từ hướng Biển Đông”…
Như vậy trên Biển Đông, có 3 “ông lớn” đã gửi đến cho các nước trong khối ASEAN những thông điệp ý nghĩa khác nhau.
Nhật Bản thì cảnh báo cho các nước ven Biển Đông hành động sắp tới của Trung Quốc để các “tiểu quốc” hiểu rằng, họ và Nhật Bản đều là “nạn nhân” nên phải có biện pháp…với ai đó để ngăn chặn, đối phó.
Mỹ thì sẽ sẵn sàng cho việc bày binh bố trận lực lượng quân sự trên Biển Đông.
Trung Quốc thì đe dọa ASEAN, nếu như các anh phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam ban hành, tức là thách thức đến an ninh, chủ quyền Trung Quốc thì sẽ lập vùng ADIZ. sau khi hạm đội tàu sân bay chính thức đi vào hoạt động…
Khối ASEAN nói chung và các nước ven Biển Đông nói riêng đã trở thành tâm điểm của một cuộc chiến địa chính trị trên khu vực châu Á-TBD. Mỹ và Nhật Bản dùng con bài Trung Quốc để lôi kéo, còn Trung Quốc thì trấn an và đe dọa và chắc chắn việc lập ADIZ trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ là vấn đề khi nào thì hạm đội tàu sân bay đủ điều kiện hoạt động mà thôi.
Sức răn đe của tàu sân bay Trung Quốc là gì?
Có thể thấy, dù Trung Quốc có làm căng với Nhật Bản, khiêu khích Mỹ như thế nào chăng nữa thì Biển Đông mới là mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc.
Với Biển Đông, Trung Quốc bảo vệ được tuyến đường hàng hải sống còn của mình đồng thời khống chế được Nhật Bản. Đây là nước cờ đầu tiên trước khi đi nước cờ thứ hai là chọc thủng chuỗi đảo bao vây trên biển Hoa Đông của Mỹ và Nhật Bản.
Bất luận thế nào, khi cái gọi là “con đường sinh mệnh” của Trung Quốc mà chưa nắm được thì không bao giờ Trung Quốc gây chiến với Mỹ và Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trên Biển Đông, khi hạm đội tàu sân bay hoạt động, lập tức Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ. Đến đây có 2 lựa chọn cực kỳ khó khăn cho các quốc gia ven Biển Đông.
Một là, nếu chấp nhận vùng ADIZ của Trung Quốc thì coi như công nhận chủ quyền của Trung Quốc hoặc nếu không chấp nhận thì phải đối đầu với tàu sân bay của Trung Quốc.
Hai là, với vũ khí tiên tiến hiện đại, lại có ưu thế về địa lý, các quốc gia ven Biển Đông có đủ khả năng để đánh chìm tàu sân bay Trung Quốc, nhưng vấn đề đặt ra là bao giờ và khi nào thì tiến hành?
Nếu bắn chìm nó, tức làm cho hơn 5000 con người phải ôm phao cứu sinh và một tài sản khổng lồ cùng với biểu tượng sức mạnh Trung Quốc chìm xuống đáy biển là sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến toàn lực với Trung Quốc.
Nếu không thì có nghĩa là tàu sân bay Trung Quốc được an toàn, nó sẽ hung hăng phát huy hết sức mạnh, lợi thế, lúc đó, Trung Quốc sẽ áp đặt được những gì họ muốn. Và Biển Đông thành “ao nhà” chỉ là vấn đề thời gian.
Như vậy, sức răn đe của tàu sân bay Trung Quốc có tính răn đe “kép”. Nghĩa là không phải từ chính nó mà từ kẻ “bảo kê” cho nó, trong khi đó nó vừa là công cụ và phương tiện cực kỳ nguy hiểm, lợi hại để đạt được mục đích.
Tàu sân bay Liêu Ninh-biểu tượng sức mạnh Trung Quốc
|
Xung đột quân sự xảy ra, nếu Trung Quốc đưa hạm đội tàu sân bay vào tham chiến, Nhật Bản và Mỹ nếu có điều kiện sẽ không một chút do dự bắn chìm ngay tức khắc, bởi vì Mỹ và Nhật Bản cũng là nước lớn. Nói nôm na là kẻ “bảo kê” cho tàu sân bay ô chưa to bằng Mỹ hay Nhật Bản. Cho nên, mục tiêu tác chiến chủ yếu của tàu sân bay Trung Quốc không phải là Mỹ và Nhật Bản. Nhưng với các quốc gia nhỏ thì sự lựa chọn hết sức khó khăn.
Dấu mốc lịch sử
Với Việt Nam, lịch sử cho thấy đã không dưới một lần kẻ thù buộc Việt Nam phải có những lựa chọn khắc nghiệt như vậy.
Ngày 2/8/1964 Mỹ điều tàu khu trục Maddox khiêu khích trắng trợn Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ buộc Việt Nam phải đứng trước 2 lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc là đụng vào nó là chấp nhận một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân vô cùng khốc liệt của Mỹ vào miền Bắc hoặc sợ, thì chủ quyền Việt Nam bị xâm hại.
Cuối cùng cụm từ “sự kiện vịnh Bắc Bộ” đã xuất hiện trong lịch sử chiến tranh của Mỹ và Việt Nam mà thế giới không lạ lẫm. Việt Nam chọn chủ quyền và sẵn sàng chấp nhận lời đe dọa và hành động của Mỹ sau đó sẽ biến miền Bắc Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”.
Mỹ nói là Mỹ làm và nếu không có hơn 4000 máy bay các loại của Mỹ bị bắn hạ với một “khách sạn Hinton Hà Nội” luôn “hiếu khách” thì tình hình đã rất khác với mọi hình dung, tưởng tượng!
Ngày nay cũng vậy thôi, Việt Nam chọn chủ quyền, vì chủ quyền, Việt Nam dám đánh bất cứ kẻ thù nào xâm phạm.
Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét