Trang

Nhãn

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Phỏng vấn Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, tân Giám Mục Phụ tá Long Xuyên

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện 5/2/2014

Phỏng vấn Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, tân Giám Mục Phụ tá Long Xuyên

LTS. Ngày 5-4-2014, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám đốc Trung Tâm mục vụ Giáo Phận Long Xuyên, Việt Nam, làm tân Giám Mục phụ tá của giáo phận này, và chỉ định cho ngài hiệu tòa Acalisso. Đức Cha Giuse năm nay 59 tuổi, làm linh mục 22 năm, đã từng du học tại Philippines và có bằng Tiến sĩ Giáo dục. Thông tấn xã VietCatholic xin được phỏng vấn ngài nhân dịp này.

Kính thưa Đức Cha, trước hết, trong tâm tình vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, chúng con xin được chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mới. Và Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về giáo phận Long Xuyên, những thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn hiện tại.



Xin cám ơn Thông tấn xã VietCatholic đã hiệp thông tạ ơn Chúa và có lời chúc mừng. Xin cầu nguyện cho toàn thể giám mục trong Hội Thánh và các giám mục Việt Nam của chúng ta, cách riêng cho tôi, đang chuẩn bị lãnh nhận chức vụ giám mục vào ngày 29/5 sắp tới.

Giáo phận Long Xuyên đã kỷ niệm kim khánh thành lập giáo phận năm 2010. Nhìn lại chặng đường trên 50 năm, tôi nhận ra một trong nét nổi bật là Chúa Thánh Thần luôn hoạt động tích cực và hữu hiệu trong từng bối cảnh của giáo phận.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong giáo phận là có một nỗ lực và sự liên tục làm cho Giáo Hội Chúa Kitô hiện diện sống động tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đức Cha Tiên Khởi Micae Nguyển Khắc Ngữ, với lửa nhiệt tâm, đã lập nền tảng và vạch ra một định hướng cho giáo phận theo giáo huấn của công đồng. Đức Cha kế nhiệm Gioan Baotixita Bùi Tuần, với lửa tình yêu, đã hướng dẫn giáo phận, nổi bật là hiện diện và chia sẻ với dân tộc theo tinh thần của thư chung năm 1980 “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Và Đức Cha đương nhiệm Giuse Trần Xuân Tiếu, với lửa hiệp thông, đã đẩy mạnh sinh hoạt mục vụ và truyền giáo của giáo phận theo đường hướng của Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) được chấp thuận trong tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu – Ecclesia in Asia.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong giáo phận là có một gia sản tinh thần do các bậc tiền bối để lại. Đó là là truyền thống đối thoại, phục vụ và hội nhập. Đây là cuộc đối thoại, phục vụ và hội nhập trong một bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế, và niềm tin của người dân miền Tây Nam bộ. Người dân miệt vườn là hiền hòa, dung dị, và thơ mộng như hình ảnh của chiếc thuyền ba lá, nhẹ nhàng, thong thả, nhẹ lướt trên kênh rạch, sẵn sàng ghé bất cứ nơi nào, cũng sẵn sàng ra đi đến bất cứ địa chỉ nào, và sẵn sàng vang xa câu hò dân ca nam bộ như chia sẻ và mời gọi. Còn Hội thánh Long Xuyên hiện diện để đối thoại, phục vụ, và hội nhập như hình ảnh của một dòng nước từ thượng nguồn tràn vào các kênh rạch, ao hồ, ruộng vườn, chuyên chở nước mát cùng với phù sa, tôm cá, hứa hẹn một cuộc sống dồi dào, đồng thời cũng tạo điều kiện cho con người trên những chiếc thuyền ba lá ra đi, gặp gỡ, chia sẻ và giao lưu.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong giáo phận là có một vốn quí về nhân sự. Một tập thể giáo sĩ và tu sĩ khá đông (261 linh mục, 19 phó tế, 86 chủng sinh, 406 tu sĩ nam nữ). Một tập thể ơn Thiên Triệu dồi dào (36 dự tu dự bị, trên 150 dự tu sinh viên, trên 300 dự tu học sinh). Một tập thể tông đồ giáo dân đông đảo (Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, Thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ …). Các tập thể nhân sự này đang chăm sóc mục vụ cho 224.157 giáo dân trong 191 giáo xứ và giáo họ của 9 giáo hạt, và lãnh trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng cho trên 4.783.000 dân cư (theo thống kê năm 2013 của Tòa Thánh), đang sống trong hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, cùng với huyện Vĩnh Thạnh và Quận Thốt Nốt thuộc thành Phố Cần Thơ. Nhìn chung, hàng giáo sĩ và tông đồ giáo dân của giáo phận Long Xuyên là nhiệt tình với giáo phận và gần gũi với đồng bào.

Cũng có một hiện tượng xã hội đang tiếp tục xẩy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là tình trạng di dân. Đa số người trẻ rời xa vùng nông thôn để đi học tại các thành phố. Nhiều gia đình, đa số là thành phần trẻ, rời xa nông thôn để kiếm sống tại các phố thị. Trách nhiệm của Giáo Hội là giúp con cái mình đủ trưởng thành về nhân bản và tâm linh để ra đi, hiện diện, và hội nhập vào một môi trường sống mới. Hiện tượng di dân cũng phải được coi như một thời cơ cho Giáo Hội thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Theo cái nhìn này, thì trách nhiệm của Giáo Hội còn là giúp cho con cái mình, nhất là những người trẻ, đủ trưởng thành đức tin có khả năng đối thoại, phục vụ và hội nhập để thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng trong môi trường sống của mình tại các trường học, các xí nghiệp, nhà máy, chợ búa… Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong giáo phận, và qua giáo phận để mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Long Xuyên thi hành sứ vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Cùng với cộng đoàn, giữa cộng đoàn, và cho cộng đoàn, tôi cũng được mời gọi trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần.

Được bổ nhiệm và thi hành tác vụ Giám Mục thời Đức Thánh Cha Phanxico, người đang là hiện tượng của Giáo Hội và của thế giới, tôi coi Ngài như gợi hứng cho cách sống của một giám mục, và tôi dùng tông huấn Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium của Ngài như cương lĩnh cho đời sống và tác vụ giám mục của tôi. Khi còn là Hồng Y Bergoglio tham dự cuộc họp tiền mật viện của các Hồng Y, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã trình bày viễn ảnh của cá nhân ngài về Giáo Hội hiện nay. Ngài đặt trọng tâm vào sứ vụ Phúc Âm hóa. Giáo Hội phải đi ra khỏi chính mình và đến với vùng ngoại biên hiện sinh để phục vụ con người đang ở ngoài lề xã hội. Đây là hình ảnh về một Giáo Hội đi ra khỏi mình để thi hành sứ vụ Phúc Âm hóa. Hiển nhiên, đây là một lời phê bình về một Giáo Hội “qui ngã”, tách biệt khỏi thế giới, sống đóng khung trong chính mình, vì mình và cho mình. Sự chọn lựa hình ảnh một Giáo Hội phúc âm hóa phải đem lại ánh sáng cho những thay đổi cần được thực hiện trong Giáo Hội. Với định hướng trên, các mục tử phải là những người, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô… sẽ giúp Giáo Hội đi ra khỏi chính mình đến các vùng ngoại biên để “Phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người”. Tại Long Xuyên, đi ra ngoại biên để đối thoại, phục vụ, và hội nhập sẽ là định hướng để giáo phận tiếp tục thi hành sứ vụ của Chúa Kitô trong thế giới ngày nay. Nhựng hành trình ra đi “ngoại vi” để đối thoại, phục vụ và hội nhập, phải được bắt đầu từ “nội vi” nhằm đạt được lý tưởng “tham gia, hiệp thông, và đồng trách nhiệm vì sứ vụ” theo đường hướng của giáo phận sau năm thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận 2010.

Như là hiện thân của Hội Thánh Chúa Kitô tại địa phương, giáo phận Long Xuyên xin hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, cùng với Đức Giáo Hoàng, giám mục đoàn và toàn thể dân Chúa, để cùng với Chúa Kitô ra đi ngoại biên rao giảng niềm vui của Tin Mừng

Xin Đức Cha chia sẻ cho độc giả một vài tâm tình của Đức Cha nhân dịp trọng đại này.

Tôi đã chấp nhận sự bổ nhiệm của Tòa Thánh vì vì sự vâng phục của một linh mục, vì yêu Giáo Hội, nhất là giáo phận Long Xuyên, của người mục tử, và vì tinh thần phục vụ của một người được sai đi đến với con người.

Tôi coi đây như là Thánh Ý Thiên Chúa giống như Ơn Gọi của Chúa dành cho Thánh Giuse, bổn mạng của tôi. Khi cần một người đứng ra che chắn bảo vệ thanh danh của một cô gái không chồng mà có thai, Thánh Giuse là người được chọn. Khi cần một người đứng ra để nhận một bào thai vô chủ, Thánh Giuse là người được chọn. Khi cần một người lao động cật lực để nuôi sống 2 miệng ăn trong cảnh nghèo, Thánh Giuse là người được chọn. Vì được chọn, nên Thánh Giuse đã vâng phục đón nhận Đức Mẹ và Chúa Giêsu vào cuộc đời mình, đã vâng phục bảo vệ Chúa Giêsu khỏi sự truy lùng của vua Hêrôđê, và đã vâng phục dùng hết khả năng của mỉnh để phục vụ Đức Mẹ và Chúa Giêsu tại Nazareth. Chấp nhận chức Giám mục phụ tá Long Xuyên, tôi cũng đón nhận giáo phận Long xuyên và con người trong phần đất An Giang, Kiên Giang, và 2 huyện Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt vào cuộc đời mình để gắn bó, bảo vệ và phục vụ. Nhẫn giám mục là biểu hiện cho giao ước tình yêu này.

Khi xong nhiệm vụ, Thánh Giuse âm thầm rút vào hậu trường. Không ai biết Ngài chết ở đâu, chết lúc nào, chết cách nào. Chọn lựa cách sống khó nghèo và khiêm tốn này thực sự là một chọn lựa lội ngược dòng, nhất là trong bối cảnh ngày nay, xu hướng chung là lấy thành tích, thành công, thành quả là tiêu chuẩn đánh giá một người. Nhưng tôi cũng có thể tìm được niềm vinh dự vì được chọn, vì được sử dụng, và vì có cơ hội phục vụ. Vì, “Vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Kitô”.

Một lời khuyên của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần dành cho tôi là hãy nương tựa vào cộng đoàn. Chính vì thế sau khi sự bổ nhiệm được công bố, tôi đã gửi thư cho Linh Mục Đoàn giáo phận Long Xuyên, cho các Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cho các Chủng Sinh, các dự tu, bạn bè lớp Giuse 66, và các cựu chủng sinh Long Xuyên, xin cầu nguyện và xin nâng đỡ.

Nhân cuộc phỏng vấn này, tôi cũng xin mọi người cầu nguyện và nâng đỡ tôi.

Chúng con biết Đức Cha đã đi theo ơn gọi trong hoàn cảnh khó khăn, và sau này khi đi du học về, Đức Cha đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong giáo phận. (Giám đốc Trung tâm mục vụ và phối hợp các hoạt động mục vụ và truyền giáo, Giám đốc tiểu chủng viện thánh Têrêsa, giảng dạy môn Truyền Giáo học tại Đại chủng viện liên giáo phận Cần Thơ). Xin Đức Cha vui lòng cho chúng con biết đôi nét về hành trình ơn gọi của Đức Cha.

Tôi bắt đầu cuộc hành trình theo đuổi ơn gọi từ rất sớm. Tôi rời cha mẹ từ năm 7 tuổi đến giáo xứ Long Phước Thôn để giúp lễ cha Cố Phêrô Trần Gia Vĩnh (+ 1968). Sau đó, là giúp lễ của cha cố Đaminh Đinh An Khang (+ 2014) tại giáo xứ Thái Bình Xóm Mới, và năm 11 tuổi (năm 1966) vào chủng viện Á Thánh Phụng Châu Đốc; năm 1970, học tại tiểu chủng viện Têrêsa Long xuyên; năm 1974, học triết học tại đại chủng viện Tôma Long Xuyên. Sau năm 1975, không còn chủng viện, tôi được sai đến thí điểm truyền giáo Môi Khôi, Láng Sen, Thạnh Quới để hiện diện, lao động, và phục vụ. Trong thời gian 24 năm hiện diện tại đây (1975-1999), tôi có cơ hội theo học một năm triết do giáo phận tổ chức tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp (1976) và 2 năm thần học tại Tòa Giám Mục (năm 1977 và 1981). Đây là lớp cuối cùng của Đại chủng viện thánh Tôma. Năm 1988, vì nhu cầu mục vụ, tôi được Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần trao chức thánh phó tế. 4 năm sau (năm 1992) tôi lãnh nhận chức thánh linh mục. Tôi tiếp tục ở giáo xứ Môi Khôi với nhiệm vụ là phó xứ. Năm 1999, tôi được Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần gửi đi học tại East Asian Pastoral Institute (EAPI) và sau đó học tại đại học De La Salle, Manila, Philippines. Tôi trở về giáo phận năm 2005 và phục vụ cho đến ngày nay.

Nhìn lại cuộc hành trình theo đuổi ơn gọi Linh Mục gần 50 năm qua, tôi nghiệm ra rằng, Thiên Chúa Cha đã cài đặt trong tôi một ước mơ độc đáo của Ngài dành riêng cho tôi. Chúa Thánh Thần là nhà đào tạo, huấn luyện để tôi từng bước khám phá và thể hiện ước mơ trong tôi. Chúa Giêsu là mô hình tuyệt hảo cho việc thể hiện ước mơ đời tôi. Và cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, chủng viện, xã hội…) là môi trường để ước mơ của tôi được khám phá, được nuôi dưỡng và được thể hiện.

Nghĩ lại, Ơn Gọi thật là một huyền nhiệm. Từ một bài báo trong báo Tuổi Trẻ năm 1990 cho rằng, đến năm 2000, một người trẻ Việt Nam mà không có kiến thức trình độ đại học, không biết một ngoại ngữ, và không biết sử dụng máy vi tính, bị liệt vào những người mù chữ. Tôi chia sẻ cái nhìn này với các bạn trẻ tại giáo xứ Môi Khôi Láng Sen. Và để đi tiên phong, tôi bắt đầu ôn và học Anh Văn, từ văn bằng A, rồi B, rồi C (trước đây trong chủng viện, tôi học Pháp Văn là sinh ngữ chính). Vì có kiến thức Anh văn, nên tôi được trao cho cơ hội đi học tại Philippines, để khi trở về, tôi được trao cho những cơ hội phục vụ giáo phận, và theo một suy nghĩ nào đó, nhờ đó mà tôi được giới thiệu và được bổ nhiệm là giám mục phụ tá.

Bài thánh ca mà tôi chọn để minh họa cho cuộc hành trình ơn gọi của tôi là bài “Tình yêu Thiên Chúa” của Đình Diễn-Thế Thông.

Trong lá thư Đức Cha gửi cho cộng đoàn dân Chúa mới đây, Đức Cha có viết rằng Đức Cha muốn liên kết với Quý Đức Cha tiền nhiệm qua khẩu hiệu Giám Mục: “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô” (x. Gal 6. 14). Xin Đức Cha cho chúng con biết thêm về ý nghĩa huy hiệu cũng như khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha.

Như trên tôi đã trình bày, giáo phận Long Xuyên có một nỗ lực và sự liên tục làm cho Giáo Hội Chúa Kitô hiện diện sống động tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ thời Đức Cha Tiên Khởi Micae, đến thời Đức Cha Gioan Baotixita, và đến thời Đức Cha đương Nhiệm Giuse. Tôi cũng nhận ra tính liên tục trong chức vụ giám mục phụ tá Long Xuyên của tôi vì có sự hiện diện của cả 3 Đức Giám Mục giáo phận Long Xuyên trong cuộc hành trình ơn gọi của tôi. Đức Cha Micae đã tiếp nhận tôi vào chủng viện năm 1966. Đức Cha Gioan Baotixita đã trao chức vụ linh mục cho tôi năm1992. Và Đức Cha Giuse sắp trao chức vụ giám mục cho tôi ngày 29/5/2014. Là hậu duệ của các ngài, tôi ước nguyện sống và thi hành chức vụ giám mục qua khẩu hiệu giám mục của tôi “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Kitô – Mea Gloria est Christi Crux”, bằng cách liên kết với khẩu hiệu giám mục của các ngài. Từ khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Tiên Khởi Micae “Chúa Kitô trong anh chị em” tôi ý thức rằng: “Giám Mục là người đón nhận Thập Giá để phục vụ Chúa Kitô trong anh chị em”. Từ khẩu hiệu“Điều răn mới” của Đức Cha Cố Gioan Baotixita, tôi ý thức: “Giám Mục là người thực hiện Giới Luật Yêu Thương đến hiến mạng sống mình trên Thập Giá”. Và “Để Chúng Nên Một” của Đức Cha Đương Nhiệm Giuse, tôi ý thức rằng: “Giám mục là người xây dựng sự Hiệp Nhất Nên Một nhờ sống Hiệp Thông với Chúa Kitô Vượt Qua trên Thập Giá.”

Huy hiệu giám mục của tôi có nền là cánh đồng lúa chín vàng, biểu hiện cho cánh đồng trù phú và thẳng cánh cò bay của miền đồng bằng sông Cửu Long, như đang đợi chờ đoàn người thợ gặt được Chủ ruộng sai đến, và tôi là một nguòi trong tập thể thừa sai này. Phía trên là ảnh Chúa Chuộc Tội, biểu hiện cho lý tưởng trong khẩu hiệu giám mục của tôi. Ở giữa là tấm bánh được bẻ ra. Hai nửa tấm bánh có màu trắng và màu đỏ biểu hiện cho nước và máu từ cạnh sườn Chúa trên Thập Giá. Tấm Bánh được bẻ ra là biểu hiện thánh lễ tôi hiệp thông với Chúa và với Giáo Hội trên bàn thờ, nối kết với thánh lễ tôi hiệp thông với cộng đồng dân Chúa và dân chúng trong cuộc đời tôi, để đời tôi là một tấm bánh: “Anh chị em hãy lãnh nhận mà ăn, vì đời tôi là tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em”. Phía dưới là chữ M là viết tắt của chữ Misa (Mess-Thánh Lễ, chữ Missio (Mission-Sứ Vụ Truyền Giáo, và chữ Maria (Mary-Mẹ Maria. Chữ là biểu tượng cho sứ vụ của tôi: “M-Missio” là ra đi ngoại biên loan báo tin mừng, M-Misa là trở thành hy lễ được tiến dâng lên Thiên Chúa và trao tặng cho con người, và M-Maria là lời xin vâng như Mẹ Maria. Biểu tượng M-Maria cũng là nhắc nhớ tôi đến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của Mẹ Maria. Luận án ra trường của tôi là nghiên cứu về nền tu đức cho các linh mục triều rút ra từ giáo huấn của Ngài. Thêm nữa, Thánh giá giám mục của tôi là quà tặng của Đức Gioan Phaolô II đã trao tặng Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, thánh giá này được trao lại cho tôi ngay sau khi đài phát thanh Vatican công bố việc bổ nhiệm tôi là giám mục. Trong thánh giá này có hàng chữ “Duc In Altum – Hãy thả lưới chỗ nước sâu” và huy hiệu giáo hoàng của Ngài trong đó có chữ M. Muốn đặt đời giám mục của tôi dưới sự chở che từ mẫu của Mẹ Maria, nên tôi xin được lãnh nhận tác vụ giám mục trong tháng Năm (29/5), tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Đức Cha luôn nhắc đến gia đình Cựu Chủng Sinh Long Xuyên với lòng ưu ái, Đức Cha còn thiết tha mong “có sự hiện diện của gia đình Cựu Chủng Sinh Long Xuyên trong ngày phong chức giám mục” của Đức Cha. Như vậy, thưa Đức Cha, Đức Cha nhận định gì về vai trò của người giáo dân, nhất là những người đã có thời ôm ấp lý tưởng tu trì, trong đời sống Giáo Hội Việt Nam?

Như tôi đã trình bày ở trên, trong dịp được bổ nhiệm là giám mục phụ tá của giáo phận Long Xuyên, tôi đã viêt sáu (06) lá thư, trong đó có thư gửi cho các cựu chủng sinh Long Xuyên.

Tôi nhìn tập thể cựu chủng sinh long Xuyên như một điển hình về truyền thống giáo dục của giáo phận Long Xuyên với 3 sắc thái sau đây: 1) Truyền thống giáo dục nhớ về cội nguồn, biểu lộ bằng lòng thảo hiếu đối các vị ân sư như các cây đại thụ của giáo phận, và cựu chủng sinh Long Xuyên luôn tạo ra những cơ hội để tưởng nhớ và tìm lại “lửa nhiệt tâm”, “lửa yêu thương”, và “lửa Hiệp thông” của các ngài, nhất là Đức Cha Cố Micae. 2) Truyền thống giáo dục tình liên đới cộng đoàn qua hình ảnh của một bụi tre miền tây nam bộ. Tre luôn mọc và phát triển thành bụi. Thế hệ trước chấp nhận cằn cỗi để vươn những nhánh tre ra xa nhằm bao bọc thế hệ măng non khỏi gió bão, và nuôi dưỡng thế hệ sau to hơn, cao hơn, tươi tốt hơn, nhờ đó sẽ được sử dụng phục vụ một cách khiêm tốn cho cuộc sống thường nhật của dân nghèo tại vùng nông thôn. 3) Truyền thống giáo dục tìm gặp nhau tiến về phía trước như một dòng chảy, qua hình ành của hệ thống sông rạch chằng chịt tại vùng Đồng Tháp Mười. Các mương rạch tìm gặp nhau tạo thành một con sông. Các con sông tìm gặp nhau tạo thành con sông cả. Và mọi con sông đều đổ ra biển và tìm gặp nhau nơi đại dương mênh mông. Ở đại dương, dưới ánh nắng mặt trời, nước bốc hơi tìm về trời cao. Dù ở trong giáo phận hay ngoài giáo phận, ở trong nước hay ở nước ngoài, các cựu chủng sinh Long Xuyên luôn được thôi thúc tìm đến nhau, để khích lệ nhau tiếp tục cuộc hành trình cuộc đời với lý tưởng tìm gặp “Chúa Kitô Nơi Anh Chị Em” để phục vụ theo “Điều Răn Mới”, và xây dựng sự “Hiệp Nhất Nên Một” trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong Nước Thiên Chúa.

Tôi cũng nhìn các cựu chủng sinh Long Xuyên như điển hình cho đường hướng của giáo phận trước tình trạng di dân mà tôi đã đề cập ở trên. Các cựu chủng sinh được hướng dẫn trong các chủng viện của giáo phận theo truyền thống giáo dục của giáo phận Long Xuyên, để khám phá ra ơn gọi của mình. Khám phá ra ơn gọi và họ đi ra ngoại biên, ngoại biên ngoài ơn gọi linh mục và tu sĩ, ngoại biên ngòai giáo phận, ngoại biên ngoài quê hương Việt Nam. Đi ra ngoại biên để là hiện thân của Chúa Kitô, mang sắc thái của Hội Thánh Long Xuyên, họ loan báo tin mừng cho muôn dân. Trong làn sóng di dân, giáo dân Long Xuyên cũng như giáo dân Việt Nam cũng vậy. Họ trở thành hiện thân của Chúa Kitô và của Hội Thánh Người, và vì có tính cách trần thế, họ thực sự là muối, là men hiện, là ánh sáng hiện diện trong mọi ngõ ngách của xã hội, những nơi mà vì có chức thánh, hàng giáo sĩ không hiện diện được. Theo hình ảnh của dòng sông An Giang, họ là dòng nước từ Thiên Chúa và từ Hội Thánh, tuôn tràn và thấm nhập, để phục vụ. Muốn được như vậy, họ phải là được đào tạo để họ ý thức về ơn gọi của họ “Cả các anh, các anh cũng đi làm vườn nho cho ta”, và để họ có nhiệt tâm và khả năng tham gia, hiệp thông, và đồng trách nhiệm với hàng giáo sĩ vì sứ vụ. Như vậy, giáo dân vừa là đòi hỏi trách nhiệm vừa là ân sủng đối với một giám mục giáo phận. Đây là trách nhiệm và ân sủng mà ngài được mời gọi tham dự vào mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài; đó là tương quan Cha-con (Thiên Chúa Cha); đó là tương quan Thầy-trò (Chúa Thánh Thần); đó là tương quan Bạn đồng hành (Chúa Giêsu).

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và xin cầu chúc Đức Cha bình an và đầy ơn Chúa trong sứ vụ mà Chúa giao phó cho Đức Cha.

Tôi cũng xin cám ơn VietCatholic, đã cho tôi cơ hội để chia sẻ. Những chia sẻ trên là một lời tri ân, tri ân Thiên Chúa và tri ân mọi người, cách riêng những người nghèo đã âm thầm và quảng đại nâng đỡ tinh thần kể cả vật chất trong cuộc hành trình ơn gọi của tôi, mà chưa một lần tôi gặp mặt, và có thể sẽ không có cơ hội gặp mặt trên trần gian này, để nói lên lời tri ân. Tôi xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho mọi người. Và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét