05/05/2014 16:54 (GMT + 7)
TTO - Từ ngày 6 đến 11-5-2014, ông Thomas L.Friedman - nhà báo, nhà bình luận, tác giả cuốn sách gây xôn xao thế giới Thế giới phẳng - sẽ có chuyến thăm thứ hai đến Việt Nam sau gần hai thập kỷ.
Nhà báo Thomas L.Friedman - Ảnh: NYT
Thông qua những buổi nói chuyện và các buổi tọa đàm, các nhà hoạch định chính sách, học giả và doanh nhân Việt Nam sẽ có cơ hội nghe và trao đổi ý kiến với ông Friedman về những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Những vấn đề đó bao gồm: (i) Những phát triển mới về công nghệ xanh, năng lượng xanh, công nghệ sinh học; (ii) Các tập hợp lực lượng chính trị, kinh tế thế giới đến năm 2030 và tác động đến các quốc gia, khu vực; (iii) Bài học thành công và thất bại của các nước trong 20 năm qua; (iv) Những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Ông Thomas L.Friedman cũng có một số buổi giao lưu với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam nhằm đưa ra các gợi ý quan trọng về phát triển và định hướng cho tương lai. Ngoài ra, Thomas L.Friedman còn có buổi nói chuyện với sinh viên Trường đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM nhằm giúp các sinh viên - thế hệ trẻ của đất nước - có thể tiếp cận những kiến thức mới mẻ và sâu sắc từ một trong những nhà bình luận hàng đầu thế giới.
Từ 14g-16g chiều 8-5, ông Thomas L.Friedman sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: http://tuoitre.vn với chủ đề “Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.
Đây là cơ hội quý giá để bạn đọc cả nước có thể hiểu rõ hơn các xu hướng trên thế giới đang tác động đến Việt Nam ra sao và chúng ta cần tận dụng các cơ hội ra sao để thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Mời bạn đọc bấm vào đây để đặt câu hỏi.
|
Ngày nay, mệnh đề "Thế giới phẳng" đã trở nên quen thuộc và trở thành một sự thật mặc nhiên. Tuy nhiên, vào năm 2005, khi thế giới mới bắt đầu chập chững bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, sự hội nhập giữa các nền văn minh mới chỉ ở trong thời kỳ manh nha, việc nhìn ra được sự phẳng hóa của thế giới không phải là một điều dễ dàng.
Vào thời điểm đó, đã có một nhân vật chứng tỏ được sự quan sát tinh tế và sức phân tích nhạy bén, đó chính là tác giả - nhà báo Thomas L.Friedman. Năm 2005, ông đã phát kiến khái niệm "Thế giới phẳng" và giới thiệu khái niệm này trong cuốn sách cùng tên, gây ra tiếng vang lớn trong cộng đồng bạn đọc.
Thomas L.Friedman (sinh năm 1953) là một nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ về quan hệ quốc tế, toàn cầu hóa và môi trường. Ông phụ trách một chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times.
Điểm lại các phóng sự của Friedman, có thể thấy Thế giới phẳng không phải là tác phẩm đầu tiên tác giả đưa ra những khái niệm, những ý tưởng và những nhận xét mới mẻ đối với công chúng.
Năm 1999, khi thế giới vẫn còn đang tranh cãi có nên hay không tiến hành toàn cầu hóa, Thomas L.Friedman đã xuất bản cuốn sách Chiếc Lexus và cây ôliu, khẳng định toàn cầu hóa không phải là một trào lưu thời thượng mà là một thực tế khách quan, trực tiếp hay gián tiếp tác động đến chính trị, môi trường, địa chính trị và kinh tế của hầu như mọi quốc gia trên thế giới.
Đồng thời cuốn sách cũng chỉ ra rằng cạnh tranh toàn cầu suy cho cùng chính là sự xung đột giữa “nhiều điều mới mẻ” với “những thứ cũ xưa” được ẩn dụ trong hình tượng “chiếc Lexus” hiện đại của Hãng Toyota - nằm ở phía nam Tokyo và “cây ôliu” già cỗi bên bờ sông Jordan.
Tiếp tục chủ đề toàn cầu hóa, năm 2005 Thomas L.Friedman đã xuất bản cuốn sách Thế giới phẳng. Có thể nói đây chính là tác phẩm làm nên tên tuổi của Friedman, ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy quan hệ quốc tế, thay đổi nhận thức về cách vận hành của thế giới. Bằng những minh chứng thực tiễn và đầy sinh động, Friedman đã thuyết phục chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới, một thế giới phẳng về mặt kinh tế, hay đúng ra, đang được san phẳng vì đang được biến thành siêu nhỏ.
Không chỉ gói gọn trong các tác phẩm về toàn cầu hóa, Thomas L.Friedman còn thể hiện tài mô tả thế giới của mình trong hàng loạt tác phẩm về những vấn đề toàn cầu. Năm 2002, ông đã xuất bản cuốn sách Kinh độ và thái độ: khám phá thế giới sau sự kiện 11-9, mô tả một cách chân thực cảm xúc của người dân Mỹ xung quanh cuộc tấn công 11-9. Từ đó giúp những nhân vật trong tác phẩm cũng như chính những người Mỹ nhận ra bản thân trong một thế giới mới đầy phức tạp.
Năm 2009, trong cuốn sách Nóng, phẳng, chật, Thomas L.Friedman đã trình bày về sự nghiêm trọng của vấn đề khí hậu và vấn đề năng lượng cũng như sự cần thiết của một cuộc cách mạng xanh.
Thế giới phẳng |
Chiếc Lexus và cây ôliu |
Cuốn sách Đã từng là nước Mỹ - đồng tác giả với Michael Mandelbaum xuất bản năm 2011 - là cuốn sách mới nhất của Thomas L.Friedman. Trong cuốn sách này, hai tác giả đã vượt lên trên những định kiến, phân tích bốn thách thức lớn nhất của nước Mỹ, bao gồm: toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ thông tin, sự thâm hụt cán cân thanh toán và khối lượng tiêu thụ năng lượng. Đồng thời cuốn sách cũng chỉ ra sự tê liệt trong hệ thống chính trị và sự xói mòn của những giá trị Mỹ là những nguyên nhân chính khiến nước Mỹ không thể thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết những thách thức này.
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ về những chủ đề phong phú, Thomas L.Friedman đã chứng tỏ tài quan sát sắc sảo, nhạy bén cùng với khả năng làm việc không ngừng nghỉ.
Cho đến ngày hôm nay, sức quan sát và tài viết lách của Friedman vẫn tiếp tục được thể hiện qua các bài báo của ông trên tờ The New York Times. Hàng loạt bài báo gần đây của ông vẫn liên tục nhận được sự quan tâm của dư luận như Ai ảnh hưởng đến ai; Tất cả là về ngày 25/05; Tiến lên, Vladimir (về cuộc khủng hoảng Ukraine); Làm thế nào để xin việc ở Google; Những chuyến đỗ tại Bắc cực…
Có thể thấy với vai trò là một nhà báo - một nhà bình luận, Thomas L.Friedman đã làm tốt vai trò mô tả thế giới, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh và bản chất về những thay đổi trong cuộc sống đương đại.
TS HOÀNG ANH TUẤN
(viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)
(viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét