Đôi lời: Tối qua, Đài truyền hình VN – VTV đã trình chiếu bộ phim “Bình Nhưỡng ngày này”.
Trước đó, họ đã liên tục giới thiệu trong nhiều ngày, với những lời lẽ nức nở ngợi ca xã hội Bắc Triều Tiên trong bộ phim mà mình đã công phu cử phóng viên sang Bình Nhưỡng thực hiện.
Tin loan ban đầu là phim sẽ được chiếu vào ngày 4/12, thế nhưng đã … hoãn dài ngày. Tại sao vậy? Thử đi tìm lời giải đáp, thì rất có thể nó liên quan tới thông tin động trời về nhân vật quyền lực thứ hai của Bắc Triều Tiên – Jang Song-thaek, chú dượng Kim Jong-un bị tước mọi quyền lực, được Cơ quan Tình báo Hàn Quốc tiết lộ ngay trước đó 1 ngày, 3/12/2013.
Thế rồi vụ xử tử rất nhanh chóng Jang Song-thaek đã làm cả thế giới kinh ngạc về một chế độ man rợ như thời Trung cổ, mặc dù nó đã chứng tỏ điều đó quá nhiều, quá lâu rồi. Cả thế giới còn được biết tới thứ “tội” quái đản chưa từng thấy của ông ta, được đưa hẳn vào “Cáo trạng” là đã “miễn cưỡng đứng lên, miễn cưỡng vỗ tay” khi Kim Jong-un được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; lại cả lời đánh giá ông “tệ hơn cả một con chó” v.v..
Những tưởng Đài THVN sẽ bỏ luôn bộ phim đó, vì dẫu có nức lời ca ngợi mà không biết ngượng mồm đến đâu chăng nữa, dù có “chót” thực hiện những hình ảnh mà cả thế giới đều quá biết là dối trá hoàn toàn, thì cũng phải có độ dừng ở thời điểm này, để còn có chút ít gì với hậu thế, với hàng chục triệu người dân Bắc Triều Tiên đang rên siết dưới thể chế cộng sản trại lính có một không hai còn tồn tại này. Vậy mà họ vẫn cố kiết đem ra công chiếu.
Đài THVN muốn gửi thông điệp gì đây tới người dân nước mình? Hay đơn giản nó chỉ là bài “sát hạch” của ông TGĐ Trần Bình Minh cho cuộc chạy đua vào chiếc ghế Trưởng ban Tuyên giáo trong Đại hội 12 tới?
Xin được giới thiệu 2 bài viết, 2 video liên quan (toàn bộ cuốn phim dài 25 phút ở cuối bài).
BT
—
Phim tài liệu “Bình Nhưỡng ngày nay” lên sóng VTV1
Thứ hai 02/12/2013 19:15
(VTV Online) - Phim tài liệu Bình Nhưỡng ngày nay do các phóng viên Đài THVN sản xuất sẽ cung cấp những góc nhìn mới nhất về Triều Tiên. Phim sẽ lên sóng VTV1 ngày 4/12.
Được xem là đất nước bí ẩn nhất thế giới, Triều Tiên luôn là một ẩn số khiến ai cũng tò mò muốn khám phá. Cùng với 150 phóng viên quốc tế đến từ hơn 100 cơ quan thông tấn báo chí khắp nơi trên thế giới, 3 phóng viên Thời sự, Đài THVN đã tới Bình Nhưỡng đúng dịp kỉ niệm 60 năm ngày mà Triều Tiên gọi là “Ngày chiến thắng”. Ấn tượng về chuyến đi này đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu Bình Nhưỡng ngày nay.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên phóng viên của Đài THVN được mời đến Triều Tiên đưa tin, tuy nhiên, đây có lẽ là lần hiếm hoi mà ống kính của VTV ghi được những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống, con người ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Trái với những gì thế giới nghĩ về một Triều Tiên nghèo nàn và kiệt quệ, thủ đô Bình Nhưỡng xuất hiện qua ống kính các phóng viên Đài THVN là một thành phố được qui hoạch hiện đại và văn minh ngoài sức tưởng tượng.
Phim tài liệu Bình Nhưỡng ngày nay do Ban Thời sự, Đài THVN sẽ lên sóng trên kênh VTV1 vào 20h5 ngày 4/12. Mời quý vị chú ý đón xem!
VTV kết nối
—————
“Bình Nhưỡng ngày nay”: Lời giải đáp về “đất nước bí ẩn nhất thế giới”!
Thứ ba 03/12/2013 06:05
(VTV Online) - Là một trong 3 phóng viên của VTV được cử đến Triều Tiên tác nghiệp trong dịp đất nước này kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng, PV Nguyệt Hà – Ban Thời sự, Đài THVN – nhận định bộ phim Bình Nhưỡng ngày nay khi lên sóng sẽ là lời giải đáp chính xác cho khán giả Việt Nam về “đất nước bí ẩn” nhất thế giới này.
Cuộc trò chuyện của tôi với PV Nguyệt Hà diễn ra khi bộ phim đã được hoàn thành và chỉ chờ ngày lên sóng. Những gì chị chia sẻ trong cuộc trò chuyện này xoay quanh những cảm nhận khi lần đầu tiên được đặt chân đến CHDCND Triều Tiên và chứng kiến cuộc sống hiện đại tại Thủ đô Bình Nhưỡng.
Cùng với đó là lời tâm sự về những khó khăn mà đoàn PV VTV gặp phải trong những ngày tác nghiệp trên nước bạn, những tiết lộ về thông điệp bộ phim và mong đợi sự đón nhận bộ phim từ khán giả khi Bình Nhưỡng ngày nay chính thức phát sóng.
PV Nguyệt Hà tác nghiệp tại lễ duyệt binh ở Quảng trường Kim Nhật Thành
Đây có phải lần đầu tiên chị được mời đến Triều Tiên đưa tin?
Đây là lần thứ hai một đoàn phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam được mời đến Triều Tiên đưa tin về các hoạt động kỷ niệm tại đất nước này. Nhưng đối với tôi, phóng viên Quang Minh và quay phim Việt Anh của Ban Thời sự, đây là chuyến công tác đầu tiên đến CHDCND Triều Tiên.
Chúng tôi nằm trong số 150 nhà báo từ gần 100 cơ quan thông tấn báo chí quốc tế được mời tới đưa tin về các hoạt động kỉ niệm 60 năm ngày kí hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, mà Triều Tiên gọi là Ngày chiến thắng (27/7/1953 – 27/7/2013). Cùng với các nhà báo quốc tế, đoàn phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã có cơ hội hiếm hoi được tận mắt quan sát cuộc sống tại thủ đô Bình Nhưỡng trong dịp lễ đặc biệt của đất nước này.
Và đây cũng có lẽ là lần hiếm hoi ống kính các phóng viên VTV ghi được những khoảnh khắc, hình ảnh đáng nhớ, sinh động, chân thực và ít được biết tới về cuộc sống tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên – quốc gia khép kín nhất thế giới.
Có mặt tại đây vào những ngày đất nước này kỉ niệm “60 năm Ngày chiến thắng”, chị cảm nhận như thế nào về cuộc sống nơi đây? Có gì khác so với những suy nghĩ của chị không?
Có chứ! Chúng tôi đều có cảm nhận giống nhau: thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên là một thành phố văn minh, hiện đại. Người dân Triều Tiên là những con người đầy ý chí, đầy nội lực và có tinh thần dân tộc rất cao.
Vậy điều gì làm chị thấy ấn tượng nhất về một đất nước vốn được xem là bí ẩn nhất thế giới này? Phải chăng người dân Bình Nhưỡng cũng “bí ẩn” không kém đất nước của họ?
Đến Bình Nhưỡng, tôi nhận thấy sự ưu tiên phát triển kinh tế đang đem lại sự thay đổi trong đời sống người dân. Chế độ tem phiếu đã giảm dần thay bằng sử dụng tiền mặt, xe hơi nhập ngoại và nhà hàng xuất hiện ngày một nhiều dù tất cả vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, đã xuất hiện siêu thị cho người nước ngoài và người Triều Tiên với chế độ 2 giá, người dân Triều Tiên giờ đây tiêu ngoại tệ rất nhiều, sử dụng điện thoại di động dễ dàng hơn (tuy Internet hay điện thoại quốc tế vẫn là điều không thể), người có tiền đổ đến các nhà hàng, thanh niên ăn mặc đã cởi mở hơn vài năm trước…
Không những thế, cuộc duyệt binh kỉ niệm 60 năm ngày đình chiến trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của khoảng 1 triệu người tại thủ đô Bình Nhưỡng, với những vũ khí tự chế hiện đại nhất nhằm gửi bức thông điệp về sức mạnh quân sự của Triều Tiên đến mọi người cũng khiến tôi và cả ê-kíp bị choáng ngợp. Tôi còn ấn tượng với màn đồng diễn Arirang lớn nhất thế giới của người dân Triều Tiên trong dịp lễ kỉ niệm đặc biệt này.
Khu Hong Kong được xây dựng hiện đại tại Thủ đô Bình Nhưỡng
Nói về bộ phim tài liệu “Bình Nhưỡng ngày nay”, khán giả đang rất tò mò về nội dung phim trước ngày lên sóng. Chị có thể chia sẻ một chút được chứ?
Bộ phim sẽ mang hình thức là ký sự, kể về một chuyến đi của các phóng viên đến thủ đô Bình Nhưỡng, những điều tai nghe mắt thấy, những câu chuyện bình dị và lồng vào đó là những lời giải thích về những chuyển động trong đời sống kinh tế, xã hội của Triều Tiên. Phim sẽ cung cấp cho khán giả truyền hình Việt nam những góc nhìn mới nhất về Triều Tiên mà có lẽ ít ai biết được.
Còn những thông điệp chính mà bộ phim tài liệu này muốn truyền tải là gì, thưa chị? Vì phần lớn khán giả đều cho rằng Triều Tiên nói chung và thủ đô Bình Nhưỡng nói riêng vốn không có sự văn minh, hiện đại.
Bộ phim mang hai thông điệp. Thứ nhất là phản ánh thành phố Bình Nhưỡng văn minh, hiện đại, phát triển, đặc trưng cho những chuyển đổi về cải cách kinh tế tại Triều Tiên. Và thông điệp thứ hai chính là về bầu không khí chiến tranh vẫn xuất hiện tại nơi đây. Khi chỉ có Hiệp định đình chiến được kí trên bán đảo Triều Tiên, bầu không khí ấy vẫn “len lỏi” trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong suy nghĩ của người dân, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, trong những thông điệp từ các cuộc duyệt binh được tổ chức ngày càng nhiều hơn tại Thủ đô Bình Nhưỡng.
Vậy với chị và các đồng nghiệp, điều gì là khó khăn nhất để có thể truyền tải đầy đủ thông điệp đó tới khán giả trong bộ phim này khi không hề có một kịch bản nào được soạn sẵn?
Đúng là không có một kịch bản nào được dựng sẵn như bạn nói vì đến giữa chuyến đi, đoàn phóng viên vẫn chưa chắc chắn được rằng liệu có đủ những chất liệu để làm phim hay không. Bạn phải biết, đến Triều Tiên có những nguyên tắc (nhất là với giới báo chí): khi tác nghiệp ở đâu phải luôn có người dẫn đi, không tự ý đi ra khỏi khách sạn và tất nhiên lịch trình làm việc được giữ bí mật đến phút chót. Chúng tôi chỉ biết đến lịch làm việc trước khi lên xe buýt vài phút.
Nhưng rất may, trước chuyến đi, đoàn PV Đài THVN đã có liên hệ với Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội nhờ tác động và giúp đỡ. Do vậy, khi sang Bình Nhưỡng, vào ngày cuối cùng, đoàn chúng tôi được phía Triều Tiên đưa đến một địa điểm theo yêu cầu của VTV để ghi hình cuộc sống ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Và có lẽ đoàn PV VTV là đơn vị hiếm hoi trong số các Đài truyền hình quốc tế được tiếp cận đầy đủ hơn với cuộc sống Bình Nhưỡng để có được những thước phim chân thực ở nơi đây để truyền tải tới khán giả.
Điều khó khăn nhất với chúng tôi chính là việc không được đáp ứng yêu cầu đến ghi hình tại những địa điểm mong muốn như nhà máy, trường học, nhà dân. Và vì thế, chúng tôi đành chọn cách làm ký sự để truyền tải nội dung mình thu nhận được.
Đoàn PV Ban Thời sự trong những ngày tác nghiệp trên nước bạn
Không được chuẩn bị trước kịch bản như vậy hẳn sẽ ảnh hưởng đến nội dung của bộ phim? Có đoạn phim nào quay hỏng không, thưa chị? Chị và các đồng nghiệp đã làm gì để khắc phục điều đó?
Đúng là cũng có chút ảnh hưởng vì kì vọng của chúng tôi trước chuyến đi không được đáp ứng như mong đợi, mặc dù đoàn PV VTV được nước bạn ưu ái rất nhiều so với các đoàn báo chí quốc tế khác. Song, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để truyền tải một cách sống động và chân thực nhất bầu không khí tại Bình Nhưỡng đến khán giả truyền hình vì chúng tôi có may mắn tiếp xúc với những người biết nhiều về Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và được các cán bộ Đại sứ quán Việt nam tại Bình Nhưỡng giúp đỡ khá nhiều.
Có một đoạn phim Bình Nhưỡng về đêm rất đẹp, chúng tôi quay trong đêm đầu tiên đến Bình Nhưỡng khi được xe của Đại sứ quán Việt Nam đưa ra ngoài tác nghiệp nhưng đoạn phim đó do nhầm lẫn đã bị xóa mất, dù chỉ quay trong vài phút. Vậy nên, chúng tôi đành chọn giải pháp trèo lên bậu cửa sổ từ khách sạn và quay cảnh thành phố trong đêm (cười). Rất may là chúng tôi được ở trên tầng khá cao trong khách sạn Yanggakdo ở Bình Nhưỡng nên có thể tự “sữa chữa lỗi lầm”.
Khó khăn, vất vả khi tác nghiệp ở Triều Tiên là điều có thể nhận thấy. Song, có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc này?
Thực ra, được khám phá một đất nước bí ẩn như Triều Tiên là mong ước của bất kì phóng viên nào, trong đó có tôi. Có lẽ vì thế mà các phóng viên quốc tế đến Triều Tiên đều cố gắng ghi lại rất nhiều hình ảnh, từ việc quay tấm thẻ lên máy bay, quay bát mì lạnh, quay chai bia của Triều Tiên cho đến các cô chiêu đãi viên Triều Tiên xinh đẹp. Tóm lại, chúng tôi “đói” thông tin về Triều Tiên lắm, nên đến Triều Tiên là chộp ngay lấy cơ hội may mắn này. Và tôi tin ai đến đó rồi cũng muốn quay trở lại! Và tất nhiên là tôi chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ công việc của mình!
Lễ duyệt binh hoành tráng tại Bình Nhưỡng
Quay trở lại bộ phim tài liệu “Bình Nhưỡng ngày nay”, trong suốt những ngày tác nghiệp trên nước bạn, kỉ niệm nào là đáng nhớ nhất với ê-kíp sản xuất, thưa chị?
Thực ra, mỗi người có những kỉ niệm đáng nhớ khác nhau, tùy theo suy nghĩ, tính cách. Với PV Quang Minh và quay phim Việt Anh, họ cho rằng kỉ niệm đáng nhớ nhất của họ là chuyến đi quay ban ngày trên đường phố Bình Nhưỡng trong ngày thứ 3 tác nghiệp tại đây. Lúc đó, họ đi theo xe Đại sứ quán để ra ngoài vì đi như vậy mới không gặp rắc rối về thủ tục. Và khi những người dân Bình Nhưỡng nhìn thấy một chiếc ô tô với một quay phim người nước ngoài đang ghi hình từ trên xe, lập tức họ chép biển số xe, rồi đi báo trật tự viên nên dù chỉ ngồi trong ô tô thôi, đoàn VTV cũng không dám tác nghiệp thêm nữa.
Với riêng tôi, kỉ niệm đáng nhớ nhất là được chứng kiến tận mắt 2 sự kiện hoành tráng trong lịch sử thế giới: lễ duyệt binh trên quảng trường Kim Nhật Thành và màn trình diễn tập thể Arirang (đã lọt vào sách kỉ lục Guiness về số người biểu diễn). Ở lễ duyệt binh, cái cảm giác mặt đá trên quảng trường bỗng rung lên rầm rập, trước khi gần 1 triệu người duyệt binh tiến vào khiến tôi không thể nào quên được, hay tiếng hò reo như sấm “Manse” của người dân Triều Tiên khi nhìn thấy lãnh tụ của họ bằng xương bằng thịt xuất hiện trên khán đài.
Quay phim Việt Anh trong đoàn từng đưa tin về lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mát-xcơ-va của Nga cũng phải thán phục và thừa nhận rằng về số lượng người duyệt binh và độ chuẩn xác thì Triều Tiên là nhất thế giới. Còn ở màn đồng diễn Arirang, tôi cũng có một cảm giác choáng ngợp khi 150.000 vận động viên đồng loạt xuất hiện và biểu diễn đều tăm tắp, không lệch một nhịp, không sai một chi tiết nào.
Đó chính là những kỉ niệm sẽ khiến ai đến Triều Tiên và chứng kiến sẽ không quên được, kèm theo câu hỏi: Tại sao con người họ lại có ý chí và rèn luyện đến đỉnh cao như vậy?
Rất đông các phóng viên báo chí cũng đến đây tác nghiệp
Vậy, chi tiết nào sẽ gây được sự chú ý nhất cho khán giả để thay đổi cách nhìn của họ về thủ đô Bình Nhưỡng hôm nay?
Toàn bộ phim sẽ là câu trả lời cho thắc mắc này vì phía Triều Tiên khi mời các nhà báo quốc tế đến tham quan đã chọn lựa những cái tiêu biểu nhất của Bình Nhưỡng rồi. Và ngoài ra, với mong muốn và đam mê nghề nghiệp, các phóng viên Ban Thời sự cũng đã cố gắng hết sức – có lúc khá mạo hiểm – để đem đến cho khán giả những thước phim sống động nhất, trung thực nhất và hiếm có nhất.
Cá nhân chị đánh giá thế nào về thủ đô Bình Nhưỡng sau khi hoàn thành bộ phim tài liệu này?
Tôi chỉ nói một điều: cá nhân tôi, khi trở về từ Bình Nhưỡng đã phải thốt lên rằng: “Đây quả thực là một trong những chuyến đi ấn tượng nhất từ trước đến nay của tôi khi tác nghiệp tại nước ngoài!”. Cả PV Quang Minh và quay phim Việt Anh cũng có cảm nhận giống như tôi vậy!
Nói chung, Bình Nhưỡng có nhiều “kì quan”, cả về các công trình kiến trúc hoành tráng và về ý chí con người. Đối với những thế hệ người Việt Nam đã từng sống qua thời kì bao cấp, những hình ảnh tại Triều Tiên sẽ khá quen thuộc với họ. Còn quen thuộc như thế nào, mời khán giả hãy cùng dõi theo trong bộ phim!
Một câu hỏi cuối cùng, điều gì chị mong đợi nhất ở bộ phim này khi phim lên sóng trong thời gian tới?
Mong đợi rất đơn giản thôi. Đó là được khán giả đón nhận tích cực để bộ phim như một kênh thông tin mới cho khán giả, để lại trong lòng họ những suy ngẫm về ý chí của dân tộc Triều Tiên và về mình!
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này!
Bình Nhưỡng ngày nay được phát sóng trên VTV1 lúc 20h05 ngày 4/12. Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem!
Lan Chi, Ảnh: NV cung cấp
Dưới đây là nội dung bộ phim, được chiếu vào 20h ngày 20/12/2013, thay vì ngày 4/12/2013 như giới thiệu ban đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét