ĐCSVN) - Dù chưa giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn
bản, nhất là các thông tư, thông tư liên tịch, nhưng tình trạng chậm ban
hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được
khắc phục đáng kể.
Tình trạng chậm ban hành, nợ đọng thông tư chiếm tỷ lệ cao
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 23/12/2013, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 122/164 văn bản (107 nghị định, 15
quyết định), đạt 74,39%. Riêng Luật xử lý vi phạm hành chính đã ban hành
được 50/53 nghị định, đạt 94,34%.
Số văn bản chưa được ban hành 42/164 văn bản (gồm 36 nghị
định, 06 quyết định), chiếm 25,61%.
Như vậy, theo Bộ Tư pháp, cuối tháng 12/2013, các Bộ, cơ
quan ngang Bộ phải nỗ lực rất lớn để hoàn thiện 42 dự thảo văn bản, trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. “Nếu không xử lý dứt điểm số
lượng văn bản này thì đây sẽ là nguồn phát sinh nợ đọng vào đầu năm 2014”
– Bộ Tư pháp cho biết.
Cùng với đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban
hành được 20/54 thông tư, thông tư liên tịch, đạt 37,04% (16 thông tư, 04
thông tư liên tịch). Đáng lưu ý, số thông tư, thông tư liên tịch chưa ban
hành là 34/54 văn bản, chiếm 62,96% (29 thông tư, 05 thông tư liên tịch).
|
Một hội thảo về định hướng xây dựng Luật ban hành
văn bản
quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp
tổ chức. (Ảnh: TH).
|
Theo Bộ Tư pháp, kết quả trên cho thấy công tác xây dựng, ban hành văn
bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2013 đã đạt được những chuyển
biến tích cực, nhất là các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có
thời điểm số văn bản nợ đọng đã
giảm thấp nhất trong nhiều năm qua (như cuối tháng 11/2013 nợ đọng còn 19 văn bản), góp phần
cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh; đồng thời, nhanh chóng đưa
các quy định của luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống, bảo đảm thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đề ra
trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị
quyết của Quốc hội, của Chính phủ; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước
và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản quy định chi
tiết thi hành luật, pháp lệnh trong năm 2013 còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, phải kể đến tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa
được giải quyết dứt điểm. Đến nay còn 42 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ chưa được ban hành. Đặc biệt là đối với thông tư, thông tư liên
tịch tình trạng chậm ban hành, nợ đọng chiếm tỷ lệ cao; chỉ tính các văn bản quy
định chi tiết các nội dung được giao theo các luật, pháp lệnh được ban
hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013 thì đến nay
còn nợ 34/54 văn bản, chiếm 62,69%.
Bên cạnh đó, tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định
chi tiết nhìn chung đều chậm, không đúng thời hạn, rất ít văn bản được
ban hành bảo đảm nguyên tắc có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của
luật, pháp lệnh hoặc thời điểm có hiệu lực của nội dung giao quy định chi
tiết trong luật, pháp lệnh; có trường hợp chậm ban hành nhiều năm như đối
với Luật các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, nhưng Nghị
định quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Nghị định quy định
về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính đến nay
chưa được ban hành.
Chất lượng văn bản chưa được như mong muốn, còn tình trạng
để lọt nội dung không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, nhất là
trong thông tư, thông tư liên tịch, gây bức xúc trong dư luận.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng,
ban hành văn bản pháp luật
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nhiệm vụ năm 2014
vẫn tiếp tục nặng nề, dự kiến sẽ phải xây dựng, ban hành khối lượng lớn
văn bản để quy định chi tiết 182 nội dung được giao theo các luật, pháp
lệnh (Luật đất đai giao 76 nội dung, Luật đấu thầu 33 nội dung…); đồng
thời, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) về tình hình xây
dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có
hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.
Do vậy, để triển khai tốt
công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp
lệnh, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản, tạo sự chuyển biến rõ
rệt của công tác này trong năm 2014, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương chỉnh lý,
hoàn thiện các văn bản chưa được ban hành trình Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ ban hành trong tháng 12/2013, chậm nhất là tháng 01/2014; thực
hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và
các Nghị quyết của Quốc hội về công tác xây dựng và thi hành pháp luật;
thực hiện một văn bản quy định nhiều nội dung được giao quy định chi tiết
theo các luật, pháp luật;
Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ khi chuẩn bị các dự án
luật, pháp lệnh cần phải xem xét kỹ, hạn chế nội dung giao quy định chi
tiết, trường hợp cần thiết thì khi trình phải trình kèm theo các nội dung cơ bản
của văn bản quy định chi tiết;
nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản và xác
định nội dung quy định chi tiết là nội dung trong góp ý, thẩm định. Chú ý
hơn nữa việc lấy ý kiến của các đối tượng có lợi ích gắn liền với quy
định pháp luật, nhất là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, doanh
nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội nghề nghiệp;
Đối với các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
cần đề cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn
bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, thực hiện nghiêm nguyên
tắc khi trình dự án luật, pháp lệnh phải trình kèm theo các nội dung cơ
bản của văn bản quy định chi tiết; thực hiện giải pháp ban hành một văn
bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao; Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính
phủ tổ chức thi hành tốt Kế hoạch của Chính phủ thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày
29/11/2013 của Quốc hội;
nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm thời hạn
trình, ban hành văn bản, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát
sinh.../.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét