Trang

Nhãn

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Năm 2014, UBTVQH sẽ giám sát dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ (dangcongsan.vn/cpv)

16:20 | 23/12/2013
(ĐCSVN)  Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định đưa vào Chương trình công tác năm 2014 nội dung giám sát chuyên đề hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 02 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ, do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

 
                        Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng. Ảnh: nld.com.vn 
Tiếp tục Phiên họp thứ 23, chiều 23/12, UBTVQH thông qua Chương trình công tác năm 2014 của UBTVQH và Chương trình hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2014.

Trình bày dự kiến chương trình công tác năm 2014 của UBTVQH, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Về công tác lập hiến, lập pháp, UBTVQH sẽ xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; chỉ đạo việc rà soát luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, UBTVQH sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp.
Bên cạnh đó, chỉ đạo việc triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; kịp thời xem xét, báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết... Trong nội dung này, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, “kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ giám sát hai chuyên đề: Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 02 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư (tại phiên họp tháng 4/2014); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long (tại phiên họp tháng 9/2014).
Liên quan đến công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: UBTVQH sẽ chỉ đạo công tác tiếp dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư gửi đến lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội; nghiên cứu, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân cho phù hợp với tình hình thực tế và theo quy định của Luật Tiếp công dân để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội…
Dự kiến chương trình công tác năm 2014 trên được đa số các thành viên UBTVQH thống nhất cao. 

Cho ý kiến về những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nên xem xét, bố trí các dự án luật vào các tháng cách xa phiên họp của Quốc hội. Ví dụ, các dự án luật đã dự kiến bố trí vào tháng 5 nên dồn vào tháng 4, dự án luật của tháng 10 dồn vào tháng 9. Đề nghị này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình, nhất trí cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị: UBTVQH nên giảm bớt công việc cho Ủy ban Pháp luật để Ủy ban này tập trung vào những công việc nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh:  Từ 1/1/2014, nhiều luật thông qua sẽ có hiệu lực. Vì vậy, cần đôn đốc các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời chứ không thể để tiếp diễn tình trạng nợ đọng văn bản như thời gian qua.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Về công tác lập pháp, trọng tâm năm 2014 là ưu tiên xem xét, thông qua các luật để bảo đảm thi hành Hiến pháp.
Về công tác giám sát, nhất trí với chương trình đã đề ra, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thống nhất đề nghị: Cần tập trung vào tái cơ cấu kinh tế, trong đó phải chú trọng về nợ công, xử lý nợ xấu ngân hàng.
Nhấn mạnh đăng ký kinh doanh là một vấn đề hệ trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Ủy ban Kinh tế giám sát việc quản lý, cấp và đăng ký kinh doanh; tổ chức một buổi nghe báo cáo về việc đăng ký kinh doanh. Đồng thời, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội lên chương trình giám sát các Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua./.
Các từ khóa theo tin:
Kim Thanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét