Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Cảng Sài Gòn phản hồi lời khai chấn động (ttxva.org)

TRUONGMYLAN-DUONGCHIDUNG2

Ông Dương Chí Dũng “không có bất cứ liên quan, ảnh hưởng nào đến việc lựa chọn đối tác thực hiện dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội”
Đó là khẳng định của Công ty TNHH MTV cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) trong công văn gửi các cơ quan báo chí ngày 9-1. Công văn lý giải về mối quan hệ giữa bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP HCM), với ông Dương Chí Dũng, nguyên tổng giám đốc Vinalines; cũng như thực hư những lời khai chấn động của ông này tại phiên tòa xét xử vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Ông Dũng – bà Lan: “Mối quan hệ cá nhân”

Công văn do ông Huỳnh Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, ký nêu rõ: “Đối với lời khai của ông Dương Chí Dũng, là nhân chứng trong vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, được các phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian qua về mối quan hệ với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong dự án chuyển đổi công năng của khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, cảng Sài Gòn khẳng định đây là mối quan hệ cá nhân của ông Dương Chí Dũng và bà Trương Mỹ Lan, hoàn toàn không liên quan và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội”.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, khai trước phiên tòa xét xử em trai là Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng cho biết đã bỏ trốn nhờ tin mật báo của một vị cán bộ cao cấp Bộ Công an sau những tiêu cực tại Vinalines. Ngoài việc biếu 500.000 USD để chạy tội, Dương Chí Dũng còn khẳng định vào năm 2010, ông cùng bà Trương Mỹ Lan đã biếu vị cán bộ cấp cao này 20 tỉ đồng (1 triệu USD) để được giúp đỡ thực hiện dự án chuyển đổi công năng ở cảng Sài Gòn.

Vạn Thịnh Phát “tự rút lui”

Theo lãnh đạo cảng Sài Gòn, dự án di dời, chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2005, đến ngày 24-6-2010 thì có quyết định cho phép doanh nghiệp di dời được liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án.
Ngày 30-3-2012, Vinalines cho phép cảng Sài Gòn thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư dự án và làm đầu mối tìm kiếm đối tác, lập dự án đầu tư và báo cáo để tổng công ty quyết định. Theo cảng Sài Gòn, thời điểm này, ông Dương Chí Dũng đã thôi chức chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines và chuyển công tác sang Cục Hàng hải Việt Nam (từ ngày 6-1-2012).
Ngày 30-3-2012, cảng Sài Gòn đã đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong quá trình đàm phán, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút lui.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước là Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, ra đời năm 1992, do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty chuyên kinh doanh nhà hàng – khách sạn và bất động sản. Các công trình lớn như khách sạn thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence… đều thuộc công ty này.
Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Hiện Vạn Thịnh Phát là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 12.800 tỉ đồng.

Đôn đốc xử nghiêm các vụ tham nhũng

Sáng 9-1, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Năm 2013, Ban Nội chính Trung ương đã theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý 8 vụ án, 2 vụ việc lớn. Hiện có 3 vụ đã được đưa ra xét xử là vụ tham nhũng ở Công ty Cho thuê tài chính II, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.
Ông Nguyễn Bá Thanh – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương – cho rằng dù đạt được những thành tựu bước đầu nhưng các mặt hoạt động của ban chưa đồng đều; chưa chủ động phát hiện, đề xuất ban chỉ đạo xem xét, theo dõi, giám sát những vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng; chưa kịp thời cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong việc theo dõi, đôn đốc các vụ án trọng điểm.
Trong năm 2014, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân.T.Kim
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét